Nhiều người khi đặt chân đến Bình Dương sẽ thắc mắc xem: nên ăn gì bây giờ? Điều này dễ hiểu, không phải vì nơi đây ít món ăn, mà vì Bình Dương là nơi giao thoa của nhiều cộng đồng văn hóa, nền ẩm thực ở đây cũng vì thế mà đa dạng hơn. Cái khó là không biết chọn món nào để ăn.
Trong một lần ghé thăm Bình Dương vào buổi sáng sớm, tôi hỏi thăm một người dân đã sống lâu năm tại Thành phố Thủ Dầu Một thuộc trung tâm tỉnh Bình Dương xem đâu là món ăn “tinh hoa,” nhất định phải thử khi du lịch ở đây. Cô và những người hàng xóm ngồi cạnh đều đồng lòng chỉ đến một con hẻm nhỏ, trên đường Văn Công Khai.
Sau một lúc tìm kiếm, xe tôi đứng ở đầu con hẻm nhỏ. Từ đây nhìn vào trong, tôi đã có thể thấy một quán mì nhỏ, mấp mé nào là bàn, ghế và những người đang ngồi ăn.
“Để xe ở đó rồi vô ngồi đi em,” chị chủ và những người bán trong quán đón chào tôi bằng một câu nói hết sức thân thương theo cái kiểu Nam bộ. Tôi tò mò liệu quán ăn nhỏ này đã bán bao lâu mà thực khách này vừa đi, thực khách kia lại đến, liên tục và nhiều như vậy.
“Mẹ chị bán đến nay đã gần 30 năm rồi đó em. Nhà chị đông anh em lắm, nhưng ai cũng ở xa hết rồi. Chỉ có chị ở đây bán phụ mẹ thôi,” chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, chủ quán, kể.” Hóa ra, gần chục năm trước mẹ chị là người mở sạp hàng ở đây, danh tiếng bà từ đó gắn liền với món mì. “Ở đây mà nói quán mì bà Chín thì ai cũng biết, còn nói tên chị thì không ai biết đâu,” chị Ánh nói thêm. Kỳ thực, khi nhìn xung quanh quán, bất kỳ món đồ nào cũng phủ lên mình những vết xước, lớp sơn phai màu theo thời gian.
Vừa nhâm nhi tô mì ban sáng, thực khách còn dễ dàng bị cuốn theo những câu chuyện quá đỗi đời thường của người ăn đối diện. Chị Ánh cho biết ngày chị còn nhỏ, quán mì đã tồn tại và trở thành niềm nhớ thương của những người con thành phố Thủ Dầu Một, vì thế chị không biết quá nhiều về giai đoạn khi mẹ chị gầy dựng nên cơ ngơi nhỏ này. Trong ký ức ít ỏi, chị nhớ mẹ chị đã học hỏi những công thức lưu truyền trong cộng đồng người Hoa để nấu ra hương vị mì này, về sau mới mang ra bán cho bà con hàng xóm.
Thuở ấy, quán cũng bán tại vị trí này với một quầy mì nhỏ và những chiếc bàn thấp ở xung quanh. Cứ như vậy, ngày nào quán cũng tỏa khói đón tiếp người dân nơi đây suốt 30 năm. Chỉ khoảng 3–4 năm đổ lại, chị Ánh mới chính thức thay mẹ tiếp quản việc nấu, bán mì. Lý do vì hiện tại, sức khỏe bà Chín đã yếu, không còn nhanh nhạy để làm ra những tô mì đã quá đậm đà “hương vị bà Chín” như trước đây. Chị Ánh kể: “Lúc đó mẹ có chỉ chị nấu, nhưng rồi chị cũng điều chỉnh lại chút xíu theo khẩu vị mình.”
Thực khách đến đây đều có những trải nghiệm, sở thích khác nhau. Không ít người tìm đến vì muốn thưởng thức hoặc thấy nhớ thứ hương vị chính gốc của mì bà Chín. “Khách khứa đến đây đều hỏi là ‘bà Chín đâu rồi, sao không bán nữa.’” Nhưng vẫn có những thực khách chuộng hương vị đã được tinh chỉnh của phiên bản hiện tại.
Tại quầy nấu mì của chị Ánh, nhiều loại đồ ăn được bày đầy ắp như hoành thánh chiên, thịt bằm, hành phi, mì khô, nước lèo… Tôi gặng hỏi thì chị Ánh kể: “Từ 12 giờ tối, chị làm và một chị khác trong nhà phụ, chứ một mình làm không xuể.”
Quán mì bà Chín chủ yếu bán hai món là mì nước và mì khô. Nghe theo những người khách ruột của quán, tôi gọi một tô mì khô kèm hoành thánh, vì hoành thánh chiên ăn cùng mì cũng chính là điểm độc lạ ở đây. Trước khi ăn một tô mì, tôi quen tay nặn thêm vào đó một lát chanh, sau đó trộn đều và bắt đầu thưởng thức.
Chị Ánh cho biết: “Sợi mì này là mì của người Tàu. Quán chị lấy mối từ hồi của mẹ đến bây giờ. Ở đây không bỏ chất hàn the, nên mì có màu vàng rất nhạt.” Sợi mì có đặc điểm là nhỏ, nhưng săn chắc, ăn vào không bị mềm hay bở.
Tô mì có thịt bằm, thịt xắt, một ít hành lá trộn đều với nước sốt. Ăn vào, thực khách liền cảm nhận một độ ngọt nhẹ toát ra từ sợi mì. Nhờ sợi mì săn chắc, người ăn vừa cắn vào liền đứt ra, thay vì dai dai như một số loại mì khác nên càng ăn, cảm giác đói càng tăng thêm. Những lát thịt rất mềm, khi ăn kèm mì và một ít tóp mỡ giòn rụm thêm vào một ít rau trụng mang lại cảm giác rất hài hòa.
Không ít người ăn đến đây đều tự hỏi vì sao nước lèo lại ngọt thanh đến lạ. Chị Ánh cho biết nước này được nêm nếm ít gia vị, chủ yếu là hầm xương, mực trong thời gian dài để cho ra hương vị ấy. Nếu mì và thức ăn liên tục đưa thực khách đi từ vị ngọt thanh, đậm đà sang độ mặn nhẹ, thì hoành thánh chiên có vị lạt, giúp người ăn được nghỉ ngơi trên hành trình trải nghiệm của vị giác. Những lá hoành thánh chiên ở đây không có nhân thịt bên trong như bao chỗ khác, thường ăn kèm với tương ớt hoặc tương đen.
Mì bà Chín mở cửa từ 6h đến 10h30 hàng ngày.
Đánh giá:
Hương vị: 5/5
Giá cả: 5/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 4/5
Mì bà Chín
55 Văn Công Khai, Phú Cường, Thủ Dầu Một, Bình Dương