Sài·gòn·eer

Back Ăn & Uống » Ăn » Ngõ Nooks: Ngồi nhấm nháp vịt lộn cả ngày ở quán vỉa hè 24 năm tuổi

“Có món gì mà vừa ăn sáng, vừa ăn xế, vừa ăn đêm được không nhỉ?”

Cô bạn ngồi cạnh tôi chợt bật ra một câu hỏi không thể nào ngẫu hứng hơn. Chúng tôi cùng xúm vào bàn luận. Tất cả đều cho rằng một món ăn như vậy phải đáp ứng hết các tiêu chí: vừa dễ ăn, dễ tìm, vừa đủ để lấp đầy dạ dày, nhưng không được quá no. Về phần mình, tôi quả quyết rằng câu trả lời phù hợp nhất là trứng vịt lộn.

Kỳ thực, bạn có thể tìm được một hàng trứng vịt lộn ở bất cứ đâu, tại bất cứ thời điểm nào, trên khắp các ngõ ngách, đường phố ở Hà Nội. Chính vì dễ tìm như vậy, việc chọn ăn ở hàng nào lại thường không được cân nhắc, đặc biệt nếu chỉ ăn “để lấp đầy cái bụng.” Tôi cũng từng có suy nghĩ như vậy, cho đến khi cùng bạn đến một hàng trứng vịt lộn trên con phố Vũ Thạnh.

Nép bên hông một căn nhà đối diện với khu tập thể lớn, hàng trứng vịt của chị Gấm chỉ có diện tích chừng ba mét vuông, đủ để chị sắp toàn bộ nồi, bếp và các nguyên liệu. Cả hàng chỉ có duy nhất một chiếc bàn nhựa, còn lại toàn là ghế. “Nếu đi ăn theo nhóm thì các em ngồi bàn, còn khách chị hay đi một mình nên họ lấy ghế nhựa làm bàn là được rồi,” chị Gấm cười khi thấy chúng tôi lóng ngóng tìm chỗ ngồi.

“Nhà chị bán trứng được 24 năm rồi, tuổi của cái tiệm này có khi còn hơn cả mấy đứa,” chị vừa dọn bán vừa kể. “Nhà” ở đây thực ra là hai người chị em, chị Gấm bán từ chiều đến một giờ sáng, sau đó đến lượt chị Nhâm, em gái chị, làm chủ hàng. “Ngày xưa các cụ hay đặt tên vần vè như vậy mà. Bố chị tên Điền, thì hai con trai là Thiện, Chiến. Mẹ chị tên Xuân thì tên con gái như kia. Vậy là có Điền, Thiện, Chiến, Xuân, Nhâm, Gấm.”

Nói đoạn, tay chị thoăn thoắt lấy trứng vịt lộn đã luộc sẵn từ trong một nồi nước bốc khói nghi ngút. Theo chị Gấm tư vấn, đầu tiên thì nên ăn trứng vịt lộn truyền thống. Không giống như người Sài Gòn khi ăn trứng sẽ đặt lên một cái ly nhỏ, ở miền Bắc, trứng sẽ được đập vỏ cả quả và đặt trong chén ăn cơm. Đập quả nào là ăn hết quả đó, ăn xong mới lấy quả mới, vì nếu không trứng sẽ bị nguội. Rắc lên đó chút muối, chút ớt, vài cọng rau răm và gừng tươi xắt sợi là có thể thưởng thức. Vậy là đủ để tạo nên một món ăn mà chua, cay, mặn, ngọt đều có, tất cả chỉ gói gọn trong một thức quà dân dã vỉa hè.

Tôi đặc biệt chú ý đến phần phôi màu trắng của trứng vịt lộn — cái “cùi dừa.” Cùi dừa ở đây đặc biệt mềm hơn những hàng tôi từng ăn, và cũng chính vì thế mà một đứa hay bỏ cùi như tôi lại lần đầu ăn hết. Trước sự xuýt xoa của tôi, chị Gấm bảo trứng nhà chị đều là trứng non và bán hết trong ngày, như vậy trứng mới tươi và ngọt. “Không chỉ trứng đâu, tất cả nguyên liệu khác chị cũng đều chọn thức mới, xanh tươi hết,” chị vừa kể vừa dọn cho chúng tôi món thứ hai, là trứng vịt lộn hầm ngải cứu.

