Sài·gòn·eer

Back Ăn & Uống » Uống » Hẻm Gems: Giai thoại ‘biệt động’ ly kỳ bất ngờ đằng sau quán cà phê quận 1

Trong danh mục các món có thể ăn kèm cơm tấm, kimchi có lẽ không phải một lựa chọn phổ biến. Kimchi có bắp cải giòn tan, thấm đẫm ớt bột cay nồng, có chút đăng đắng thanh tẩy khẩu vị — khá giống với các loại đồ chua lên men khác mà chúng ta hay ăn với cơm tấm. Nhưng thử đi ra một xe đẩy bất kỳ xin dĩa cơm tấm kimchi, cô bán hàng có lẽ sẽ “đá đít” bạn tức khắc. Ấy vậy nhưng ở quán Cà Phê Đỗ Phủ-Cơm Tấm Đại Hàn tại phường Tân Định, đây lại chính là một món ăn đặc trưng với nguồn gốc gắn liền với một giai đoạn thăng trầm của thành phố.

Để tìm hiểu câu chuyện đằng sau “combo” đặc biệt này, trước tiên ta phải bước lên cỗ máy thời gian để lội ngược dòng lịch sử cách đây vài thập kỷ. Ra đời vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Biệt Động Sài Gòn là một lực lượng đặc công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Lực lượng hoạt động sôi nổi trở lại vào đầu thập niên 1960 nhằm lật đổ chính quyền Ngụy đương thời. Nhiệm vụ của họ là lên kế hoạch và thực hiện các cuộc đột kích bí mật lên các toán quân của Mỹ và các nước đồng minh. Về sau, chuỗi sự kiện này đã được dựng thành bộ phim Biệt Động Sài Gòn, trong đó có một nhân vật được xây dựng dựa trên nguyên mẫu là ông Trần Văn Lai. Sắm vai một nhà thầu khoán nội thất, ông đã mua lại nhiều nhà để làm căn cứ cất giữ vũ khí, đồng thời phân phối tình báo quan trọng cho lực lượng kháng chiến.

Một số ngôi nhà cùng kho vũ trang của ông đã được khôi phục lại hiện trạng ban đầu để phục vụ mục đích tham quan và nghiên cứu. Saigoneer đã có dịp viếng thăm các di tích này trong một chương trình tham quan năm ngoái. Nổi bật nhất trong số đó có lẽ phải là căn hầm ẩn dấu bên dưới hai ngôi nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu, mà theo ghi nhận năm 1967, cất trữ hơn hai tấn súng, bom, chất nổ, lựu đạn, và vũ khí nói chung. Tuy nhiên, có một “địa chỉ đỏ” khác, lặng lẽ và ít người biết hơn, cũng đóng góp một phần lớn cho nỗ lực giải phóng. Đó là một ngôi nhà hai tầng với ngoài giản dị tại số 113A Đặng Dung, nơi căn hầm chứa vũ khí ngày xưa vẫn nằm ẩn mình dưới một ngăn tủ kéo.

Nếu có căn hầm như thế này trong nhà, bạn sẽ làm gì?

Tuy thấy lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng bay phấp phới trước mặt tiền ngôi nhà suốt nhiều năm, tôi vẫn không hề hay biết gì về lịch sử nơi này. Vào thời điểm đó, tôi đã tặc lưỡi nghĩ đây chỉ là một trong hằng hà sa số các quán cà phê retro na ná nhau gần chỗ mình ở.

Cà phê Đỗ Phủ nổi bật trong số các quán cà phê vintage của Sài Gòn, vì hầu hết các hiện vật đều thực sự thuộc về không gian nơi đây, chứ không chỉ được mang vào để tạo cảm giác hoài cổ.

