Như những Gen Z chính hiệu khác, tôi rất khổ sở khi mắc phải căn bệnh “ra dẻ” mỗi mùa deadline. Vì thế lực thần bí nào đó, tôi thấy mình phải cắm rễ ngày đêm ở tiệm cà phê, như thể đang xin vía năng suất từ không khí “chill chill” ở hàng quán.
Sự thật là, khi người ta bận rộn, chuyện ngồi cà kê ở tiệm cà phê cũng trở thành nỗi cám dỗ khôn lường. Được ngắm nghía người này người nọ, nhâm nhi món đồ uống ngon, lắng nghe bầu không khí tĩnh lặng xen kẽ tiếng cốc va lách cách — nghe đã thấy thật thích, thật muốn cống hiến cho tư bản rồi đúng không? Tất nhiên không phải cứ ra đó ngồi là đảm bảo ý tứ, số sách sẽ tuôn ra, nhưng đó là ván bạc 60k mà dân bán chất xám luôn sẵn sàng đánh đổi.
Nép mình trong một con hẻm ở Quận 3, Passengers thoạt trông không khác gì những tiệm cafe nhỏ xinh, hoài cổ khác mà người ta hay đến làm việc ở Sài Gòn. Mặt tiền thơ mộng của tiệm làm tôi lập tức nhớ đến phân cảnh chiếc tủ trong Biên niên sử Narnia khi lũ trẻ nhà Pevensie nghe lời mời gọi mà băng qua chiếc cửa gỗ và cánh vườn phép thuật để bước vào thế giới màu nhiệm. Ngay cả cái tên quán — Passengers/Hành khách — cũng như phép ẩn dụ về một chuyến hành trình, mà đích đến có lẽ là chốn ẩn nấp riêng tư nào đó đằng sau cánh cửa gỗ.
Mường tượng của tôi lại “đúng chóc” bởi cánh cửa ấy dắt tôi đến một thế giới khác, không huyền ảo như Narnia mà C.S Lewis đã viết, nhưng cũng kỳ diệu không kém trong từng ngóc ngách. Tách biệt khỏi thanh âm náo nhiệt của con phố buôn bán gần đó, không gian của cửa tiệm được bao trùm bởi sự ấm cúng. Mọi thứ đều đi theo một phong cách thẩm mỹ chủ đạo, trông vừa lộn xộn vừa duyên dáng như thể ở đây mới có ai mở garage sale.
Phong cách ấy được định nghĩa bằng những món đồ nội thất bằng gỗ và tre nom chẳng ăn nhập gì lắm với nhau, một chiếc sofa vàng ươm như bưng từ phim trường Friends, cộng với những đồ vật ngẫu nhiên vừa dùng để trang trí vừa để lưu giữ kỉ niệm của người chủ. Mà hệt như thế giới của Narnia, cái duyên dáng đến lạ kỳ ấy càng được khuếch đại khi có thêm sự hiện diện của nhiều người bạn đồng hành bốn chân.
Mở cửa từ năm 2018, cửa tiệm được vận hành bởi một cặp đôi trẻ ở độ tuổi U30. Cả hai có niềm tin vào một triết lý hiện sinh, rằng con người chỉ đơn thuần là “những vị khách quá giang trên hành tinh rộng lớn này,” và vì thế, mỗi người trong chúng ta đều nên “cố gắng để khi mình đi, mình để lại mọi thứ như khi mình đến” bằng cách tôn trọng mẹ Trái Đất hết mức có thể. Cũng chính vì triết lý này mà cửa tiệm đã chọn xây dựng thực đơn xoay quanh các đồ uống thuần chay, đồng thời trở thành mái ấm cho các em chó mèo cơ nhỡ được chủ tiệm nhận nuôi.
Passengers chưa bao giờ tự nhận mình là cafe thú cưng, nhưng chó và mèo là một phần không thể tách rời khỏi cá tính của tiệm. Các em xuất hiện ở mọi góc, khi là nằm phơi nắng ngoe nguẩy dưới ánh mặt trời, khi là chào đón khách hàng bằng một tràng sủa thân thiện (mấy em mèo thì sẽ liếc mắt thôi). Cứ như thế, những vị khách con người và những cư dân bốn chân của “vương quốc” chia sẻ một tình bạn thầm lặng và không tên — một bên dành sự cưng nựng và chú ý mỗi khi nghe tiếng “gâu gâu” và “meo meo” bên tai, một bên giúp đối phương gỡ rối những phiền muộn của thế gian bên ngoài cánh cửa gỗ.
