Sài·gòn·eer

Back Ăn & Uống » Ăn » Hẻm Gems: Miến lươn Nghệ An ấm bụng trứ danh Quận 7

Hẻm Gems: Miến lươn Nghệ An ấm bụng trứ danh Quận 7

Ngày xửa ngày xưa, ở xứ sở xa xôi mang tên Quận 7, có một quán miến lươn.

Quán ăn đã mở cửa nhiều thập kỷ.

Ở đó, sợi miến đậm vị, miếng lươn tươi ngon, chủ quán hiếu khách. Quán ăn thu hút không chỉ người dân xung quanh mà cả những thực khách từ các quận khác tới đây để tận hưởng bát miến thơm ngon. Trớ trêu thay, sự thành công của quán làm dấy lên máu kinh doanh của những chủ quán bên cạnh, và hai hàng miến khác mọc lên ngay cạnh bên. Cả ba nhà hàng âm thầm cạnh tranh trong hòa bình, cho tới một ngày, đại dịch càn quét thành phố. Người dân sống trong cảnh bệnh tật khổ đau, không còn nhiều người dư giả để đi ăn hàng nữa. Ít khách, các quán miến lươn cũng lụi dần, duy chỉ có quán đầu tiên là vẫn trường tồn, vẫn là nơi sum họp cho cả khách quen lẫn kẻ lạ tới ngày hôm nay.

Căn bếp mở. 

Đây rất có thể là huyền sử đằng sau quán Miến Lươn Phạm Gia. Dù nó có thật hay không, thì một điều chắc chắn là COVID-19 đã khiến một trong ba quán miến lươn ở đường số 79 phải đóng cửa. Phạm Gia nằm sâu trong một khu dân cư thuộc phường Tân Quy, Quận 7. Người ta sẽ chẳng thể biết có quán miến lươn ở đây mà tìm đến đến, trừ khi họ sống ở đây, như cậu nhiếp ảnh gia của Saigoneer. Trước đây, cậu đã “chỉ điểm” cho chúng tôi một bánh cuốn Hải Phòng chính hiệu cũng trong khu phố này, nên chúng tôi hoàn toàn tin tưởng khi cậu đề xuất Phạm Gia — một quán ăn gia đình đã vượt qua thử thách của cả thời gian và đại dịch.

Không gian khiêm tốn ở Phạm Gia.

Miến Lươn Phạm Gia thoạt nhìn không khác gì các hàng quán khắp đất Việt: mấy cái ghế nhựa, lọ tương ớt vón cục ở miệng, bảng thực đơn đã được chỉnh sửa nhiều lần vì lạm phát, và một khu bếp mở mà tất cả các công đoạn từ rửa bát đến chan canh đều công khai. Ở đây có hai loại lươn: rán giòn hoặc xào mềm. Người ta có thể ăn lươn với miến hoặc bánh mì. Mỗi suất giá khoảng 70.000VND, hơi đắt cho một món ăn bình dân, nhưng đã thuộc loại rẻ trong các hàng miến lươn ở Sài Gòn.

Thực đơn sau nhiều mùa lạm phát.

Rau thơm và hành tươi.

Dù không phải là một chuyên gia nấu miến lươn, nhưng tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc thưởng thức món này. Về cơ bản, đây là một ăn của miền Bắc, là môi trường phân bố tự nhiên của loài lươn nước ngọt. Ít trải nghiệm nào “sưởi ấm” tâm hồn như được húp bát miến lươn nóng hổi trong một buổi sáng lạnh ở Hà Nội, để cho cái vị giòn giòn, đầm đậm thấm vào từng tế bào cơ thể. Quán miến lươn tủ ở Quận 1 của nhà tôi đã tăng giá dần dần cho đến khi tôi không thể quay lại đó nữa. Tôi đã mất một thời gian dài để tìm nơi thay thế. Liệu Miến Lươn Phạm Gia có phải là kẻ thế chân hoàn hảo?

Mỗi suất đi kèm một đĩa lươn đầy ụ. Tôi chỉ cho một hai miếng vào bát để chụp ảnh.

Trình ăn cay khủng của anh thợ ảnh Saigoneer.

