Sài·gòn·eer

Back Ăn & Uống » Ăn » Hẻm Gems: Quán bánh khọt không tên đem hơi thở Vũng Tàu ra tận Quy Nhơn

Hẻm Gems: Quán bánh khọt không tên đem hơi thở Vũng Tàu ra tận Quy Nhơn

Ngày xửa ngày xưa ở thành phố biển nọ, một món bánh khọt độc lạ đã được ra đời.

Một trong những cái thú lớn nhất khi chu du Việt Nam là được nhâm nhi đặc sản ở từng vùng miền: Đà Lạt có bánh mì xíu mại, Hội An có cao lầu, Hà Nội có chả rươi. Vậy còn Quy Nhơn? Khi Saigoneer đặt chân đến đây, chúng tôi ngấm ngầm trong bụng rằng sẽ phải kéo nhau đi thử những quán bánh xèo, bánh hỏi cháo lòng, hay bún chả cá nổi tiếng của thành phố. Thế nhưng trong dịp vi vu thành phố biển lần này, chúng tôi đã có một ngã rẻ khác về ẩm thực: bánh khọt.

Bánh khọt là loại bánh được làm từ bột gạo hoặc bột sắn đúc tròn, được ăn cùng với nhân tôm, rau sống và nước mắm pha. Bánh khọt là món ăn phổ biến trên toàn miền Nam, nhưng trừ danh nhất thì phải nhắc đến phiên bản bánh khọt của Vũng Tàu. Khi được đồng nghiệp mách cho một quán bánh khọt ở Quy Nhơn, tôi vừa tò mò, vừa nghi hoặc không biết liệu món ăn sẽ có hình hài như thế nào.

Mặt tiền khiêm tốn của quán bánh khọt không tên tại số 19 Hàn Thuyên khiến chúng tôi phần nào bối rối. Quán nằm đối diện trường học, chung quanh là nhiều tiệm tạp hóa, quán ăn khác. Trong quán chỉ có vỏn vẹn bốn cái bàn và vài cái ghế đẩu, tuyệt nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy đây là quán ăn nổi tiếng, không có đến một anh Grab nào đứng túc trực giao hàng. Nếu không phải do được giới thiệu, tôi có lẽ đã đi ngang qua đây mà không để ý đến.

Tuy nhiên, khi thấy đĩa bánh khọt “túa lúa xua” đầu tiên được đem ra, chúng tôi biết ngay rằng bánh khọt ở đây không phải loại tầm thường. Ngoài công thức bánh khọt quen thuộc nhân tôm và trứng cút, ở đây còn có các loại bánh khọt nhân mực đầy đủ, nhân thịt bò và nấm mèo đầy ụ.

Bánh khọt không phải là món ăn yêu thích của tôi. Vì cách chế biến, vị tôm nhè nhẹ trong bánh khọt thường bị áp đảo bởi mỡ heo khi chiên, khiến bột bánh bị dầu mỡ và ngây ngấy, chỉ được cứu vớt bởi hương vị của rau sống và nước mắm ngon ngọt. Không phải không ngon, nhưng cái ngon của món ăn lúc này có lẽ là rau chấm nước mắm hơn là phần bột.

Theo tôi, topping thêm thịt bò và nấm phải nói là một cuộc cách mạng trong lịch sử chế biến bánh khọt. Hương vị đậm đà của hai nguyên liệu này giúp “trấn áp” cảm giác dầu mỡ, nên khi ăn sẽ thấy đỡ ngấy và “cuốn” hơn rất nhiều. Quán ngay từ đầu cũng không cho quá nhiều dầu để chiên bánh, nên các phần bánh khọt truyền thống nhân tôm hoặc trứng chắc chắn sẽ làm các tín đồ của bánh khọt hài lòng.

