Trước khi những món tráng miệng ngoại nhập như trà sữa, bánh tart, hay bingsu có mặt tại Việt Nam, gói sữa bột Milo, với mẫu mã đơn giản và giá tiền phải chăng, đã phủ sóng khắp các tiệm tạp hóa và gánh hàng rong.
Sữa bột Milo chính là ngôi sao sáng trong vũ trụ tuổi thơ của tôi. Dù là ăn với đá bào, sữa, hay sinh tố, tôi luôn quyết tâm trộn bột Milo hoặc bột cacao vào đồ uống của mình để nâng cấp hương vị. Sự pha trộn giữa vị đắng của bột cacao cùng vị ngọt của sữa, và cảm giác lạnh lạnh, the the của đá tạo nên “vũ khí” hoàn hảo chống lại những ngày oi bức.
Trở lại với cái nóng oi ả của mùa hè Sài Gòn sau hai tháng mùa đông lạnh giá tại Đông Phi, tôi càng nóng lòng được tái ngộ với thứ thức uống mang hương vị sô cô la ấy. Hành trình khám phá thế giới tráng miệng Sài Gòn của tôi cũng bắt đầu. Tôi trở về Việt Nam sau 10 năm xa xứ, và trong 10 năm đó, những “biến thể” của Milo đã mọc lên khắp thành phố: từ Milo ăn với bánh mì, bánh bông lan Milo, kem que Milo, đá bào Milo, đến bánh tiêu Milo và bánh dừa Milo. Lạc vào thế giới của những sáng tạo mang hương vị Milo, tôi tình cờ khám phá lại một món ngon từ tuổi thơ, nay đã tái sinh dưới hình hài “Milo dầm.”
Nhờ một đồng nghiệp Saigoneer giới thiệu, tôi đã tìm đến một trong những địa chỉ sáng tạo ra loại đồ uống này (theo lời đồn). Nguyên liệu của Milo dầm rất đơn giản: đá bào được phủ và trộn cùng bột cacao, sữa đặc và bột Milo. Công thức dù giản đơn nhưng có sức hấp dẫn khó bỏ qua. Kết hợp với những loại topping mới và đa dạng, Milo dầm từng làm mưa làm gió thị trường tráng miệng của giới trẻ.
Nằm ngay hành lang tầng một của một tòa nhà cũ trên đường Tôn Thất Thiệp (Quận 1), là một quầy Milo dầm trước cửa nhà cô chủ. Quầy Milo này đã tồn tại gần một thập kỷ. Bước lên những bậc cầu thang của tòa nhà cổ kính, tôi được đón chào bởi hàng loạt các loại thạch màu sắc đa dạng và những chiếc ly chứa Milo pha sẵn. Tôi gọi cho mình một ly Milo dầm đầy đủ các loại topping khác nhau.
Trên lớp đá bào của ly Milo dầm “ngoại cỡ,” cô chủ quán phủ một lớp hạt trân châu dai dai, còn tầng dưới là sữa Milo đậm vị cacao được phủ thêm một lớp bột Milo mỏng. Sốt cacao được trải lên lớp đá bào và kết hợp với sữa tươi tạo nên một hỗn hợp có kết cấu tương tự sinh tố. Chủ quầy thêm lớp viên trân châu đường đen và các loại thạch màu sắc để tạo nên món đồ uống hoàn chỉnh. Trân châu đường đen dai và không quá nhão, còn hỗn hợp cacao được chuẩn bị theo công thức bí mật của chủ quầy có chút hậu vị đắng nhưng vẫn ngọt ngào hài hòa. Đối với những ai tìm kiếm thức quà ngọt ngào, mát mẻ để tự thưởng sau những giờ làm việc dài hoặc vận động mệt mỏi, đây chính là một lựa chọn hoàn hảo.
Ngôi sao của ly Milo dầm này chắc chắn là chiếc bánh flan khổng lồ trên cùng. Bánh flan được chủ tiệm làm mỗi sáng để giữ nguyên hương vị kem tươi ngon và kết cấu mềm mịn. Flan có kích thước lớn hơn so với những chiếc bánh flan được phục vụ tại các cửa hàng khác; toát ra một mùi hương thơm ngậy từ trứng và sữa. Tôi múc một thìa Milo kèm theo topping đầy ụ và một ít bánh flan, hương vị cacao và trứng tan chảy trong miệng.
Tưởng chừng như đây chỉ là một thứ tráng miệng đơn giản, nhưng Milo dầm còn là điểm hội tụ của các nền “văn minh ăn vặt.” Bột Milo lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1994, được nhập khẩu từ Australia. Năm 1997, sản phẩm bột Milo đầu tiên được sản xuất tại Đồng Nai, và từ đó, hũ Milo “Made in Vietnam" đã trở thành một phần không thể thiếu trong tủ bếp của nhiều gia đình Việt Nam, đặc biệt được ưa chuộng bởi giới trẻ Sài Gòn. Ngược lại, viên trân châu có nguồn gốc từ Đài Loan. Khi làn sóng trà sữa bắt đầu lan tỏa ra khắp thế giới, viên trân châu cũng đổ bộ vào Việt Nam và được tận dụng để tạo ra các món ăn ngon mắt khác. Trong khi đó, ngôi sao của món này, bánh flan, đã theo bước chân của các linh mục Tây Ban Nha đến Việt Nam, rồi được phổ biến trong thời kỳ Pháp thuộc. Như vậy, các yếu tố phá cách trong món Milo dầm phản ánh những thay đổi trong lịch ẩm thực Sài Gòn, đồng thời lưu giữ hương vị tuổi thơ của những thế hệ khác nhau.
Nằm ngay cạnh Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quầy Milo dầm còn có chiếc view xịn xò hướng về Bitexco. Độ xế chiều, quán trở nên đông đúc vì có nhiều người đến thưởng thức. “Cách đây 3-4 năm, mấy bạn trẻ thích uống Milo dầm lắm. Cứ đến 4-5h chiều là tụi học sinh đứng xếp dài để mua,” cô chủ quán chia sẻ. Tới nay, loại đồ uống này vẫn được yêu thích bởi người trẻ, thường là mua sau giờ học, giờ làm việc cùng bạn bè hoặc mua mang đi.
Vượt qua thử thách của thời gian, Milo dầm kết nối cả quá khứ và hiện tại, thể hiện tinh thần ẩm thực không ngừng tiến hóa của Sài Gòn. Đối với tôi, một người gốc Sài Gòn, đây không chỉ đơn giản là một loại đồ uống; mà còn là một kho ký ức của những năm tháng tuổi thơ không lo nghĩ. Chủ quán cười: “Cô mong là mọi người có thể dành thời gian để nhâm nhi ly Milo dầm, nhấm nhấp từng ngụm, khuấy trộn thật đều, nhai từng viên trân châu thật kĩ. Tại vậy nên người ta mới gọi nó là 'Milo dầm’ đó, mình phải chậm lại, mới thưởng thức nó trọn vẹn được.”
Cacao Dầm Chính Gốc mở cửa từ 10h sáng đến 10h tối. Quán nằm ở tầng 1 của chung cư Tôn Thất Thiệp.
Đánh giá:
Hương vị: 4/5
Giá cả: 4/5 — 45.000VND cho một ly đầy đủ topping
Không gian: 5/5
Độ thân thiện: 4/5
Địa điểm: 5/5
Cacao Dầm Chính Gốc
Tầng 1, 42 Tôn Thất Thiệp, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM