Sài·gòn·eer

BackĂn & Uống » Ăn » Hẻm Gems: Giải nhiệt cùng mì lạnh trứ danh của phố người Hàn Quận 7

Như cái cách hai nhân vật chính trong phim tình cảm gặp gỡ lần đầu, những lần đầu của tôi và các món ăn xa lạ thường bắt đầu bằng một tai nạn nào đó khiến tôi phải “nhục như con cá nục.”

Chẳng hạn như lần đầu ăn cao lầu Hội An, tôi đã lớ ngớ xin chủ quán cho thêm nước dùng để ăn chung với mì, mà theo như truyền thống ở miền Trung, là điều quê xệ khi ăn cao lầu. Hẻm Gems lần này kể lại lần đầu đáng nhớ của tôi với món ăn quốc dân của người Hàn vào mùa hè, mì lạnh naengmyeon.

Naengmyeon được người Hàn Quốc ưa chuộng vào mùa hè nhờ hương vị và thành phần thanh mát. Tuy nhiên, theo hội người ghiền naengmyeon — trong đó có YouTuber ẩm thực Maangchi — đây là món ngon không phân biệt thời tiết hay thời gian, có thể được thưởng thức quanh năm.

Sợi mì naengmyeon được làm từ các loại bột rau củ, phổ biến nhất là bột kiều mạch, bột khoai tây, bột khoai lang, bột năng, bột sắn và bột củ dong. Sợi mì có màu tím than, kết cấu dẻo dai, cắn vào thấy giòn, và không bị nở, nhão dù ngâm trong nước lâu, còn nước dùng thì vô cùng mát lạnh, có độ chua nhẹ và hương vị đậm đà, điểm xuyến bởi chút nốt ngọt. Bên trên mì được rắc các nguyên liệu phụ như củ cải ngâm và dưa leo cắt sợi, trứng luộc và mè rang.

Dù sống ở vùng khí hậu nóng ẩm, người Việt thường không quá ưu ái việc kết hợp yếu tố mặn và lạnh trong nấu nướng, chỉ trừ một số trường hợp ít ỏi, như món thịt đông ngày Tết ở miền Bắc. Đến mùa hè, người ta tìm đến những món ăn như canh chua, canh ngót, hoặc đồ uống như nước dừa hay nước sâm để giải nhiệt. Phải đến khi lớn lên, tôi mới thật sự học được cách thưởng thức những món mì lạnh nhờ biết đến zaru soba của Nhật Bản, và naengmyeon của Hàn Quốc.

Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với mì lạnh Hàn Quốc là nhiều năm trước, khi tôi còn học tiểu học. Gia đình được mời tham gia một buổi tiệc buffet giới thiệu ẩm thực Á châu, trong đó có nhiều món xa lạ mà tôi thuở nhỏ chưa thấy hay thử bao giờ — một hàng sashimi nhỏ xinh nằm trên một chiếc thuyền gỗ giữa bàn ăn, bên cạnh đó là những chồng hộp tre nồi hấp, đầy ắp những loại dimsum khác nhau. Nép mình ở góc phía sau là một cái tô pha lê lấp lánh, bên trong xăm xắp nước lạnh phảng phất mùi thảo mộc.

Bị thôi thúc bởi sự tò mò, tôi quyết định múc thứ hỗn hợp bí ẩn này vào hai cái ly, đem chúng về bàn, rồi thận trọng nhấp thử một ngụm. Vị mặn, vị chua, và chút vị gì đấy như vị dưa muối thoáng qua trong vòm họng của tôi. Không khó chịu, nhưng khiến tôi sững sờ, mặt tôi nhăn nhó như mặt cụ Dumbledore khi uống phải độc dược của Voldemort trên đường đi tìm trường sinh linh giá. Sau đó, một vị khách khác mới giải thích với tôi rằng đó là nước dùng để ăn cùng với mì lạnh naengmyeon, chứ phải không phải nước mát để giải khát.