Bên cạnh thịt bò, mực cũng là một loại nhân mới lạ không thể bỏ qua. Cá nhân tôi có một niềm tin rằng, động vật chỉ có thể có một trong hai số phận: có ngoại hình “hay hay,” hoặc có hương vị “ngon ngon,” nhưng không thể có cả hai tố chất cùng một lúc (ví dụ: con sứa nhìn ngầu nhưng ăn không ngon; cá trê ngon bá cháy nhưng ngoại hình thì trung bình). Một số cơ quan nội tạng của mực tạo ra ánh sáng phát quang để đánh lạc hướng kẻ thù, một số loài mực có chứa dopamine mang lại cảm giác “lâng lâng” cho con người, các cá thể mực đực còn có thể dùng phần đuôi xúc tu để làm “cậu nhỏ” nữa. Hay ho quá đúng không? Mà theo quy luật tự chế của tôi, đã hay ho thì vị hương vị sẽ không đặc biệt. Tất nhiên, mực có thể được dùng để chế biến các món ăn, nhưng xét đơn lẻ thì đây có lẽ là một nguyên liệu khá tẻ nhạt.

Tuy bánh khọt hải sản không đặc sắc bằng phiên bản thịt bò, độ dai dai, mềm mềm của mực vẫn mang đến một sự phá cách cho món ăn. Những lát mực màu sắc cũng phần nào giúp chiếc bánh khọt đơn giản ghi điểm với team “ăn bằng mắt.”

Tuy nhiên, quán bánh khọt ở số 19 Hàn Thuyên không chỉ phá cách vì kết hợp thêm thịt bò. Dù là người theo “đạo nước mắm,” tôi vô cùng ấn tượng với phát kiến của quán trong chén nước sốt đậu phộng — loại nước chấm thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn miền Trung. Nước sốt đậu phộng đậm đà, thơm ngon thêm nhiều tầng vị cho bất cứ món gì bạn nhúng vào, bánh khọt cũng không phải ngoại lệ. Tôi mừng thỏm khi thấy chai nước sốt đậu được để sẵn trên bài để thực khách thỏa thích “refill.”

Nhưng làm thế nào mà món bánh khọt thịt bò này lại ra đời? Chủ quán, chú Huy, chia sẻ rằng chú là người gốc Vũng Tàu. Bốn năm trước, chú từ bỏ công việc sửa xe và chuyển về Quy Nhơn mở quán ăn. Để phục vụ khẩu vị của người địa phương, chú đã điều chỉnh công thức món bánh khọt của mình, nước sốt đậu và mực từ đó mà gia nhập thực đơn. Mà vì đã lỡ phá bỏ khuôn khổ của bánh khọt truyền thống, chú quyết định “chơi lớn” cho trót và kết hợp luôn thịt bò vào món ăn này.

Sức sáng tạo của những người con xa xứ trước nguyên liệu địa phương khi di cư đến những vùng đất mới đã góp phần cho ra đời các phiên bản khác nhau của những món ăn vốn đã phổ biến, như phở cuốn Hà Nội hay bánh tráng nướng Đà Lạt. Món bánh khọt biến tấu ở số 19 Hàn Thuyên như mời gọi thực khách bước khỏi vùng an toàn để thưởng thức những món ăn quen thuộc, được biến tấu để mang hơi thở khác lạ của mỗi vùng miền.

Bên cạnh đó, quán bánh khọt tại số 19 Hàn Thuyên cũng mang đầy đủ những tố chất của một Hẻm Gems sáng giá: xuề xòa, nhưng không hề tầm thường. Quán có ít bàn ghế nhựa trên vỉa hè, chục đôi đũa lệch pha xếp chồng lên nhau, lọ nước mắm khổng lồ, và quan trọng nhất, khăn giấy mỏng tang vừa đủ để lau miệng — tất cả những điều làm nên điểm nhấn cho nền ẩm thực đường phố Việt Nam. Giá cả ở đây cũng vô cùng phải chăng. Một đĩa bánh khọt thập cẩm, đủ để no căng bụng, chỉ có giá 25.000VND. Cô chú chủ quán lại cực kỳ dễ thương và thân thiện, luôn ân cần hỏi từng vị khách có cần thêm rau sống hoặc đồ chua để ăn cùng bánh khọt hay không.

