Nếu có một quán ăn để làm phương thuốc cho cái rét thấu xương của Hà Nội, đó sẽ là Okachan Shokudo.
Khi đến đây vào một tối tháng 12, việc đầu tiên tôi làm là cởi mấy lớp áo khoác. Cái quán nho nhỏ cùng ánh đèn vàng và bộ bàn ghế gỗ cứ như tỏa ra hơi ấm kì lạ. Căn phòng chỉ đủ chỗ cho năm cái bàn, và dáng vẻ khệ nệ của Oka-chan làm căn phòng như nhỏ hơn.
Thú thật là tướng người gần như to gấp đôi tôi của chủ quán, anh Takumi Okazaki hay còn gọi là Oka-chan, khiến tôi hơi e dè khi mới gặp anh. Nhưng khi anh cười, Oka-chan như biến hình chú gấu bông xởi lởi, và anh lại rất hay cười. Anh chỉ nói bập bẹ tiếng Anh, còn tôi thì không biết tiếng Nhật, nên chúng tôi chẳng nói chuyện được nhiều. Tôi chỉ biết anh học nấu ăn ở Tokyo suốt 10 năm. Sau đó anh đến Hà Nội và mở cái shokudo, hay quán cơm, này năm 2016.
Khi hỏi về thức ăn Nhật, tôi chỉ kể được mỗi món sushi, mà ở đây lại không có món đó. Oka-chan nói sushi là đồ ăn cao cấp trong các nhà hàng sang trọng. “Ở đây như quán cơm bình dân thôi,” anh bảo. Okachan Shokudo chế biến những món ăn bình dân Nhật Bản từ những nguyên liệu tươi ngon nhất trong mùa.
“Thế một tối mùa đông như hôm nay thì nên ăn món gì?” tôi hỏi anh. “Nabe,” anh đáp ngay tức khắc, “sake kasu nabe.”
Trong tiếng Nhật, nabe nghĩa là lẩu, còn sake kasu là nguyên liệu chế biến từ bã rượu sake. Hôm đó tôi đi cùng ba người nữa, nên món lẩu có vẻ là lựa chọn phù hợp. Tôi mâm mẩm, vừa ăn lẩu vừa “phê pha” thì hay phết, nhưng Oka-chan làm tôi vỡ mộng, anh bảo làm gì có cồn trong sake kasu. Nhưng không sao, anh gợi ý cho tôi một bình sake, từ 50 loại sake mà nhà hàng có. Sake ngon khi uống nóng, tuyệt hảo cho một đêm rét như thế này.
Khi nồi nabe được mang ra, chúng tôi nhận ra rằng nó rất khác với lẩu Việt Nam, tất cả nguyên liệu đã được cho sẵn trong nồi. Hương thơm ngào ngạt bốc lên, nhưng chúng tôi phải đợi nước sôi. Càng đợi bụng chúng tôi càng cồn cào, nên chúng tôi lại gọi thêm một suất set menu, bao gồm bảy món ăn được thay đổi theo tuần.
Nồi lẩu sôi trước khi món đầu tiên ra. Chỉ ăn một miếng thôi là đủ làm cả bàn ngất ngây. Nước lẩu đậm vị "ngon từ thịt, ngọt từ xương," ăn tới đâu ấm bụng tới đấy. Vợ tôi, một tín đồ của lẩu, bảo đây là nồi lẩu ngon nhất em từng ăn ở Hà Nội. Thịt bò thì rất mềm, nấm cũng đậm đà. Và dù tôi vào loại thích ăn thịt, thứ ngon nhất trong nồi lẩu đối với tôi là đậu phụ. Tôi chưa từng ăn miếng đậu phụ nào vừa mềm vừa thanh tao như vậy. Tôi nghe bảo người Nhật rất tự hào với món đậu phụ của họ.
Trong lúc chúng tôi đang xì xụp nồi lẩu, món đầu tiên trong set được mang ra. Đây là món khai vị với bốn thứ: bánh quy pho mát, bún lạnh, bề bề (tôm tít) và mực sống. Món tiếp theo là salad kèm thứ đậu phụ kỳ diệu kia. Chúng tôi đang thưởng thức từng thứ thì một bạn nhân viên đến hỏi: “Anh chị ơi, món tiếp theo là gan bò sống. Anh chị có ăn được không hay muốn đổi sang cái khác ạ?”
Chúng tôi trơ mắt nhìn nhau. Bạn ấy vừa nói là gan bò sống á? Ở bất cứ nơi nào khác, câu trả lời sẽ là không. Nhưng đây là Oka-chan. Chúng tôi tin anh ấy và đến giờ thì tất cả các món đều rất ngon. Tại sao lại không nhỉ? Bạn nhân viên quay lại với chiếc đĩa có bốn miếng gan, kết quả ngon hơn tôi đã mường tượng rất nhiều. Miếng gan rất tươi và đặc sắc hơn hầu hết những loại sashimi tôi từng ăn.
Thi thoảng, Oka-chan lại đảo qua bàn tôi để xem mọi người thế nào. Và lần nào cũng thế, chúng tôi chỉ kịp ngửng lên, nói “Oishi!”, rồi nhồm nhoàm nhai tiếp. Oka-chan sẽ cười thỏa mãn rồi sang bàn khác. Quán ăn cũng bắt đầu đông khách. Ngoài bàn chúng tôi ra thì còn lại đều là khách Nhật. Nhiều tốp trông có vẻ như vừa đến thẳng đây từ văn phòng để tìm hương vị quê nhà.
Lúc chúng tôi ăn gần hết nồi lẩu, Oka-chan dùng chỗ nước lẩu còn lại để nấu thành một nồi cháo. Tất cả những hương vị trong nước giờ quyện hết vào gạo trong nồi cháo — một cách tuyệt vời để kết thúc nồi lẩu.
Bụng tôi đã bắt đầu đầy, nhưng tôi không thể dừng ăn được. Và các món cứ tiếp tục đến: gà rán, súp cá, cơm và canh miso, rồi cả miếng xoài để tráng miệng. Phải rất vất vả nhưng cuối cùng chúng tôi cũng ăn hết được mọi thứ. Sẽ là phải tội nếu bỏ đi thức ăn ngon như vậy.
Một set menu là 500,000VND, đắt hơn nhiều so với một quán cơm bình dân. Nhưng cái giá đó rất xứng đáng so với chất lượng và độ tươi ngon của món ăn. Chúng tôi rời quán ăn với cái bụng căng tròn, và bảo với nhau rằng kiểu gì cũng sẽ quay lại, để xem lần tới Oka-chan có món gì.
Okachan Shokudo mở cửa từ 11h30 đến 13h30 và 18h đến 22h hằng ngày, trừ Chủ Nhật.
Đánh giá:
Hương vị: 5/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 5/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 5/5 — Quán ăn hơi khuất trong ngõ. Từ ngõ 20A phố Núi Trúc, đi thẳng vào và quán sẽ ở bên phải. Cái biển gỗ hơi khó nhìn nhưng sẽ thấy ánh sáng vàng hắt ra từ cánh cửa.
Okachan Shokudo / 岡ちゃん食堂
Ngõ 20A, phố Núi Trúc, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội.