Đôi lúc, một tô bún chả cá nóng hổi có thể xoa dịu phần nào những xót xa, cay đắng của người dân miền Trung khi cơn bão đi qua.
Trong ký ức của tôi về những ngày bé bỏng, tôi thường được ba mẹ chở đến một quán bún trước giờ đến trường. Với họ, không gì ấm bụng con họ cả buổi sáng bằng một tô bún chả cá nước lèo đậm vị Đà Nẵng, nơi tất cả các loại rau củ như bắp cải, cà chua, bí đỏ hòa cùng với nhau tạo nên một màu đỏ cam rực rỡ.
Lớn lên tại một vùng đất có những nét văn hóa riêng, nói nôm na là “trung bình cộng” của ẩm thực Huế và xứ Quảng, tôi dường như đã thưởng thức qua bao nhiêu mỹ vị trên đời. Nhưng với tôi, tô bún chả cá vẫn là món thanh tao nhất của ẩm thực miền Trung. Khi đa số các món ăn của miền đất này đều đậm vị và thiên mặn, tô bún chả cá thần kỳ lại có dư vị ngọt thơm, trung hoà hơn nhờ có cả nguyên liệu từ đất lẫn biển.
Tôi đã từng “kinh qua” nhiều hàng bún, song bún chả cá Dì Gái vẫn là nơi tôi "chọn mặt gửi vàng" khi đứa bạn nào đó ở xa thủ thỉ “dắt tao đi ăn bún Đà Nẵng với.” Mặt tiền nhỏ của quán nằm lọt thỏm giữa những hàng ăn uống nổi tiếng khác trên đường Lê Đình Dương, bản thân tôi đôi khi phải cẩn thận dò số nhà nếu không muốn đi lố trong vài giây lơ đễnh.
Chất lượng ổn định theo năm tháng cùng “cảm giác quen thuộc” của tô bún đã níu chân tôi và những người thành phố khác. Không gian nấu ăn được bày biện ở nơi có thể trông thấy được, nguyên liệu được để trong tủ kính kín, bên cạnh là nồi nước lèo lúc nào cũng được đun nghi ngút khói với hương thơm làm lay động bao tử.
Một tô bún cơ bản được làm từ bún gạo, chả cá, riêu, nước lèo, rau sống và da heo, phần lớn đều là do chủ quán, chị Phượng, tự tay chọn từ chợ và chế biến. Để nấu được một nồi bún cá ngọt nước, chị phải hầm xương cá từ tối hôm trước đến sáng hôm sau. Sợi bún cũng là do chính tay chị ép để mềm dẻo và ngon hơn.
Hằng ngày, chị Phượng thức dậy vào 3–4 giờ sáng để lựa cá ở chợ đầu mối về làm chả cá đỏ Lý Sơn, cũng là vedette của món bún. Từ đây, những mẻ cá tươi được chị mang đi bào nhuyễn ở một cửa tiệm lành nghề — kết cấu của hỗn hợp này là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của thành phẩm. Mỗi mẻ cá, chị chỉ lấy phần thịt ngon nhất (mà chị xin phép không tiết lộ với tôi vì muốn “giữ nghề”) để làm chả.
Sau đó, chị tiếp tục xay và tạo hình hỗn hợp thịt bằng khuôn, rồi phân loại riêng theo cách chế biến như chiên hoặc hấp. Phần đồ ăn kèm cũng "rất Đà Nẵng" — gồm ớt xay, hành tím và cà rốt ngăm dấm, giá sống, bắp chuối, và rau sống bản to chứ không xắt lát như vẫn thấy ở những tô bún Sài Gòn.
“Mẹ chị bán bún ở chỗ này từ trước năm 1975. Lúc đó gia tài của bà chỉ là một gánh bún vỉa hè. Khách hay lui tới người ta gọi thân thương bà là ‘dì Gái.’ Vậy là khi mẹ truyền nghề lại, chị sửa sang cái quán cho tươm tất, rồi lấy luôn cái tên của bà đặt cho nó,” chị vừa kể, vừa mải miết chan nước lèo nghi ngút vào từng tô bún.
