Mở cửa từ giữa năm nay, Lost & Found là một chiếc cafe mới toanh, có người "chị em thất lạc" là Lost & Found Bar tại Nguyễn Thị Minh Khai. Cả hai quán đều theo đuổi phong cách Sài Gòn những năm trước 1975 — chi tiết đã khiến tôi, một Gen Z luôn hoài niệm về Sài Gòn cũ, lập tức bị thu hút.
“Sỡ dĩ hai quán được đặt tên như vậy vì nằm ở vị trí khó tìm, nhiều người tìm đường đến đây đã bị lạc. Trong quán lại có nhiều món đồ được thu thập từ các nhà hàng và các quán bar tôi mở trước đó; những vật dung mà khách hàng đánh rơi và được tôi phát hiện. Nội thất phong cách vintage của quán cũng tạo ra cảm giác 'đồ ở đâu lụm về.' Nhiều người đến quán bar hay quán cafe với rất nhiều việc cần làm hoặc cảm thấy lạc lõng trong ngày. Họ cần có những khoảng thời gian trong ngày để chiêm nghiệm về cuộc sống và tìm lại chính mình, bên cạnh một ly rượu, một cốc bia hay một tách cà phê," anh chủ quán người Mỹ Tyler Maurice Kooy tiết lộ những nguồn cảm hứng đằng sau cái tên Lost & Found.
Đối với tôi, Sài Gòn có hai sắc thái tương phản: một Sài Gòn xưa bình lặng và một Hồ Chí Minh sôi nổi, bận rộn. Hai sắc thái đối lập ấy lại đan xen vào nhau ngay giữa lòng Quận 1 tại đường Đặng Thị Nhu — vốn chỉ dài vỏn vẹn tầm 30 căn nhà, lặng lẽ nằm song song giữa hai con đường nhộn nhịp khác là Lê Thị Hồng Gấm và Trần Hưng Đạo.
Một khi bạn đã đặt chân đến con đường này, bạn sẽ không thể bỏ lỡ chiếc biển hiệu có phông chữ viết tay cũ, hình phin cà phê đặt cùng dòng chữ "Cafe - Sinh Tố - Nước ép." Anh Tyler cho biết vợ anh, chị Thảo, người gốc Sài Gòn, đã lên ý tưởng để làm đẹp “bộ mặt” của quán bằng biển hiệu đậm chất "Sài Gòn 1900 hồi đó" này.
Như bao quán cafe khác ở Quận 1, với một quầy pha chế chiếm gần một phần ba diện tích, quán chỉ đặt vài chiếc bàn trong một không gian nhỏ hẹp. Bước vào trong quán, điều nhanh chóng thu hút tầm mắt tôi là chiếc kệ đầy những món đồ công nghệ của thời trước: một chiếc máy cát-xét, một chiếc TV cũ, một máy đánh chữ, và vài món đồ của những năm trước 1975.
Bên trên chiếc kệ, có một vài tấm hình đủ kích cỡ về Sài Gòn và con người trong những thập niên về trước. Tyler chia sẻ rằng niềm đam mê phong cách hoài cổ của anh bắt nguồn từ lúc hai vợ chồng tìm thấy một tòa nhà mang kiến trúc Pháp thuộc ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đây cũng là địa điểm hiện nay của quán bar Lost & Found: “Vợ và mình phát hiện ra tòa nhà này xong thì cũng mê kiểu công trình cổ điển, ít tầng những năm 1950–1960 luôn, nên đã rất cố gắng để xây dựng một không gian [quán bar] không quá đối lập với phong cách của tòa nhà.”
Cả hai quyết định thay đổi một chút cho quán cafe, theo một phong cách hiện đại và cổ điển hơn với nền nhà lát trắng và đen thay vì nền gạch mang hơi hướng phục cổ, và sử dụng màu xanh lam sáng thay vì màu xanh lục tối. Giữa quán bar lột tả được nét ảm đạm của Sài Gòn một thời đã qua và một quán cafe có màu sắc tươi sáng, hiện đại hơn, việc lựa chọn một trong hai phụ thuộc vào sở thích mỗi cá nhân.
Tôi gọi một tách cà phê trứng và anh Tyler vẫn phục vụ vào khách hàng buổi sáng như thường lệ. Thật lòng mà nói, đây là lần đầu tiên tôi thử món nước đặc sản của Hà Nội. Tôi không biết liệu ly cà phê trứng này có giống với hương vị gốc hay không, hoặc có ngon như những gì người ta đồn thổi hay không, nhưng tôi có thể xác nhận "công lực" của nó. Chỉ một “shot” 100ml cà phê trứng béo ngậy đã làm cho tôi bị say cả ngày hôm đấy.
