Một ngày trời thu đầy gió năm 2019, tôi đã làm chuyện ấy. Cái chuyện mà gần như đứa Gen Y tâm lý mông lung bất ổn nào cũng ít nhiều sẽ từng làm một lần trong những năm đôi mươi: tôi tậu một chậu cây.
Em nó là chậu sen đá bụ bẫm cầm vừa vặn như một cái nắm tay thật chặt. Ai nghĩ ra cái tên “sen đá” cho thứ thực vật mọng nước thấy cưng này thật chính xác. Lọt thỏm giữa chậu đất nung là mấy cái lá xanh biếc mập ú cuộn tròn vào tâm như bắp cải, bề mặt phủ sáp để chống thoát nước, da cây láng như được đẽo tạc ra từ đá tảng. Với giá chỉ 20 ngàn đồng, rẻ bằng ổ bánh mì thịt và hơi mắc hơn cây kem chuối một tẹo, chậu cây chẳng đáng bao nhiêu so với mấy đơn Shopee “chốt lẹ săn sale,” nhưng đối với tôi ngày ấy, chậu sen đá tí hon chất chứa trong mình mong ước lớn lao hơn thế.
Cầm trong tay chiếc chậu sen đá đất nung, giấc mơ về một tương lai huy hoàng hiện ra trước mắt tôi. Trên ban công nhỏ đón nắng sớm dịu ngọt, hơi ấm phủ lên hàng hàng lớp lớp chậu cây sắp đầy khoảng vườn. Trầu bà, bàng Singapore, môn Thái, lan hồ điệp chen nhau vươn mình đón mặt trời. Em sen đá, vẫn sống khỏe re, nằm trong góc nhỏ nơi mọi thứ bắt đầu, như một minh chứng sống cho khả năng chăm cây cảnh mát tay của tôi.
Có thể gọi đó là đồng hồ sinh học tích tắc, hay bản năng làm cha mẹ nảy nở, nhưng tôi nghiệm được rằng đến một lúc nào đó, cuộc sống sẽ đột nhiên ra đề bài thử thách khả năng chăm sóc cho một sinh vật khác của người trẻ, như cây cảnh, em chó mèo hoang, đứa cháu trong nhà, hay thậm chí — nghĩ tới đã thấy rùng mình — một đứa bé sơ sinh. Tôi cũng học được rằng để giữ một chậu cây sinh trưởng khỏe mạnh không hề dễ, nên tôi lúc nào cũng rất ngưỡng mộ những ai đủ dũng cảm để dấn thân vào nghiệp nuôi trồng cây. Là một người yêu cây nhưng không giỏi trồng, cảm giác khi đặt chân vào quán cafe Cú Trên Cây rất đặc biệt.
Từng centimet của quán được bao phủ bởi cành lá sum suê, hoa cỏ rực rỡ, và bóng mát từ những cây cổ thụ cao phía trên. Dù Cú Trên Cây không hẳn là một quán cà phê sân vườn đúng nghĩa, vì phần lớn bàn đặt phía trong, nhưng quán là một ví dụ kiểu mẫu của cà phê xanh, một ốc đảo nơi sắc lá cây tràn đầy mọi góc cạnh.
Tìm được địa điểm ngồi nghỉ chân hóng mát ngay giữa tâm điểm kẹt xe của Bình Thạnh quả thật nhẹ nhõm. Nằm yên ắng bên đường Ung Văn Khiêm, Cú Trên Cây là hàng xóm của nhiều hàng cơm bình dân, tiệm sửa xe, và các dãy nhà ống không có gì đặc biệt mấy, khác xa không khí sinh động của khu phố cà phê thời thượng ở Phan Xích Long hay Ngô Thời Nhiệm. Mặt tiền đơn giản cũng góp phần không nhỏ giúp quán hòa lẫn vào khu rừng cây cối bao quanh, ngoài ra quán còn kiêm luôn bán cây cảnh với nhiều kệ sen đá, dương xỉ, trầu bà mời gọi.
Phần nội thất và trang trí trong nhà theo phong cách vintage ta thường bắt gặp tại nhiều quán khác ở Sài Gòn, dẫu đây đó, nhiều nét mộc mạc đồng quê cũng giúp Cú Trên Cây tạo sự khác biệt. Trên mỗi bàn là một chiếc đĩa nhỏ đựng hoa gòn khô, thấp thoáng trong không gian là tượng cú đủ hình dáng, màu sắc, kích cỡ — quả đúng là nhà của “cú trên cây.” Và đương nhiên, không thể thiếu sự hiện diện của hoa, dây leo khắp mọi nơi. Menu thức ăn và nước uống mang đến nhiều lựa chọn vừa đủ, nhưng cũng không có gì quá đặc sắc. Tuy vậy, niềm vui khi ngồi ở Cú Trên Cây theo tôi chẳng phải nước ngon, mà là cảm giác bình yên đến từ cách bày trí thân thương và thiên nhiên trong nhà. Cũng phải góp ý rằng đôi khi không khí ấm cúng này bị ảnh hưởng bởi nhạc nền không phù hợp và tiếng cười nói nhao nhao của nhân viên đứng quầy.
Đến đây chắc bạn đọc cũng ít nhiều đoán được rằng chậu sen đá hôm ấy không tồn tại được lâu. Tôi phần hơi cập rập, phần hơi hồ hởi tưới, nên chậu cây từ từ ra đi vì úng nước. Thế nhưng, mỗi lần tôi đặt chân vào một quán cà phê đầy cây như Cú Trên Cây, tôi bất giác lại nhớ về em sen đá ngày đó và cái ban công tương lai không thành. Phải chăng đây là lúc bắt đầu lại?
Cú Trên Cây mở cửa từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối.
Đánh giá:
Hương vị: 3/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 5/5
Độ thân thiện: 3/5
Địa điểm: 3/5
Cú Trên Cây Coffee
262 Ung Văn Khiêm, phường 25, Bình Thạnh.