Diễm phúc trời ban là được sinh ra với cái miệng biết ăn và lấy cái miệng đó để ăn bao nhiêu thứ ngon trên đời.
Ở cái xứ ăn vặt như Sài Gòn, trái cây là dạng tài nguyên dồi dào và phong phú nhất. Bước vào chợ, trái cây được xếp thẳng thớm, bài trí chỉn chu như tác phẩm nghệ thuật. Ngoài vỉa hè, trái cây được gọt, cắt lát rồi giữ lạnh bằng đá tảng trong hộp nhựa. Rồi nào là trái cây ngâm, trái cây ép, trái cây dầm, không đếm xuể.
Mà trái cây không chỉ ngon miệng, tụi nó còn vui mắt nữa. Nào đỏ, vàng, tròn, méo, xù xì và trơn mượt, hình dáng đa dạng của mỗi loại trái cây làm cho bức tranh đời sống đô thị đỡ buồn tẻ biết bao nhiêu.
Màu hồng tươi của ổi, màu cam nhạt của đu đủ, vẻ gai góc của thơm, da nhẵn nhụi của khế, màu da sọc của dưa hấu, trái dừa khổng lồ, và chôm chôm nhỏ xíu — mỗi loại trái cây là một thứ trải nghiệm thị giác thật đặc biệt. Để thể hiện tình yêu to lớn với trái cây Sài Gòn, Saigoneer đã quyết định thực hiện bộ ảnh về những quầy bán trái cây và trò chuyện với các cô chú bán trái cây xung quanh văn phòng chúng mình ở Quận 1.
Địa điểm đầu tiên là chợ cũ. Tuy ban quản lý đã đã đề xuất kế hoạch phá dỡ chợ cũ từ năm 2017, ngôi chợ vẫn tiếp tục hoạt động buôn bán tới nay. Dưới bóng dù của các cô chú tiểu thương, cam, dưa hấu, thanh long, táo, chôm chôm, mãng cầu, xoài và vải được xếp khéo léo thành kim tự tháp cân bằng. Còn sơ ri, khoai lang, măng cụt và tắc — từ xa đã ngửi được mùi chua chua và thơm thơm — nằm ngay ngắn trong các giỏ nhựa màu sắc.
Danh mục trái cây ở Chợ Thị Nghè, Bình Thạnh cũng không kém cạnh. Từ cầu Thị Nghè rẽ phải vào đường Phan Văn Hân, bạn bị đánh úp bởi mùi hương đặc trưng, gây nhiều tranh cãi của loại trái cây người chê kẻ mê — một hàng sầu riêng trải dài trước mắt.
Đi xa hơn một chút, chậm lại một chút, bạn có thể tấp vào để ủng hộ một xe cam bên lề. Miếng cam cắt sẵn được treo vắt vẻo trên giỏ như đồ trang trí treo trên cây thông — giúp minh họa cho người mua về hàm lượng Vitamin C và độ mọng nước đằng sau lớp vỏ.
Bước vào trong chợ, bạn sẽ bị mê hoặc bởi sắc vàng xanh khi đi qua các gian hàng chuyên bán chuối, bưởi, bơ, đu đủ non cùng dừa.
Mà nếu dạo qua khu chợ vào buổi trưa, hãy đi thật khẽ thôi, vì ai cũng đang chìm trong giấc trưa, các anh chị cô chú bán hàng đang chợp mắt đôi chút trên chiếc võng lắc lư.
Vương quốc trái cây quận 1
Ở góc đường Pasteur và Nguyễn Du, phía trước một cửa hàng 7-Eleven, chị Nguyễn Thuý Nhật và anh mình cùng nhau mở một quầy nước nhỏ. Mỗi sáng, chồng của chị Nhật chở một lô trái cây tươi từ chợ đầu mối ở Thủ Đức, được chị Nhật và anh trai đem chế biến thành nhiều đồ uống khác nhau như nước cam, trà tắc, me đá, dừa tươi.
Những ngày nắng gắt và oi bức, anh chị bán được nhiều đồ uống cho người đi bộ và đi đường, nhưng khi mùa mưa bắt đầu đổ bộ, công việc kinh doanh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Thật may khi dừa và cam là trái cây trồng quanh năm, nên chị Nhật không bận tâm mấy đến chuyện thay đổi mặt hàng để bắt kịp với xu thế từng mùa. Quầy nước của chị Nhật là nơi nhiều người dừng chân để nhâm nhi đồ uống mát lạnh với bạn bè, cũng như nán lại đôi chút để mua một ly nước ép, nước dừa mang đi.
