Sài·gòn·eer

BackĂn & Uống » Ăn » Hẻm Gems: Đi Chợ Cũ, nhớ ký ức chợ xưa trong sạp hủ tiếu mì gia truyền cô Chánh

Trong ký ức của mấy đứa trẻ ở quê chúng tôi không thể thiếu vắng bóng hình của các khu chợ cũ. Đó là những hôm sáng sớm theo mẹ đi săn mấy món bánh ngọt, đĩa CD hay vài ba cây kẹo. Các buổi trưa lẽo đẽo theo bà đi mua thịt, cá, rau củ để sẵn tiện đòi thêm vài món đồ chơi. Lâu lâu, bà còn yêu chiều mà cho chúng tôi ăn hàng quán bên ngoài thay cho cơm nhà.

Sau bao nhiêu năm đi học, đi làm ở chốn Sài Gòn tấp nập, hối hả, tôi cứ nghĩ những hình ảnh như thế chỉ còn trong ký ức tuổi thơ. Thế nhưng trong một lần dạo khu chợ cũ Tôn Thất Đạm, tôi chợt sững người vì một quầy hàng với cách bày trí, sắp xếp theo cách cũ xưa như thế.

Hủ tiếu mì cô Chánh tọa lạc tại địa chỉ 69 Tôn Thất Đạm. Người bán là cô Chánh (tên thật là Huỳnh Thị Dung). Theo lời cô kể, đây là tiệm ăn gia truyền do chú ruột của cô mở, đã tồn tại hơn 60 năm. Khi người chú sang nước ngoài định cư, ông đã giao lại tiệm cho cô Chánh. Ban đầu, cô Chánh chỉ bán hủ tiếu Quảng Đông, nhưng nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng nên cô Chánh bán thêm một số món như hủ tiếu mì, hoành thánh, bún mọc, v.v.

Mùi vị mì phảng phất tại góc chợ cũ Tôn Thất Đạm suốt mấy chục năm qua cũng có nhiều thay đổi. Khi chú của cô Chánh sang nước ngoài, ông vẫn chưa chỉ dạy lại công thức cho cô đến mức “đắc đạo.” Cô vừa nấu theo những cách mình biết, vừa lắng nghe góp ý của thực khách để tốt hơn.

Khách đến ăn có thể chọn lựa giữa mì sợi nhỏ và sợi to. Cả hai loại đều dai và giòn với màu vàng tươi bắt mắt. Các nguyên liệu như tôm, tỏi phi, tóp mỡ, gan, tim và thịt heo giúp tăng mùi thơm đậm đà và vị ngọt thanh cho món ăn. Gan được chế biến tỉ mỉ, không chút mùi tanh được xem là điểm cộng lớn. Được biết, tất cả nguyên liệu đều do cô Chánh lấy hàng từ mối ruột suốt nhiều năm qua. Từ sợi mì, thịt, tôm, cho đến các loại rau đều được cô Chánh chọn lựa và vệ sinh kỹ lưỡng. Nồi nước lèo chất lượng trong góc quán của cô Chánh vừa làm tăng độ hấp dẫn của mì, vừa kéo chân khách đi chợ. Nước lèo được nêm vừa đủ, không quá ngọt. Người ăn thường tự cân chỉnh bằng giấm tiều, nước tương có sẵn cho hợp với khẩu vị riêng.

Khi húp vài muỗng nước lèo, tôi cảm giác như mình đang ăn vị mì từ thuở ngày xửa ngày xưa nào đó. Tô mì có vị “cũ kỹ” theo cách nấu truyền thống của người Hoa. Hoành thánh được gói đầy đặn. Lớp vỏ bột mỏng, mịn, kết hợp với nhân thịt nêm đậm đà khiến người ăn càng ăn càng thèm. Mặc dù thịt bên trong hơi mặn so với nhiều nơi khác, nhưng lại rất hợp với nước lèo thanh nhẹ, tạo nên sự cân bằng hương vị món ăn một cách hoàn hảo. Ngoài mùi vị hủ tiếu mì, khách ghé quán còn bị mê mẩn bởi cách cô Chánh tỉ mẩn bày trí món ăn. Từng lát thịt, hành phi, tôm được cô sắp xếp cẩn thận, khách ghé quán cũng phải gật gù trước sự tâm huyết của cô.