So với trứng vịt lộn truyền thống, vịt lộn hầm ngải cứu có phần dễ ăn hơn vì tính ấm của lá ngải cứu là sự cân bằng cho tính hàn của vịt lộn. Vị ngọt của trứng quyện với vị đắng nhẹ tênh của lá ngải cứu non, nếu thêm gừng và rau răm thì hương vị được đẩy lên độ hài hòa tuyệt hảo, mà nền ẩm thực Việt Nam hay gọi là “âm dương cân bằng, lấy hài hòa làm gốc.”

Không chỉ trứng vịt lộn, với quan điểm “Đi ăn là phải thử hết các món đặc sắc của quán,” chúng tôi đã “xử lý” thêm cả trứng rán ngải cứu và bánh giò nóng. Tất cả được thực hiện trong sự háo hức trước khi lên món, sau đó là sự tấm tắc khi dùng chiếc thìa nhỏ xắn từng miếng đồ ăn. Trứng rán bên ngoài vàng ruộm nhưng bên trong ẩm mượt, bánh giò bột mềm mịn mà không bị nhão, cả hai dần tan chảy trong miệng.

Nếu bạn hỏi vì sao hai món này lại là món đặc sắc ở một hàng trứng vịt lộn, thì câu trả lời của tôi là sự tươi, mới và kết cấu mềm mượt luôn hiện diện, cho dù đó là bánh giò hay trứng vịt lộn (và giá cũng vừa túi tiền nữa, chỉ từ 8.000 đến 15.000VND cho một món). Có lẽ điều đó đã trở thành điểm đặc trưng của hàng trứng chị Gấm, cùng với ánh mắt sáng bừng và nụ cười giòn tan của chị mỗi khi nói về từng món ăn chị tạo ra. Điều đó cũng đủ khiến tôi vượt qua suy nghĩ “Ăn trứng vịt lộn thì ăn ở hàng nào cũng được” và quay lại đây thường xuyên như một vị khách quen, để ăn sáng, ăn đêm hay ăn xế.

Hàng trứng Lê Gấm mở cửa cả ngày.

Đánh giá:

Hương vị: 4.5/5
Giá cả: 5/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 4/5

Hàng trứng Lê Gấm

41 Phố Vũ Thạnh, Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội

In bài này

Bài viết liên quan

in Ăn

Hẻm Gems: Chén cút lộn sốt me ở Bàn Cờ kì diệu giúp người Sài Gòn quên vận xui

Ở Sài Gòn, tôi tin rằng phải là một thiếu sót lớn nếu kể về các món ăn đường phố mà không nhắc đến vịt lộn. Tôi không có số liệu chính xác người Sài Gòn ăn bao nhiêu vịt lộn mỗi năm, hay có bao nhiêu ...

in Uống

Ngõ Nooks: Không gian hoài niệm cho người trẻ Hà thành tại Căng Tin 109

Ở Hà Nội, thị trường cafe theo phong cách hoài cổ đang có xu hướng bão hòa.

in Ăn

Hẻm Gems: Đến Bún Thang 50 tìm dư vị đất Bắc giữa lòng Phú Nhuận

Là đứa lớn lên ở California, ký ức của tôi về những ngày thơ ấu là loạt hũ nhựa đựng trứng chiên, thịt gà và chả lụa. Cứ mỗi vài tháng, tổ hợp nguyên liệu này được sắp hàng ngay ngắn trong gian b...

in Ăn

Ngõ Nooks: Xì xụp bát canh bún 'nuôi dưỡng' tâm hồn trên phố Nguyễn Siêu

Việc thưởng thức một bát canh bún cũng tương tự như được tản bộ dưới ánh hoàng hôn: cả hai đều gần như miễn phí mà lại nuôi dưỡng cho tâm hồn.

in Ăn

Ngõ Nooks: Bún lòng cá Hải Phòng cho những ngày Hà Nội đau lòng quá

Út Hà Quán chẳng có gì giống những quán ăn đầy “cá tính đường phố” ở Hà Nội  mà ta thường bắt gặp trên các tạp chí hay kênh truyền hình du lịch nước ngoài. Ở đây chẳng có bà chủ “chửi như hát,” v...

in Ăn

Ngõ Nooks: Bún thang trứ danh 30 năm xóm Hạ Hồi

Nếu có bao giờ dạo quanh khu dân cư giữa phố Quang Trung và Trần Hưng Đạo, có thể bạn sẽ bắt gặp Bún Thang 11 Hạ Hồi, một quán bún thang với hương vị “chuẩn nhà làm.”