Là đứa lớn lên ở California, ký ức của tôi về những ngày thơ ấu là loạt hũ nhựa đựng trứng chiên, thịt gà và chả lụa. Cứ mỗi vài tháng, tổ hợp nguyên liệu này được sắp hàng ngay ngắn trong gian bếp, chờ để được chế biến thành những tô bún thang — một món ăn mà gia đình tôi chỉ dành cho những dịp rất đặc biệt.
Ngày ấy, mùi nước hầm xương gà ngọt ngào, thoang thoảng hương gừng chỉ lan tỏa trong không gian nhà tôi vào những dịp như sinh nhật hay ngày cuối cùng của năm học. Tôi háo hức khi những chiếc hũ nhựa lọt vào tầm mắt, miệng ăn vụng vài sợi trứng xắt trước khi chúng được bày lên sợi bún tươi thơm. Bún thang không phải là món duy nhất hiếm khi được đưa vào trong thực đơn của mẹ tôi: tất cả những món mì, bún Việt Nam khác mẹ nấu đều có tần suất xuất hiện khiêm tốn so với những món ăn đến từ những nền ẩm thực khác.
Ba mẹ tôi đều sinh ra ở Sài Gòn nhưng lớn lên ở Mỹ. Là con út trong gia đình, cả hai rời khỏi thành phố khi chỉ mới chập chững biết đi, và rồi lưu lạc đến những khu vực khác nhau ở miền Nam California. Do đó, dù có ba mẹ người nhập cư, tôi lớn lên trong một gia đình rất khác so với những gì người ta tưởng tưởng về một gia đình nhập cư “truyền thống.” Ba mẹ không dạy tôi nói tiếng Việt, lại rất cởi mở và tiếp nhận văn hóa mới. Hầu hết mỗi đêm, chúng tôi thưởng thức mỳ Ý, gà nướng hương thảo, thịt bò và khoai tây nghiền.
Bún thang, bằng cách nào đó, là một trong số ít những món ăn Việt Nam chinh phục được khẩu vị của tôi — một người vốn ưa thích ẩm thực phương Tây. Nước hầm xương gà nóng hổi trong và thanh, được nêm nếm bằng mắm tôm, ớt xay nhuyễn và nhiều tiêu đen; mỗi gắp đũa mang đến một hỗn hợp dậy vị gồm bún, trứng, chả lụa. Đối với tôi, bún thang là món ăn chỉ từng tồn tại trong căn bếp nhà. Về sau, dù được khám phá những chân trời mới của ẩm thực Việt Nam, bún thang vẫn là một trong những món ưa thích của tôi, có lẽ vì cái cảm giác dễ chịu, ấm áp mà nó mang lại. Vì vậy, khi tôi hạ cánh nơi Sài Gòn hè này, đến một thành phố rộng lớn và xa lạ, tôi biết rằng mình phải đi tìm bún thang.
Cuộc tìm kiếm ấy đưa tôi đến với Bún Thang 50.
Nằm ẩn mình trên một con đường yên tĩnh ở Phú Nhuận, đây là một trong những nơi hiếm hoi ở Sài Gòn chuyên phục vụ bún thang. Không khó để tìm thấy quán trên Google, nhưng cũng không có nhiều cư dân Sài Gòn đổ xô đi tìm bún thang như tôi.
Là người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai, những lần tiếp xúc của tôi với ẩm thực Việt Nam không bị giới hạn bởi vị trị địa lý cụ thể nào trên đất nước. Chỉ mới gần đây, tôi mới nhận ra sự thiếu hiểu biết của mình về nền ẩm thực phong phú từ các vùng miền khác nhau của Việt Nam, và rằng một món ăn như bún thang từ Hà Nội chẳng hề phổ biến ở Sài Gòn. Tôi không biết rằng việc bún thang hiện diện trong bữa ăn của mẹ tôi, người sinh ra ở Sài Gòn, là một điều đặc biệt. Khi tôi hỏi mẹ về điều này, mẹ nói rằng công thức được bà ngoại của tôi, người cũng sinh ra ở miền Nam, truyền lại. Bà tôi đã lớn tuổi và không còn minh mẫn, nên có thể chúng tôi sẽ không bao giờ biết chính xác về nguồn gốc của món bún thang trong gia đình mình, nhưng tôi đoán rằng bà đã học công thức từ ông, vốn là người gốc Bắc.
