Vào một dịp Noel cách đây vài năm, thay vì đi làm gỏi cuốn như mọi khi, cả nhà tôi đã tổ chức một sự kiện đặc biệt: một cuộc thi để quyết định xem trong số các cô dì, chú bác của tôi, ai là người có thể nấu được nồi bún riêu thơm ngon nhất.
Chẳng biết vì lí do gì mà cả họ ngoại tôi lại mê mẩn cái món bún đậm vị riêu cua và cà chua này đến vậy. Gia đình chúng tôi sống rải rác từ bờ Tây sang bờ Đông nước Mỹ, từ Sacramento đến Pomona và New York. Nhưng dù là ở thành phố nào, người lớn trong gia đình cũng đều biết nấu bún riêu, và còn sắp trẻ thì học cách thưởng thức bún riêu từ thuở biết đi. Bún riêu là một trong số ít món ăn có khả năng đoàn kết được mọi người.
“Cuộc đại chiến bún riêu” năm 2014 của gia đình tôi không chỉ là cuộc so tài về kỹ năng nấu ăn, mà còn là dịp để mọi người bày tỏ niềm yêu thích của món ăn gắn kết nhiều thế hệ, để mọi người ngồi xuống cùng nhau và hàn huyên trong lúc xì xụp không chỉ một, mà đến 4 loại bún riêu. Những lúc này, căn bếp nhà tôi như biến thành một phòng thí nghiệm. Chúng tôi gắp đũa ồ ạt, sau đó thảo luận về ưu điểm của từng phiên bản: nồi nước dùng nào có hương vị đậm đà nhất, kết hợp vị cua và cà chua hài hòa nhất? Hình như là nồi số 3 có quá nhiều cà chua? Nồi số 1 hơi nhạt? Nồi nào có riêu cua ngon nhất?
Sau khi cả nhà bỏ phiếu kín, nồi bún riêu của dì tôi đã giành chiến thắng. (Đến tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ bụng rằng người xứng đáng đạt giải nhất năm đó là mẹ tôi).
Lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu bún riêu như thế, khi trở về thăm Việt Nam vào mùa hè này, tôi đã cố gắng đi khảo sát càng nhiều quán bún riêu ở Sài Gòn càng tốt. Tôi tìm kiếm một bát bún riêu có thể thỏa mãn được những tiêu chí cá nhân của mình — một bát bún riêu không thua kém so với những gì tôi đã ăn thuở nhỏ. Tôi thấy rằng nhiều quán phục vụ hỗn hợp riêu cua-trứng dưới dạng một miếng chả duy nhất; nếu không thì hỗn hợp này có lẽ chỉ xuất hiện dưới dạng những sợi mỏng, để dành cho nước luộc. Tuy nhiên, với tôi, riêu cua cần phải có kết cấu mềm mại nhưng không kém sự dồi dào — không quá mềm để đừng nhũn ra ngay, nhưng đủ mềm để từng mảng có thể tan ra trong nước dùng. Đối với tôi, thành phần này luôn là phần ngon nhất của món ăn.
Bún riêu tại Bún Riêu Cô Yến không chỉ đáp ứng mà còn vượt xa tiêu chuẩn của tôi. Không gian của quán là một khoảng sân ngoài trời nằm ngay đối diện khúc Kênh Nhiêu Lộc ở Tân Bình. Căn bếp mở hé lộ quá trình nấu nướng sinh động: nồi nước dùng sôi sùng sục đầy riêu cua, xửng bún, cà chua và rau sống. Ai ai cũng bận tay. Một chú giúp việc ngồi ở phía rìa đang cắt tàu hủ chiên thành miếng nhỏ, đựng đầy hàng dãy tô. Được biết, quán ăn gia đình này đã mở cửa được 15 năm.
Thực đơn bao gồm một số lựa chọn khác, như bánh đa, nhưng tôi chỉ luôn gọi bún riêu cua khi đến đây. Tôi thêm một chút rau sống, ớt và mắm tôm, rồi trộn tất cả lại với nhau. Ngoài hỗn hợp riêu và cà chua là huyết, hành lá, chả và đậu hũ chiên.
Lần đầu tiên đến đây ăn, tôi đã chú ý đến sắc cam bắt mắt ướm lên sợi bún từ nước dùng sền sệt. Vị cà chua, và đặc biệt là vị cua, đậm đà thấm đẫm trong từng sợi bún: mặn mà, thơm nồng như đã được ninh hầm trong nhiều ngày.
Nhưng hơn cả hỗn hợp riêu cua thơm ngon, một nguyên liệu khác đã tỏa sáng phần hơn: đậu hũ chiên, một thành phần không xuất hiện trong công thức gia đình của tôi. Đậu hũ xắt vuông, bên ngoài xôm xốp và bên trong mềm mại, là đối trọng hoàn hảo của sợi bún dai sực. Tôi chưa thấy đậu hũ ở đâu có thể giữ được độ giòn như vậy khi ngập trong nước dùng; đậu hũ xuất sắc đến mức thậm chí còn có thể ăn như một món ăn nhẹ. Khi ghé thăm quán với đồng nghiệp Saigoneer, chúng tôi mê mẩn đậu hũ ở đây đến nỗi đã gọi thêm một phần ăn riêng.
Một cái thú của việc ăn là khi khám phá được những hương vị mới trong những món ăn cũ. Và may sao tại Bún Riêu Cô Yến, tôi đã tìm thấy cho mình một phiên bản bún riêu mới lạ mà vẫn giữ được những phần tôi yêu thích nhất về nó.
Bún Riêu Cô Yến mở cửa từ 5h40 sáng đến 6h chiều.
Bún Riêu Cô Yến
1346 Trường Sa, phường 3, quận Tân Bình, TP. HCM.