Đó là điều tôi yêu thích ở quán: gia truyền nhưng không truyền thông ồn ào, không giăng băng rôn “từ năm xyz...” Bún chả cá Dì Gái tấp nập kẻ ra người vào chỉ bằng lời truyền miệng, từ cha mẹ dắt con đi ăn sáng, từ đồng nghiệp bạn bè rủ nhau đi ăn trưa. Trung bình một ngày, quán bán được từ 500 đến 600 tô bún, đủ để biết độ "nóng" của quán dù chẳng chạy lấy một đồng quảng cáo.
Tại đây, tôi thường nghe thấy những chất giọng địa phương đặc sệt như: “Lấy tui một tô bún chả cá hỉ” hay “Hết bao nhiêu rứa chị?” Xen lẫn là chất giọng và vốn từ vựng của du khách từ một vùng miền xa xa nào đó. Tôi chưa bao giờ bắt chuyện để hỏi xem họ thấy bún chả cá của Dì Gái hay của quê tôi thế nào. Nhưng trộm vía (!) trên mục đánh giá của Google, hầu hết đều khen tròn vị dù tôi biết cách nêm nếm ở những nơi ấy rất khác.
Còn người miền Trung và người Đà Nẵng ăn uống ra sao? Rất đậm đà và mặn. Chúng tôi thích dùng bữa với các loại mắm. Đối với bún chả cá, thứ không thể thiếu trên bàn ăn chính là mắm ruốc. Chuẩn bài nhất là cho ruốc vào bún ăn trực tiếp, hoặc cho ra chén riêng và hòa cùng ớt xay để chấm chả hoặc tóp mỡ ăn kèm.
Tôi thường gọi một tô bún lớn, dù chênh lệch giữa các kích cỡ chỉ cách nhau 5,000VND. Có lẽ tôi là tuýp người ăn tô nhỏ thì vẫn còn đói, nhưng ăn tô đặc biệt thì lại quá no? Dù sao thì chỉ với 30,000VND, tôi đã được thưởng thức tô bún mềm mọng đầy “topping” cùng tóp mỡ và rau tươi rói. Vì đâu lại có món ngon ở mức giá hời như thế giữa thời buổi vật giá leo thang hiện nay?
“Quán bún này là nơi mẹ chị để lại cho chị, nên ngay từ cái tên quán đã thể hiện sự kế thừa từ mẹ. Mà vì mang danh mẹ nên chị đâu dám buôn bán qua loa. Mẹ chị dạy là đã định buôn bán đồ ăn, thì phải nấu như đang nấu cho chính cha mẹ mình, cho những người trong nhà ăn nữa. Chị luôn cố duy trì cái tinh thần đó,” chị Phượng nói.
Có lẽ vì sự tâm huyết ấy mà những tô bún Dì Gái cháy hàng nhanh hơn cả vé “đu” thần tượng. Giờ đóng cửa mặc định ở đây là 12 giờ trưa, nhưng đã không ít lần tôi phải ngậm ngùi ra về từ 9, 10 giờ vì quán đã bán hết sạch, đặc biệt là vào cuối tuần hoặc mùa du lịch.
Sau cùng, khi thiên tai khắc nghiệt qua đi trên mảnh đất miền Trung, một tô bún chả cá không chỉ để thỏa mãn niềm ăn ngon của tôi và bao vị khách khác. Nó là hiện thân của niềm tin rằng ngư dân rồi sẽ tiếp tục ra khơi bám biển, và từ những mẻ cá và chả cá đầy, chúng tôi sẽ lại cùng nhau kiên cường bước qua bao mất mát, đau thương.
Bún chả cá Dì Gái mở từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa.
Đánh giá:
Hương vị: 5/5
Giá cả: 5/5
Không khí: 4/5
Độ thân thiện: 4/5
Địa điểm: 5/5
Bún chả cá Dì Gái
119 Lê Đình Dương, Phường Nam Dương, Quận Hải Châu, Đà Nẵng