Nhưng có thêm một điều thú vị nữa chờ bạn khi đến số 19 Hàn Thuyên. Ngay bên cạnh quán là một quầy nước ép bán sữa chua nếp cẩm ngon tuyệt cú mèo. Không chỉ mang hương vị tươi mát, món tráng miệng này còn giúp trung hòa lượng dầu mỡ từ bữa ăn no nê.

Nếu đến đây vào buổi chiều, bạn sẽ bắt gặp một khung cảnh thân thuộc: các vị phụ huynh xếp hàng để đón con trước cổng trường. Vài gia đình cũng tấp vào quán bánh khọt để ăn bữa xế sau giờ học. Biết đâu đó, món bánh khọt nhân mực, bò, chấm sốt đậu này là phiên bản bánh khọt duy nhất mà các em nhỏ ở đây từng thưởng thức. Và các em không biết rằng, thật đặc biệt biết bao khi món xế chiều hàng ngày của các em lại là một sáng tạo độc nhất vô nhị không có ở nơi nào khác. Dòng chảy của không ngừng nghỉ của ẩm thực vùng miền Việt Nam đã viết nên những câu chuyện thú vị như thế đấy.

Bánh Xèo Bánh Khọt Hàn Thuyên mở cửa từ from 2h chiều đến to 8h tối (hoặc sớm hơn nếu quán hết bánh).

Đánh giá:

Hương vị: 4/5
Giá cả: 5/5
Không gian: 4.5/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 4/5

Bánh khọt

19 Hàn Thuyên, Phường Hải Cảng, Quy Nhơn

In bài này

Bài viết liên quan

in Ăn

Hẻm Gems: 'Dì Gái ơi! Lấy một tô bún chả cá gia truyền Đà Nẵng hỉ?'

Đôi lúc, một tô bún chả cá nóng hổi có thể xoa dịu phần nào những xót xa, cay đắng của người dân miền Trung khi cơn bão đi qua.

Paul Christiansen

in In Plain Sight

Hóng gió biển trên cung đường trekking ngắm bình minh đẹp nhất Quy Nhơn

Bạn thích đi biển hay leo núi hơn?

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Chè bột lọc heo quay ở Sài Gòn liệu có ngon như ở Huế?

Khi hai nguyên liệu cấu thành món ăn đều thuộc hàng cực phẩm trong thế giới của mình, không có gì thất vọng hơn một thành phẩm chỉ dừng lại ở mức ăn tàm tạm.

in Ăn

Hẻm Gems: Đậm đà hương vị biển cả trong bánh canh hẹ Phú Yên

Từ nhỏ tôi đã là một đứa chẳng ưa gì rau củ, nhưng hành lá là một ngoại lệ đối với tôi. Tôi xem hành như loại gia vị tuyệt vời để tô điểm thêm màu sắc cho món ăn, và nếu vô tình bắt gặp dĩa cơm tấm ha...

in In Plain Sight

Những ký ức đóng băng ở trại phong Quy Hoà

Trong tâm trí của nhiều người, bệnh phong vẫn là một thứ gì đó đáng sợ. Nhưng vượt qua những định kiến, đâu đó vẫn có những cộng đồng nơi tình thương và sự cảm thông kết nối con người với con người. L...

Paul Christiansen

in Ao Ta

Vẻ đẹp mê hoặc nhìn từ trên cao của tháp Chăm Bình Định

Vượt qua những vòng xoay thời gian, những di sản kiến trúc của ngàn năm trước còn tồn tại đến ngày nay là mảnh ghép ký ức rõ nét nhất, gợi nhắc về những chương sử đã qua.