Sài·gòn·eer

BackĂn & Uống » Ăn » Ngõ Nooks: Sống lại ký ức thời kỳ bao cấp tại Cửa Hàng Ăn Uống Mậu Dịch Số 37

Nếu có dịp ghé con phố Trấn Vũ bên bờ hồ Trúc Bạch, bạn có thể đi ngược dòng thời gian về thời kỳ bao cấp tại Cửa Hàng Ăn Uống Mậu Dịch Số 37. 

Chị Đặng Thanh Thủy, chủ cửa hàng, niềm nở chào đón tôi trong một ngày oi nóng của Hà Nội. Bước vào cửa hàng, tôi ngay lập tức bị thu hút bởi những món đồ trang trí mô tả sống động thời kỳ bao cấp tại miền Bắc Việt Nam: chiếc xe đạp Thống Nhất rỉ sét, chiếc loa phường trên cột điện chằng chịt dây, bộ cassette hoài cổ, và những tấm bảng cổ động, tuyên truyền bằng nét chữ viết tay. Tất cả đều gợi nhắc về một giai đoạn khó khăn mà đáng nhớ của người dân Hà Nội.

Trong thời bao cấp, những cửa hàng mậu dịch là nơi người dân đến trao đổi tem phiếu để lấy nhu yếu phẩm.

Bao cấp là từ chỉ giai đoạn lịch sử từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1986 ở Việt Nam. Khi ấy, hầu hết mọi hoạt động kinh tế đều diễn ra dưới cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Hàng hóa không được mua bán trực tiếp trên thị trường mà được Nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu. Những cửa hàng mậu dịch là nơi người dân đến xếp hàng và trao đổi tem phiếu để lấy nhu yếu phẩm theo hạn mức đã được đặt ra cho từng cá nhân, gia đình.

“Tôi được các anh chị, các cô, các chú, những người đã trải qua thời kỳ bao cấp và mậu dịch, gợi ý mở cửa hàng về chủ đề này. Cá nhân tôi cũng thấy rất phù hợp và quyết định biến ý tưởng này thành một không gian tái hiện thời bao cấp xưa cũng như đưa cái ẩm thực Hà Nội đan xen vào đó để nói lên ý nghĩa về văn hóa ẩm thực nơi đây,” chị Thủy chia sẻ khi được hỏi về nguồn cảm hứng cho cửa hàng.

Trái: Mô phỏng không gian phòng khách thời bao cấp. Phải: Xe đạp Thống Nhất, phương tiện phổ biến tại Hà Nội ngày ấy.

Trong quán là một không gian hoài niệm. Những đồ vật trưng bày tại cửa hàng đều mang những câu chuyện đặc biệt. Những chiếc tủ gỗ, cặp lồng, quạt điện, tivi, bộ bàn ghế tại đây là những món đồ gia dụng được chính các gia đình xung quanh khu vực hồ Trúc Bạch cũng như từ các tỉnh, thành phố lân cận mang tới đóng góp và trưng bày. “Cái cơ duyên mà tôi thấy hay nhất là mọi người đã cảm thấy nơi đây là một nơi tin tưởng và cảm thấy phù hợp để mang đến đây những món đồ đã gắn bó với họ theo thời gian để lưu giữ,” chị Thủy nói

Từng là một nhà thiết kế in ấn, chị Thủy đã sử dụng con mắt làm nghề của mình để bày trí cửa hàng một cách ấm áp, gợi nhắc những ký ức xa xưa. Trên tường của quán treo đầy những tấm áp phích, pano đen trắng, nhưng theo lời chị Thủy, chị đã in những tấm ảnh theo chế độ bốn màu, và khi bắt màu với ánh đèn đỏ sẽ mang lại sự ấm áp. “Khi bạn nhìn thấy không gian này, là những tấm ảnh cũ, ảnh đen trắng, nhưng bạn không cảm thấy nó lạnh lẽo; nó vẫn có sự ấm áp và sâu lắng của kỷ niệm.”

Một số món đồ gia dụng ngày xưa được mọi người gửi gắm đến quán.

Áp phích hình điện ảnh Liên Xô và nghệ sĩ Việt Nam. Ghế cũng được bọc bằng vải chăn con công.

Những món ăn tại đây được chế biến bằng những phương pháp truyền thống để giữ được hương vị nguyên bản. “Bản thân quán không hướng đến màu sắc màu mè, mà chỉ nấu chín bằng gia vị, nước mắm, muối một cách nhẹ nhàng, không sử dụng bột ngọt, mì chính, cũng như là phẩm màu.”