Quán có tầng hai rộng rãi với ban công lớn rất phù hợp để vừa hóng gió “chill chill” vừa nhâm nhi cà phê. Quán sử dụng đồ nội thất gỗ dễ gây “ê đít” nếu ngồi lâu và cũng không bắt máy lạnh nên không gian có thể hơi ngột ngạt vào ban trưa. Nhưng vào những khung giờ mát mẻ hơn trong ngày, quán là nơi cực kỳ yên tĩnh và lý tưởng để ghé thăm. Khi Saigoneer ghé quán vào một ngày Chủ Nhật độ 7 giờ sáng, lúc quán vừa mở cửa, chúng tôi có dịp “trưng dụng” cả tầng hai để ăn sáng no nê và đắm mình trong khung cảnh của một thời đã qua của Sài Gòn.

Thư tay và ảnh chụp của ông Trần Văn Lai treo trên tường.

Mặc dù lưu giữ vô số hiện vật quý giá, từ các dụng cụ, đồ điện tử cũ, đến ảnh chụp, đồ gia dụng xưa, Cà phê Đỗ Phủ không phải là một bảo tàng. Chúng đơn thuần tái hiện lại không gian thẩm mỹ của ngôi nhà vào giữa thế kỷ 20, chứ không giới thiệu sâu xa gì thêm về câu chuyện sau đó. Sẽ có một số hiện vật mà các vị khách sinh sau đẻ muộn vẫn nhận mặt được như cái cà men từ thời Liên Xô. Nhưng cũng có những hiện vật khó “chỉ mặt đặt tên” hơn, như bộ cầu chì kiểu cũ kế bên cửa nhà vệ sinh, mà ai ngày xưa lỡ “đúp” lớp học nghề điện chắc chắn sẽ không biết.

Ngoài ra, các hiện vật trong quán cũng thường xuyên bị di chuyển và sắp xếp lại. Tôi đã háo hức dắt team Saigoneer đi coi bộ sưu tập tiền cổ được quán bảo quản trong một tập hồ sơ, nhưng lần ghé thăm gần đây nhất, tôi đã không tìm thấy nó nữa. Có một số chú thích để giới thiệu cơ chế hoạt động của ngăn tủ che chắn hầm vũ khí, cũng như một chút thông tin sơ lược về Biệt động Sài Gòn qua các hình chụp cũ. Tuy nhiên, để thực sự hiểu được vai trò quan trọng của ngôi nhà này trong chiến dịch giải phóng thành phố, khách viếng thăm sẽ cần tự đọc và tìm hiểu rất nhiều nguồn tài liệu khác.

Khung cảnh quen thuộc trong những ngôi nhà từ thập niên 1990.

Tới đây độc giả có lẽ sẽ thắc mắc: vậy cơm tấm kimchi thì liên quan gì ở đây? Theo như chủ quán bật mí với tôi: Ông Lai và các đồng chí suy luận rằng nơi tốt nhất để che dấu hoạt động cách mạng của mình là nơi thanh thiên bạch nhật, hiển nhiên đến mức không ai nghi ngờ tới. Họ “tung hỏa mù” cực thuyết phục bằng cách mở luôn một nhà hàng để mời quân địch — các binh sĩ của quân đội Nam Triều Tiên — dừng chân ăn cơm tấm và uống cà phê.

Cơm tấm khá ngon so với tiêu chuẩn “đồ ăn do tiệm cà phê nấu.” Đáng tiếc là khi chúng tôi ghé thăm, mẻ kimchi của ngày hôm ấy chưa được giao.

Đến nay, món kimchi “cộng sản” vẫn được chế biến thủ công và giao tới quán tươi ngon mỗi buổi sáng. Kimchi được ướp theo vị Việt Nam, nên không cay như kimchi Hàn Quốc và không áp đảo hương vị của miếng sườn mỡ, của hạt cơm tấm và lát rau xà lách giòn giòn. Bạn cũng có thể nâng cấp dĩa cơm của mình bằng cách gọi thêm chả trứng hoặc bì heo. Một số thực khách đã review quán thấp điểm vì vì thịt sườn ở đây không được nướng kiểu “phồn thực” trên vỉ than như mấy tiệm cơm lề đường, nhưng theo tôi, bét lắm thì cơm tấm Đại Hàn cũng thuộc hàng “trung bình.” Trung bình không phải vì dở, mà vì cơm tấm Sài Gòn nói chung quá ngon rồi.

Ghế ngồi có độ “ê đít” cao, nhưng không đến nỗi nào nếu bạn không ngồi lâu.

