Sài·gòn·eer

Back Ăn & Uống » Văn Hóa Ẩm Thực » Sầu riêng và Măng cụt: hai số phận được định đoạt bởi chủ nghĩa thực dân

Sầu riêng và Măng cụt: hai số phận được định đoạt bởi chủ nghĩa thực dân

Sầu riêng và măng cụt đều là những loại trái cây bản địa của vùng Đông Nam Á và rất được yêu thích ở địa phương, nhưng hai cái tên này lại có hình ảnh trái ngược nhau trong cảm nhận của bạn bè phương Tây: măng cụt được xem là đặc sản hảo hạng, còn sầu riêng phải hứng chịu bao lời chê bai.

Chúng ta dễ dàng bắt gặp hai thái độ trái ngược này trong hàng trăm tác phẩm du ký của người châu Âu - cả thực dân và không phải thực dân - viết về chuyến đi của họ tới xứ “Viễn Đông.” Năm 1891, nhà sử học người Mỹ Henry Adams ghi chép về chuyến đi của ông đến vùng Java (thuộc Indonesia ngày nay) trong quyển sách Letters to a Niece And Prayer To The Virgin Of Charters, trong đó viết rằng: “Theo tôi thấy, sầu riêng là thứ bịp bợm. Chẳng có gì để khen cả. Nghiền hạt óc chó chung với một loại pho mát đến chuột chả buồn đụng vào, nhào thành bột nhão rồi nhét một hạt dẻ ngựa vào bên trong sẽ có vị y vậy.”

Mặt khác, Adams lại dành lời khen cho măng cụt: “Trông như quả sung Nhật được sơn màu tím, bên trong là phần thịt trắng xốp. Vì nghĩ rằng mình sẽ không có cơ hội ăn lần nữa nên tôi tự cho mình có nghĩa vụ phải tranh thủ ăn càng nhiều càng tốt.”

Trong quyển sách Distinction: A Social Critique of the Judgement of Taste ra mắt năm 1987, Pierre Bourdieu đã chỉ ra rằng khẩu vị của một người không chỉ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sinh lý hay sở thích cá nhân, mà còn bởi các mối quan hệ xã hội. Do đó, việc ăn thử thức quả xa lạ và ghi lại các đặc điểm của chúng cũng bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố trên.

Phần lớn những ghi chép về các loại trái cây châu Á không phải do người bản xứ thực hiện, dù họ là người am tường về các thức quả ấy. Thay vào đó, các ghi chép đa phần là quan sát thực nghiệm có phần hạn chế của người nước ngoài. Các nội dung ấy thường bị ảnh hưởng nặng bởi tâm lý ham thích kỳ hoa dị thảo và cả tâm lý bài ngoại. Điều này đã củng cố định kiến của kẻ đi xâm lấn và trí tưởng tượng của phương Tây. Vì lý do này, có thể nói rằng cảm nhận của người ngày nay về một loại trái cây - hay một loại thực phẩm - đều mang chút ảnh hưởng từ thời kỳ thuộc địa.

Cây trái từ miền đất giả tưởng

Vào thế kỷ 15, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Tây Ban Nha trở nên hùng mạnh về kinh tế, nên họ muốn xây dựng đế quốc của mình bằng cách mở rộng lãnh thổ về phía Đông. Do đó, hầu hết những ghi chép đầu tiên về sầu riêng và măng cụt đều thuộc về những người châu Âu đến Đông Nam Á để nghiên cứu thực vật bản địa.

Bản đồ Châu Á do các nhà du hành người Hà Lan vẽ nên. Nguồn ảnh: Rare Maps.

Một khái niệm quan trọng trong tác phẩm Đông Phương Luận (1987) của nhà nghiên cứu thời hậu thuộc địa Edward Said là các “khu vực địa lý tưởng tượng” (imagined geograpgies). Said lập luận rằng do tư duy của phương Tây bắt nguồn từ logic nhị phân, họ đã tưởng tượng ra một hình ảnh chung áp dụng cho toàn "Phương Đông" (chủ yếu là chỉ các quốc gia Hồi giáo và Nho giáo) cốt để phân biệt các vùng địa lý khác với Tây bán cầu. Do đó, các miêu tả về "Viễn Đông" thường là “man rợ,” phi lý trí, bất trị và nữ tính, trái ngược với các đặc điểm lý trí, khoa học và nam tính của Tây phương. Tính phân biệt này về sau đã trở thành nền tảng cho việc xâm chiếm của chủ nghĩa đế quốc.

Theo giải thích của nhà sử học David Arnold, khi tưởng tượng ra bức tranh về phương Đông xa xôi, người phương Tây tập trung vào khái niệm “vùng nhiệt đới” và nhấn mạnh những đặc điểm địa lý của vùng khí hậu này để giúp họ tách biệt rạch ròi hai bán cầu Đông-Tây. Và như thế, họ nhận định rằng những nơi nào mang nét “nhiệt đới” đặc trưng đều cần được “khai hóa.”

Trí tưởng tượng này cũng khớp với những miêu tả về Vườn Địa Đàng trong thời kỳ Phục Hưng, vì thế người châu Âu càng tin rằng ở các hòn đảo xa xôi miền nhiệt đới có một thiên đường mới lạ mà họ cần tìm ra và “thuần hóa.”

Vào đầu thời kỳ thuộc địa, quan niệm về thiên đường nhiệt đới phát triển song song với lĩnh vực nghiên cứu thực vật. Đối tượng được nghiên cứu là cây trái từ các hòn đảo nhiệt đới phương Đông. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa thực nghiệm sinh vật nhanh chóng ra đời, lớp lớp người châu Âu đã đến châu Á để thu nhập các mẫu thực vật bản địa với mục đích nghiên cứu khoa học. Những quan sát này được ghi lại trong các tác phẩm du ký và tranh vẽ minh họa, từ đó giúp phương Tây xây dựng vốn kiến thức về thế giới thực vật ở bán cầu bên kia.

'Quầy Hàng Chợ Của Người Ấn Độ Ở Batavia' (1640-1666), tranh sơn dầu của Albert Eckhout. Nguồn ảnh: Rijks Museum.

Bên cạnh mục đích khoa học, chủ nghĩa thực nghiệm còn phải tạo ra giá trị kinh tế-thương mại. Bởi vì theo nhìn nhận của giới cầm quyền, nếu nguồn tài trợ cho các chuyến viễn du chỉ dùng để thỏa mãn khao khát làm giàu kiến thức thì thật lãng phí. Phương pháp ấy phải đồng thời là một phương tiện, và kết quả cần thu được là: một nguồn thu mới cho đế quốc từ các loại thực vật bản địa. Theo tác phẩm The Myth of the Lazy Native của Syed Hussein Alatas, tầng lớp thương nhân ở Philippines, Java và Malaya đã bị xoá sổ khi chủ nghĩa thực dân đặt chân đến đây. Đào, xoài và dứa là những ví dụ về các mặt hàng được thu gom và bán ở phương Tây để thu lợi lớn.

Nhà tự nhiên học nổi tiếng người Bồ Đào Nha Garcia de Orta từng nhận xét: “Người Bồ Đào Nha đi khắp thế giới chỉ để học cách phân phối hàng hóa - cái gì đem bán được và cái gì mang về quê nhà được. Họ chẳng quan tâm đến bất cứ điều gì khác ở những quốc gia họ đến thăm."

Tuy nhiên, sầu riêng và măng cụt chưa bao giờ thực sự trở thành mặt hàng trọng yếu trong thời kỳ thuộc địa.

Măng cụt: hương vị được thèm khát

Tranh vẽ măng cụt của họa sĩ Trần Đình Nghĩa. Nguồn ảnh: Trường Vẽ Gia Định.

Nguồn gốc thật sự của măng cụt vẫn là một bí ẩn. Nhiều ý kiến cho rằng loại quả này đến từ quần đảo Maya và vùng Moluccas ở Indonesia.

Mãi đến tận năm 1753, măng cụt mới xuất hiện trong ghi chép khoa học của người châu Âu, trong tác phẩm Species Plantarum của nhà sinh vật học người Thụy Điển Carl Linnaeus. Ông cũng là người đặt tên khoa học cho loại quả này là Garcinia mangostana, theo tên nhà thực vật học người Pháp-Thụy Sĩ Laurentious Garcin. Garcin đã miêu tả về măng cụt trong tài liệu Philosophical Transactions.

