Từ quận Bình Thạnh, có hai cách để đi vào quận 1, Xô Viết Nghệ Tĩnh và Nguyễn Hữu Cảnh. Ít ai biết rằng nằm giữa hai con đường tấp nập ấy là phường 19, một sân chơi sôi động cho cả Tây lẫn Ta.
Bộ mặt của phường là khu chợ tự phát Thị Nghè, bán đủ thứ từ vải vóc lụa là đến gà ta nguyên con. Cách chợ không xa, có một hàng sinh tố đắt khách đến mức hàng ghế nhựa tràn qua cả lề đường đối diện. Đi sâu vào phường là Mad Roosta với gà chiên kiểu Nashville siêu to khổng lồ, rồi đến Legato, một jazz bar chơi nhạc sống vài buổi trong tuần.
Là nơi giao thoa của nhiều văn hoá, không ngạc nhiên khi bắt gặp nhiều hàng quán hợp gu Hẻm Gems ở phường 19, chẳng hạn như nhà hàng okonomiyaki gốc Osaka này. Dẫu không mấy rộng rãi, nhưng mỗi con đường ở phường 19 như một vương quốc thu nhỏ, đây cũng là một trong những nơi thu hút cộng đồng người Nhật nhất thành phố.
“Tiểu Nhật Bản” của phường 19 không sầm uất, lập lè như người anh em ở Quận 1. Chỉ cần đánh một vòng quanh phường, bạn sẽ thấy hết căn hộ này đến căn hộ khác treo biển cho thuê bằng tiếng Nhật, ấy mà nhiều nhà hàng Nhật thì lại chả buồn trưng biển hiệu ra. Nếu đến khu này vào giờ tan tầm, bạn dễ sẽ bắt gặp từng nhóm nhân viên chuẩn công sở Nhật Bản đang ngồi “chén chú chén anh.”
Chị Koga Momoko, được gọi với cái tên thân thương Momo, là một người Nhật sống tại Sài Gòn. Khi cùng người bạn Nammy của mình đến Sài Gòn lần đầu vào sáu năm trước, chị đã trúng ngay “tiếng sét ái tình” với thành phố, và quyết định chuyển đến đây lập nghiệp.
Từ quê hương Kyushu đến phường 19, chị trở thành quản lý của hai địa điểm “chị em” nằm đối mặt nhau ở tầng trên của một nhà hàng Nhật Bản — Danshaku Cafe và Snack Bar Momoko. Bước qua nhà hàng ở tầng trệt và chiếc cầu thang uốn lượn, bạn sẽ giáp mặt ngay hai cánh cửa dẫn đến một thế giới song song không ai ngờ.
Tôi thích lui đến nơi này vì thứ gọi là “trải nghiệm dịch chuyển không-thời gian” — làm người ta cảm thấy như đang bước vào thế giới khác, hoặc “xuyên không” đến một thời kỳ khác. Thông thường, một nơi chốn chỉ có thể làm được một trong hai, còn quán cafe và snack bar “sinh đôi” này lại làm được cả hai. Cùng nhau, Danshaku Cafe và Snack Bar Momoko mang những vị khách từ Phạm Viết Chánh 2022 về lại Nhật Bản thời kỳ Showa ngổ ngáo và rực rỡ.
Quán cafe đuộm màu vintage
Lần đầu tôi đến Danshaku Cafe là một hôm Chủ nhật như mọi ngày Chủ nhật. Lúc đó tôi đã sống ở phường 19 được một năm, nên cũng khá nhẵn mặt với các địa chỉ ở khu này. Sáng hôm ấy, tôi đang lang thang trên Google Maps để xem có quán cafe nào lọt vào mắt xanh của mình, thì phát hiện một địa chỉ tôi chưa “thị phạm” bao giờ. Tôi lướt qua từng tấm hình và thầm nghĩ, “chắc chỗ này mới mở.” Và rồi a-lê-hấp! Tôi ùa ra khỏi nhà.
Tôi rất thích đi lùng quán cafe kiểu này. Ở Sài Gòn quả thật là không đủ thời gian để khám phá hết các quán cafe, nên tôi đành ưu tiên trước các quán gần nhà. Thật ra thì Danshaku Cafe không được tính là mới khai trương. Quán đã hoạt động được khoảng một năm rưỡi, lâu hơn thời gian tôi sống ở khu này.
Chị Momo giúp tôi hiểu rõ hơn rằng Danshaku Cafe là một “jun-kissa." Jun-kissa khác với một quán cafe truyền thống của Nhật Bản ở chỗ có phục vụ đồ ăn. Khi bước vào, khách hàng sẽ cảm giác như vừa “hạ cánh” ở Nhật Bản 50 năm về trước. Momo còn giúp tôi hình dung rõ hơn một jun-kissa sẽ trông như thế nào ở quê hương Nhật Bản. Qua lời tả của chị, tôi hình dung ra mình sẽ gặp từng tốp các bác các chú ngồi quây quần chuyện trò, đọc báo hay đốt thuốc từ điếu này sang bao kia cho hết ngày.
