Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư...”
Giữa không khí ấm áp của mùa xuân, khi những giai điệu quen thuộc lại vang lên từ màn hình tivi, có một bài hát luôn được cất lên nhiều hơn cả: ‘Mùa Xuân Đầu Tiên’ của Văn Cao. Đằng sau khúc ca Tết không chính thức ấy là một số phận vừa rực rỡ vừa nghiệt ngã, gắn liền với cách mạng và những trăn trở mà phần lớn thế hệ tôi giờ đây đã lãng quên. Để hiểu hết ý nghĩa của ca khúc này, trước tiên ta phải nhắc đến chính người viết ra nó — một người nghệ sĩ nhiều trăn trở về chính cuộc chiến đấu mà mình đã đi theo.
Sự ra đời của một kiệc tác
Mùa xuân năm 1976, khi đất nước vừa bước vào những ngày đầu của hòa bình và thống nhất, Văn Cao viết nên ‘Mùa Xuân Đầu Tiên.’ Sự ra đời của bài hát này chỉ vài tháng sau khi chiến tranh kết thúc có thể xem là một điều đặc biệt, nhất là trong bối cảnh chính trị thời bấy giờ. Khi ấy, Sài Gòn Giải Phóng — tờ báo mới thành lập chưa lâu — đã lên kế hoạch thực hiện mục tiêu đầy tham vọng: họ cử hai phóng viên từ báo Cứu Quốc, Minh Đăng Khánh và Xuân Thu, ra Hà Nội để đặt hàng Văn Cao sáng tác một ca khúc ăn mừng mùa xuân và thắng lợi của đất nước.

Văn Cao thường được công chúng biết đến trong vai trò tác giả của Quốc ca Việt Nam.
Có lẽ chính họ cũng chẳng ngờ được rằng, họ không chỉ sắp chứng kiến sự ra đời của một khúc ca mừng xuân, mà còn của một tác phẩm chất chứa những suy tư về công cuộc cách mạng. Văn Cao, người gần như biến mất khỏi diễn đàn âm nhạc trong suốt gần hai thập kỷ, đã nhận lời. Dù có tài liệu rải rác cho thấy ông vẫn âm thầm sáng tác trong thời gian đó — với bốn tác phẩm chưa từng công bố rộng rãi gồm Gấu và Ong (1960, ca khúc thiếu nhi), Gửi Má Thân Yêu (1967), Hải Phòng Mở Ra Biển Lớn (1972) và Tổ Quốc Tôi (1973) — nhưng tiếng nói của ông trên diễn đàn công chúng gần như lặng hẳn kể từ khi phải chịu kỷ luật vì tham gia phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm.
Nếu các nhạc sĩ khác ở miền Bắc sáng tác những khúc ca khải hoàn, như ‘Tiến Về Sài Gòn’ của Lưu Hữu Phước, ‘Bài Ca Thống Nhất’ của Võ Văn Di, và đặc biệt là ‘Đất Nước Trọn Niềm Vui’ của Hoàng Hà — bài hát vang lên trên sóng phát thanh toàn quốc qua vào ngày 30/4 — thì Văn Cao lại viết nên một giai điệu hoàn toàn khác. Lời ca của ông không chỉ ca ngợi chiến thắng, mà còn chạm đến một sự thật phức tạp:
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Đây không phải những ca từ của một khúc ca chiến thắng đơn thuần. Nhà báo, nhà phê bình Trần Mạnh Hảo — tác giả tiểu thuyết Ly Thân — từng nhận xét rằng bài hát “vui ít, buồn nhiều, mừng ít, tủi nhiều, hoan ca ít, bi ca nhiều, tha thiết ít, nghẹn ngào nhiều, bâng khuâng ít, đau đáu nhiều, tự sự ít, ai oán nhiều, mê say ít, thở than nhiều, cứng cỏi ít, run run nhiều, da diết ít, nỉ non nhiều, cười ít, khóc nhiều, sum họp ít, cô đơn nhiều, yêu thương ít, đau thương nhiều, gặp gỡ ít, bơ vơ nhiều…” Đó là tiếng lòng của một “thiên tài bị lưu đày,” như cách ông gọi Văn Cao.
Sau lần đầu tiên được Trần Khánh thể hiện trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, ‘Mùa Xuân Đầu Tiên’ vấp phải chỉ trích vì bị cho là “chung chung, thiếu ý thức giai cấp.” Ca khúc gần như biến mất trong gần hai thập kỷ, chỉ được phổ biến rộng rãi sau khi tác giả qua đời – như một kiệt tác cuối cùng của ông.
