Thi thoảng khi nghe tiếng chuông đồng leng keng đâu đó, ký ức về những ngày hè oi ả từ một thời rất xưa lại kéo về trong tôi.
Như nhiều đứa trẻ khác ở thành thị, tôi đã đón mùa hè của thời thơ ấu với thật nhiều nỗi chán chường. Phố phường đông đúc khiến chúng tôi không có bãi lau sậy để chạy diều hay ao hồ sẵn tiện nhảy tùm xuống tắm mát. Chúng tôi chịu trận với cái nóng hừng hực trong mồ hôi nhễ nhại, nếu muốn ra ngoài chạy nhảy. Còn khi mặt trời lên đỉnh đầu, con hẻm trở nên im phăng phắc vì ai nấy đều vào nhà trốn nắng.
Trong bầu không khí đặc quánh ấy, thứ âm thanh duy nhất phá vỡ được sự im lặng là hồi chuông đung đưa nhịp nhàng. Những đôi mắt vừa díp lại vì giấc trưa bỗng bật mở, tai căng thật to ra để truy xem tiếng động phát từ đâu. Tôi xỏ vội đôi dép tông chạy lẹp bẹp trên mặt đường nóng phừng phừng để theo đuôi tiếng chuông xa dần. Chạy thật chậm rồi ngừng hẳn ở góc hẻm là một chiếc xe máy cũ kỹ, trên yên gác chiếc hộp đông bằng kim loại.
“Kem đây…kem đây!” chủ của chiếc xe, người đàn ông mà mãi sau này tôi cũng chỉ biết gọi với danh xưng “chú bán kem,” rao rả rít khiến mọi đứa nhỏ trong xóm phải tụm năm tụm ba. Trong trí nhớ của tôi, chú bán kem là một ông già Noel phiên bản nhiệt đới — không tròn trịa, không râu quai nón, người chú gầy gò và đen nhẻm vì dang nắng cả ngày. Nhưng gọi là ông già Noel thì không sai, vì lần nào chú đến cũng mang lỉnh kỉnh những niềm vui mát lành để phát cho chúng tôi.
Từ trong tủ đông, chú bới một lúc thì ra được viên kem nhỏ, đặt lên bánh ốc quế, rồi rắc ít vụn đậu phộng và sữa Ông Thọ, đặt biệt hơn là phần thập cẩm, khi chú bỏ cả ba viên kem núc ních vào ổ bánh mì ngọt, “giá niêm yết” chỉ từ 2.000 đến 5.000 đồng. Trưa Sài Gòn nóng, được cắn vào viên kem như được chuyển về một miền xa, nơi có những làn gió mát và biển hồ xanh dịu dàng.
Đấy là những năm tôi học tiểu học. Tôi tìm mọi cách ven vét từng tờ tiền lẻ nhăn nhúm quanh nhà chỉ để trải nghiệm sự mát lành và ngọt ngào ấy trong phút chốc. Ngày nào không xoay được tiền, tôi chỉ biết đứng tần ngần nhìn qua khe cửa thật lâu cho đến khi bóng xe và tiếng leng keng hút mất, giống như mùa hè đã rời bỏ tôi.
Xét theo chuẩn ngày nay, món ăn tuổi thơ của tôi không phải thứ đồ ăn quá cầu kỳ, hay thậm chí là quá ngon. Kem rất xốp chứ không mềm mịn, đa phần là đá nên tan rất nhanh, hương vị đơn giản — dâu, sô-cô-la, vani và họa may lắm là khoai môn, dừa, đôi khi cũng chỉ khác biệt về thị giác chứ ăn vào chẳng khác nhau mấy. Đáng nhớ nhất là khả năng gây “Tào Tháo rượt ” bất thình lình từng bị báo đài đem ra nhắc nhở.