Ở Danshaku Cafe, không có ông chú nào phì phèo điếu thuốc, nhưng cảm giác hoài cổ vẫn bao trùm không gian. Nếu phải chọn một từ để miêu tả không gian, thì tôi thấy “ấm cúng” cũng chưa đủ. Quán sắp được tám chiếc ghế, sáu trong số đó xếp quanh quầy bar. Tôi cam đoan rằng khi một ai đó bắt đầu cất tiếng, ngay lập tức nó sẽ trở thành câu chuyện của tất cả mọi người ở đó. Chắc chắn không ai đến đây để tập trung làm việc, nhưng nếu đang muốn có thêm bạn mới, đừng ngại bước vào quán nhé!
Dù không gian không mấy rộng rãi, nhưng quán lại có nhiều đồ trang trí để ngắm nghía. Bản thân giấy dán tường cũng đã rất bắt mắt. Trên tường là một chiếc đồng hồ cúc cu vẫn còn “hót” được và một rừng các dụng cụ pha cà phê thương hiệu Hario. Nếu may mắn đến quán khi có khách muốn dùng cà phê pha bằng siphon, bạn sẽ được xem cả một tiết mục làm thí nghiệm hoá học. Lần trước cùng đến đây, cô bạn tôi đã miêu tả kỹ thuật pha chế này bằng từ “rất gì và này nọ.” Và tôi thấy có lý. Theo dõi toàn bộ quá trình, từ việc đợi nước trong bầu sôi, đến việc quan sát nước dâng lên khoang trên, rồi cuối cùng chảy trở lại bầu, tôi thầm nghĩ: "Rất gì và này nọ thật!”
Quản lý của cafe là Huyền, cựu học sinh Đại học Xã hội và Nhân văn TP.HCM khoa Nhật Bản học. Bài viết này ra đời được phần lớn là nhờ tài phiên dịch thông thạo của Huyền vào hôm phỏng vấn chị Momo. Không chỉ quán xuyến việc ở tiệm cafe, Huyền còn là giáo viên tiếng Việt của nhiều anh chị người Nhật. Khắp trên tường của quán là các tấm áp-phích về những sự kiện giúp các cư dân Nhật Bản trau dồi tiếng Việt. Mỗi vị khách đến quán không chỉ được tiếp đón ân cần, mà còn được Huyền nhớ cả tên. Các nhân viên khác của quán đều là các bạn trẻ Việt cũng đang học tiếng Nhật.
Thực đơn của Danshaku Cafe được viết lên từ chính tâm huyết của chị Momo. Chị chỉ chọn các thức uống và món ăn mà một jun-kissa bình thường thường sẽ có. Theo lời chị thì mì “Naporitan” và soda kem là hai món kinh điển không trật vào đâu được. Với tôi thì cái thú của món soda kem nằm ở chiếc ly. Chúng giống hệt như mấy chiếc dùng trong một hàng ăn mọc lên ở giữa khu khỉ ho nào đó trên đất Mỹ. Thực đơn cũng có nhiều món hay ho khác như matcha affogato hay bánh mì nướng mật ong. Món khoái khẩu của tôi lại là cafe ore. Lần đầu đến Danshaku, Huyền đã phải kiên nhẫn giải thích cho tôi cafe ore là gì. Hoá ra đó là cách người Nhật đọc cafe au lait!
Ở bên kia cánh cửa gỗ của Danshaku là một cánh cửa “đỏ hết cả mặt” được bọc một lớp vải chần bông. Ngay khi mở ra, bạn sẽ thấy toàn bộ nội thất cũng đang “đỏ mặt” nhìn bạn. Chào mừng bạn đến chiều không gian mang tên Snack Bar Momoko.
Một snack bar “quậy tới bến”
Cũng như Danshaku, Snack Bar Momoko là một Nhật Bản 50 năm trước thu nhỏ. Chị Momo nhớ lại tuổi thơ của mình, những vật dụng đuộm màu thời gian luôn khơi dậy niềm thích thú trong chị, cái nỗi niềm mà chị đã gửi gắm vào Snack Bar Momoko. Quán chỉ mở cửa vào các ngày trong tuần và chỉ nhận đặt bàn vào những ngày cuối tuần.
