Mùa mưa Sài Gòn, cái lạnh thấm vào từng ngóc ngách của thành phố khiến người ta không khỏi thèm những món ăn nóng hổi. Cơn đói giờ tan tầm khiến tôi chợt thèm ấm áp để xoa dịu cái lạnh từ chiều mưa tầm tã. Loay hoay tìm tìm kiếm trên Google Maps, tôi tìm thấy quán Bò Kho Dì Út, may thay cách văn phòng chỉ 10 phút chạy xe.
Quán Dì Út lọt thỏm trong một con hẻm nhiều nhà cao tầng, dấu hiệu nhận biết là làn khói nghi ngút tỏa ra từ căn bếp nhỏ. Không mặt tiền phô trương, thực khách dùng bữa ngay trên bàn ghế nhựa dựng bên lên hẻm đúng theo phong cách dã chiến của các quán cóc Sài Gòn.
Gian trước của căn nhà là khu vực chế biến, đằng sau không gian bếp núc là nơi để gia đình chủ quán sinh hoạt hàng ngày. Gia đình chủ quán, vốn là người Việt gốc Ấn, đã kinh doanh theo công thức gia truyền hơn 30 năm nay nên bò kho ở đây mang hương vị hòa quyện chất Việt-Ấn đặc trưng chẳng lẫn đâu được.
Thực đơn khá đơn giản: quán chỉ phục vụ đúng món bò kho, thực khách có thể tùy chọn ăn chung với bánh phở, mì trứng, mì gói hoặc bánh mì. Trà đá giải khát tất nhiên miễn phí. Tôi gọi cho mình một mì gói bò kho, chưa kịp ngồi ấm ghế đã được chiêu đãi phần bò kho nóng hổi, thơm phức khó cưỡng.
Thoạt nhìn, món bò kho mang âm hưởng Ấn Độ này không khác mấy so với bò kho Việt Nam. Nguyên liệu vẫn là thịt bò, cà rốt, hành tây, hành lá, cùng với thêm một chút lá cà ri, một nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực Ấn Độ. Nước dùng có màu đỏ cam đậm hơn và hơi sánh hơn. Chỉ cần khuấy nhẹ thì là đã thấy một lớp dầu nổi trên mặt nước.
Tôi húp ngụm đầu tiên sau khi trộn đều các nguyên liệu. Ngay lập tức, tôi nhận ra hương vị của bò kho Dì Út rất đặc biệt — phải nói là đậm đà và thơm nồng hơn nhiều phiên bản bò kho ở Việt Nam tôi từng được thử.
Chẳng mấy chốc, hương vị của từng thành phần đã hòa quyện trong nước dùng nóng hổi, sợi mì gói dai sừng sực chín trong chưa đến một phút. Cà rốt được hầm nhừ có thể dễ dàng xé đôi bằng đũa. Còn thịt bò mềm đến nỗi tan ngay trong miệng. Sợi mì dai dai, kết hợp với rau củ tươi giòn và gân bò dai mềm tạo nên hỗn hợp vô cùng “nịnh miệng.” Nước dùng nóng hổi, đậm đà như ôm trọn vị giác, giúp xua tan cái rét của bữa ăn ngày mưa.
Anh Tây, con trai dì Út, cho biết mẹ của mình là con lai Việt-Ấn, bà ngoại của anh là người Việt Nam còn ông ngoại là người Ấn Độ. Công thức bò kho là bí mật gia truyền được dì Út thừa hưởng từ cha mẹ. “Hương vị gốc của Ấn Độ rất cay và đậm đà, nhưng nhà mình đã điều chỉnh lại để phù hợp với khẩu vị của nhiều người hơn,” anh Tây nói. Quán mở cửa vào năm 1978, “công thức giữ y nguyên từ đó đến nay, hương vị chưa bao giờ thay đổi.”
Hàng ngày, gia đình dành cả buổi sáng để chuẩn bị thức ăn, nấu nước dùng và chuẩn bị các nguyên liệu khác cho món bò kho. Nồi nước dùng được đun sôi liên tục từ khi quán mở cửa đến đóng cửa. Váng bọt nổi lên trong nồi cũng được hớt bỏ để nước dùng không bị mặn.
Những mảng tường màu xanh đã chuyển sang màu đen xém từ cái nóng của nồi nước dùng sôi chẳng ngừng nghỉ suốt bao năm qua. Căn nhà hiện tại trông nhuốm màu thời gian, nhưng không phải là địa điểm gốc của quán. Ban đầu, quán Dì Út tọa lạc ở đầu con hẻm đối diện đường Võ Văn Tần. Ngày ấy, quán đông khách đến mức không còn chỗ ngồi. Khoảng năm 2016, vì nhiều lý do mà gia đình phải chuyển vào bán trong con hẻm sâu. Không gian ăn uống nhỏ hơn, quán cũng thể tiếp nhiều khách khứa như trước vì không đủ chỗ. “Khu vực này ngày trước là tiểu khu của người Ấn Độ. Mà dần dần người ta cũng chuyển đi hết mất,” anh Tây hồi tưởng lại.
Tuy nhiên, tôi lại yêu thích sự yên tĩnh của nơi hiện tại. Để tới được đây, tôi phải đi qua đường Cách Mạng Tháng 8 — vốn là “địa đạo” tắc đường và kẹt xe, chưa bao giờ ngớt tiếng động cơ ồn ào. Nhưng khi tôi đến nơi, ngồi sâu trong con hẻm, tôi có cơ hội tách mình khỏi sự xô bồ của dòng chảy giao thông.
Đổi lại, tôi được lắng nghe âm thanh từ những cuộc trò chuyện của gia đình người Việt gốc Ấn. Dì Út đang ngủ trưa trong phòng khách, từ máy cát-xét của dì văng vẳng những giai điệu vọng cổ. Sau những giờ kẹt xe mệt mỏi ở Sài Gòn, không gian yên tĩnh của chiếc quán núp hẻm với tôi cũng là một điều quý giá, bởi trong sự yên tĩnh đó mà mình có thể tận hưởng trọn vẹn hương vị món ăn.
Ngay cả khi tôi đã ăn xong, hơi ấm vẫn còn se lại trên thành tô như thể vừa được nấu xong. Dì Út và bò kho của dì đã mở ra cho tôi một cánh cửa khám phá ẩm thực Ấn Độ và những dấu tích của một “Ấn Độ thu nhỏ” xưa cũ ở Sài Gòn. Khi tôi rời đi và hòa vào dòng người Sài Gòn đông đúc, hương vị ấy vẫn còn vương vấn trên đầu lưỡi, ủ ấm tôi suốt quãng đường về nhà.
Bò Kho Dì Út mở cửa từ 1h chiều tới 7h tối mỗi ngày trừ thứ 7.
Đánh giá:
Hương vị: 5/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 5/5
Bò Kho Dì Út Ấn Độ
194/5 Võ Văn Tần, phường 5, quận 3, TP. HCM