Mỗi khi Hà Nội chuyển mùa, cửa hàng lại thay đổi thực đơn để đem đến những món ăn đặc trưng riêng cho thời tiết đó. Mùa hè có những món ăn thanh mát, giải nhiệt như rau củ, canh chua, còn mùa đông có những món ấm áp, nóng hổi vừa thổi vừa dùng. “Chắc chắn bạn đến quán vào bất kỳ ngày nào bạn cũng đều cảm thấy thú vị,” chị Thủy cười.

Mâm cơm dưới thời bao cấp tận dụng những nguyên liệu đơn giản.

Một mâm “cơm mẹ nấu” được bưng ra: thịt rang cháy cạnh, rau muống xào tỏi, canh mồng tơi nấu tôm, và cơm cháy thịt bò hầm. Chị Thủy gợi ý tôi thử món cơm cháy vì món ăn đã được cải tiến để phù hợp với các bạn trẻ.

Để mang lại hương vị ngọt và giòn của “cơm cháy đáy nồi,” từng miếng cơm được nướng trên một chiếc nồi gang nhỏ và dày, phục vụ cùng các món ăn kèm như gân bò hầm nhừ hay thịt chưng mắm tép. Lúc mới nhìn thấy đĩa cơm tôi đã nghĩ to như vậy thì sao ăn hết được. Nhưng miếng cơm vừa cháy giòn ở đáy, vừa mềm dẻo ở trên, ăn kèm thịt bò hầm mềm nhừ và sốt vang, chẳng mấy chốc đã hết sạch.

Một không gian để người trẻ tìm về mảnh ký ức của thế hệ trước.

Là một người trẻ, tôi chỉ được biết về thời bao cấp thông qua những câu chuyện của ông bà, cha mẹ. Dù vậy, khi đến với Cửa Hàng Ăn Uống Mậu Dịch Số 37, tôi vẫn cảm thấy một sự kết nối đặc biệt với thời kỳ quá khứ này thông qua không gian ấm cúng và hương vị thân thuộc. Nếu bạn đang tìm kiếm một nơi để chậm lại nhịp sống và nhặt lại những mảnh ký ức thời bao cấp giữa những bộn bề của thành phố, Cửa Hàng Ăn Uống Mậu Dịch Số 37 sẽ không làm bạn thất vọng.

Cửa Hàng Ăn Uống Mậu Dịch Số 37 mở cửa từ 9h sáng đến 3h chiều và từ 5h chiều đến 10h tối.

Đánh giá:

Hương vị: 4/5
Giá cả: 3/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 4/5
Địa điểm: 5/5

Cửa Hàng Ăn Uống Mậu Dịch Số 37

158 phố Trấn Vũ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội

In bài này

Bài viết liên quan

Linh Phạm

in Ăn

Ngõ Nooks: Trời Hà Nội se lạnh, ghé quán 'cơm Nhật bình dân' của Oka-chan

Nếu có một quán ăn để làm phương thuốc cho cái rét thấu xương của Hà Nội, đó sẽ là Okachan Shokudo.

in Ăn

Ngõ Nooks: Trời chuyển mùa, lên phố Triệu Việt Vương ăn bát riêu ốc bò cô Huyền

Những ngày Hà Nội chuyển mình từ mùa đông sang mùa hạ, bỗng dưng gió heo may lại về, mưa phùn lất phất. Thời tiết này dễ khiến người ta mơ màng về một làn khói mỏng manh bốc lên từ một nồi nước dùng s...

in Ăn

Hẻm Gems: Đến Bún Thang 50 tìm dư vị đất Bắc giữa lòng Phú Nhuận

Là đứa lớn lên ở California, ký ức của tôi về những ngày thơ ấu là loạt hũ nhựa đựng trứng chiên, thịt gà và chả lụa. Cứ mỗi vài tháng, tổ hợp nguyên liệu này được sắp hàng ngay ngắn trong gian b...

in Uống

Ngõ Nooks: Hayoon Cafe có bingsu, hanbok và những bài học văn hóa ngoài sách vở

“Thế sao cậu lại mở quán cà phê Hàn Quốc?” Tôi hỏi Giang, quản lí của Hayoon Cafe ở Nam Từ Liêm, một quận tập trung đông người Hàn ở Hà Nội.

in Uống

Ngõ Nooks: Không gian hoài niệm cho người trẻ Hà thành tại Căng Tin 109

Ở Hà Nội, thị trường cafe theo phong cách hoài cổ đang có xu hướng bão hòa.

in Ăn

Ngõ Nooks: Ngồi nhấm nháp vịt lộn cả ngày ở quán vỉa hè 24 năm tuổi

“Có món gì mà vừa ăn sáng, vừa ăn xế, vừa ăn đêm được không nhỉ?”