Ngay bên ngoài lối vào Hẻm 158 Pasteur là gian hàng trái cây của chị Phạm Ngọc Diễm — chuyên các loại trái cây ăn liền cũng như chuối xanh từ đồng bằng sông Cửu Long. Với kinh nghiệm bán trái cây nhiều năm, chị Diễm cho cho biết người dân ở quê có thói quen ăn trái cây theo kiểu “mùa nào thức nấy,” còn người Sài Gòn thì ngẫu hứng hơn, theo sở thích, theo tâm trạng, và theo “cơn thèm” nên các mặt hàng của chị cũng được ưa chuộng ngang ngửa nhau. Nhưng chị Diễm bật mí, trái mà chị thích nhất là xoài.
Trái cây được chị lấy hàng ngày từ chợ gần Cầu Ông Lãnh, theo cách gọi của chị là chợ Cầu Muối. Cái tên “Cầu Muối” được đặt theo một di tích từ thời Nhà Nguyễn, khi đường Nguyễn Thái Học vẫn là một con kênh. Lúc bấy giờ, thuyền vận chuyển muối từ Phan Thiết và Bạc Liêu sẽ neo đậu tại cây cầu này, cái tên từ “Cầu Muối” từ đó ra đời.
Chị Diễm nói chuyện dễ mến và xởi lởi. Thấy chúng tôi đưa máy chụp hình lia lịa, chị đưa chúng tôi danh thiếp và ghẹo rằng chị sẽ tính phí “lên bìa.”
Tiếp theo, chúng tôi đi lên đường Nguyễn Du đến Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn. Chúng tôi có duyên gặp được một người bán hàng kỳ cựu với hơn 24 năm kinh nghiệm bán bưởi Vĩnh Long. Cô đỗ xe trước bức tường màu xanh của một trường mẫu giáo, càng làm nổi bật lên màu sắc mặt hàng của mình.
Lo rằng xe bưởi của mình sẽ bị “hốt,” cô quyết định không chia sẻ tên tuổi, nhưng vẫn vui vẻ trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Theo kinh nghiệm của cô, mùa hè là thời điểm phù hợp nhất để thưởng thức bưởi. Nhiều loại trái cây mùa hè vào cho ra trái vào tháng Sáu; nhưng đối với bưởi, tháng tám mới là thời gian lý tưởng nhất.
Dù đa phần những người bán trái cây chúng tôi phỏng vấn đều nói rằng loại trái cây họ thích nhất cũng là loại trái cây mà họ bán, chị bán bưởi giấu tên lại thích nhất chuối, vì theo chị, “những loại trái cây khác chứa nhiều thuốc trừ sâu.” Ngoài ra, vì đã bán bưởi trong một thời gian dài, chị thấy mình đã quá nhẵn mặt với thứ trái cây này rồi.
Tiếp tục đi trên đường Nguyễn Du, hướng về phía Nhà thờ Đức Bà, chúng tôi gặp gỡ cô Phạm Thị Luyến với một xe trái cây đa dạng, bao gồm bơ, quýt và cam, cùng nhiều loại khác.
Trái cây của cô chu du từ đồng bằng sông Cửu Long, dừng chân tại một chợ đầu mối ở Thủ Đức, trước khi “hạ cánh” trong giỏ. Cô Luyến cho biết cô đã bán trái cây trong ba năm. Cô gợi ý chúng tôi mua một số loại trái cây yêu thích của mình, như quýt và bơ, và chúng tôi đã ủng hộ nhiệt tình.
Dù là từ một xe trái cây khiêm tốn bên vỉa hè, hay sạp trái cây hoành tráng ở chợ, hãy tự thưởng cho mình chút hương vị và ngọt ngào của thế giới trái cây Sài Gòn. Bạn có thể thưởng thức một ly sinh tố dâu hồng nhạt, nhai miếng xoài xanh giòn ngon chấm muối cay, cắn miếng chuối bổ sung năng lượng xế chiều, hoặc chỉ đơn giản là hít thở gió chiều thoang thoảng hương sầu riêng.