Thực khách có thể cắt sợi mì bằng kéo.

Ở Sài Gòn, các món ăn Hàn Quốc ngày càng được ưa chuộng bởi sự bùng nổ của làn sóng Hallyu. Tuy nhiên, khi nhắc đến nền ẩm thực này, người ta chỉ thường nhớ đến những cái tên phổ biến hơn như BBQ, gà rán hay canh kim chi. Những nhà hàng gia đình phục vụ các món ăn không quá quen thuộc như Mì Lạnh Yoo Chun, do đó, trở thành một món ăn hiếm có. Nhờ một bạn đồng nghiệp người Hàn Quốc giới thiệu, chúng tôi háo hức tập trung ở Yoo Chun. Quán mì có không gian nội thất khá giản dị, chỉ có hai bức tranh lớn trên tường khắc họa hình ảnh miền quê tươi đẹp của Hàn Quốc.

Theo chủ quán, chị Joo Won-mi, Mì Lạnh Yoo Chun đã mở cửa hơn một thập kỷ. Mặt tiền quán nhìn ra đại lộ Nguyễn Văn Linh, còn phía sau thì nhìn ra khu phố Hàn Quốc của phường Tân Phong, quận 7, không cách xa Crescent Mall là bao. Gia đình chị Won-mi chuyển đến Sài Gòn sinh sống vào tháng 10/2002 do công việc của chồng. Hiện tại, cặp đôi đang nuôi dạy hai cậu con trai cũng như vận hành một trong những quán mì naengmyeong danh tiếng nhất thành phố. Tuy mì lạnh là “món tủ” của quán, thực đơn ở cũng mang đến những món ăn đặc trưng khác của xứ củ sâm như bibimbap, mandu và các loại lẩu đa dạng.

Món naengmyeon của chúng tôi được phục vụ trong tô inox. Sợi mì lấp lánh, màu nâu đỏ bắt mắt tạo ra sự tương phản về thị giác với sắt trắng của dưa leo và củ cải chua ngọt. Theo truyền thống, người ăn không nên cắt sợi mì naengmyeon vì niềm tin sợi mì càng dài thì người ăn sẽ càng sống khỏe mạnh, lâu năm. Tuy nhiên, các quán thường sẽ cắt mì sẵn hoặc chuẩn bị kéo cho thực khách — một công cụ khá hữu dụng để xử lý gọn ghẽ sợi mì naengmyeon cực kỳ dài và dai. Kếu cấu vui miệng của sợi mì, cùng rau củ và nước dùng thanh mát, sẽ khiến thực khách không thể không xì xụp. Một phần naengmyeon ở đây có giá thành tương đối cao (160.000VND), nhưng cũng có khẩu phần đủ lớn cho hai người.

Chị Won-mi cho biết mình nhập sợi mì từ chính quê nhà, nhưng tất cả các nguyên liệu khác đều được mua tại Việt Nam, vì chị tin rằng đồ ăn của mình nên sử dụng các nguyên liệu địa phương. Vì món ăn này chưa được phổ biến ở Việt Nam, chỉ khoảng 30% khách hàng của Mì Lạnh Yoo Chun là người Việt, tới 60% là khách Trung Quốc và Hàn Quốc, và phần còn lại là người Nhật, chị Won-mi chia sẻ.

Một số panchan (các món ăn kèm miễn phí) của Mì Lạnh Yoo Chun là buchujeon (bánh xèo hẹ) và japchae (miến xào).

Món haemul pajeon (bánh xèo hành lá và hải sản).

