Sài·gòn·eer

Back Ăn & Uống » Snack Attack » Về Sơn La, quê nhà của mận hậu, tìm hương sắc mùa hè

Có một loại quả với vị chua ngọt, chan chát khiến bao người thòm thèm mỗi dịp hè về.

Cái nóng oi ả bắt đầu phả vào không khí, những cánh bằng lăng tím biếc xôn xao trong nắng. Tôi băng qua những chiều hoàng hôn nhuộm đỏ thắm, cả những cơn mưa rào chợt đến rồi đi. Đó là lúc tôi nhận ra: “Ôi! Hè đến thật rồi.” Tôi cũng lắng nghe những âm thanh của hè, đôi khi rõ nét như tiếng ve râm ran nhưng có lúc chỉ khe khẽ như tiếng lách cách của những viên đá trong cốc trà mát nơi vỉa hè ngập hoa nắng.

Ngoài những sự chuyển mình của đất trời, tôi còn nhận ra mùa hè trong những ô màu rực rỡ của vô số loại trái cây đổ bộ xuống chợ, xếp ngay ngắn trên các sạp hàng hay trên những chiếc xe đạp chầm chậm “chở mùa ngang phố.” Trên những gánh hoa quả ngày hè ở Hà Nội có màu hồng của vải, sắc vàng của dứa, dưa bở. Nhưng có lẽ, phổ biến hơn cả vẫn là sắc đỏ của mận hậu, một thức quà từ cao nguyên.

Một cách tự nhiên, cứ đến mùa, mận hậu bỗng đứng đầu danh sách trong thực đơn ăn vặt của dân văn phòng. Chẳng hiểu sao mận hậu dễ khiến người ta xúm xít lại với nhau đến thế. Mọi người vẫn thường chuyền tay nhau những quả mận đỏ tươi, vừa nhai rôm rốp, vừa tán gẫu. Quả mận hậu hiện diện trong những chiếc rổ tre xinh xắn đặt ngay ngắn trên bàn tiếp khách hay trong những mâm cơm gia đình.

Đến mùa, người ta ăn mận hậu như một thói quen. Ai đã trót nghiện loại quả này, cứ phải lai rai cho vui miệng cả ngày. Một phần vì loại quả có thể dễ dàng được tìm thấy ở bất kỳ sạp trái cây nào, từ phố ra đến chợ; nhưng cái chính, vẫn là vì… mận hậu ngon. Cơm mận hậu giòn sần sật, nhai rôm rốp. Vị chua chua ngọt ngọt lẫn chan chát khiến nhiều người chưa cần nếm, chỉ nhìn thôi đã thòm thèm, nuốt nước bọt ừng ực.

Cái ngon của mận còn đến từ khoảng thời gian chờ đợi, bởi lẽ phải đến mùa mới được thưởng thức. Vẫn nhớ hồi còn ở miền Nam, mỗi lần được bạn bè gửi mận hậu vào, tôi sung sướng lắm, cắn một miếng chấm muối ớt mà cười tít cả mắt. Thấy mận hậu như thấy cả mùa hè phương Bắc, tương tự như thấy cốm xanh là thấy cả mùa thu Hà Nội vậy. Thế đấy, khoảng cách địa lý càng khiến thứ quả ngon gấp bội phần.

Nếu mận tam hoa có màu tím sẫm hay mận cơm xanh nõn thì mận hậu chín có màu đỏ thẫm, bóng, mẩy, xếp lớp lớp trên gánh hàng đẹp mắt. Dưới cái nắng hè, vỏ mận đỏ ửng lên. Màu đỏ càng đậm, quả càng ngọt. Nếu chưa chín tới, cơm vàng và tương đối chua. Quả lấm tấm xanh còn lẫn vị chan chát.

Khi ăn, mận thường chấm với muối tôm. Chẳng có loại gia vị nào hợp với mận hơn thứ muối này. Vị chua ngọt của mận quyện với cái mặn mặn, cay cay nồng đượm của muối tôm tan nơi đầu lưỡi thật khó cưỡng lại. Nếu cầu kỳ hơn, mận có thể được gọt vỏ, bổ đôi, tách hạt và lắc đều với muối, đường.

Sức hút kỳ lạ của thức quả mùa hè này đã thôi thúc tôi tìm về Sơn La. Cách thủ đô Hà Nội khoảng 175 km, vùng đất được xem như thủ phủ mận hậu của cả nước. Tại đây, mận hậu tập trung chủ yếu ở các huyện Mộc Châu và Vân Hồ. Nhờ sự hiện diện của cây mận hậu hơn 40 năm qua, đời sống người dân tại các huyện như Mộc Châu, Vân Hồ của tỉnh Sơn đã cải thiện đáng kể.

Vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, mận hậu lần đầu được trồng ở Sơn La vào những năm 1980 tại Tiểu Khu Cờ Đỏ (ngày nay là thị trấn Nông Trường Mộc Châu). Nói về cơ duyên cây mận hậu bén rễ trên đất Mộc Châu, nhiều người nhắc đến tên ông Lê Văn Lãng. Năm 1981, ông Lãng (khi ấy là Giám đốc nông trường bò sữa Cờ Đỏ) trong một lần đến Lạng Sơn, ăn quả mận nơi đây thấy ngon nên đã chiết cành chuyển về tiểu khu, khuyến khích người dân trồng thử. Lúc đó, mận hậu vẫn còn khá lạ lẫm. Chỉ có ông Nguyễn Tiến Dũng (Tiểu khu Pa Khen, Mộc Châu) mạnh dạn mang cành về trồng, sau đó mở rộng diện tích và trở thành hộ sở hữu vườn mận đầu tiên ở tiểu khu Pa Khen.