Hành trình của người nghệ sĩ
Con đường đưa Văn Cao đến khoảnh khắc này bắt đầu từ Hải Phòng, nơi ông chào đời năm 1923. Là một thần đồng, ông viết ca khúc đầu tay ‘Buồn Tàn Thu’ khi mới 16 tuổi, trong thời gian tham gia hoạt động nghệ thuật cùng nhóm Đồng Vọng. Từ một nhạc sĩ mang phong cách lãng mạn, ông nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của dòng nhạc cách mạng. Giai đoạn 1940–1943 là thời kỳ sáng tác dồi dào nhất của ông, với những bản tình ca sâu lắng đan xen cùng các ca khúc lịch sử hào hùng. Song song với âm nhạc, Văn Cao cũng dành nhiều tâm huyết cho hội họa: năm 1942, ông theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội và tổ chức triển lãm đầu tiên tại Salon Unique.

Văn Cao ở tuổi 24 (1947). Nguồn ảnh: Nguyễn Nghiêm Bằng.
Định mệnh của Văn Cao gắn liền với một tượng đài khác của nền tân nhạc Việt Nam, Phạm Duy, vào năm 1940. Khi ấy, Phạm Duy là ca sĩ của đoàn cải lương Đức Huy Charlot Miều, và chính ông đã góp phần đưa ‘Buồn Tàn Thu’ của Văn Cao đến với công chúng. Hai người tiếp tục đồng hành trong các hoạt động cách mạng trước khi mỗi người bước sang hai phía đối lập của bối cảnh chính trị Việt Nam bấy giờ.
Theo hồi ký của Văn Cao, chính Phạm Duy là người đã giúp ông kết nối lại với Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh, người sau này đã đưa ông vào hàng ngũ cách mạng năm 1944. Nhiệm vụ đầu tiên mà Văn Cao được giao — sáng tác một hành khúc — đã cho ra đời ‘Tiến Quân Ca.’ Định mệnh đưa ca khúc trở thành Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và về sau là nước Việt Nam thống nhất.
Trong một bước ngoặt lịch sử, chính Phạm Duy là người đã giành lấy micro tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong cuộc mít tinh của công chức ngày 17/8/1945 để trình diễn ‘Tiến Quân Ca’ trước công chúng lần đầu tiên. Hai ngày sau, vào ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra một chương mới trong lịch sử dân tộc.
Để hiểu được những dòng cảm xúc ẩn sâu trong ‘Mùa Xuân Đầu Tiên,’ ta cần nhìn nó qua hành trình cách mạng của chính Văn Cao. Những xúc cảm phức tạp trong bài hát đã được gieo mầm từ những năm tháng ông phục vụ trong Đội danh dự của Việt Minh. Tại đây, các thanh niên xung phong phải đảm nhận một nhiệm vụ vô cùng khắc nghiệt: ám sát các đặc vụ mật thám của Nhật để dành thắng lợi dẫn đến Cách mạng Tháng Tám. Những nhiệm vụ ấy, dù vì lý tưởng giải phóng dân tộc, vẫn để lại những dấu ấn không thể xóa nhòa trong tâm thức ông.
Những trải nghiệm đối mặt với cái chết và bạo lực khi phục vụ cách mạng đã khắc sâu trong Văn Cao suy tư về giá trị của sự sống và tình yêu. Chính những giằng xé nội tâm ấy, giữa sáng tạo và hủy diệt, đã hun đúc nên triết lý sống của ông — “con người yêu thương con người.” Không chỉ dừng lại ở một câu nói mang tính thi ca, triết lý này trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt, định hình thơ ca và âm nhạc của ông cho đến những ngày cuối đời.
Mùa xuân đánh dấu bước ngoặt cuộc đời ông
Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, cuộc đời Văn Cao gắn liền với Việt Minh và chiến khu Việt Bắc. Ngoài ‘Tiến Quân Ca,’ ‘Trường ca Sông Lô’ của ông được Phạm Duy ca ngợi là “một tác phẩm vĩ đại, không thua kém bất kỳ kiệt tác nào của nền nhạc cổ điển phương Tây.” Tầm ảnh hưởng của ông đưa ông vào đoàn đại biểu văn hóa của Việt Minh do Trần Huy Liệu dẫn đầu, sang thăm Moscow — thủ đô của Liên Xô, nơi được xem là hình mẫu lý tưởng cho những nhà cách mạng Việt Nam thời bấy giờ.
Những thành tựu này tưởng chừng đã củng cố vững chắc vị trí của Văn Cao trong chính quyền mới, đặc biệt sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Thế nhưng, khi lên tiếng trên tạp chí Giai Phẩm Mùa Xuân năm 1956, bày tỏ quan điểm về sự gò bó trong sáng tác nghệ thuật và triết lý hiện thực xã hội chủ nghĩa, ông nhanh chóng bị gạt ra ngoài lề đời sống văn nghệ.

‘Mùa Xuân Đầu Tiên’ là một giai điệu quen thuộc vào ngày Tết.
Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm, đặt theo tên báo Nhân Văn và tạp chí Giai Phẩm, là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử văn hóa miền Bắc, dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Đây là nơi quy tụ những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, những người lên tiếng đòi hỏi quyền tự do sáng tác và cải cách dân chủ trong khuôn khổ hệ thống xã hội chủ nghĩa. Ban đầu, chính quyền tỏ ra chấp nhận phong trào trong bối cảnh chính trị cởi mở hơn, phần nào chịu ảnh hưởng từ quá trình phi Stalin hóa ở Liên Xô. Nhưng không lâu sau, Nhân Văn-Giai Phẩm trở thành tâm điểm của sự chỉ trích gay gắt, khi các thành viên bị cáo buộc cổ súy “chủ nghĩa cá nhân tư sản” và làm suy yếu tinh thần đoàn kết cách mạng.
Lệnh kỷ luật dành cho Văn Cao được ban hành vào năm 1958, dù không nghiêm khắc như những nhân vật chủ chốt của phong trào như Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Thụy An hay Trần Dần. Ông bị đưa đi cải tạo tại Điện Biên cùng Nguyễn Tuân và Nguyễn Huy Tưởng, và hầu hết các sáng tác của ông bị cấm lưu hành, ngoại trừ ‘Tiến Quân Ca.’ Từ một tượng đài nghệ thuật, ông dần lui vào bóng tối, sống lặng lẽ qua những công việc thiết kế bìa sách, minh họa báo chí, trang trí sân khấu và sáng tác nhạc nền cho phim. Mãi đến năm 1988, hai năm sau khi chính sách Đổi Mới mở ra thời kỳ kinh tế thị trường và sự cởi mở hơn về chính trị, Văn Cao cùng các thành viên của Nhân Văn-Giai Phẩm mới chính thức được phục hồi danh dự. Từ đó, những tác phẩm của họ mới dần trở lại và được khôi phục vị trí trong lòng công chúng.
Khôi phục danh tiếng trong và ngoài nước
Dù từng bị hạn chế lưu hành ở Việt Nam, ‘Mùa Xuân Đầu Tiên’ vẫn tìm được đường đến công chúng. Sau khi xuất hiện trên báo Sài Gòn Giải Phóng, ca khúc nhanh chóng được khán giả Nga biết đến. Năm 1995, năm Văn Cao qua đời, ca sĩ Thanh Thúy đã thể hiện lại bài hát, và đạo diễn Đinh Anh Dũng đưa nó vào bộ phim ca nhạc Văn Cao - Buổi Sáng Có Trong Sự Thật.

Bản nhạc ‘Mùa Xuân Đầu Tiên.’
Hành trình của ‘Mùa Xuân Đầu Tiên’ không chỉ dừng lại trong biên giới Việt Nam, mà còn phản chiếu sự chuyển mình của cộng đồng người Việt trên khắp thế giới. Từ một bài hát mang trong mình những mâu thuẫn lịch sử của đất nước, ‘Mùa Xuân Đầu Tiên’ dần trở thành cầu nối giữa những lát cắt lịch sử đối lập.
Năm 2008, trung tâm Asia Entertainment, một đơn vị giải trí của của người Việt tại Mỹ, đã phát hành bản thu âm ca khúc này qua giọng ca Bích Vân. Ban đầu, điều này vấp phải phản ứng dữ dội, khi có ý kiến cho rằng bài hát mang tính tuyên truyền. Nhưng theo thời gian, những tranh cãi dần lắng xuống, nhường chỗ cho sự công nhận rằng đây không chỉ là một ca khúc về chiến thắng hay thất bại, mà còn chất chứa những suy niệm về chiến tranh, cách mạng và cái giá con người phải trước những xung đột tư tưởng.
Một cột mốc lớn là vào năm 2022, khi Khánh Ly — giọng ca huyền thoại của dòng nhạc vàng trước 1975 — thể hiện bài hát theo bản phối riêng của bà. Nếu trước đây, ‘Mùa Xuân Đầu Tiên’ thường được nhìn qua lăng kính của người thắng và kẻ thua, thì lần này, nó vang lên như một lời kêu gọi hòa giải, chạm đến khát khao chung của con người về sự thấu hiểu và hàn gắn.
Dù Văn Cao không còn nữa, kiệt tác cuối cùng của ông vẫn tiếp tục được lắng nghe và tìm thấy những ý nghĩa mới khi Việt Nam bước ra từ những biến động lịch sử. Với những cảm xúc phức tạp và suy tư triết lý, ‘Mùa Xuân Đầu Tiên’ là một minh chứng cho sức mạnh của nghệ thuật trong việc nhìn lại quá khứ, đặt ra những câu hỏi không chỉ về xung đột đã qua mà cả về cách con người hướng đến một xã hội công bằng và nhân ái hơn. Bài hát nhắc nhở rằng, một cuộc cách mạng thực sự phải dẫn dắt chúng ta đến một xã hội thấu cảm và yêu thương hơn, dẫu rằng những mâu thuẫn trong hành trình đó là điều không thể tránh khỏi.