Sài·gòn·eer

BackĂn & Uống » Uống » Hẻm Gems: Đi uống trà chiều, ngồi tâm tình thong dong ở Góc Nhà Tụi Mình

Hẻm Gems: Đi uống trà chiều, ngồi tâm tình thong dong ở Góc Nhà Tụi Mình

Là dân địa phương Đà Nẵng, tôi thường nhận được câu hỏi nên đi đâu, ăn gì uống gì từ những người bạn đến từ nhiều nơi khác nhau. Và trong danh sách mà tôi vắt cạn chất xám để chỉ cho họ, chắc chắn không bao giờ thiếu trà quán Góc Nhà Tụi Mình — nơi tôi đã lui đến liên tục trong vòng sáu năm qua.

Góc Nhà Tụi Mình nằm trong con hẻm nhỏ 36 Lê Duẩn, cạnh trường THPT Phan Châu Trinh, ngôi trường cấp 3 lớn nhất thành phố, cũng là nơi tôi từng theo học. Đối với tôi, việc biết đến Góc Nhà Tụi Mình như một cơ duyên tốt, bởi vì đây là địa điểm quan trọng đã chứng kiến hành trình trưởng thành của tôi xuyên suốt sáu năm đến trường.

Với bản tính hay ngồi lê đôi mách và thích tâm tình văn thơ (thẩn) của những cô nàng chuyên Văn thuở ấy, việc tìm thấy Góc Nhà Tụi Mình như là một lẽ tự nhiên với tôi. Nơi đây có một khoảng hiên đầy cây xanh mát, mùi thơm của trà, mở nhạc xưa của Trịnh, của Ngô Thụy Miên… Giữa lúc cơn bão trà sữa đổ bộ vào thị trường Đà Nẵng năm 2017, phát hiện này có lẽ là một thành tựu lớn.

Góc Nhà mang phong cách hoài cổ tương tự nhiều quán xá khác tại Đà Nẵng, nên thứ cốt lõi khiến mọi người đến đây không phải là cách bài trí, mà là danh mục thức uống được chăm chút, cũng như không khí gần gũi, thân quen, đúng với tên gọi của quán. Dòng thức uống chủ đạo của quán là hơn vài chục loại trà Việt, có thể kể đến những cái tên nổi tiếng như: Trà Ô Long sữa (Bảo Lộc), trà Shan Tuyết (Hà Giang), trà bạc hà (Sa Pa). Bên cạnh đó, quán còn bán vài loại rượu Việt như rượu mơ rừng Điện Biên hay rượu dâu tằm, sau đó mới đến một vài loại trà “ngoại lai,” cà phê và các thức uống khác.

Bước vào quán, các vị khách sẽ được trà nương — nhân viên nữ có kinh nghiệm và sự am hiểu nhất định về trà — tư vấn cho loại trà có hương vị họ mong muốn. Cô cũng chia sẻ về các quy tắc trong trà đạo theo một cách dễ hiểu và không hề giáo điều, như “đây là trà táo đỏ kỷ tử không hề gây mất ngủ mà còn giúp điều hòa tâm trạng” hay “loại trà ô long này không nên chế nước sôi trực tiếp vào vì sẽ gây cháy trà, làm trà không ngon nữa ạ.”

Nhờ vậy, vốn từng là người nghĩ đến trà tương đương với nước chè mà các cụ hay uống, hay “định kiến sâu đậm” trà chỉ là đơn giản như gói trà Thái Nguyên màu xanh, màu vàng hay được bày bán ở siêu thị, tôi đã phân biệt được: Ồ, hóa ra thế giới của trà lại đa dạng và muôn vẻ đến thế! Tôi thường gọi trà ô long sữa theo công thức đặc trưng của quán: có hương vị dậy mùi sữa tự nhiên nhờ cách ướp độc đáo mà quán luôn tự hào.

Không chỉ tôi, có lẽ nhiều người cũng mắc phải những nhận định tương tự. Rằng trà chỉ là thức uống dành cho người lớn tuổi, còn lại, nó là thứ đồ uống quá xa xỉ với người trẻ về mặt vị giác. Khi tôi hỏi một số người bạn cùng tuổi về việc đi uống trà, chúng nó sẽ nhanh nhảu: “Trà sữa à? Quán nào thế?” Chúng ta thường ưu ái những món đồ uống ngọt ngào, dễ chịu như trà sữa hay trà trái cây hơn là nghĩ đến “trà” nguyên bản, để rồi khi đề cập đến chữ trà đúng nghĩa, nhiều người không khỏi ái ngại và bối rối.

Hiện tại, văn hóa uống trà đã phổ biến hơn và không mấy xa lạ với người trẻ, thế nhưng chỉ vài năm trước đây, những lúc tôi ngồi ở quán, không hiếm khi thấy những vị khách mới ngạc nhiên vì họ nghĩ Góc Nhà chỉ bán trà sữa, hay thậm chí có người thốt lên rằng: “Trà cũng bán như này được?”