Không có gì ngạc nhiên khi Bún Thang 50 là quán nhà của một gia đình gốc Bắc. Họ đến Sài Gòn vào thập 1970 và mở ra quán bún này vào thập niên 1990. Quán khá nhỏ, mang cảm giác thân mật đặc trưng của quán ăn gia đình: bàn ăn của khách được xếp sát bên phòng khách của gia đình, trên đó là những chiếc ly nhựa be bé, in họa tiết đáng yêu, được để sẵn để khách uống trà miễn phí.
Tôi bước vào quán vào khoảng 9 giờ sáng trong những ngày đầu tiên đến Sài Gòn, háo hức ăn sáng bằng một tô bún nóng hổi như người Sài Gòn thực thụ. Quán không quá đông đúc, chỉ có vài khách vội vào vội ra, xì xụp tô bún trước khi tiếp tục ngày mới.
Mặc dù thực đơn còn có nhiều loại bún và mì khác, bún vẫn là món tủ của quán. Tôi gọi một cho mình một phần bún thang Hà Nội giá 40.000 đồng. Trong gian bếp mở, chủ quán nhịp nhàng lấy nguyên liệu từ một hàng khay inox, giống như những hũ nhựa ở nhà tôi ngày ấy. Một vá nước dùng được đổ đầy vào tô.
Không lâu sau đó, tô bún thang, cùng với một đĩa rau sống tươi, hiện ra trên bàn trước mặt tôi. Các nguyên liệu riêng biệt được sắp xếp gọn gàng trong tô, cùng một nhúm rau răm xanh tươi ở giữa. Sau khi trộn một chút mắm tôm và lát ớt, tô bún đã sẵn sàng để thưởng thức.
Trong tâm trí tôi, bún thang là thứ gì đấy chỉ thuộc về căn bếp của mẹ; không hiểu vì lý do gì mà tôi luôn hoài nghi rằng chẳng có phiên bản nào có thể sánh với hương vị bún nhà. Và thật, đúng là bát bún thang ở Bún Thang 50 khác biệt so với những gì tôi quen thuộc. Tô bún ở đây có thêm nấm mèo và nấm đông cô — những thành phần truyền thống của bún thang không hiện diện trong công thức gia đình chúng tôi. Phần bún ở đây cũng nổi bật hơn nhờ có tóp mỡ dai dai, chả lụa có vị thơm của thì là, thứ lá thơm đặc trưng ẩm thực miền Bắc.
Tô bún thang vừa gợi lại cho tôi hương vị an yên ngày bé, vừa đem đến bất ngờ với những hương vị và nguyên liệu đa dạng. Nấm và thịt heo là một điểm nhấn thú vị, giúp cân bằng kết cấu mềm mại của trứng, gà và chả lụa; nước dùng cũng đậm và béo hơn so với của mẹ tôi. Tô bún thang này, vì vậy, vừa là dư vị của những bữa ăn gia đình, vừa là một lời nhắc rằng giờ đây, tôi đang đến một chân trời rất xa và rất mới.
Bún Thang 50 mở cửa 6h sáng đến 9h tối.
Đánh giá:
Hương vị: 4.5/5
Giá cả: 5/5
Không gian: 3.5/5
Độ thân thiện: 3/5
Địa điểm: 3.5/5
Bún Thang 50
50 Hồ Biểu Chánh, phường 12, quận Phú Nhuận, TP. HCM