Theo lời cô Chánh, để chuẩn bị cho những bát mì vừa đẹp mắt, vừa thơm nức mũi, mỗi ngày cô thức dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị các nguyên liệu đến khoảng 7 giờ hơn thì bán. Trước đây, quán ăn nhỏ trong khu chợ Tôn Thất Đạm này bán được đến hơn 100 tô một ngày. Hầu hết người ăn là dân văn phòng, đến ăn trước khi đi làm hoặc trong giờ nghỉ trưa. Thế nhưng sau đại dịch, số lượng người đến ăn ít hơn. “Mỗi ngày tôi bán hơn 30 tô là cùng chứ không nhiều hơn. Thậm chí nhiều hôm tiền bán còn không bù được tiền hàng,” cô Chánh nói.

Mỗi khi không có khách, cô Chánh và người bạn bán phụ, cô Gái, lại tất bật dọn dẹp, lau dọn không gian sạp mì, sau đó hai cô lại kể nhau nghe những câu chuyện trên trời dưới đất. Những lần chuyện trò như thế làm tiệm mì nhỏ của cô Chánh luôn mang vẻ sôi động đặc trưng của những hàng quán trong chợ. Không ít khách đến ăn cũng gia nhập vào câu chuyện của hai cô.

Hỏi cô Chánh về người bạn của mình, cô kể: “Hồi xưa tôi thì bán mì, cô ấy ngồi bán bánh kẹo sát bên. Lúc đó chợ ngày càng ít khách, nên tôi rủ cô ấy qua đây bán với mình. Từ đó, hai chị em bán chung đến bây giờ.” Có lẽ nhờ nhân duyên đó mà sạp mì cô Chánh mỗi ngày đều tràn ngập tiếng cười. Hai cô hay chọc nhau rồi cười đầy khoái chí với những câu chuyện hết sức đơn giản.

Mặc dù cô Chánh đã lớn tuổi vừa sức khoẻ cũng giảm dần, nhưng cô cho biết cô vẫn sẽ bán vì nơi đây đã gắn với nửa cuộc đời của mình. Ngoài ra, quán gần như là niềm vui tuổi xế chiều của một người sống đơn thân như cô.

Đánh giá:

Hương vị: 4/5
Giá cả: 4/5
Không khí: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 4.5/5

Hủ tiếu mì cô Chánh

69 Tôn Thất Đạm, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM

In bài này
 

Bài viết liên quan

in Ăn

Hẻm Gems: Mì xào giòn ngon đến gục ngã của tiệm ăn Dũng Ký

Khi Saigoneer di dời tòa sọan từ trung tâm Quận 1 về Quận 3 vào đầu năm nay, một trong những thay đổi được tòa soạn đón nhận nhất chính là có nhiều lựa chọn ăn uống phù hợp với túi tiền hơn.

in Ăn

Hẻm Gems: Quán mì hoành thánh gia truyền 3 thập kỷ trong xóm nhỏ Bình Dương

Nhiều người khi đặt chân đến Bình Dương sẽ thắc mắc xem: nên ăn gì bây giờ? Điều này dễ hiểu, không phải vì nơi đây ít món ăn, mà vì Bình Dương là nơi giao thoa của nhiều cộng đồng văn hóa, nền ẩm thự...

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Thách thức giác quan cùng bún cua Gia Lai

Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn nuôi một niềm tự hào nho nhỏ rằng mình không phải là đứa kén ăn. Đây là một “đức tính” mà ba mẹ đã rèn giũa cho tôi và các anh chị từ nhỏ, bằng cách tạo cơ hội cho chúng tôi t...

in Ăn

Hẻm Gems: Đậm đà hương vị biển cả trong bánh canh hẹ Phú Yên

Từ nhỏ tôi đã là một đứa chẳng ưa gì rau củ, nhưng hành lá là một ngoại lệ đối với tôi. Tôi xem hành như loại gia vị tuyệt vời để tô điểm thêm màu sắc cho món ăn, và nếu vô tình bắt gặp dĩa cơm tấm ha...

in Ăn

Hẻm Gems: 'Dì Gái ơi! Lấy một tô bún chả cá gia truyền Đà Nẵng hỉ?'

Đôi lúc, một tô bún chả cá nóng hổi có thể xoa dịu phần nào những xót xa, cay đắng của người dân miền Trung khi cơn bão đi qua.

in Ăn

Hẻm Gems: Chén cút lộn sốt me ở Bàn Cờ kì diệu giúp người Sài Gòn quên vận xui

Ở Sài Gòn, tôi tin rằng phải là một thiếu sót lớn nếu kể về các món ăn đường phố mà không nhắc đến vịt lộn. Tôi không có số liệu chính xác người Sài Gòn ăn bao nhiêu vịt lộn mỗi năm, hay có bao nhiêu ...