Ngoài mì lạnh naengmyeon, chúng tôi còn gọi thêm một đĩa haemul pajeon (200.000VND), món bánh xèo hành lá nổi tiếng của Hàn Quốc. Món ăn có ngoại hình na ná bánh pizza, nhưng lại có hương vị khác biệt 100%. Để làm bánh, người ta trộn bột cùng hải sản và hành lá, sau đó mang chiên giòn. Trong lúc chúng tôi đang thưởng thức phần haemul pajeon của mình, chị Won-mi mang ra một tô chogye guksu quán tặng thêm, món mì gà lạnh được pha chút giấm và mù tạt, tạo nên hương vị đặc biệt. Những phần ăn tại Yoo Chun đều khá “đầy đặn” về tinh bột, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục vì không nỡ từ chối thức ăn vừa miễn phí, vừa thơm ngon và được chuẩn bị công phu thế này.

Khi chúng tôi đã ăn no, bầu trời cũng bắt đầu nhá nhem dần. Ánh sáng neon từ biển hiệu của Mì Lạnh Yoo Chun hắt lên vỉa hè, tạo nên một bức tranh đường phố màu sắc. Bên trong quán, khách hàng ngồi san sát nhau, ở góc phòng là một bàn ăn đặc biệt hơn cả, nơi chính gia đình của nhà chị Won-mi đang ăn tối. Chị giới thiệu hai cậu con trai của mình với chúng tôi; còn chúng tôi thanh toán tiền và tiếp tục hành trình về nhà, mỗi người đem về một hành trang khác nhau: một chiếc bao tử no căng với những món ăn ngon lành, một kho kiến thức mới về ẩm thực Hàn Quốc, và một trái tim được lấp đầy bởi sự ấm áp, lạ lùng thay, từ một tô mì lạnh nhà làm.

Mì Lạnh Yoo Chun mở cửa từ 10h sáng đến 9h tối.

Đánh giá

Hương vị: 5/5
Giá cả: 3/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 5/5

Mì Lạnh Yoo Chun

3 Khu Phố Mỹ Hoàng, phường Tân Phong, quận 7, Tp.HCM

In bài này

Bài viết liên quan

in Uống

Hẻm Gems: Dư vị trà chiều ấm áp ở quán Hàn Quốc giữa lòng phố Nhật

Đằng sau khung cửa của Tokyo Moon là một xứ sở thần tiên được gói gọn trong không gian 35m2.

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Miến lươn Nghệ An ấm bụng trứ danh Quận 7

Ngày xửa ngày xưa, ở xứ sở xa xôi mang tên Quận 7, có một quán miến lươn.

in Ăn

Hẻm Gems: Đậm đà hương vị biển cả trong bánh canh hẹ Phú Yên

Từ nhỏ tôi đã là một đứa chẳng ưa gì rau củ, nhưng hành lá là một ngoại lệ đối với tôi. Tôi xem hành như loại gia vị tuyệt vời để tô điểm thêm màu sắc cho món ăn, và nếu vô tình bắt gặp dĩa cơm tấm ha...

in Ăn

Hẻm Gems: Hôm nay Saigoneer đi ăn đâu đó? Hôm nay Saigoneer đi ăn Mô Rứa.

Trong tiếng Huế, mô rứa là một trong nhiều cách diễn đạt rất thường được bắt gặp. Mô có thể được hiểu là đâu, còn rứa có ý nghĩa tương đương với đó. Khi một người Huế nói “Mi đi mô rứa?” họ đang muốn ...

in Ăn

Hẻm Gems: Hương vị Việt-Ấn ở quán bò kho gia truyền 30 năm tuổi

Mùa mưa Sài Gòn, cái lạnh thấm vào từng ngóc ngách của thành phố khiến người ta không khỏi thèm những món ăn nóng hổi. Cơn đói giờ tan tầm khiến tôi chợt thèm ấm áp để xoa dịu cái lạnh từ chiều mưa tầ...

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Phở chua Lạng Sơn chợ Bàn Cờ cho những ngày ‘chán phở thèm phở’

Trong nền ẩm thực Việt Nam, ít có món ăn nào khiến con người ta phải tốn nhiều mực giấy để bình phẩm như phở. Từ tranh cãi về nguồn gốc, đến tôn vinh thành văn vật quốc gia, những cuộc thảo luận về ph...