Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Giai thoại về 2 ca khúc Giáng sinh kinh điển: 'Hai Mùa Noel' và 'Bài Thánh Ca Buồn'

Tuy Giáng sinh không phải ngày lễ quốc gia ở nước ta, người Việt dành tình cảm cho mùa Noel không kém cạnh bất kỳ dịp lễ nào khác. Đương nhiên, sẽ không thể nào ăn mừng Giáng sinh đúng nghĩa nếu thiếu âm nhạc. Những ca khúc khúc như ‘Bài Thánh ca buồn’ hay ‘Hai mùa Noel’ đã trở thành giai điệu quen thuộc vang lên mỗi dịp cuối năm. Dù danh mục nhạc Giáng sinh ở Việt Nam khá đa dạng, hai bản nhạc trên có vẻ vẫn là những cái tên được ưa chuộng nhất sau bao thập kỷ.

Nhạc Giáng sinh Việt Nam thường được chia làm hai trường hợp: nhạc ngoại phổ lời Việt như ‘Feliz Navidad’ và ‘Đêm Thánh vô cùng’; hoặc các tác phẩm gốc do các nhạc sĩ trong nước tự sáng tác. Những ca khúc Giáng sinh đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện vào thập niên 1930, trong đó có thể kể đến ‘Giáo đường im bóng’ — bài hát Noel duy nhất lúc bấy giờ không thuộc dòng nhạc thánh ca. Thập kỷ 40 chứng kiến sự ra đời của những giai điệu mà đến hiện tại vẫn thường xuyên được hát ở các nhà thờ, bao gồm các ca khúc như ‘Hang Belem’ hay ‘Mùa đông năm ấy’ — những bản nhạc mà có lẽ đứa trẻ nào đi nhà thờ cũng đã từng ngâm nga theo.

Dòng người đi chơi đêm Noel trước cửa Nhà thờ Lớn ở Hà Nội.

“Tình yêu bị cấm đoán” là một trong những chủ đề muôn thuở của nhạc Giáng sinh Việt. Các nhạc sĩ sử dụng lời ca làm phương tiện để khắc họa nỗi khắc khoải khi hẹn hò với người ngoại đạo. Như một quy luật bất thành văn của cộng đồng Công Giáo Việt, các bậc phụ huynh sẽ có xu hướng khuyên ngăn con cái quan hệ tình cảm hoặc cưới hỏi với người không theo đạo hoặc không muốn cải đạo. Từ đó, những ca khúc như ‘Người tình ngoại đạo’ hay ‘Giáo đường im bóng’ ra đời. Cả hai đều nói lên nỗi niềm mong ngóng một mối tình không thể đơm hoa kết trái. Chính vì thế, các ca khúc này thường mang tâm trạng khá sầu bi.

Tuy nhiên, hai bản nhạc đình đám nhất của dòng nhạc này lại chính là ‘Bài Thánh ca buồn’ và ‘Hai mùa Noel’ — được phát hành vào năm 1972 bởi hãng đĩa Sơn Ca.

Hai bản nhạc thuộc dòng nhạc Vàng, dòng nhạc được thu âm trước năm 1975 và chủ yếu phổ biến ở miền Nam. Nhờ các nền tảng chia sẻ nhạc trực tuyến, dòng nhạc này mới đang dần trở lại với công chúng. Tuy nhiên, ‘Bài Thánh ca buồn’ và ‘Hai mùa Noel’ đã thịnh hành từ đó đến nay. Mỗi năm vào ngày 24 và 25/12, ta sẽ bắt gặp âm thanh của hai bản nhạc len lỏi vào từng con hẻm, có thể từ tiếng hát karaoke, hoặc từ ampli của một nhà nào đó mở nhạc cho cả xóm nghe.

Bìa album Sơn Ca Giáng sinh (1972), bao gồm hai ca khúc ‘Hai mùa Noel’ and ‘Bài Thánh ca buồn.’

Trước 1975, các hãng đĩa sử dụng chủ yếu loại băng cố để thu âm các bản nhạc, và loại băng nổi tiếng nhất bấy giờ là băng hiệu Akai. Dù cả hai bản nhạc đã được hòa âm phối khí lại nhiều lần, bản gốc vẫn luôn mang âm hưởng đặc biệt. Khi nghe, ta lập tức trở về những thập niên 40 hoặc 50, thời kỳ của các bản nhạc phim hoạt hình cổ tích Disney. Cả hai ca khúc đều có tiết tấu chậm và lời nhạc trữ tình, nhưng với ‘Hai mùa Noel,’ lời nhạc khắc khoải sự mong chờ và có phần tiếc nuối trong tâm trạng đang yêu. Trong khi đó, ‘Bài Thánh ca buồn’ lại đầy sự hoài niệm về mối tình xưa. Cả hai bản nhạc đều dùng đức tin làm tiền đề để thể hiện những suy tư về tình yêu.

Hai bài hát được phát hành trong tuyển tập ‘Sơn ca 3’ bao gồm nhiều ca khúc Giáng sinh khác.

‘Hai mùa Noel’ là một bản hòa âm của tiếng đàn violin, guitar bass và trống, dần cuốn hút người nghe vào giai điệu trầm lắng và bâng khuâng của bài hát. Trái lại, ‘Bài Thánh ca buồn’ lại có phần vui tươi hơn, bắt đầu với tiếng trống, kèn và đàn bass, gây ấn tượng từ những âm thanh đầu tiên, sau đó kéo người nghe vào giọng hát truyền cảm của nghệ sĩ Thái Châu.

