Trong lúc hí hoáy gói quà cho sự kiện Secret Santa ở công ty, ký ức về những mùa Giáng Sinh đầu đời lại ùa về trong tôi — ấm áp, diệu kỳ, nhưng thấp thoáng cảm giác chạnh lòng vì những khoảng cách chẳng dễ gọi tên.
Tôi lớn lên giữa thập niên 2000, cái thời mà người ta còn xài internet “tít tít tè tè,” mặc quần jeans ngang gối, tóc tai kỳ lạ lại trở thành mốt. Những gia đình khá giả hơn thì bắt đầu học hỏi lối sống phương Tây, từ sinh hoạt hằng ngày cho đến thú vui ngày lễ.
Dẫu Giáng sinh không phải điều gì xa lạ ở Sài Gòn, nhất là với cộng đồng Công giáo, phải mãi đến thời điểm đó, ngày lễ mới thực sự lan tỏa đến công chúng. Các hoạt động mừng lễ lúc ấy là sự giao thoa giữa cũ và mới. Không khí Giáng sinh dần phủ kín phố phường: những tiểu cảnh hang đá mộc mạc bên sân nhà, xen lẫn những khu trưng bày hoành tráng tại các trung tâm thương mại. Sắc đỏ và xanh nhanh chóng trở thành màu chủ đạo, tràn ngập các cửa hàng lớn nhỏ. Việc tặng quà cũng nhanh chóng thành điểm nhấn của mùa lễ nhờ sự thúc đẩy đầy nhiệt tình từ các nhà bán lẻ.
Dù chẳng hiểu rõ hết ý nghĩa của ngày lễ, tôi vẫn thấy háo hức. Những thước phim mùa lễ hội trên Disney Channel khiến tôi tin rằng kỳ nghỉ này sẽ biến khoảng thời gian nhàm chán thường ngày thành điều gì đó thật đặc biệt, thậm chí là kỳ diệu. Khi cô giáo yêu cầu cả lớp làm thiệp Giáng sinh tặng nhau, tôi đã nắn nót viết lời chúc chân thành nhất mà vốn từ của một đứa học sinh lớp hai có thể diễn đạt.
Thế nhưng, tôi sớm nhận ra rằng, khác xa những gì Disney vẽ ra, phép màu Giáng sinh không hề miễn phí, và niềm vui cũng chẳng được chia đều cho tất cả mọi người.
Trước ngày lễ, tôi đã cố tình để lại nhiều “dấu hiệu” hy vọng rằng ông già phương Bắc, hoặc ít nhất là bố mẹ, sẽ hiểu ý. Tôi đã nỗ lực cả năm giữ danh hiệu học sinh giỏi, chẳng lẽ không xứng đáng nhận một chiếc ba lô Hello Kitty hay Barbie mới?
Đêm Giáng sinh, tôi đã để lén để cửa sổ mở he hé, sợ rằng ông già Noel sẽ bối rối vì nhà Việt Nam không có ống khói. Nhưng ngạc nhiên thay, ông không xuất hiện qua cửa sổ, mà lại ghé khu phố bằng... cổng hàng xóm. Mấy đứa bạn nhà bên, ăn vận ton-sur-ton, ré lên vui mừng khi được ông cười duyên, trao quà từ chiếc túi nylon nhàu nhĩ và tạo dáng chụp vài tấm ảnh. Đó cũng là điểm dừng chân duy nhất của ông ở xóm tôi tối hôm ấy.
Nói thật tình, ông già Noel này chẳng giống chút nào hình ảnh trong tưởng tượng của tôi: không mũm mĩm, không hồng hào. Thay vào đó, ông có dáng người gầy gò, làn da rám nắng và đôi lông mày đậm nổi bần bật dưới bộ râu giả. Thay vì cỗ xe tuần lộc, ông cưỡi một chiếc Honda Dream, giống hệt xe mẹ tôi đi hàng ngày. Nhưng tôi chẳng bận tâm nhiều đến tiểu tiết, chỉ buồn vì mình không được nhận món quà nào.
Dần dần, tôi nhận đây không phải là ông già Noel “thích nghi văn hóa,” mà chỉ là một người đóng vai, được mời về để mua vui cho trẻ em. Nhưng sự thật đó cũng không làm tôi bớt hy vọng — có quà đã là mừng, không nhất thiết phải từ Bắc Cực. Đến Giáng sinh năm sau, tôi đã tính trước việc nhờ mẹ thuê ông già Noel, như thể mua vé đi dự fan meeting một-một với thần tượng vậy.
Là người thực tế, mẹ tôi liền nhẹ nhàng giải thích rằng nhà tôi không đủ điều kiện chi trả cho dịch vụ này. Nỗi buồn của tôi chỉ nguôi ngoai phần nào khi mẹ đề nghị thỏa hiệp — cả nhà sẽ đi ngắm trang trí Giáng sinh ở trung tâm thương mại, vừa vui vừa không tốn phí. Mẹ dặn dò cả nhà ăn diện thật đẹp để chụp hình bên cây thông ở Diamond Plaza, lấp lánh với những quả cầu khổng lồ, ánh đèn đủ màu và những bông tuyết giả. Tôi cũng được duyệt ngân sách để mua một món quà nhỏ — một cây thông mini cùng vài món trang trí ở chợ nhà thờ. Tuy không hoành tráng như dịch vụ chuyên nghiệp, nhưng cũng đủ để tôi “khoe nhẹ” với bạn bè trong lớp suốt nhiều tuần sau đó.
Theo thời gian, ý nghĩa của Giáng Sinh với tôi dần thay đổi. Từ những mong chờ về ông già Noel, tôi chuyển sang săn lùng các chương trình giảm giá cuối năm. Bữa tiệc của gia đình tôi dần thịnh soạn hơn, kinh tế đủ đầy nên cũng chuẩn bị được thêm vòng hoa, khúc bánh. Nhưng kỷ niệm về mẹ và những mùa Giáng Sinh đơn sơ vẫn luôn hiện diện. Càng thêm trân quý khi tôi lớn lên và tự trang trải chi phí hàng ngày, mới hiểu mẹ đã cố gắng thế nào để mang lại điều tốt đẹp nhất trong khả năng của mình.
Có lẽ sau tất cả, điều kỳ diệu của Giáng Sinh không nằm ở những món quà, mà ở tình yêu và sự hy sinh lặng lẽ của cha mẹ — thứ mà tôi chẳng nhận ra cho đến khi đã trưởng thành.