Chúng ta chưa xác định được măng cụt đã xuất hiện ở Việt Nam từ khi nào và như thế nào, bởi các tài liệu dẫn chứng những thông tin có phần trái ngược nhau. Tuy nhiên, hầu như các văn kiện đều cho rằng loại quả này du nhập vào Nam Bộ trước tiên. Nhưng ai là người mang nó đến thì vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Trong quyển sách Manuel de conversation Francaise-Annamite có viết rằng măng cụt đã theo chân giám mục người Pháp D’Adran, thành viên của giáo đoàn dòng La San (De La Salle Brothers,) đi đến Lái Thiêu và rồi được bán khắp Việt Nam. Một tài liệu khác cho rằng người đầu tiên mang loại quả này đến nước ta là giám mục người Pháp Pierre Pigneau de Behaine - được người Việt gọi là Giám mục Bá Đa Lộc. Một nguồn khác lại nói rằng từ cuối thế kỷ 18, dưới thời Vua Nguyễn Ánh, người dân Gia Định đã biết đến nhiều loại trái ngon quả lạ được lái buôn nước ngoài rao bán trên các tuyến đường giao thương trên sông nước, măng cụt là một trong số đó.

Tranh in trong quyển sách Lamarck Histoire Naturelle. Nguồn ảnh: Panteek.

Hương vị của măng cụt đại diện cho vẻ đẹp huyền bí của xứ Viễn Đông mà người phương Tây luôn khát khao khám phá. Mặc dù được yêu thích vì có mùi thơm và vị chua chua ngọt ngọt, nhưng cây măng cụt hầu như không xuất hiện ở ngoài vùng nhiệt đới. Đó là vì loại quả này rất mau bị hỏng khiến cho việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn.

Vào những năm 1880, cây măng cụt được đưa đến Anh và trồng trong nhà kính. Loài cây này cũng từng đặt chân đến Tây Ấn. Theo nhà địa lý học người Mỹ Eliza Scidmore, măng cụt là loại hoa quả không thể “sống sót” sau những chặng đi dài, bởi “ngay cả khi đã phủ lớp sáp và vận chuyển trên những con tàu hiện đại có máy làm lạnh. Hễ chưa đầy một tuần sau khi hái xuống, phần thịt trắng sẽ mềm nhũn ra và chuyển sang màu nâu.”

Chính vì thế, việc nếm thử măng cụt ở ngoài biên giới châu Á lúc bấy giờ là “nhiệm vụ bất khả thi” mà ngay cả những bậc vương giả cũng không thể trải nghiệm.

Sầu riêng cũng bất trị như người bản xứ

Nếu măng cụt là một món quà từ khu vườn nhiệt đới trong trí tưởng tượng của người châu Âu, thì sầu riêng lại là một mối nguy hiểm rình rập trong khu vườn ấy. Sầu riêng là món ăn khoái khẩu của đa phần người Đông Nam Á, lại làm nhiều người phương Tây phải rùng mình.

Thậm chí đến ngày nay, trên mạng vẫn có nhiều video “phản ứng khi lần đầu ăn sầu riêng.” Trong những video như thế, người da trắng trải nghiệm các món ăn ngoại quốc theo khả năng cảm nhận hạn hẹp của họ, và chẳng để tâm đến khía cạnh văn hóa của món ăn ấy. Là một người Việt Nam khám phá văn hóa các nước nói tiếng Anh qua Internet, tôi đã tiếp thu được rất nhiều điều; một trong số đó là chứng kiến bạn bè quốc tế chế giễu loại trái cây mà tôi và gia đình mình vô cùng yêu thích. Trớ trêu thay, tôi chẳng cần xuất ngoại cũng cảm nhận sự phân biệt triệt để ấy. Ấy nhưng, thái độ tiêu cực dành cho sầu riêng không có gì mới lạ. Thực ra, đó là tàn tích của lối tư duy thời thuộc địa.

Nhiều nguồn tài liệu nói rằng sầu riêng có nguồn gốc từ Borneo và Sumatra. Đây vốn là một loại trái cây quý được buôn bán nhộn nhịp ở các nước Đông Nam Á và Nam Á từ trước thời kỳ thuộc địa. Tương tự như câu chuyện về măng cụt, một số ý kiến cho rằng sầu riêng “cập bến” Việt Nam qua các tuyến đường giao thương trên sông nước. Một giả thuyết khác khẳng định cộng đồng người Hoa ở Lái Thiêu và linh mục người Pháp Pierre Pigneau de Behaine đã giúp sầu riêng trở thành “trái cây quốc dân.”

Không những được người địa phương ưa chuộng, loại trái cây này còn thu hút sự hiếu kỳ của người ngoại quốc. Thế nhưng, có lẽ số đông độc giả sẽ bất ngờ khi biết rằng ấn tượng về sầu riêng của những người phương Tây đầu tiên đi đến Đông Nam Á (người Bồ Đào Nha và Hà Lan) là cảm giác mới lạ và thích thú.

