Bún Cô Chi là địa chỉ tuyệt vời cho những ai muốn nhập môn bún miền Bắc.
Tôi biết đến quán nhờ một người đồng nghiệp “thổ địa” giới thiệu. Tìm thử trên Google, tôi thấy khá ấn tượng — từ bộ sưu tập tượng gỗ gợi nhớ thú chơi tao nhã của người lớn tuổi, đến thực đơn toàn những món lạ mà tôi chưa từng nghe qua. Quán lại chỉ cách văn phòng chừng 7 phút đi xe, mà dạo này đường sá hay tắc, nên có một chỗ ăn vừa ngon vừa tiện thế này đúng là lý tưởng.
Bún Cô Chi nép mình trong một con hẻm nhỏ trên đường Hòa Hưng, Quận 10, với tấm biển tên quán treo ngay lối vào. Rẽ vào hẻm, chỉ cần tìm ngôi nhà có bảng hiệu lớn ghi chữ “Bún” là đến nơi. Thoạt nhìn, quán trông chẳng khác gì nhà dân bình thường, nhưng chỉ cần ngó vào bên trong, bạn sẽ thấy phòng khách đã được biến thành khu vực phục vụ thực khách.
Bộ sưu tập tượng gỗ phong phú của gia đình cô Chi.
Cô Chi, chủ quán, giới thiệu cho tôi thực đơn với đủ món bún miền Bắc, từ những cái tên quen thuộc như bún riêu, bún mọc đến những lựa chọn ít gặp hơn như bún cá hồi hay bún thang. Nhiều món quá nên tôi không biết chọn gì, đành nhờ cô gợi ý.
Trong số đó, tôi đặc biệt tò mò về bún bung — còn gọi là bún dọc mùng — vì cái tên nghe khá lạ. Cô Chi giải thích: “Món này nó có một cái chua chua, người Sài Gòn ăn có thể không quen, nhưng nếu con ăn được món này thì con sẽ ăn được hết mấy món còn lại trong thực đơn.” Nghe vậy lại càng kích thích trí tò mò, tôi quyết định thử ngay.
Bún bung.
Tên gọi bún bung bắt nguồn từ chữ “bung” trong tiếng Việt cổ, chỉ cách nấu nước dùng và chế biến nguyên liệu theo kiểu truyền thống. Món này còn được gọi là bún dọc mùng, vì dọc mùng chính là thành phần đặc trưng. Ở miền Nam, dọc mùng hay có mặt trong các món canh, nhất là canh chua. Nhưng trong phiên bản bún miền Bắc, dọc mùng không chỉ để thêm thắt cho đủ vị mà trở thành nhân vật chính, tạo nên hương vị riêng của món ăn.
Khi chúng tôi xin phép chụp ảnh, cô Chi không chỉ vui vẻ gật đầu mà còn tinh ý rắc thêm chút hành lá để bát bún trông hấp dẫn hơn. Cô kể, toàn bộ ảnh trong thực đơn quán đều do gia đình tự chụp và thiết kế, không dùng ảnh có sẵn. Mỗi góc nhỏ trong phòng ăn đều cho thấy sự chăm chút của cô và người thân dành cho quán.

Trên thực đơn có những món Bắc hiếm gặp.
Thấy cô Chi cởi mở chia sẻ về quán, tôi tranh thủ hỏi thêm để hiểu rõ hơn về Bún Cô Chi. Gia đình cô gốc Hà Nội, vào Sài Gòn từ những năm 1990. Hơn 10 năm trước, họ mở quán để mưu sinh, mang những món ăn quê nhà vào thực đơn. Khi ấy, quán nằm ở một địa điểm khác gần đây, nhưng về sau, khi gia đình chuyển hướng kinh doanh, cô Chi dời quán về nhà để tiết kiệm chi phí. Giờ đây, cô nói mình “bán vì đam mê” là chính, phục vụ một nhóm khách quen nhỏ — có người Bắc xa quê, có người đơn giản là tò mò muốn thử hương vị miền ngoài.
Chỉ chờ một lúc, tô bún bung nóng hổi được mang ra. Thoạt nhìn, món ăn trông giản dị với chỉ vài thành phần chính, nhưng nước dùng có sắc vàng nhẹ pha chút xanh, tạo cảm giác thanh thoát, dễ chịu. Nhấp một ngụm đầu tiên, tôi lập tức cảm nhận được điểm khác biệt giữa bún miền Nam và miền Bắc: vị chua thanh, nhẹ nhàng mà lôi cuốn. Một trải nghiệm mới mẻ, nhưng may mắn thay, độ chua ấy không làm chùn bước vị giác, mà ngược lại, càng khiến tôi muốn khám phá trọn vẹn hương vị của tô bún.


