Sài·gòn·eer

BackĂn & Uống » Ăn » Hẻm Gems: Hôm nay Saigoneer đi ăn đâu đó? Hôm nay Saigoneer đi ăn Mô Rứa.

Hẻm Gems: Hôm nay Saigoneer đi ăn đâu đó? Hôm nay Saigoneer đi ăn Mô Rứa.

Trong tiếng Huế, mô rứa là một trong nhiều cách diễn đạt rất thường được bắt gặp. có thể được hiểu là đâu, còn rứa có ý nghĩa tương đương với đó. Khi một người Huế nói “Mi đi mô rứa?” họ đang muốn hỏi: “Này, bạn đang đi đâu thế?”

 

 

Là người có gia đình ở miền Trung, tôi đã học một số từ địa phương phổ biến với hi vọng sẽ không quá bỡ ngỡ nếu có ngày tự mình về đây khám phá. Đến nay, dù tôi vẫn chưa có cơ hội để thực hiện dự định này, nhưng chút vốn liếng ngôn ngữ thì vẫn còn. Thế nên ngay giây phút ánh mắt chạm vào chiếc biển hiệu cách điệu của Mô Rứa, tôi đã cảm thấy một sự tò mò lớn trong tâm trí, cùng với đó là một sự thân mật đến lạ thường.

Như một người bạn, chiếc biển hiệu vẫy tay và gọi đến tôi: “Ơ đi đâu đó? Mời ghé vào chơi!” Và chấp nhận lời mời này, tôi đã chọn Mô Rứa làm điểm dừng chân để dùng bữa.

Trái với với sắc đỏ nổi bật của chiếc cửa ra vào được sơn son thếp vàng, trang trí không gian bên trong có vẻ nền nã hơn với nhiều nội thất gỗ làm tôi liên tưởng tới các ngôi nhà cổ ở cố đô. Quán tọa lạc trong một căn nhà ống khá khuất ở cuối đường Phan Xích Long sầm uất.

Về tổng thể kiến trúc không có gì quá đặc biệt so với các ngôi nhà ống khác ở Sài Gòn, nhưng nhiều rất dấu vết thị giác ở đây đã được đan cài để dẫn dắt thực khách về xứ Huế, chẳng hạn như mái ngói lưu ly, hoa văn chữ thọ, tranh vẽ tứ linh, lồng đèn kéo quân cùng những bó hương trầm màu sắc. Nếu tinh ý, bạn sẽ thấy được sự kết hợp dí dỏm giữa chữ “mô rứa” và chùa Thiên Mụ trong logo của quán.

Thực đơn của Mô Rứa được chia làm ba hạng mục: khai vị, món chính, nước và tráng miệng. Trong lần ghé thăm của Saigoneer, tôi và các đồng nghiệp đã chọn kha khá đại diện là các món chính. Nhưng trong một lần quay lại, tôi đã có dịp dùng thử hai món khai vị là vả trộn tôm thịt, món yêu thích thứ hai của tôi, và hến xúc.

Như tên gọi, món gỏi được làm từ quả vả, loại quả xanh lá hay được trồng ở Thừa Thiên Huế. Vả được luộc, thái mỏng rồi trộn đều cùng tôm, thịt heo, nước chấm, v.v. Món ăn tạo cảm giác vô cùng vừa miệng bởi sự hòa quyện của những thành tố khác nhau, từ độ ngọt của thịt mỡ, sự chát của quả vả, đến cái cắn giòn rụm gói lại tất cả của bánh đa.

Hến xúc được làm từ hến, rau mùi, rau thơm, đậu phộng, v.v và để lại ấn tượng không kém cho tôi, bởi hến không bị tanh và áp đảo những nguyên liệu khác, mà phối hợp hoàn hảo với “đồng đội” để tạo nên tổ hợp dai-giòn-ngon được tôi nhanh chóng đánh chén bằng bánh tráng.

