Nhắc tới cơm tấm, người ta hay nghĩ ngay tới dĩa cơm tấm Sài Gòn với sườn nướng bản to, vàng ươm, dày thịt. Khi cơm tấm bắt đầu đi xa hơn khỏi Sài Gòn, len lỏi xuống miền Tây, nó cũng dần “biến hình” cho hợp khẩu vị từng vùng. Từ thuở cơm tấm mới ra đời và dần lan rộng khắp miền Tây Nam Bộ, bên cạnh phiên bản “sườn bì chả” trứ danh, còn có một nhánh khác âm thầm hình thành, lớn lên theo dòng chảy ẩm thực phương Nam. Kiểu cơm tấm được người ta mê đến độ gọi tên luôn theo quê nhà — cơm tấm Long Xuyên.
Lần đầu tôi thử món này là ở Cơm Tấm Tị Quỳnh. Ban đầu, tôi tính gọi một phần cơm tấm Sài Gòn cho chắc ăn — quen thuộc, dễ đoán — nhưng rồi thấy trên bảng menu có dòng chữ “Long Xuyên.” Hiếu kỳ nổi lên, tôi đổi ý.

Cơm Tấm Tị Quỳnh trong một con hẻm nhỏ Quận 3.
Quán nằm sâu trong một hẻm nhỏ ở Quận 3, con hẻm nối đường Kỳ Đồng với con đường ven kênh Nhiêu Lộc. Nếu không để ý, người ta dễ đi ngang mà không biết ở đây bán cơm tấm. Quán không có mặt tiền rõ ràng: bếp và khu gọi món nằm trong một căn nhà mở cửa suốt ngày, còn bàn ghế lại kê tạm bên sân nhà đối diện, nơi vừa giữ xe vừa làm chỗ ngồi ăn. Nghe nói họ có thêm một chi nhánh ở Gò Vấp, nhưng tôi chọn chỗ này vì gần nhà, gần chỗ làm — tiện đường ghé ăn buổi trưa.


Muốn gọi món, bạn sẽ phải len qua một biển shipper xếp hàng lấy đồ giao.
Quán ban đầu chỉ là một xe nhỏ bán vài món ăn vặt do một gia đình gốc miền Tây mở cách đây hơn 10 năm. Mãi đến năm 2021, họ mới bắt đầu bán cơm tấm với đủ lựa chọn cho khách quen lẫn khách vãng lai. Trong đó, món đặc trưng nhất là cơm tấm Long Xuyên — phiên bản gắn với quê nhà của người nấu. Bên cạnh đó, thực đơn vẫn có cơm tấm kiểu Sài Gòn với các topping như gà nướng, sườn non, chả trứng... để ai đã quen vị cũng không thấy thiếu.
Mới hoạt động được ba năm nhưng trưa nào quán cũng nườm nượp khách ra vào. May mắn là sau khi gọi một phần cơm tấm Long Xuyên, tôi vẫn kịp tìm được chỗ ngồi. Chỉ chừng 5-10 phút sau, dĩa cơm đã sẵn sàng trên tay.

Một phần cơm tấm Long Xuyên tiêu chuẩn gồm cơm, dưa chua, nước mắm, thịt kho với trứng thái mỏng.
Điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa cơm tấm Long Xuyên và phiên bản Sài Gòn là phần topping. Thay vì sườn nướng, đĩa cơm ở đây có thịt kho và trứng luộc, được thái mỏng, chan thêm tí nước kho cho dậy vị. Khi ăn, topping mang lại cảm giác thú vị từ nhiều dạng kết cấu khác nhau: lòng đỏ trứng thì bùi béo, còn thịt ba chỉ thì miếng thì nạc mềm, miếng thì mỡ cháy cạnh dai dai, nhai rất vui miệng.



Thêm chút sườn nướng và ốp la để no căng bụng.
Một điểm đặc biệt khác của cơm tấm Long Xuyên mà chỉ khi ăn mới nhận ra chính là phần gạo. Loại cơm này được gọi là "cơm tấm nhuyễn" — hạt gạo bể nhỏ hơn bình thường, ăn vào thấy chắc và dẻo hơn cơm tấm Sài Gòn. Để có được loại gạo này, quán phải đặt mua tận Long Xuyên. Lúc mới nấu xong, cơm nóng bốc hơi nghi ngút, thoảng mùi thơm nhẹ nhàng mà dễ chịu. Mỗi lần xới một muỗng lên là cảm nhận rõ độ tơi, mềm của từng hạt cơm.




Không thể thiếu mỡ hành.
Nước mắm ngọt chính là thứ gắn kết mọi thành phần, và cũng có thể quyết định cả dĩa cơm tấm có ngon hay không. Kiểu nước mắm của Long Xuyên cũng mang nét riêng: sánh nhẹ, vị ngọt đậm đà — đặc trưng không lẫn vào đâu được của miền Tây, nơi cái ngọt gần như là "chữ ký" ẩm thực. Khi chan đều lên phần thịt trứng phía trên, nước mắm thấm vào từng sợi, khiến miếng nào cũng đậm đà, bắt vị vô cùng.


Dĩa cơm đầy đặn.
Điều khiến tôi thích thú nhất sau khi ăn xong có lẽ là cái cách cơm tấm Long Xuyên dung hòa những khía cạnh đối lập. Một bên là nước mắm sánh ngọt và hạt cơm tấm nhuyễn nhẹ tênh, như dẫn dắt mình về với một đặc sản địa phương cách xa Sài Gòn cả trăm cây số. Bên còn lại là thịt kho trứng — món ăn quen thuộc đến độ cứ nhắc tới là nhớ ngay tới mâm cơm gia đình. Gần như Tết nào mẹ tôi cũng kho sẵn một nồi thịt trứng to tướng để cả nhà ăn dần qua mấy ngày nghỉ lễ. Dù đang ngồi ăn cơm tấm Long Xuyên giữa lòng Sài Gòn, tôi vẫn cảm thấy ấm lòng như đang ăn cơm nhà.
Nhờ Tị Quỳnh, tôi có dịp làm quen với một món ngon miền Tây theo cách vừa lạ mà lại vừa thân quen. Mỗi vùng đất có một khẩu vị riêng, và cơm tấm Long Xuyên rõ ràng mang đậm gu ẩm thực của quê nhà mình. Nhưng khi ăn một món đặc sản vùng miền như vậy, ta cũng dễ dàng nhận ra: dù mỗi nơi có cách nêm nếm khác nhau, có những thứ vẫn khiến chúng ta cảm thấy gần gũi. Và có lẽ, chính những điểm giao nhau ấy mới là điều làm ẩm thực Việt Nam trở nên đặc biệt đến thế.

Cơm Tấm Tị Quỳnh mở cửa từ 7h sáng đến 2h chiều, và 4h chiều đến 9h tối mỗi ngày.
Đánh giá:
Hương vị: 5/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 4/5
Cơm Tấm Tị Quỳnh
19E Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3, TP. HCM