Tranh minh họa sầu riêng của Hoola van Nooten (trái) và tranh khuyết danh trên báo Văn Hóa Nguyệt San (phải). Nguồn ảnh: Wikipedia and Tri Thức VN.

Ghi chép đầu tiên về sầu riêng thuộc về Nicolo de Conti, một thương gia người Ý sống vào đầu thế kỷ 15. Ông đã chu du đến nhiều nơi trên thế giới, từ Venice đến Vương quốc Champa - một phần của miền Trung Bộ ngày nay. Theo đánh giá của Conti, hương vị của sầu riêng có thể sánh ngang với một món ăn rất có vị thế vào thời đó là pho mát. Lời nhận xét này được in trên tạp chí De varietate fortunae và đã góp phần định hình cảm nhận của những người phương Tây đầu tiên nếm thử sầu riêng.

Theo học giả xã hội học Andrea Montanari, thành phố Malacca — khi còn là thuộc địa của Bồ Đào Nha — là nơi người Âu châu lần đầu tiếp xúc với quả sầu riêng. Kể từ đó, loại quả này trở thành đối tượng nghiên cứu khoa học, và xuất hiện trong cuộc sống của người phương Tây với hình ảnh “vua của các loài trái cây.” Danh hiệu ấy vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Nhà dược học người Bồ Đào Nha Tome Pires từng khen sầu riêng là loại trái cây đẹp mắt và “ngon nhất trên thế giới."

Phản ứng tiêu cực của người châu Âu mà chúng ta thường thấy ngày nay chỉ xuất hiện từ thế kỷ 17, khi thực dân phương Tây bắt đầu quan tâm hơn đến mùi hương của loại quả này. Mặc dù thế, những nhận xét khen và chê vẫn xuất hiện tương đối đồng đều, chủ yếu là chê mùi hương khó ngửi, nhưng vẫn khen vị ngon vẫn hấp dẫn. Tuy nhiên, khi thực dân Anh thế chỗ cho thực dân Hà Lan và Bồ Đào Nha, thì cảm giác “khó ngửi” dần trở thành “kinh tởm.”

Theo Montanari, dưới ách cai trị của người Anh, loại quả từng được khen là "có vị như pho mát hảo hạng" đã biến mất khỏi bàn ăn của kẻ đô hộ và bị coi là thực phẩm kinh tởm và thiếu văn minh. Khi xã hội ngày càng có sự phân hóa rõ rệt giữa các tầng lớp, thì giới thượng lưu xem sầu riêng là hình ảnh đại diện cho những người bản xứ hôi hám, bất trị.

Thực dân châu Âu cho rằng sầu riêng không có tiềm năng thương mại vì chỉ có người bản địa mới thích ăn loại quả này. Định kiến đó đã khiến họ bỏ lỡ một thị trường đang ngủ yên. Tuy nhiên, điều này tạo điều kiện phát triển loại hình du lịch văn hóa. Du khách ngoại quốc thích thú với cảnh tượng người bản địa thưởng thức sầu riêng, và tự bảo nhau rằng họ đang xem các con vật cắn xé nhau vì miếng ăn.

Tuy nhiên, trải nghiệm làm khán giả này đã nhường chỗ cho loại hình du lịch ẩm thực. Người phương xa tự đặt ra thử thách chịu đựng mùi hôi của sầu riêng để chứng tỏ “sự trưởng thành của cái tôi.” Họ xem đó là một thành tựu giống như khi tham gia các môn thể thao mạo hiểm hay xem phim kinh dị vậy.

Giáo sư lịch sử Daniel Bender cho hay, người bản địa đã có những cách phản đối thực dân rất tế nhị: “Hoạt động đó mang đến cho người ngoại quốc cảm giác quyền lực. Nhưng họ cũng không mấy vui vẻ khi nhận ra rằng những lúc mình nếm thử, thưởng thức, hay từ chối những món ăn xứ lạ, thì đều có người quan sát họ, thường là với tâm thái thích thú.”

Thật vậy, một truyện ngắn bằng tiếng Việt đăng trên báo Văn Hóa Nguyệt San năm 1955 đã miêu tả ánh nhìn phản kháng này. Trong truyện ngắn, một nhà khoa học người Pháp đến thăm một hộ gia đình Việt Nam và được mời ăn sầu riêng tráng miệng. Vị khách chưa từng ăn sầu riêng bao giờ nên lịch sự chiều ý chủ nhà, kết quả là ông ấy phát hoảng và đổ mồ hôi đầm đìa, còn chủ nhà thì quan sát một cách thích thú.