Nếu muốn dùng thử các loại bánh Huế đặc trưng, thực khách có thể gọi một phần tổng hợp bao gồm bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc và bánh ướt, được phục vụ kèm với bốn loại nước chấm có độ mặn ngọt được tùy chỉnh để phù hợp hương vị của từng bánh. Và đặc biệt, bánh của Mô Rứa được gói bằng lá dong từ Huế, nên ngoài gói bánh là một sắc xanh đẹp mắt cùng vị thanh nhẹ mộc mạc.

Theo cảm nhận chung của tôi, bánh Huế ở Mô Rứa không bị bở và ngấy như một số địa điểm khác, mà có sự cân bằng vừa phải giữa dai và mềm, cùng cái ấm áp từ hơi nước trong lò hấp. Phần thịt tôm là điểm nhấn hoàn hảo của mỗi chiếc bánh với hương vị umami tương phản và bổ trợ cho nét đơn giản của bột bánh. Món yêu thích của tôi là bánh nậm — một chút hậu vị của nước cốt dừa, và vị mặn trải đều của tôm. Tôi nghĩ mình có thể ăn liền tù tì 10 chiếc bánh nậm ở đây.

Hai món tiếp theo mà Saigoneer gọi là cơm Âm Phủ và cơm lá sen. Có kha khá câu chuyện về nguồn gốc của món cơm với cái tên đặt biệt kia, nhưng tôi xin chọn thuật lại lời của người chủ gốc Huế và đầu bếp chính của Mô Rứa:

“Cơm âm phủ được lấy cảm hứng từ cơm Bát Bửu được chế biến lại cho hợp khẩu vị người Huế. Món này nổi tiếng nhờ tiệm cơm Âm Phủ tại Huế, về sau người ta dùng tên của tiệm để đặt cho món ăn luôn. Tiệm này nằm cạnh một khách sạn tên là Thiên Đường, nên ở Huế người ta lúc trước hay nói: ăn Âm Phủ ngủ Thiên Đường.”

Công thức của hai món cơm tại Mô Rứa gần nhau giống nhau, gồm những thành phần như: tôm, thịt xá xíu, chả, tôm chấy, hành phi, đồ chua (hoặc dưa gang bóp gỏi, nhưng nguyên liệu này chỉ có vào mùa dưa), rau thơm và thịt nướng (hoặc hạt sen nếu là cơm hạt sen). Với khẩu phần đầy đặn, hai món cơm sẽ làm hài lòng những thực khách muốn có bữa ăn no bụng. Cơm có vị béo nhưng không quá dầu mỡ, và kết hợp chuẩn bài với thịt nướng mềm và hạt sen ngọt bùi.

Cơm hến và mì hến là những món ăn bình dân nức tiếng của Huế, và ở Mô Rứa, món được phục vụ với mức giá vừa phải như phiên bản gốc. Với những nguyên liệu cơ bản như gạo tẻ (hoặc mì gói), xoài non, da heo, đậu phộng, tương ớt xay, hến v.v, tôi đã được thưởng thức một món ăn thanh đạm và dân dã như được nấu bởi một sạp hàng trên phố Huế.

Thịt hến có vị ngon ngọt đậm đà, mắm ruốc có vị mặn, da heo chiên giòn và đậu phộng thì béo, xoài chua nhẹ, và rau thơm lại rất tươi — không có một hương vị nào là chủ đạo, mà chỉ có một sự dung hòa của rất nhiều sự bùng nổ khác nhau. Theo tôi, đây sẽ là những món phù hợp để ăn vào buổi trưa hay xế, khi bạn cần một món ngon nhẹ nhàng để lót dạ.

Món ăn làm tôi tò mò nhất trên thực đơn lại là một cái tên quen thuộc — bún thịt nướng — món có thể coi là đặc sản của Sài Gòn. May mắn là chúng tôi không ngộ nhận hai phiên bản là một mà bỏ qua một tô bún đặc sắc, bởi bún thịt nướng Huế là làn gió mới mẻ, thay đổi từ những thành phần quen thuộc như nước mắm chua ngọt cho tới chả giò.

