Chỉ vài tuần nữa thôi, chúng ta sẽ được đóng sập máy tính, vứt hết deadline, ngừng "seen" tin nhắn của khách hàng và sống bằng bánh chưng mẹ mua thay vì chút đồng lẻ của tư bản.
Tết Nguyên Đán năm nay đến sớm hơn mọi khi, nên không ít người cũng đã sớm sắm sửa tinh thần đón Tết: tăng vài cân vì món ngon giàu calo, nhận bao lì xì từ các "mạnh thường quân" dù đã đến tuổi lấy chồng lấy vợ, và thử vận may đầu năm với những trò chơi có khả năng làm rạn nứt tình bạn, tình thân vào ngày mùng. Nếu như người lớn thường đam mê cảm giác đen tình đỏ bạc, sát phạt trên sòng, thì trẻ em lại thích những "bộ môn" đơn giản và màu sắc hơn như cờ cá ngựa, lô tô, hoặc bầu cua tôm cá.
Cái tên bầu cua tôm cá, hay còn gọi là bầu cua cá cọp, được dùng để chỉ những linh vật có mặt trên bàn cầu. Các linh vật có mặt trong phiên bản của Việt Nam có nét tương đồng với phiên bản gốc của Trung Quốc mang tên Ngư Hà Giải, bao gồm bầu, cua, tôm, cá, gà, và nai. Ở phiên bản Thái Lan, con cọp được dùng thay cho con nai, trong khi một phiên bản phương Tây mang tên Crown and Anchor lại sử dụng các biểu tượng trong bộ bài thay vì động vật.
Trong một ván bầu cua, nhà cái và người chơi phải đặt cược vào ít nhất một con vật/quả bầu trên bàn cầu. Sau đó, nhà cái sẽ tung ba viên xúc xắc, mỗi mặt xúc xắc tương ứng với một biểu tượng. Nhà cái phải trả tiền cho người chơi dựa trên số lần mà biểu tượng họ chọn xuất hiện trên mặt xúc xắc.
Tết này, Maztermind, một nhóm các nghệ nhân chế tác boardgame thủ công tại Việt Nam, đã quyết định biến tấu trò chơi lâu đời này bằng cách cho ra đời phiên bản bầu của mới toanh của chính mình: Bầu Cua Lộc Uyển. Thay vì sử dụng năm con vật và quả bầu truyền thống, Maztermind đã thay thế gà trống bằng mèo nhân dịp năm con giáp này.
Những bạn trẻ lớn lên với bộ bầu cua kinh điển hay được bán ở tạp hoá — có bàn cầu làm bằng giấy và con xúc xắc bằng xốp với hình dán lỏng lẻo — sẽ đánh giá cao phiên bản xúc xắc "nâng cấp" bằng chất nhựa resin của Bầu Cua Lộc Uyển bởi tính thẩm mỹ cao cũng như âm thanh vui tai khi lúc lắc trong bát sứ.
Theo Maztermind, nhóm đã lấy cảm hứng từ các họa tiết thời Lê, đặc biệt là các họa tiết kiến trúc cũ, khi thiết kế bàn cầu có thể gập lại. Các gam màu chủ đạo như vàng ánh kim, xanh đậm, xanh ngọc và cam đất cũng tạo đến sự tương phản thú vị khi so với sắc đỏ thường thấy trên các sản phẩm Tết.