Tôi đã hiểu cảm giác của Tyler khi anh ấy lần đầu tiên thử ly cà phê phin ở Gò Vấp vào sáu năm về trước, một thức uống nặng đô đến nỗi một người bị jet lag (hội chứng rối loạn khi thay đổi múi giờ một cách nhanh chóng) thức trắng cả đêm. Món cà phê đó đặc đến nỗi tôi chỉ có thể uống từng ngụm nhỏ. Khi tôi cố uống hết nhanh để đi vội, tôi có thể cảm nhận món cà phê đặc quánh chầm chậm trôi xuống, gắt cả cổ họng và khiến tim mình đập nhanh đến khó chịu.
Bên cạnh cà phê trứng, những món đặc trưng của Lost & Found bao gồm bạc xỉu, Saigon masala — món trà sữa có vị cay nồng, phục vụ trong một ấm sứ — sinh tố bơ và nước ngọt đóng trong chai thủy tinh như xá xị, Coca và 7-UP.
Tôi có thể tự tin nói rằng văn hóa cà phê lề đường là đặc trưng và là linh hồn của thành phố này. Từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối mỗi ngày, dù Sài Gòn có đang tất bật hay thảnh thơi thì các quán cà phê đường phố đều luôn đông nghịt. Không cần có bất kỳ một nghiên cứu sâu xa để hiểu tại sao người Sài Gòn lại chọn một quán cà phê và một loại cà phê nào đó cho riêng mình. Chỉ đơn giản là họ sẽ bị thu hút bởi phong cách của quán, hương vị của thức uống, và đặc biệt là một người chủ quán thân thiện.
Tôi hỏi sâu hơn về câu chuyện của anh Tyler, về lý do anh ấy chọn đặt quán cà phê Lost & Found trên đường Đặng Thị Nhu. Quay về 5 năm trước khi anh lần đầu đặt chân đến con đường này, anh ấy dần trở thành khách quen của quán cà phê Saigon Coffee Roasters, hiện đã đóng cửa. Anh kể, “Con đường này đã gắn bó với mình được năm năm. Qua những thăng trầm, nó đã thay đổi rất nhiều. Có nhiều nhà hàng và quán bar và quán cà phê đã đóng cửa. Con phố như 'lột xác' hoàn toàn trước mắt mình.”
Anh Tyler chia sẻ thêm rằng Đặng Thị Nhu từng một con đường mua sắm và ăn uống luôn tấp nập khách du lịch và địa phương. Đáng tiếc rằng sau sáu tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt, chỉ có duy nhất một nhà hàng chay là còn sống sót. “Sau khi mở quán Brick and Barrel trên đường Calmette gần đó, tôi đã quan sát kỹ tình hình ở đường Đặng Thị Nhu. Nhiều người trẻ đi shopping ở đây muốn tìm quán cafe để nghỉ chân, nhưng tất cả đã đóng cửa hết,” anh cho biết.
Tyler và vợ đã thuê mặt bằng này trong 1 năm vì nhận thấy tiềm năm kinh doanh tốt trên con đường này. Tuy nhiên, phải sau một năm đầy biến động do dịch, quán cà phê hiện vừa được mở cửa và có nhiều tiến triển tốt. “Ngày nào chúng tôi cũng có những vị khách quen thuộc — họ có thể đến vào buổi sáng hay buổi trưa và gọi cùng một món duy nhất. Bạn biết đó, thật là một cảm giác vui sướng khi mình biết họ sẽ gọi món gì trước khi họ gọi!”
Là một người ít di chuyển đến khu vực này, nếu không nghe qua câu chuyện của anh Tyler, tôi sẽ không bao giờ tưởng tượng được việc con đường trống vắng này đã từng có một thời hoàng kim. Tôi đến quán cà phê vào lúc 9 giờ sáng hôm đó. Dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn mùa khô, con đường nằm lặng yên trong một bầu không khí im ắng đến ảm đạm. Thật lòng tôi thích sự yên tĩnh này, nhưng có lẽ tôi cũng nên một lần đến đây vào một chiều muộn để trải nghiệm một không gian sôi nổi hơn.
Lost & Found Café mở cửa từ 8 giờ sáng đến 9 giờ 30 tối.
Đánh giá:
Hương vị: 4.5/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 4/5
Lost & Found Cafe
40 Đặng Thị Nhu, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1.