May mắn thay, Sơn La được thiên nhiên ưu ái ban tặng khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho cây mận hậu sinh trưởng. Loài cây này “dễ tính,” chống chịu được hạn và rét, năm nào cũng sai quả. Người dân trong vùng thấy được giá trị nên chiết cành từ vườn nhà ông Dũng để trồng. Dần dần, Pa Khen trở thành vùng trồng mận nổi tiếng như bây giờ.

Thung lũng mận Nà Ka tại đây còn thu hút khách du lịch đến tham quan mỗi mùa hoa nở và quả chín. Từ những cành mận chiết 40 năm trước, Sơn La ngày nay là vùng trồng mận hậu lớn nhất cả nước với tổng diện tích hơn 3.200ha. Cứ giữa tháng 5 đến tháng 6, mùa thu hoạch quả diễn ra trong không khí tất bật. Mận hái xuống chất thành đống, đóng thùng để thương lái đến chở. Mận la liệt ở các sạp rau quả bên đường hay chợ cóc. Tươi nhất vẫn là những quả mận vẫn còn lủng lẳng trên cành, khách du lịch thường đến tận vườn để hái.

Men theo con đường đất nhỏ, tôi băng qua những vườn mận của xã Tân Lập. Mùa hè là vậy, mới nắng giòn tan đó đã mưa xối xả. Sau cơn mưa, không khí được gột rửa không còn một chút bụi, ngập tràn mùi thơm cây cỏ, mùi đất ẩm. Không rực đỏ như vườn vải hay chôm chôm, vườn mận hậu vào mùa thu hoạch nhìn từ xa vẫn xanh mướt. Nấp mình e ấp dưới đám lá xanh rì, quả mận rục rịch đổi màu sang đỏ phủ lớp phấn trắng ngà, phải đến thật gần mới thấy những quả mận to tròn mây mẩy trên cành.

Dưới tán mận nhấp nhô nón lá của các cô bác nông dân đang thu hoạch. Để có được lứa mận ngon, người nông dân phải bỏ nhiều công sức và thời gian chăm sóc. Dừng chân tại một khu vườn, tôi gặp chú Nguyễn Duy Hận (người dân xã Tân Lập) đang cẩn thận hái từng quả mận đặt vào chiếc giỏ tre.

Vừa hái, vừa xoa xoa những quả mận, chú Hận nói: “Để cây năm nào cũng sai quả, quả to, tròn trịa, chú phải bấm tỉa thường xuyên, bón phân hữu cơ. Nếu không bấm tỉa kỹ, quả vẫn nhiều nhưng bé. Ngoài ra, chú cũng thường xuyên kiểm tra sâu bệnh, cắt cỏ.”

Những quả mận to, đẹp có giá cao hơn. Vì được chăm sóc kĩ nên mận nhà chú Hận to đều mây mẩy, quả nào quả nấy đường kính 3 lóng tay. "Có hôm người ta đến hái tận vườn, 20 quả là được một cân," chú không giấu được niềm phấn khởi khi mận vẫn trĩu cành bất chấp thời tiết thất thường của năm nay. Vườn mận đã mang lại cho gia đình thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Trò chuyện một hồi lâu, chú Hận lại tiếp tục với công việc cắt cỏ vườn mận của mình. Tôi rời mảnh vườn nhỏ, rời Sơn La và túi hành lý không thể thiếu những quả mận, còn lồng ngực căng tràn không khí trong trẻo của cao nguyên Mộc Châu. Tôi như mang cả hương sắc mùa hè nơi rẻo cao về phố.

Bài viết liên quan

in Snack Attack

Thư tình gửi kho tàng trái cây Sài Gòn

Diễm phúc trời ban là được sinh ra với cái miệng biết ăn và lấy cái miệng đó để ăn bao nhiêu thứ ngon trên đời.

in Snack Attack

Men theo hàng dừa, ôn lại sự tích kẹo dừa Bến Tre qua lời bà tôi kể

Quà quê gói ghém đủ thứ hương vị của ký ức, dễ làm người ta thấy nhớ thấy thương về một vùng đất đã lâu chưa về. Tôi mở hũ kẹo dừa mẹ mới gửi từ quê lên, vẫn cái mùi quen thuộc làm gợi nhớ về góc bếp ...

Thi Nguyễn

in Snack Attack

Sầu riêng và Măng cụt: hai số phận được định đoạt bởi chủ nghĩa thực dân

Sầu riêng và măng cụt đều là những loại trái cây bản địa của vùng Đông Nam Á và rất được yêu thích ở địa phương, nhưng hai cái tên này lại có hình ảnh trái ngược nhau trong cảm nhận của bạn bè phương ...

in Snack Attack

Viết cho trái cây sấy, món vặt được hội phụ huynh Việt Nam tin dùng

Trái cây sấy từng là món quà vặt được bố mẹ tôi dùng để dỗ ngọt cậu con trai.

in Đời Sống

Về ngoại thành Hà Nội, nơi mùa dâu tằm gọi hè đỏ rực miền quê Bắc Bộ

Những cành dâu tằm đỏ rực, lủng lẳng trong gió gọi hè sang trên những cánh đồng bạt ngàn ngoại thành Hà Nội.

Thi Nguyễn

in Snack Attack

Bánh củ cải kể chuyện di sản Triều Châu xứ Bạc Liêu

Đang ngồi trên xe khách ăn dở bánh củ cải mua vội ở chợ, tôi chia nửa còn lại cho mẹ. “No rồi hả con?” cô khách bên cạnh hỏi tôi, mở đầu cho một cuộc trò chuyện rôm rả trong suốt hành trình còn lại. K...