Từ nhỏ tôi đã là một đứa chẳng ưa gì rau củ, nhưng hành lá là một ngoại lệ đối với tôi. Tôi xem hành như loại gia vị tuyệt vời để tô điểm thêm màu sắc cho món ăn, và nếu vô tình bắt gặp dĩa cơm tấm hay hộp xôi mặn mà thiếu đi lát hành băm nhỏ, cơn thèm ăn của tôi sẽ lập tức bốc hơi. Nhưng có một lần, vào thời còn đi học, tình yêu của tôi đối với các loại hành ngò đã bị thử thách, khi tôi chợt thấy một bức ảnh chụp món bánh canh hẹ Phú Yên ở trên mạng.
Hình ảnh tô bánh canh với một màu xanh phủ khắp bề mặt khiến tôi không khỏi sốc. Sau lần đó, dù vẫn thỉnh thoảng gặp lại hình ảnh bánh canh hẹ khi đang lướt web, nhưng tôi không hề có ý định sẽ đi ăn thử, vì sự lạ lẫm của món ăn khiến tôi nghĩ rằng đó chỉ là chiêu trò câu like nào đó.
Mãi cho tới gần đây, tôi mới biết được rằng bánh canh hẹ Phú Yên là một món đặc sản bình dân của miền Trung, được làm từ những nguyên liệu dễ mua và dễ tìm trong vùng. Như bánh canh được làm từ gạo Phú Yên, nước dùng được ninh từ cá đánh bắt ở nơi đây. Còn cái màu xanh nổi bật hơn tất cả là những lá hẹ cũng trồng ở ngay tỉnh nhà, có mùi thơm và hương vị nhẹ nhàng. Theo người dân địa phương, những lá hẹ được rải nhiều như thế vào bún để thay cho các loại rau giá và cũng làm giảm đi mùi tanh của nước dùng.
Khi vỡ lẽ ra rằng mình đã hiểu sai về thứ đặc sản vùng miền độc đáo này, tôi quyết định rằng phải đích thân đi trải nghiệm để xem hình thù của tô bún như thế nào. Tôi cùng đồng nghiệp tìm đến thiên đường ẩm thực Phan Xích Long và địa chỉ của Bánh Bèo Cô Mai tọa lạc trên đường Hoa Sứ. Chúng tôi đặt chân xuống quán ngay vào giờ trưa nên Bánh Bèo Cô Mai cũng khá đông khách, nhưng may mắn là vẫn có cơ hội trò chuyện cùng anh nhân viên để tìm hiểu thêm câu chuyện đằng sau quán ăn.
Theo chia sẻ của anh, đây là quán ăn của một gia đình gốc Phú Yên. Trước đây, họ đã từng mở một quán ăn ở dưới chân núi Nhạn, thuộc thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên. Cách đây 7 năm, cả gia đình cùng chuyển ra Sài Gòn lập nghiệp và mở quán ăn. Thực đơn hoàn toàn giống với quán cũ, gồm ba món đặc sản Phú Yên: bánh canh hẹ, bánh bèo và bánh hỏi. Anh nói thêm về những nỗ lực của gia đình trong việc duy trì công thức truyền thống: “Ở dưới quê mình làm như thế nào thì ở đây làm y chang vậy. Không thay đổi gì hết.”
Cũng đến lúc món ăn đã được dọn ra bàn. Được chiêm ngưỡng món bánh canh hẹ lần đầu tiên trong đời, tôi bị ấn tượng bởi vẻ ngoài độc đáo và cũng phần nào ngạc nhiên bởi sự giản đơn của món đặc sản này. Lá hẹ cắt nhỏ tạo ra một lớp màu xanh mướt phủ trên mặt nước dùng, nhấp nhô trong nước dùng là những miếng chả cá chiên, trứng cút luộc và một lát cá thu, các loại “mồi” rất quen thuộc. Chỉ cần thêm vào một vài lát ớt nhỏ là ta đã có một món đặc sản Phú Yên hấp dẫn và lạ mắt.
Sự đặc biệt của hương vị bánh canh hẹ có lẽ đến chủ yếu từ nước dùng. Do được ninh từ cá nên nước dùng có mùi hơi tanh nhẹ nhưng không hề ảnh hưởng đến hương vị tổng thể của món ăn. Mùi hương đặc trưng của lá hẹ Phú Yên, của cá thu và những miếng chả cá, hòa quyện vào nhau tạo nên nước dùng ngọt và thanh mát. Khi nếm thử, tôi cảm thấy như mình đang được ngồi thưởng thức thứ đặc sản này ngay cạnh vùng biển khơi.
Sợi bánh canh được làm từ bột gạo, nhỏ hơn và ít dai hơn so với những loại bánh canh thường thấy ở Sài Gòn như bánh canh cua. Sợi bánh được chủ quán trụng vừa đủ nên khi ăn vào sẽ thấy mềm và có độ dẻo rất dễ chịu khi nhai.
Những thành phần hải sản trong món bánh canh hẹ mang hai đặc tính trái ngược nhau. Miếng cá thu thì mềm và có độ béo, khi ăn vào thì rất thuận miệng. Ngược lại, chả cá chiên thì dai sần sật và để lại một dư vị ngọt nhẹ sau khi ăn. Thực khách có thể chấm cá với nước mắm của quán để thêm chút hương vị biển cả hơn nữa vào bánh canh hẹ.
Bánh bèo và bánh hỏi là các món ăn kèm. Mỗi chiếc bánh bèo được để nguyên trong chén hấp, phù hợp để nhiều người cùng thưởng thức. Cả hai loại bánh này sẽ được rưới dầu hẹ và rắc lên chà bông, vụn bánh mì và hành phi. Điểm nhấn của hai món ăn này chính là chén nước mắm chua ngọt ăn kèm.
Nhìn chung, trải nghiệm “đầu đời” của tôi với bánh canh hẹ Phú Yên là một sự thành công. Vì yêu thích hương vị bánh canh của quán mà tôi đã quay lại vài lần. Qua những lần gặp lại, tôi mới để ý rằng hầu như quán lúc nào cũng đông đúc, nên có thể nói đây là một lời khẳng định gián tiếp về chất lượng món ăn của quán Cô Mai. Vì vậy, nếu bạn đang muốn thưởng thức những món ăn mang bản sắc của vùng biển, bạn có thể ghé thử quán Bánh Bèo Cô Mai, và trải nghiệm món bánh canh hẹ Phú Yên được làm từ tay nghề của những con người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này.
Bánh Bèo Cô Mai mở cửa tử 7h sáng đến 10h tối. Một tô bánh canh hẹ có giá 45,000VND, các món bánh bèo và bánh hỏi đều đồng giá 40,000VND.
Đánh giá:
Hương vị: 5/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 5/5
Bánh Bèo Cô Mai Phú Yên
54 Hoa Sứ, Phường 7, Phú Nhuận, TP. HCM