Lần đầu tiên tôi đến thăm Passengers, tôi đã định lấy cảm hứng từ không gian thơ mộng của tiệm để viết cho xong bài báo mà tôi đã “ngâm” cả tháng. Đọc những bài review tích cực từ những vị khách trước đây, tôi cứ đinh ninh rằng chỉ cần ngồi giữa đống nội thất “nghệ cả củ” và nghe nhạc indie văng vẳng bên tại là mình sẽ tự có động lực để hoàn thành deadline.
Nhưng đó chỉ là suy nghĩ ngây thơ của tôi. Gu chọn nhạc của tiệm quả thật là “đỉnh của chóp” — những bài hát của Clairo và Honne mà tôi yêu thích cứ lần lượt được phát xen kẽ. Nhưng mà trong sáu lần tôi ghé thăm tiệm, tôi chả buồn gõ hơn một trang, tay tôi cứ bận vuốt ve em “hoàng thượng” nào thèm để ý đến tôi. Những “hành khách” khác trong tiệm cũng vậy, ai cũng đành ngậm ngùi phân chia sức tập trung giữa màn hình máy tính và em mèo nào đã chui tọt vào lòng mình.
Bên cạnh dàn vedette lắm lông hùng hậu, một trong những điều khiến các khách hàng quay trở lại Passenges là thực đơn đồ uống xuất sắc ở đây. Các công thức đều được pha chế để phù hợp với phong cách vừa xanh tươi vừa ấm cúng của tiệm. Một nửa thực đơn là các loại đồ uống có vị trái cây như trà và mojito, nửa còn lại là cà phê hoặc sữa làm từ thực vật. Là một người mắc chứng không dung nạp đường sữa, tôi vẫn ghét các lựa chọn làm từ sữa thực vật vì chúng thường khá nhạt nhẽo. Ấy mà thế nào, tôi lại mê mẩn từng hương vị mà Passengers đã sáng chế.
Ly hạt sen và sữa gạo dùng kèm với thạch rau câu dai dai có dư vị béo ngậy, còn món yêu thích của tôi, ly matcha dừa đá xay lại mang vị thanh nhẹ của sữa đậu nành, có chút thoang thoảng hương hạnh nhân.
Đối với những ngày mưa, tôi khuyên bạn nên thử gọi "Choc 'n nutty," món sữa sô-cô-la phiên bản thuần thực vật của Passengers. Tuy nhiên, hãy gọi một phần sữa nóng thay vì đá, bởi vừa nhấm nháp từng giọt ấm áp của thứ đồ uống ngọt lịm này, vừa đánh mắt nhìn mảng vườn xanh mướt của tiệm sẽ khiến bạn cảm thấy như đang được dịch chuyển tức thời đến một cabin giữa rừng cây Đà Lạt.
Điều trớ trêu nhất đối với tôi là trên hành trình tìm kiếm một góc nhỏ để viết, tôi đã đặt chân đến một nơi mà có lẽ tôi sẽ không hoàn thành bất cứ việc gì ngoài chuyện chọc phá mấy em hoàng thượng ở đây. Vậy nên Passengers giờ đã được cho một danh phận mới trong sổ địa chỉ của tôi; không còn là một nơi lý tưởng để làm việc dù có nhiều phẩm chất hứa hẹn, mà là một nơi để nghỉ ngơi, đọc sách và chữa lành tâm hồn. Một nơi để ngồi cạnh người thương và tìm sự đồng điệu qua những cuộc trò chuyện về em mèo yêu thích của bạn.
Suy cho cùng, đi uống cà phê cũng là một chuyến hành trình mà, sao mình không thưởng thức nó cùng một hành khách khác?
Passengers mở cửa từ 9h30 sáng đến 9h30 tối mỗi ngày trừ thứ Tư.
Đánh giá
Hương vị: 5/5
Giá cả: 5/5
Không khí: 5/5
Độ thân thiện: 5/5 — Em bé Lu được 10/5 vì lúc nào cũng rất ngoan khi đón tôi.
Địa điểm: 4/5
Passengers - Fruity & Nutty Drink
46/9 Trần Quang Diệu, Phường 13, Quận 3, TP. HCM