Chuột, muỗi, rắn, rết, sâu, bọ và sên: một vùng đất càng trù phú thì lại càng được các đoàn thể, họ hàng nội ngoại của giống loài chuột bọ ưu ái.
Hãy tưởng tượng thế này. Bạn đang ở giữa một khung cảnh vườn tược xanh rì, cây trái nặng trĩu xoài ổi cóc mận, hoa cỏ um tùm, chỉ cần bứng một bụi là đủ mở cả tiệm, bạn nằm võng đu đưa trong tiếng gió thổi riu riu. Một khung cảnh điền viên như vậy người nghe còn thấy mê, nói chi là động vật phải không? Suy cho cùng, bạn có nhu cầu nằm dưới bóng dừa thì sâu đầu đen (tên trên căn cước công dân — Opisina arenosella Walker) cũng vậy thôi.
Đồng bằng Sông Cửu Long có một vị trí đặc biệt trong lòng tôi. Mỗi lần tôi đặt chân đến đây, tôi luôn cảm thấy như mình đang được chào đón, nhưng không phải bởi những lá cờ hay băng rôn, bảng hiệu, mà bằng trái cây đang rục rịch chín trong lưới bọc ni lông.
Thuở xa xưa, những người nông dân Nhật Bản đã may những chiếc túi lụa để bảo vệ trái cây khỏi các loài côn trùng và gặm nhấm gây hại. Phương thức này vẫn tồn tại đến ngày nay, nhưng những vật liệu rẻ tiền và tiện lợi hơn đã xuất hiện. Nhựa, giấy và lưới được dùng thay lụa để bảo vệ xoài, táo và bưởi. Phương thức này được nông dân Việt Nam ở mọi miền sử dụng, nhưng tất nhiên phổ biến nhất là ở “vựa trái cây” Đồng bằng sông Cửu Long. Hương vị ngọt ngào cứ thế chậm rãi cô đọng trong từng múi mít dưới sự bảo bọc của một chiếc túi lưới.
Nhìn thấy những bọc trái cây treo lủng lẳng trên cây mà lòng tôi tràn đầy sự biết ơn. Biết ơn những người nông dân đã tìm ra cách để kiếm kế sinh nhai từ thiên nhiên trăm năm nay. Biết ơn vì trái cây được trồng mà không cần sử dụng quá nhiều hóa chất và thuốc trừ sâu. Và hơn hết, biết ơn vì món tráng miệng của tôi đã chiến thắng trước muôn loài thiên địch. Chiến thắng nhỏ nhoi mang đến cho con người hoa thơm trái ngọt suốt bao đời.