Ngay trước Tết Nguyên đán, “Thẩm / Thấu, Thưởng” đưa người xem vào hành trình khám phá vẻ đẹp của các chất liệu dân gian được tái hiện trong hình thức đương đại. Triển lãm khắc họa nghệ thuật đương đại thông qua góc nhìn mới mẻ về cách di sản có thể được tái diễn giải trong thực hành sáng tạo hiện đại.
Triển lãm “Thẩm / Thấu, Thưởng” giới thiệu gần 50 tác phẩm bởi ba nghệ sĩ Nguyễn Quốc Huy, Trần Nam Tước và HuongColor. Được tổ chức bởi VietnamColor và Gallery Medium ngày trước thềm Tết Ất Tỵ, triển lãm làm nổi bật sự giao thoa giữa di sản văn hóa và nghệ thuật đương đại. Qua cách thức sử dụng chất liệu dân gian cùng thực hành nghệ thuật sáng tạo, các nghệ sĩ đưa đến góc nhìn mới mẻ về cách chúng ta trải nghiệm và nhìn nhận nghệ thuật đương đại.
Với cách tiếp cận và ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, các nghệ sĩ kết hợp nhiều chất liệu đa dạng: từ gốm và giấy chuối, đến màu acrylic và tranh sơn dầu, tạo nên sự hài hòa của Tết. Tư duy và cách sử dụng chất liệu làm nổi bật các tác phẩm trong triển lãm lần này thể hiện sự ấm áp và thiêng liêng của ngày Tết qua màu sắc và hình ảnh của người Việt.
Nguyễn Quốc Huy kết nối khoảng cách giữa gốm truyền thống và câu chuyện nghệ thuật đương đại bằng cách thử nghiệm với đất, men và lửa để tạo ra những tác phẩm đậm dấu ấn riêng mình. Ngoài kỹ thuật điêu luyện, khả năng đưa cảm xúc và giá trị văn hóa vào tác phẩm của anh đã mở ra một cuộc đối thoại giữa truyền thống và hiện đại.
‘Năm Tỵ’ — tác phẩm được đặc biệt tạo ra cho triển lãm và đón năm con Rắn, thể hiện sự hòa quyện giữa yếu tố văn hóa và nghệ thuật đương đại. Với tính bền vững của gốm cùng những chi tiết sắc bén và linh hoạt, tác phẩm thể hiện sự huyền bí và sự mạnh mẽ của loài rắn, phản ánh những chuyển động trong cuộc sống và sự vĩnh cửu của thời gian. Tương tự, 'Cá Vàng' miêu tả góc nhìn của nghệ sĩ về sự tương đồng giữa người và cá: cả hai đều phải tự tìm đường trong những “dòng sông” của cuộc đời và di chuyển theo nhiều hướng khác nhau trong thế giới của riêng mình.
Nghệ sĩ Trần Nam Tước thể hiện kỹ thuật độc đáo của mình qua những tác phẩm tượng gốm thể nghiệm. Là một nghệ nhân đa ngành với nhiều giải thưởng danh giá, những thử nghiệm với chất men, sự khám phá hình thức và kết hợp chữ thư pháp Hán-Nôm đã giúp anh tạo nên sự khác biệt cho những tác phẩm của mình. Các tác phẩm của anh mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ, kết hợp văn hóa dân gian cùng những đường nét cổ xưa, và luôn hòa hợp với các làng nghề truyền thống.
‘Sự Sinh’ mang hình dáng của một chiếc bình đứng mang hình dáng giống con người, và thể hiện hình ảnh của những con nòng nọc và rắn bơi xung quanh, tượng trưng cho sức sống mới, sự trưởng thành và sự sinh sản. Một tác phẩm nổi bật khác là ‘Ba Hoa,’ với cách chơi chữ lấy cảm hứng từ thói hay ngồi lê đôi mách của người Việt qua bốn mùa, với những câu chuyện và tin đồn giả thật vô tận. Cả hai tác phẩm đều thuộc dòng gốm Sông Quan ở Thái Bình, một dòng gốm Việt lâu đời thất truyền từ thế kỷ 13. Kỹ thuật này đã được nghệ sĩ tái dựng lại trong năm 2024, sử dụng đất và men của miền đất trầm tích phù sa cổ.
Nghệ sĩ HuongColor mang đến đề tài ‘Thời khắc | Phượng Hoàng,’ với những tác phẩm đưa người xem vào chiều sâu ý thức và sự phát triển nhận thức của nghệ sĩ. Với bảng màu ấn tượng, cùng đường nét uyển chuyển gợi lên nhiều cảm xúc, những tác phẩm của nghệ sĩ khám phá nhiều chiều kích thích sáng tạo qua tranh lụa, sắp đặt đa phương tiện và tranh sơn dầu, với mỗi tác phẩm đều thể hiện sự biến chuyển độc đáo và hành trình khám phá bản thân.
Cách sử dụng những gam màu độc đáo trong tác phẩm ‘Hoa Păng Xê Đen’ năm bắt vẻ đẹp của loài hoa thường bị bỏ qua vì màu đen của nó. Tuy nhiên, màu đen lại là sự kết hợp của tất cả các màu, và sắc đen này tiết lộ những tông màu của đỏ, tím, vàng và xanh, làm nổi bật sự pha trộn cảm xúc và đầy bí ẩn từ bên trong. Trong khi đó, ‘Phượng Hoàng’ tượng trưng cho sự tái sinh, quá trình tìm lại đam mê của bản thân, và sự phục hưng. Nghệ sĩ phản ánh rằng ‘Phượng Hoàng’ luôn xuất hiện vào thời thái bình, và sẽ ẩn mình trong thời loạn lạc, báo hiệu một sự bắt đầu mới. Tác phẩm ghi lại khoảnh khắc hiện tại như một điều đã được kết tinh từ những trải nghiệm trong quá khứ, đón nhận sự biến chuyển và sức mạnh tìm thấy được từ việc khám phá tiếng nói của chính mình.
Tết Nguyên Đán luôn rực rỡ trong muôn sắc vật: từng màu hoa sắc quả bừng lên sức sống, gieo trước thềm năm mới những hy vọng và niềm tin, vun lại những mảnh tâm hồn của gia đình để tựu một cái xuân mãn túc. Triển lãm phản ánh tinh thần này bằng cách tái tưởng tượng các vật liệu truyền thống và giá trị trường tồn của chúng, mang đến góc nhìn mới trong việc tôn vinh các truyền thống văn hóa.
[Ảnh cung cấp bởi VietnamColor và Gallery Medium.]
“Thẩm / Thấu, Thưởng” diễn ra đến ngày 23.01.2025 tại Gallery Medium. Thông tin về triển lãm, chương trình workshop và chương trình đấu giá gây quỹ có thể được tìm thấy trên trang Facebook tại đây.