Phiên bản của Mô Rứa chỉ có một ngôi sao sáng ngoài bún — thịt ba rọi nướng, nhưng thành phần này cũng đã đủ để giúp món ăn bứt phá. Thịt ba rọi, bún, rau thơm, đồ chua, cùng sốt đậu phộng của Mô Rứa đã cho tôi một trải nghiệm bún thịt nướng rất khác. Hương vị không đến ngay trên đầu lưỡi, mà chỉ định hình khi tất cả các thành phần tụ họp trong vòm miệng, để rồi cùng một lúc, một cảm giác béo, bùi, mặn và ngọt để lại nhiều nhung nhớ cho khẩu vị.

Sau khi dùng các món mặn, một ngụm trà đậu ván thanh mát sẽ giúp ta giải khái, và chè hạt sen dịu ngọt trung hòa khẩu vị sau bữa ăn no nê giàu đạm và tinh bột. An trà thần quả, với vị chua, cũng là một thức uống phù hợp để thực khách vừa nhấp nháp vừa tán gẫu với bạn bè hay đồng nghiệp.

Trong hành trình khám phá ẩm thực ở Sài Gòn, tôi đã từng vấp phải không ít trường hợp “tốt nước sơn hơn tốt gỗ,” nhưng quá trình chuyển đổi từ thích thú thị giác đến vị giác tại Mô Rứa diễn ra mượt mà hơn cả những gì tôi mong đợi — một trong những lần trải nghiệm món Huế thành công nhất của cá nhân tôi từ đó đến nay.

Xét đến giá cả phải chăng cũng như cách chế biến khá nguyên bản của quán, nếu ai đó hỏi đi mô để tìm hương vị cố đô, tôi sẽ gửi họ đến Mô Rứa.

Mô Rứa mở cửa từ 9 giờ sáng đến 1 giờ 30 chiều, 4 giờ chiều đến 9 giờ tối.

Đánh giá:

Hương vị: 5/5
Giá cả: 5/5
Không gian: 5/5
Độ thân thiện: 4.5/5
Địa điểm: 4/5 — Vì có sự nhầm lẫn của Google Maps trong việc xác định địa điểm, độc giả có thể thay "45 Phan Xích Long" bằng từ khóa “Nha khoa Asean, tòa nhà cạnh bên, để tìm được địa chỉ dễ dàng hơn.

Mô Rứa

45 Phan Xích Long, Phường 1, Quận Phú Nhuận

In bài này

Bài viết liên quan

in Ăn

Hẻm Gems: Đậm đà hương vị biển cả trong bánh canh hẹ Phú Yên

Từ nhỏ tôi đã là một đứa chẳng ưa gì rau củ, nhưng hành lá là một ngoại lệ đối với tôi. Tôi xem hành như loại gia vị tuyệt vời để tô điểm thêm màu sắc cho món ăn, và nếu vô tình bắt gặp dĩa cơm tấm ha...

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Giải nhiệt cùng mì lạnh trứ danh của phố người Hàn Quận 7

Như cái cách hai nhân vật chính trong phim tình cảm gặp gỡ lần đầu, những lần đầu của tôi và các món ăn xa lạ thường bắt đầu bằng một tai nạn nào đó khiến tôi phải “nhục như con cá nục.”

in Ăn

Hẻm Gems: 'Dì Gái ơi! Lấy một tô bún chả cá gia truyền Đà Nẵng hỉ?'

Đôi lúc, một tô bún chả cá nóng hổi có thể xoa dịu phần nào những xót xa, cay đắng của người dân miền Trung khi cơn bão đi qua.

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Bữa cơm món Hoa đầy đặn trong căn nhà cổ Chợ Lớn

Vượt ra khỏi hình ảnh quen thuộc của những quán Hoa gia đình thường thấy ở quận 5, An Duyên Chợ Lớn đem đến trải nghiệm ẩm thực vừa thuận mắt, vừa êm mông, và cũng không kém phần ngon miệng.

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Miến lươn Nghệ An ấm bụng trứ danh Quận 7

Ngày xửa ngày xưa, ở xứ sở xa xôi mang tên Quận 7, có một quán miến lươn.

Paul Christiansen

in Ăn

Hẻm Gems: Quán bánh khọt không tên đem hơi thở Vũng Tàu ra tận Quy Nhơn

Ngày xửa ngày xưa ở thành phố biển nọ, một món bánh khọt độc lạ đã được ra đời.