Khi hai nguyên liệu cấu thành món ăn đều thuộc hàng cực phẩm trong thế giới của mình, không có gì thất vọng hơn một thành phẩm chỉ dừng lại ở mức ăn tàm tạm.
Một bên là heo quay, một trong những cách chế biến thịt ba chỉ toàn vẹn nhất. Không có gì đáng tiền bằng miếng heo quay giòn tan trong miệng chấm sốt ngũ vị hương ngòn ngọt. Tí mỡ, tí da giòn, tí thịt mềm thơm, mới nói đã muốn chảy nước miếng. Bên kia là bột lọc, tinh hoa của ẩm thực miền Trung. Trong kho tàng đặc sản Việt Nam, bột gạo là xuất phát điểm của nhiều loại bún mềm mảnh, dễ ngấm nước lèo, ngấm nước chấm, nhưng bột lọc từ miền Trung đem đến cái giòn sần sật kích thích vị giác, như trong bánh canh bột lọc hay bánh bột lọc gói lá chuối.
Chè bột lọc heo quay là sự giao thoa ngọt ngào của hai “thành tố” đặc biệt như vậy. Một miếng heo quay bằng đầu ngón tay, rim mằn mặn ngòn ngọt, bao phủ bằng bột lọc, rồi ăn cùng nước đường thoang thoảng mùi mè rang, gừng non. Tôi đã phải lòng chè bột lọc heo quay từ lần đầu gặp gỡ trên con phố không tên ở Huế. May mắn thay, món chè mặn ngọt có mặt khắp ngõ hẻm ở đây, nên người mê chè có thể thử nhiều phiên bản khác nhau từ nhà hàng sang cho đến xe đẩy bình dân trên từng nẻo đường. Chuyện lấy thịt làm chè ngọt chắc sẽ làm nhiều người thấy lạnh sống lưng, nhưng, theo tôi, lại là sáng kiến. Quanh đi quẩn lại, nhiều món chè Việt chỉ đem lại vị ngọt thẳng đuột, dễ ngấy, nên chỉ cần một chút muối — thường trong nước dừa — đã có thể đưa ta đến một tầm cao mới. Mỗi khi có dịp ghé thăm Huế, tôi nhất định phải tìm đến nồi chè bột lọc hai lần: ngay khi đến và trước khi đi.
Mỗi khi nghe ngóng được sự hiện diện của thứ đặc sản gì đó gốc gác nơi xa ở Sài Gòn, tôi vừa mừng vừa thoáng lo sợ. Sài Thành là cái nôi hòa trộn văn hóa ba miền trong nước và ngoại quốc. Nên không sớm thì muộn, món ăn dù thâm sơn cùng cốc đến đâu cũng sẽ tìm đường về đây theo hành trang của dân nhập cư tứ xứ. Ngày chúng tôi đánh hơi được chè bột lọc heo quay ngay quận 3 là ngày tòa soạn Saigoneer dậy sóng. Ở đời, nhiều khi mong đợi nhiều chỉ thêm thất vọng nhiều Nhưng nếu không thử dấn thân thì có lẽ ta sẽ tiếc nuối mãi, nên chúng tôi quyết định đèo nhau ra Kỳ Đồng để thử cho bằng hết các loại chè ở Góc Huế.
Nội thất của quán mang cả hai màu mộc mạc, thoải mái. Mặt gỗ, tre dưới ánh đèn vàng nhè nhẹ bao trùm không gian ăn uống. Đây đó, từng nhóm khách nhỏ trò chuyện khe khẽ. Thực đơn Góc Huế cũng bao gồm nhiều món mặn thường gặp như bún bò hay bánh bèo, nhưng Saigoneer chỉ chăm chú vào trang đồ ngọt: chè bột lọc heo quay, chè kê, chè đậu ván, chè sen nhãn, và chè sen Huế.
Được đặt trong chiếc chén men lam nhỏ xanh, phần chè bột lọc heo quay thoạt trông rất mướt mắt. Từng lát gừng trang trí trên mặt giữa vài hạt mè rang nhìn trang nhã, dù viên bột lọc hơi nhỏ. Nước đường thanh nhẹ, không quá ngọt cũng không quá đặc, nhưng phần bột lọc heo quay khá… bình thường. Phần heo quay tạm được, nhưng hơi khô và không mang vị gì đặc biệt, nên ăn rồi sẽ quên nhanh.
Hơn nữa, miếng heo quay cũng thiếu da, thiếu mỡ heo nên món chè bị khuyết đi khía cạnh dày dặn của nguyên bản. Nhìn chung, chén chè ăn cũng vừa miệng, nhưng thiêu thiếu gì đó. Ngồi nhâm nhi viên bột lọc mà tôi chỉ nhớ Huế và “đội quân” các cô chú bán chè với ly bột lọc heo quay sâm sấp nước đá vừa mát, vừa ngọt, vừa mặn mòi.
Các món ngọt còn lại ở Góc Huế tạo ấn tượng tốt hơn bột lọc heo quay, chung quy vì phần nước đường gừng ngon, nên ăn kèm gì cũng ngon theo. Hạt sen nấu vừa đủ không quá cứng hay quá mềm, chè đậu ván cũng khá ổn so với mặt bằng chung. Sau bữa tiệc ngọt, ngụm trà xanh lá dứa thơm nức là kết thúc đẹp cho chuyến “thực địa” về miền Trung quận 3 của Saigoneer.
Với giá 30.000 đồng một phần, chè ở Góc Huế cũng không rẻ. Chè sen, chè nhãn và chè đậu ván cũng nhan nhản ở Sài Gòn nên chắc chắn bạn đọc sẽ tự tìm cho mình một hàng chè ngon và vừa túi tiền hơn. Tuy nhiên, chè bột lọc heo quay chắc chắn là thức quà hiếm thấy trong thành phố. So với lựa chọn đáp máy bay đi Huế chỉ để ăn bột lọc heo quay, thì một bữa xế ở Góc Huế để ăn cho đỡ thèm là giải pháp không hề tệ tí nào.
Góc Huế mở cửa từ 7h sáng đến 9h tối.
Đánh giá:
Hương vị: 3/5
Giá cả: 3/5
Không gian: 5/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 5/5
Góc Huế
41 Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, Tp.HCM