Chữ “kem” (hay cà rem, theo phương ngữ miền Nam) bắt nguồn từ chữ crème trong tiếng Pháp vì món này du nhập vào Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Crème ở đây là kem tươi, thành phần quan trọng để làm nên món kem gelato đúng nghĩa theo chuẩn Tây phương. Sở dĩ kem ốc quế chỉ có sữa bột và đường, nên không có cái dẻo béo nguyên bản, nhưng vẫn sử dụng chung tên gọi. Đấy là cái sáng tạo của xã hội Việt Nam trong giai đoạn kinh tế khó khăn sau Đổi Mới. Sữa tươi, kem tươi nguyên chất vẫn còn là mặt hàng xa xỉ, việc bảo quản để chống hư hỏng lại càng tốn kém. Nhờ một cái thùng đông đơn sơ, những đứa trẻ từ những gia đình lao động hay phổ thông như tôi cũng được nếm thử dư vị mùa hè.
Tôi nhận ra những mùa hè sau đó của chúng tôi được bao bọc bởi rất nhiều thức quà “giống kem mà không phải kem” như vậy. Chúng đến trên những chiếc xe đạp và xe máy trơ trọi, chở bởi những ông già Noel da ngăm, được báo hiệu bằng tiếng chuông leng keng, hoặc xịn hơn là một tiếng rao thu sẵn được phát to trên loa.
Tôi có thể kể đến món “kem” xi rô đá bào. Chú bán kem, tay lót một chiếc khăn vải, sẽ cầm tảng nước đá thật to đưa qua đưa lại trên lưỡi lam đặc biệt để bào mỏng đá vào ly. Si rô đủ màu và sữa đặc được rưới lên đá để tạo vị ngọt, sanh chảnh hơn nữa có thể rải vài lát trái cây như cam, sơ ri để thêm chút chua chua. Si rô để trong một những thủy tinh xanh sâm, không nhãn mác càng thể hiện độ “uy tín” của xe đá bào.
Kem ống ra đời như một sự nâng cấp của kem ốc quế với những hương vị lạ hơn — đậu xanh, đậu đen, mít. Trong một chiếc thùng inox, mỗi que kem được đựng trong một ống sắt dài nhọn. Hỗn hợp sữa bột được pha chế sẵn rồi, cho vào các ống sắt rồi lắc, xoay tròn và đậy nắp. Bên trong thùng chứa những khay đá to, lạnh toát được bọc muối. Ít phút sau, nước lỏng đã đông lại, từng thanh kem nhả khói nghi ngút khi được vào tay tôi.
Về sau, khi các thiết bị điện gia dụng trở nên rẻ tiền hơn, ngay cả các cô chú trong xóm tôi cũng có thể tham gia nền công nghiệp làm kem thủ công. Tôi không phải chờ đợi tiếng chuông leng keng về đến cuối hẻm nữa, mà có thể ghé tiệm tạp hóa bất khi nào thèm để mua kem bòn bon, kem ya-ua, và kem chuối.
Bòn bon được làm từ nước si rô vị trái cây, vị nước tăng lực cho vào ống nhựa. Ya-ua là sữa chua lên men, còn kem chuối là hỗn hợp từ sữa dừa, sữa đặc cùng chuối dầm. Niềm vui ngày hè của tôi rơi vào những khoảnh khắc đứng trước ngăn tủ đông, ngất ngây trước hơi lạnh tỏa ra, và lựa lặt những thanh kem, bịch kem to nhất như cái cách mẹ tôi chọn rau củ ngoài chợ.
Bây giờ tôi đã lớn, đã đi rất xa khỏi con hẻm ngày xưa. Tiếng chuông cũng chẳng mấy khi còn vang lên trong thành phố, nhiều loại kem ngày xưa tôi chẳng biết tìm lại ở đâu. Kinh tế phát triển đã cho phép người ta được ăn kem từ sữa bò thật, trái cây thật, đủ hương vị, đủ xuất xứ. Vào một ngày hè oi bức, tôi có thể thưởng cho mình viên kem Ý hữu cơ, một ly kem bơ Đà Lạt, một tô kem Hàn Quốc. Nhưng chẳng sao quên được những cảm xúc thời thơ ấu, cách cái vị ngọt lơ lợ, nhân tạo một cách tạm bợ ấy làm cho trưa nắng bớt ủ dột, đủ để người ta thấy bé lại tức khắc khi nghe tiếng leng keng thoáng qua vào một ngày hè.