Những đường cọ xoắn ốc và gam màu tươi sáng trong các tác phẩm của Van Gogh có lẽ là một trong những phong cách nghệ thuật dễ nhận biết nhất của giới hội họa. Vậy sẽ thế nào nếu những kỹ thuật lừng danh đó áp dụng để tái hiện những khoảnh khắc rất quen thuộc ở Sài Gòn?
Câu trả lời nằm gọn trong tư duy nghệ thuật của họa sĩ Trần Trung Lĩnh. Sinh năm 1977 ở Hội An, anh tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM và hiện đang sống và làm việc ở Sài Gòn. Công chúng biết đến Lĩnh nhiều nhất qua các tác phẩm pop art, trường phái hội họa sử dụng các nhân vật và hình ảnh quen thuộc trong văn hóa đại chúng để bình luận về xã hội.
Tháng 6/2023, Trần Trung Lĩnh đã cho ra mắt triển lãm mới mang tên “Van Gogh ở Sài Gòn” ở SiLart Station. So với những tác phẩm trước đây của anh, đây có lẽ là bộ sưu tập với chủ đề gần gũi và dễ tiếp cận nhất mà người họa sĩ từng thực hiện.
Kết hợp sự nhạy cảm táo bạo của pop-art với các thủ pháp của trường phái hậu ấn tượng đặc trưng của Van Gogh, Lĩnh mang đến một thực tại khác, nơi mà vị “danh họa khắc khổ” dạo quanh Sài Gòn, chụp ảnh check-in ở Nhà thờ Đức Bà và bắt chuyện với cô bán bánh mì.
Theo báo Người Lao Động, Lĩnh mất ba tháng để lên ý tưởng và thực hiện bộ sưu tập. Chàng họa sĩ muốn tri ân với cả Van Gogh và Sài Gòn — nơi anh gọi là nhà hơn 20 năm qua. Trao đổi với VietnamNet về triển lãm, Lĩnh nói: “Mỗi người sẽ có một Sài Gòn cho riêng mình. Với tôi, thành phố này bình dị, không hoa lệ và luôn mỉm cười chào đón tất cả mọi người.”
Trong những khung tranh phái sinh dí dỏm của Lĩnh, dân Sài Gòn sẽ dễ dàng nhận ra cảnh tượng vừa bình dị vừa đặc sắc. Con hẻm Hào Sĩ Phường ở Quận 5, cơm tấm, hủ tiếu gõ, và nhiều thứ nữa, hiện lên theo một cách sống động và mơ màng đậm chất Van Gogh. Một số bức thậm chí được lấy cảm hứng trực tiếp từ 'The Starry Night' (Đêm sao, 1889) và 'Cafe Terrace at Night' (Cà phê vỉa hè trong đêm, 1888).
Hãy cùng chiêm ngưỡng bộ tranh “Van Gogh ở Sài Gòn” của Trần Trung Lĩnh dưới đây.
[Ảnh chụp tác phẩm của họa sĩ Trần Trung Lĩnh qua báo Người Lao Động]