Tác giả ‘Bài Thánh ca buồn’ — nhạc sĩ Nguyễn Vũ (phải) và giọng ca trong bản thu âm gốc — Thái Châu (trái). Nguồn ảnh: Thanh Niên.

Báo chí đã tốn không ít giấy mực cho hai ca khúc trong suốt những thập kỷ sau khi phát hành. Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất được lưu truyền có lẽ là về nhạc sĩ Đài Phương Trang, tác giả ‘Hai mùa Noel.’ Trong một bài báo, nhạc sĩ đã tiết lộ về một sự kiện vào dịp Noel năm 1970 — nguồn cảm hứng cho ông sáng tác ca khúc vào 2 năm sau đó.

Vào một lần đi nhà thờ dịp Giáng sinh, tác giả bắt gặp một chàng trai chờ đợi với nét mặt lo lâu dưới gốc cây đối diện nhà thờ Đức Bà. Sau khi tan lễ, chàng trai vẫn tiếp tục chờ đợi. Hình ảnh đó đã gây ấn tượng sâu sắc lên tác giả, đến mức khi được giao việc sáng tác một bản nhạc mừng Giáng sinh vào năm tiếp theo, ông đã lấy cảm hứng từ hình ảnh chàng trai chờ đợi ấy để sáng tác ca khúc ‘Hai mùa Noel.’ Điều làm cho câu chuyện kỳ lạ hơn chính là việc xảy ra sau khi ca khúc được phát hành. Ba tháng sau đó, một người đàn ông tên Thanh đã gửi thư đến tác giả, cho rằng mình chính là người trong bài hát. Họ gặp nhau và người thanh niên tên Thanh đó ngỏ ý cảm ơn tác giả vì đã sáng tác bài hát, giúp anh và người anh chờ năm đó hàn gắn mối quan hệ. Sau đó, tác giả còn được mời đến tham dự đám cưới của cặp đôi.

Đài Phương Trang, tác giả của ‘Hai mùa Noel.’ Nguồn ảnh: Thanh Niên.

‘Bài Thánh ca buồn’ không bắt nguồn từ một hoàn cảnh quá thú vị. Nhưng khi nói đến độ phủ sóng của hai bản nhạc, có người có thể chưa nghe ‘Hai mùa Noel,’ nhưng có lẽ không ai mà không biết câu “Bài Thánh ca đó còn nhớ không em?” Lấy cảm hứng từ chính thời thiếu niên của tác giả trong thời gian sinh sống ở Đà Lạt, nội dung bài hát xoay quanh một mối tình bắt đầu vào mùa lễ hội, nhưng cũng chính vì vậy mà sau khi mối tình kết thúc, cảm giác tiếc nuối gấp bội phần. Chính cảm giác ấy có lẽ là lý do vì sao bài hát chạm đến cảm xúc của nhiều người nghe hơn. Khi một khoảnh khắc quan trọng diễn ra ở một nơi càng đặc biệt, ký ức đó càng được phóng đại và trở nên khó quên hơn. Cứ tưởng tượng một mối tình bắt đầu dưới ánh đèn lung linh trong không khí mùa lễ hội, khi mọi thứ như thiên thời địa lợi nhân hòa — có lẽ nhiều thính giả đã yêu thích ca khúc vì thứ cảm xúc lay động lòng người như vậy.

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nhà thiết kế trẻ biến tấu bìa đĩa bolero xưa thành 6 typeface phong cách hoài cổ

Nếu đã từng lướt qua một chiếc biển quảng cáo hoặc bộ nhận diện thương hiệu mang phong cách vintage đâu đó ở Việt Nam, rất có thể, bạn đã bắt gặp một trong rất nhiều kiểu chữ được sáng tạo bởi Nguyễn ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nhạc đỏ và di sản hiện thực xã hội chủ nghĩa trong âm nhạc Việt Nam hậu chiến

Tuổi thơ tôi gắn liền với một thứ nghi thức kỳ lạ: ông nội bón bột cho tôi ăn trong lúc các bài hát cách mạng, còn gọi là “nhạc đỏ,” văng vẳng bên tai. Thiếu chúng, tôi nhất quyết không chịu mở miệng....

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nhà sưu tầm nhạc cụ Đức Dậu và hơn 30 năm lưu giữ thanh âm dân tộc

"Những nhạc cụ này nó phục vụ sinh hoạt trong cuộc sống đời thường hoặc tâm linh. Ví dụ như nó đánh dấu sự chuyển giao của đời người. Đứa trẻ sinh ra hay người đã khuất thì người ta sẽ dùng những nhạc...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'Vietnam Retropunk': Dự án minh họa mang vũ trụ máy móc vào giữa lòng phố cổ

Những chú robot và cỗ máy tinh vi xuất hiện giữa khung cảnh phố phường cổ kính — quá khứ và tương lai đã bắt tay nhau như thế qua thế giới của “Vietnam Retropunk."

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Tuổi thơ 'dữ dội' của 8X 9X tái hiện qua bộ tranh minh họa đồ chơi

Cùng với sự phát triển của công nghệ, niềm vui của trẻ em dường như ngày càng bị giới hạn trong không gian điện tử. Trước sự áp đảo của các game điện thoại như Temple Run, Pokemon GO, hay những tựa ga...