Cũng vào thời điểm 50 năm trước, Nhật Bản mới chứng kiến sự xuất hiện của các snack bar. Theo quy tắc, mỗi snack bar sẽ có một bà chủ đứng ra tiếp khách, hay gọi là mama. Chị Momo cũng trông ra dáng một mama, có chị thì quán bar cũng ấm cúng như ở nhà. Quán không có những thức uống pha chế cầu kỳ, hoặc “on the rock” hoặc tonic nhâm nhi cùng một món nhắm. Tôi sẽ thành một tên phá mồi nếu món nhắm đó là đậu đỏ rang muối. Cứ hễ uống vào là tôi lại thèm mấy món mặn mặn, mà món này thì lại quá lý tưởng vì vị ngọt ngọt bùi bùi.
Đây không phải là một quán cocktail bar, chị nói rất rõ với tôi như thế. Chiếc kệ sau quầy bar là lớp lớp những chai rượu sochu và whiskey Nhật Bản. Khách hàng thân thiết của quán thường mua sẵn một chai rồi để lại luôn tại quán, mỗi lần đến thì cứ “chai đấy mà triển.” Tôi cũng nhăm nhe đầu tư một “bất động sản” ở quán bar này. Thực sự thì mua một chai sochu hảo hạng, viết tên mình rồi trưng lên kệ kể ra cũng đáng.
Nhìn quanh một vòng quán bar thôi cũng thấy bao nhiêu thứ bắt mắt. Gạt tàn bằng gốm mọc ra mấy con mắt nhìn rợn người, miếng lót ly thì có vẻ như được móc thủ công. Chưa kể đủ thể loại đồ chơi, còn có cả máy Nintendo mở sẵn trò Mario kinh điển. À! Còn có cả con Kumamon nhồi bông nữa.
Ở quán, bạn không cần phải biết tiếng Nhật dù toàn bộ đồ uống đều ghi tiếng Nhật. Chị Momo sẽ hí hửng lấy mấy chai trong bộ sưu tập để giới thiệu cho khách. Khách cũng cần biết có một luật bất thành văn của vài quán bar kiểu Nhật, đó là hễ đã ngồi xuống ghế, khách sẽ phải trả một khoản phí dịch vụ. So với không gian ấm cúng này, một chút phí cũng rất xứng đáng với trải nghiệm.
Mỗi tuần sẽ có bốn đêm khách được vừa say rượu vừa say mê giọng ca của Nammy. Chị là bạn của Momo, cũng là một người Nhật và là thành viên của một ban nhạc Nhật ở Sài Gòn — Urban Snail. Tủ rượu đằng sau cũng chỉ là phông nền mỗi khi chị cất giọng hát những giai điệu của Nhật Bản thời kỳ trước. Có một lần tôi đến Snack Bar Momoko cùng một người bạn từ Minnesota. Ngay sau màn chào hỏi, khi Nammy biết chắc anh bạn tôi đến từ Minnesota, chị ngay lập tức cho nổi nhạc một bài tiếng Nhật với tựa đề có tên Minnesota. Khỏi phải nói giây phút ấy kỳ diệu thế nào. Nammy chỉ cất giọng khi khách yêu cầu, và bởi không gian khá hẹp, khách hàng cũng tự biết không ồn ào khi chị hát.
Snack Bar Momoko cũng là một sân khấu cho những ai yêu thích kịch nghệ. Trước đợt phong toả toàn thành phố năm ngoái, quán đều đặn tổ chức mỗi tháng hai buổi diễn. Cứ xem một buổi diễn họ đăng tải trên trang YouTube, bạn sẽ hiểu ngay mình đã bỏ lỡ điều gì.
Tương tự ở quán cafe, câu chuyện bạn nói ở đây sẽ trở thành của chung. Tôi thì không nói tiếng Nhật, thành ra không phải lúc nào cũng bao đồng được, chỉ vừa đủ để biết được tinh thần cộng đồng và tình đồng chí của các anh em trong quán. Thế nhưng chỉ cần Nammy cất tiếng hát, mọi cuộc nói chuyện đều phải tạm ngừng và các tửu khách tự biến mình thành thính giả chăm chú lắng nghe.
Nếu có một chiều rảnh rỗi, hãy thử dành chút thời gian để dạo quanh, ngó nghiêng đôi chút ở phường 19. Bạn sẽ ngạc nhiên bởi sự đa dạng văn hoá ẩn chứa trong một khung cảnh hết sức bình thường tại đây. Và nếu có cần nghỉ chân đôi chút, hãy ghé Danshaku Cafe để được dịch chuyển thời quá khứ vàng son của Nhật Bản. Còn nếu muốn khoáy động đời sống về đêm của mình, hãy đi về Snack Bar Momoko. Đi là sẽ đến. Mà đến là sẽ mê.
Đánh giá:
Hương vị: 5/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 6/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 5/5
Danshaku Cafe / Snack Bar Momoko
40/19 Phạm Viết Chánh, phường 19, Bình Thạnh, TP. HCM