Bender nói thêm: "Cuộc gặp gỡ bên mấy múi sầu riêng, lời giải thích về mùi hương của loại trái cây này, cảm giác chịu đựng của người phương Tây, và cái nhìn đầy thích thú của người bản địa - tất cả đã tóm tắt cái lợi và cái khó của cường quyền đế quốc: sự chinh phục, thói kỳ thị và phân biệt, cùng tiếng cười nhạo kín đáo của người dân thuộc địa dành cho kẻ đô hộ."

Bài viết liên quan

Thi Nguyễn

in Văn Hóa Ẩm Thực

Lịch sử Việt Nam thời thuộc địa qua 'tiểu sử' của các loại đồ hộp nổi tiếng

Từ cá mòi sốt cà đến thịt heo hai lát trong lon, mỗi loại thực phẩm đóng hộp đều mang trong mình một câu chuyện đặc biệt.

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

Paul Christiansen

in Natural Selection

Lần đầu tiên, trái thanh long có trong bài viết Natural Selection

Trong tất cả các thành tựu mà tôi đạt được, thứ đỉnh nhất tôi từng chế ra có lẽ chính là "Banana Line" — hiểu nôm na trong tiếng Việt là "Hệ Quy chiếu Trái chuối." Giải thích ngắn gọn, đây là một than...

in Snack Attack

Thư tình gửi kho tàng trái cây Sài Gòn

Diễm phúc trời ban là được sinh ra với cái miệng biết ăn và lấy cái miệng đó để ăn bao nhiêu thứ ngon trên đời.

in Di Sản

Giai thoại về Quách Đàm, 'ông tổ' của vùng đất Chợ Lớn — Phần 1

Đường Hải Thượng Lãn Ông (trước đây là đại lộ Gaudot) ở trung tâm Chợ Lớn là nơi vẫn bảo tồn được vẻ cổ kính của nhiều cửa hiệu cũ từ thời thuộc địa. Trong số đó, đặc biệt nhất có lẽ phải là tòa nhà s...

in Di Sản

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Ng...

Đồng Sáng Tạo

in Resort

Eden Bay Villas - Nơi những tiện nghi hiện đại giao hoà với thiên nhiên hoang sơ

Trong tâm thức của con người, Vườn Địa Đàng (Eden) là nơi nhân loại được sống như một nốt nhạc trong bản hoà ca thiên nhiên. Tắm mình giữa bạt ngàn hoa thơm trái ngọt chốn hoang vu hay để những cơn só...

in Ăn & Uống

Hải sản tươi ngon, khung cảnh đẹp và không gian thư thái là tâm điểm tại Saigon Café Buffet

Toạ lạc tại khách sạn Sheraton Saigon Hotel and Towers, nằm trên đường Đồng Khởi nổi tiếng, Saigon Café mang đến những bữa tiệc buffet hải sản thượng hạng, với những nguyên liệu tươi ngon được chế biế...

in Resort

Muôn hình vạn trạng niềm vui ở The Grand Ho Tram

Mỗi khi bước vào một khu nghỉ dưỡng, điều đầu tiên để lại ấn tượng cho du khách chính là cảnh quan thiên nhiên tương phản với vẻ hối hả bên ngoài. Ở những thành phố biển, các khu nghỉ dưỡng không chỉ ...

in Ăn & Uống

Lễ hội Gin Festival Saigon trở lại vào tháng 12 tại The Reverie

Quả nhiên là “Gin” một góc trời!

in Dịch Vụ

Tuborg và hành trình thu nạp “một tỷ năng lượng tích cực” khắp "thành phố không ngủ"

Với mong muốn góp phần đánh thức những góc nhỏ sôi động của Sài Gòn sau thời gian dài giãn cách, Tuborg sẽ đem đến nhiều sự kiện hấp dẫn, tiếp thêm một nguồn năng lượng bất tận cho “thành phố không ng...

in Resort

SONIC Minifest tại Bãi Khem, Phú Quốc: Bữa tiệc âm nhạc và nghệ thuật đúng chất nhiệt đới cho mùa lễ hội cuối năm

Năm 2022, khi bước vào một buổi chơi nhạc tại các quán cà phê, hay một đêm “đi tìm ánh sáng,” chúng ta hẳn sẽ ngạc nhiên với tinh thần mới trong ngôn ngữ sáng tạo của giới trẻ - những bài hát Việt bất...