Bát miến lươn giòn của tôi được bưng ra với thoang thoảng mùi dầu mè và một lớp dầu nhuốm nghệ trên bề mặt. Chỗ lươn giòn được bày trên đĩa riêng để chúng không bị ỉu. Một vài cọng rău răm và hành lá mang lại màu xanh cho bát miến. Cô bán hàng kể với chúng tôi rằng nhà cô ở Nghệ An, và kiểu nước dùng hơi ánh vàng này đến từ quê cô, khác hẳn với những bát miến lươn không màu tôi đã từng ăn tại Hà Nội. Nhưng tôi vui mừng khôn xiết khi nhận ra về độ ngon thì Miến Lươn Phạm Gia không hề kém cạnh. Nhúng miếng lươn vào nước lèo, gắp miến lên thìa, thêm chút nước dùng, mọi thứ hòa quyện vào nhau như một cái ôm ấm áp.

Miến được xào nhanh trên chảo nóng.

Thịt lươn mềm được xào chung với miến.

Đĩa miến trộn của anh đồng nghiệp tôi đi kèm ít cà rốt thái chỉ và có hương vị tinh tế, nhưng nhìn cách mà anh đổ gần như cả lọ tương ớt lên đĩa, tôi không chắc là do miến bị nhạt hay anh bị mất vị giác. Tôi đoán là khả năng thứ hai. Một người khác trong nhóm chúng tôi thử gọi bánh mì ăn kèm, nhưng hóa ra đây là cách dở nhất để ăn lươn. Sự khô khốc của lươn và bánh mỳ tạo nên một tổ hợp đơn điệu mà phiên bản miến nước tránh được.

Một bát miến lươn chuẩn chỉnh.

Trong thế giới bún miến phở của Việt Nam, miến lươn đặc biệt dễ ăn nhất. Sợi miến dai vừa phải, không dễ bị nhão như sợi phở hay cứng như sợi mì. Bề mặt tương-đối-phẳng của sợi miến cũng giúp nó dễ gắp hơn là dáng tròn của bánh canh. Và hơn hết, với những người Việt ghét nhằn xương như tôi, cắn một miếng lươn giòn tan mà không sợ hóc quả là một món quà trời cho. Và có chăng, đây cũng là lí do giúp miến lươn trở thành món ăn sáng hải sản an toàn cho trẻ em nhất Việt Nam.

Bài viết được đăng tải lần đầu vào năm 2022.

Đánh giá:

Hương vị: 5/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 3/5
Độ thân thiện: 3/5
Địa điểm: 4/5

Phạm Gia - Miến Lươn Nghệ An

110-112 Đường 79, Phường Tân Quy, Quận 7, TP. HCM.

In bài này

Bài viết liên quan

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Giải nhiệt cùng mì lạnh trứ danh của phố người Hàn Quận 7

Như cái cách hai nhân vật chính trong phim tình cảm gặp gỡ lần đầu, những lần đầu của tôi và các món ăn xa lạ thường bắt đầu bằng một tai nạn nào đó khiến tôi phải “nhục như con cá nục.”

in Ăn

Hẻm Gems: Thưởng thức bánh đa cua, đặc sản Hải Phòng ngay tại Quận 10

Trên đường đến Nhà thi đấu Phú Thọ ở Quận 11, rẽ vào hẻm 666/74 Ba Tháng Hai, đi đến cuối đường, bạn sẽ bắt gặp tấm biển màu vàng tươi của Triển Chiêu Quán. Đỗ xe dưới mái hiên, đi lên cái dốc nhỏ và ...

in Ăn

Hẻm Gems: Hôm nay Saigoneer đi ăn đâu đó? Hôm nay Saigoneer đi ăn Mô Rứa.

Trong tiếng Huế, mô rứa là một trong nhiều cách diễn đạt rất thường được bắt gặp. Mô có thể được hiểu là đâu, còn rứa có ý nghĩa tương đương với đó. Khi một người Huế nói “Mi đi mô rứa?” họ đang muốn ...

in Ăn

Hẻm Gems: Ngắm view bờ kè, ăn bún riêu đậu hũ chiên giòn rụm

Vào một dịp Noel cách đây vài năm, thay vì đi làm gỏi cuốn như mọi khi, cả nhà tôi đã tổ chức một sự kiện đặc biệt: một cuộc thi để quyết định xem trong số các cô dì, chú bác của tôi, ai là người có t...

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Phở gà Kỳ Đồng — 40 năm đông khách và danh xưng Michelin

Nếu một ngày nọ ta lạc trôi ở đất quận 3, cứ tìm đường đến quán phở gà nức tiếng Kỳ Đồng, nơi nghỉ chân xua tan mỏi mệt và xoa dịu cái bụng đói.

Paul Christiansen

in Ăn

Hẻm Gems: Quán bánh khọt không tên đem hơi thở Vũng Tàu ra tận Quy Nhơn

Ngày xửa ngày xưa ở thành phố biển nọ, một món bánh khọt độc lạ đã được ra đời.