Nhờ chứng kiến những cảnh tượng này, tôi dần dà yêu thích sự chỉn chu và giá trị tinh thần của văn hóa uống trà mà Góc Nhà được xây dựng trên. Trong một lần trò chuyện cùng anh Huy Hùng và chị Ái Tầm, hai anh chị đồng sáng lập Góc Nhà Tụi Mình, tôi đã được nghe anh chị chia sẻ rằng:

“Thật ra ban đầu thành lập quán trà, ai cũng nghĩ anh chị bị ‘khùng’ hết! Sáu tháng đầu quán dường như không hề có khách, đến mức người bạn thân thiết thấy thương quá nên cứ đi qua ủng hộ rồi động viên anh chị đừng đóng cửa quán. Mà đúng là mạo hiểm và khùng thật, vì mình yêu trà là một chuyện, còn kinh doanh được hay không thì nó là một chuyện khác. Ngành hàng ăn uống, ai cũng mong có nhiều khách, muốn vậy thì phải ‘đuổi khéo’ người ta thật nhanh để còn đón khách khác. Còn loại hình trà này lại mời khách đến thăm, ngồi lại chơi càng lâu càng tốt, làm sao mà lời.”

Chị Tầm kể tiếp: “Nhưng càng đi nhiều, anh chị càng thấy trà Việt Nam mình đa dạng và quý lắm. Cứ hỏi 10 người trẻ có khi 8, 9, hoặc cả 10 người đều không biết nó quý như thế nào. Nên chị rất muốn lan tỏa văn hóa về trà đến người trẻ. Cứ mỗi lần có thời gian thì chị lại trò chuyện với khách về trà, giới thiệu xuất xứ và cách uống để họ có thể biết hơn đôi nét về văn hóa trà Việt — thứ mà các du khách nước ngoài thường rất quan tâm nhưng ở mình thì chưa được như vậy.”

Sau sáu năm thấy gương mặt lê la cả ngày của tôi ở quán, anh Hùng và chị Tầm bắt đầu gọi tôi ra để dạy cho nhiều kiến thức hay ho về trà, không khác gì như đang… mài dũa một trà nương. Đối với trà trồng, loại trà và giá tiền sẽ được phân loại theo độ cao, càng lên cao sẽ càng đắt giá, theo thứ tự từ thấp đến cao là trà móc câu, trà tôm nõn và trà đinh (cách gọi của vùng trà Thái Nguyên).

Thật ra ban đầu thành lập quán trà, ai cũng nghĩ anh chị bị ‘khùng’ hết! Sáu tháng đầu quán dường như không hề có khách, đến mức người bạn thân thiết thấy thương quá nên cứ đi qua ủng hộ rồi động viên anh chị đừng đóng cửa quán.

Hiện tại, Góc Nhà chỉ kinh doanh trà tôm nõn và trà đinh vì muốn phổ biến hương vị của hai loại trà này và muốn nó được biết đến nhiều hơn. Trà đinh chỉ hái lấy đọt, phần ngọn trên cùng của cây, do vậy cách thức thu hoạch rất khó khăn và cầu kỳ. Có một số loại trà nếu muốn thu hoạch được, người trồng trà phải leo lên cây cổ thụ cheo leo từ tờ mờ sớm mới hái được vài đọt nhỏ, nhiều nhất chỉ thu hoạch được 2kg trà đối với cây to. Sau đó, người nông dân phải mang về phơi sương, hong khô và xao bằng tay để đảm bảo được chất lượng của trà.

“Thấy được cảnh này trở về, chị không bao giờ dám để rơi một cọng trà nào,” chị Tầm nói. Do vậy, Góc Nhà luôn giữ khách uống ít nhất ba lần nước trà trước khi về, và luôn giải thích cho khách hiểu và chủ động châm trà.

Nhân đây, tôi cũng xin được thú nhận một sự thật trong bài viết này, rằng Góc Nhà luôn là lựa chọn cho những ngày… vét túi của tôi và bạn bè. Một ấm trà dành cho hai người tại quán có giá trung bình khoảng 60.000–70.000VND, lại còn được tặng một bao bánh đậu xanh ăn kèm. Thêm một người nữa chỉ phụ thu thêm cái giá phải chăng 10.000VND. Như vậy, nhóm bạn ba người của tôi vừa vặn cho lựa chọn này, chỉ với chưa tới 25.000VND, chúng tôi có thể ngồi “ê hề” đến khi no nước rồi về. Đi từ Bắc Chí Nam vài lần, tôi vẫn chưa tìm được nơi thứ hai kinh doanh theo kiểu “níu khách” kì lạ như vậy.