Danh mục đồ uống ở đây khá ngon nhưng không để lại ấn tượng gì quá xuất sắc. Có đa dạng các món cà phê, trà, nước hoa quả (trong đó có sâm dứa khá ổn áp) nhưng chúng tôi đành không để hình trong bài vì màu sắc hơi đối chọi với những hiện vật cổ xưa chung quanh.

Ở đây cũng có phục vụ món bia bơ, nhưng không phải món bia ngọt ngay như trong thế giới của Harry Potter. Loại này là bia “hàng thật” — được nấu cùng hỗn hợp caramen và bơ. Nghe rất hấp dẫn, nhưng vì không muốn xỉn lúc 8 giờ sáng, chúng tôi đành phải khước từ món này. Bạn đọc tốt bụng nào có ghé qua hãy review giúp Saigoneer nhé.

Nhà có ban công ở cả hai bên nên khá thoáng mát.

Ngay cả khi không có giai thoại lịch sử rất “oách,” Cà Phê Đỗ Phủ vẫn xứng đáng nằm trong danh sách “phải ghé thăm” của Saigoneer vì mang đến món cơm tấm độc đáo cũng như không gian yên tĩnh ở một khu phố hay ho của Sài Gòn. Nhưng một khi đã biết về câu chuyện về món cơm tấm kimchi và vai trò quan trọng của tòa nhà trong lịch sử đất nước, nơi này càng trở nên đặc biệt hơn. Mỗi công trình ở Sài Gòn đều mang trong mình một câu chuyện, nhưng hiếm có địa điểm nào có câu chuyện hấp dẫn đến mức mời gọi người ta ghé thăm hết lần này đến lần khác như quán cà phê “biệt động” này.

Cà Phê Đỗ Phủ-Cơm Tấm Đại Hàn mở cửa từ 7h sáng đến 10h tối.

Đánh giá:

Hương vị: 4/5
Giá cả: 3/5
Không gian: 5/5
Độ thân thiện: 4/5
Địa điểm: 4.5/5

Cà Phê Đỗ Phủ

113A Đặng Dung, Phường Tân Định, Quận 1

In bài này

 

Bài viết liên quan

in Uống

Hẻm Gems: Dư vị trà chiều ấm áp ở quán Hàn Quốc giữa lòng phố Nhật

Đằng sau khung cửa của Tokyo Moon là một xứ sở thần tiên được gói gọn trong không gian 35m2.

in Uống

Hẻm Gems: Passengers có cà phê thuần chay, không khí Đà Lạt và những người bạn bốn chân

Như những Gen Z chính hiệu khác, tôi rất khổ sở khi mắc phải căn bệnh “ra dẻ” mỗi mùa deadline. Vì thế lực thần bí nào đó, tôi thấy mình phải cắm rễ ngày đêm ở tiệm cà phê, như thể đang xin vía năng s...

in Uống

Ngõ Nooks: Không gian hoài niệm cho người trẻ Hà thành tại Căng Tin 109

Ở Hà Nội, thị trường cafe theo phong cách hoài cổ đang có xu hướng bão hòa.

Paul Christiansen

in Uống

Hẻm Gems: Hớp ngụm cà phê gừng ấm bụng tại 'phố hoa' Phú Nhuận

“Bông hoa chưa bao giờ được sinh ra để chứng kiến khúc khải hoàn của quả ngọt.”

in Uống

Hẻm Gems: Reading Cabin, khi quán cafe, thư viện, và văn phòng phẩm về chung mái nhà

Nếu phải dùng một cụm từ, tôi sẽ miêu tả Reading Cabin là “tất cả các quán cafe của Sài Gòn hoà làm một.”

in Uống

Hẻm Gems: Trời chợt nắng chợt mưa, ghé cafe Lost & Found tìm nơi trú ẩn

Mở cửa từ giữa năm nay, Lost & Found là một chiếc cafe mới toanh, có người "chị em thất lạc" là Lost & Found Bar tại Nguyễn Thị Minh Khai. Cả hai quán đều theo đuổi phong cách Sài Gòn những năm trước ...