Dọc mùng là một nguyên liệu khá lạ lẫm với một số thực khách.
Tô bún bung đầy ắp dọc mùng, những lát xanh nhạt ánh vàng nổi bật giữa nước dùng trong veo. Không chỉ tạo màu sắc bắt mắt, dọc mùng còn mang đến vị chua thanh nhẹ, thấm vào từng thớ giòn mát. Cắn một miếng, nước tứa ra nơi đầu lưỡi, vừa quen thuộc vừa lạ lẫm. Nếu trước đây tôi chỉ biết đến dọc mùng trong bát canh chua, thì với bún bung, tôi mới cảm nhận trọn vẹn hương vị riêng của nó.
Cô Chi nói dọc mùng đôi khi có thể gây ngứa lưỡi, nhưng cách sơ chế cẩn thận sẽ giúp tránh được điều này. Ở quán, cô tước vỏ, ngâm nước muối rồi bóp kỹ nhiều lần cho ra hết nhựa. Nhờ vậy, khi ăn, tôi không hề thấy chút cảm giác khó chịu nào.


Cảm giác như đang đến nhà người quen dùng bữa.
Dọc mùng tuy thanh mát nhưng vì quá nhiều, lại thêm vị chua nên có lúc tôi thấy hơi ngán. Có lẽ do khác khẩu vị vùng miền nên tôi chưa quen, chứ không hẳn là do món ăn. Tôi tự cân bằng lại bằng cách ăn kèm với bún và thịt, để các hương vị hoà quyện hơn.
Phần thịt trong tô bún bung có hai loại. Cô Chi dùng sườn non chặt khúc ngắn, ninh mềm, có chút mỡ nhưng không ngấy. Kết hợp với sườn là mọc, những viên thịt băm trộn nấm mèo cắt nhỏ, tạo nên hai kiểu dai giòn khác nhau trong cùng một miếng.


Nhìn đã thấy lau dọn mỏi tay.
Tô bún bung của cô Chi không cầu kỳ, nhưng mỗi nguyên liệu đều có nét riêng, kết hợp hài hòa trong tổng thể. Vị chua thanh và cái giòn xốp của dọc mùng có thể hơi lạ với những ai chưa quen, nhưng nếu thử một thìa, bạn sẽ cảm nhận được sự nhẹ nhàng, mát lành của món ăn.
Ngoài bún bung, quán còn có nhiều món Bắc khác, dễ hợp khẩu vị người miền Nam hơn, như bún chả ốc đùm lá lốt, bún mọc, v.v. Nếu muốn kết bữa bằng chút gì đó ngọt ngào, bạn có thể thử flan — mềm mịn, béo nhẹ, đủ để cân bằng vị giác sau bát bún nóng hổi. Còn nếu chỉ muốn một ngụm mát lành, ly trà đá miễn phí luôn có sẵn để xua tan cơn khát giữa cái nắng Sài Gòn.
Bún Cô Chi nằm trong hẻm sâu.
Bún bung của Bún Cô Chi là một lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn bắt đầu khám phá hương vị bún miền Bắc. Không chỉ là một bữa ăn ngon miệng và dễ chịu, quán còn mang lại cảm giác gần gũi nhờ sự chăm chút trong từng chi tiết — từ cách bày biện đến sự hào hứng của cô Chi khi kể về món ăn. Dễ thấy, cô mở quán không chỉ để bán bún, mà còn để chia sẻ niềm yêu thích ẩm thực và những câu chuyện xoay quanh các món ăn gia đình mình.
Bún Cô Chi mở cửa từ 6h sáng đến 1h chiều và 4h chiều đến 8h tối mỗi ngày trừ Chủ nhật.
Bún Cô Chi
170/2 Hoà Hưng, Phường 13, Quận 10, TP. HCM