Một yếu tố đặc biệt khác ở Góc Nhà là trà nương tại đây đều là học sinh, sinh viên đi làm thêm như các quán cà phê, trà sữa thường thấy. Thế nhưng, thời gian đào tạo một trà nương có phần vất vả hơn so với việc phục vụ cà phê hay trà sữa rất nhiều, vì các bạn vừa cần học thuộc hết tên các loại trà, vừa phải nhớ chi tiết cách pha của từng loại, cũng như cách bảo quản nó. Thông thường, mỗi khi tuyển một người mới, anh Hùng thường mất tối thiểu một tháng rưỡi đến hai tháng để nhân viên quen dần với công việc ở quán. Nhưng rồi khi các bạn rời đi để tiếp tục những công việc đúng với hoạch định của mình, họ cũng mang đi rất nhiều tình yêu về trà lẫn về Góc Nhà.

Chị Tầm kể, có một vài trà nương đi du học, họ mua trà mang theo để pha uống, trong sự trầm trồ và ngạc nhiên của người Tây. Hoặc gần gũi hơn, một số bạn hình thành thói quen uống trà, cứ đến đúng giờ bạn lại pha một ấm trà để uống, vô hình trung khiến những người xung quanh tò mò và tìm hiểu về trà nhiều hơn. Để rồi, những suy nghĩ trà này như “trà đá free ngoài hàng ăn” dần thưa, thay vào đó là những tiếng gọi món quen dõng dạc, không cần xem menu của những gương mặt trẻ. Có lẽ, đây là một tín hiệu tốt và đáng mừng, đúng với tinh thần mà anh Hùng và chị Tầm đã luôn theo đuổi.

Những ngày đầu đến đây, thực lòng tôi đã không để tâm quá nhiều về câu chuyện đằng sau từng lá trà, khi tôi cũng có những vấn đề riêng của mình. Tôi có một “cái chân đau” không thể quên “để nghĩ đến một cái gì khác” như Nam Cao đã từng viết trong 'Lão Hạc.' Thế rồi tôi tập uống trà như một hình thức rèn luyện tính kiên nhẫn và buông bỏ đi chấp niệm, vì trong trà “có nhanh có chậm” (trích lời anh Hùng). Để thưởng được trọn vị trà, bạn phải biết “vừa đủ.” Nếu hấp tấp vội vàng, trà sẽ chưa kịp nguội, dễ dẫn đến bỏng và đổ vỡ. Nếu chậm, trà sẽ hỏng và không còn vị thơm ngon nữa. Và biết đâu một ngày nào đó, tôi sẽ buông bỏ đi được cái chân đau của mình?

Góc Nhà Tụi Mình mở cửa từ 7h đến 22h hàng ngày.

Đánh giá:

Hương vị: 5/5
Giá cả: 5/5
Không gian: 5/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 5/5

Góc Nhà Tụi Mình

36 Lê Duẩn, Hải Châu 1, Hải Châu, Đà Nẵng

In bài này

Bài viết liên quan

Paul Christiansen

in Ăn

Hẻm Gems: Quán bánh khọt không tên đem hơi thở Vũng Tàu ra tận Quy Nhơn

Ngày xửa ngày xưa ở thành phố biển nọ, một món bánh khọt độc lạ đã được ra đời.

in Uống

Hẻm Gems: Passengers có cà phê thuần chay, không khí Đà Lạt và những người bạn bốn chân

Như những Gen Z chính hiệu khác, tôi rất khổ sở khi mắc phải căn bệnh “ra dẻ” mỗi mùa deadline. Vì thế lực thần bí nào đó, tôi thấy mình phải cắm rễ ngày đêm ở tiệm cà phê, như thể đang xin vía năng s...

in Uống

Hẻm Gems: Uống bia thủ công, xem chiếu bóng tại quán bar ẩn mình trên Khôngtrung

“Cảm ơn bạn đã liên hệ Khôngtrung.bar. Giờ mở cửa 06h tối–1h sáng, thứ Hai đến Chủ nhật. Cửa mở tự do. Cocktails, bia thủ công, chiếu bóng ngoài trời - Thứ Năm và Chủ nhật. Cảm ơn và gặp nhau ngẫ...

in Uống

Ngõ Nooks: Mết, quán cà phê '7 người bạn' bán tâm tình cho tháng ngày cô đơn

Hôm đó là một ngày trời mưa lâm râm. Dưới tiết trời Hà Nội, cái lạnh cùng cơn mưa đã cuốn tôi vào những nỗi buồn không tên. Lang thang khắp phố phường thì bỗng nhiên tôi bắt gặp được Mết — một quán ca...

in Ăn

Hẻm Gems: 'Dì Gái ơi! Lấy một tô bún chả cá gia truyền Đà Nẵng hỉ?'

Đôi lúc, một tô bún chả cá nóng hổi có thể xoa dịu phần nào những xót xa, cay đắng của người dân miền Trung khi cơn bão đi qua.

Khôi Phạm

in Uống

Hẻm Gems: Ghé Cú Trên Cây trốn kẹt xe, mua cây cảnh, uống cà phê

Một ngày trời thu đầy gió năm 2019, tôi đã làm chuyện ấy. Cái chuyện mà gần như đứa Gen Y tâm lý mông lung bất ổn nào cũng ít nhiều sẽ từng làm một lần trong những năm đôi mươi: tôi tậu một chậu cây.