Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Tử Mộc Trà, nghệ sĩ sắp đặt kể chuyện văn hóa bằng lớp lang chất liệu

Tử Mộc Trà, tên thật là Phạm Thùy Dương, là một nữ nghệ sĩ 9x sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hành trình theo đuổi nghệ thuật của cô được nuôi dưỡng bởi thiên cảm cá nhân, truyền thống gia đình và trải nghiệm gạn lọc từ những tháng ngày xê dịch. 

Tôi lần đầu biết đến Dương qua triển lãm “Chúng ta đang nghịch gì?” Giữa 125 tác phẩm với vô vàn sắc thái khác nhau, ‘Sợi vàng’ của Tử Mộc Trà là câu chuyện được kể bằng bằng một bảng màu thường ngày, dung dị, và trầm hơn.

‘Sợi vàng’ lấy cảm hứng từ vải lanh, chất liệu thô sơ nhưng quý giá của đồng bào H’Mông: dệt vải phải khéo léo lại tốn nhiều công sức, bù lại vừa thoáng mát trong những ngày oi bức, vừa ấm áp khi thời tiết chuyển lạnh.

Tác phẩm 'Sợi vàng.'

“Mình đã bị mê hoặc bởi màu sắc, đường nét và kỹ thuật vẽ sáp ong vô cùng chi tiết trên những thớ vải lanh được làm thủ công từ đôi tay của người dân tộc H’Mông,” Dương kể về tác phẩm mượn hình ảnh của chiếc guồng quay giăng sợi, ẩn dụ quá trình thành hình của một tấm vải lanh dệt.

‘Sợi vàng’ là một trong những mảnh ghép làm nên danh tính sáng tạo của Dương — “Tử Mộc Trà.” Qua những chuyến đi thực tế ở vùng cao, Dương học về câu chuyện một vùng đất qua các bản ký họa và chất liệu mà mình gom nhặt. Những câu chuyện được cô truyền tải lên các phương tiện như mặt giấy, thớ vải — đôi khi là một hình hài đa chiều hơn như tác phẩm sắp đặt. Nghệ thuật của cô là sự dung hòa của các luồng văn hóa, của kỹ thuật in ấn thủ công và kỹ nghệ truyền thống như nhuộm, thêu, đáp vải.

Lữ hành gia trong thế giới chất liệu

Năng khiếu sáng tạo của cô đã hình thành từ nhỏ, khi cô có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại chất liệu nghệ thuật khác nhau. Gia đình Dương có truyền thống vải vóc lâu đời: ông cô là thợ may, mẹ và dì cô buôn bán vải. Như một lẽ đương nhiên, cô đã hình thành niềm yêu thích đối với việc cắt dán và tích lũy kinh nghiệm như một thợ lành nghề. Dương bảo: “Đó là khung cảnh gia đình gắn bó với nghề, là những va chạm cho đến cảm thức với loại chất liệu thân thuộc.”

Tử Mộc Trà cùng tác phẩm ‘Thoi đưa’ tại triển lãm “Những người làm vườn” của VCCA.

Con đường làm nghệ thuật chuyên nghiệp của Dương bắt đầu từ lớp luyện thi vào “trường Yết Kiêu” — Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Thời gian đi học không chỉ cho cô nền tảng kiến thức vững chắc và “sự lành nghề.” Cái tôi phá cách, muốn nghĩ khác, làm khác đi của cô được hun đúc từ những va chạm trong không gian mở. Tại đây, cùng với giấy bút, cô đã thực sự tìm thấy lối đi của riêng mình.

Từ các chuyến thực tập thời sinh viên hay những lần du lịch lên vùng cao, cảm hứng sáng tạo với các chất liệu của Dương càng trở nên mạnh mẽ hơn. Các tác phẩm của cô thường khai thác chủ đề sợi lanh, nghề dệt, đan lát, cùng những chế tác đồ thủ công của của đồng bào ở các tỉnh miền núi phía Bắc, hay như những điều bình dị trong cuộc sống như sỏi đá.

Tác phẩm ‘Tơ.’

“Những hình ảnh đó đẹp và lãng mạn lắm! Ngoài việc lên nương lên rẫy, các cô, các bà ngồi xe sợi suốt bên triền đồi, tỉ mẩn và nâng niu ‘tinh hoa’ mà đời trước để lại. Rồi mình được trực tiếp xem cách mà người Mông, người Dao nhuộm chàm cho vải, làm thổ cẩm với những hoa văn rực rỡ sắc màu.”

“Có lần lên đây vào dịp Tết, đã hết mùa đông nhưng chút heo may vẫn còn ở. Sương sớm tràn xuống che lấp những bản làng và màu xanh thanh bình. Và giữa thinh không ấy, là những thớ vải màu bạc ai mang phơi như vắt ngang qua lưng đồi, quyến luyến những đôi chân đường xa chẳng thể nào rời mắt.” Nhắc lại, Dương vẫn còn thấy rùng mình.

Đồ họa in ấn bằng chế bản khắc gỗ.

Tái hiện đời sống từ điểm nhìn chính mình

Từ cuộc trò chuyện, tôi thấy một người nghệ nhân say sưa với những đứa con tinh thần.

“Mình không thích chỉ đứng nhìn một bức tranh đóng khung.” Làm sắp đặt, Dương bảo, không chỉ là việc sắp xếp các vật thể trong không gian. Đó là một cuộc đối thoại giữa người nghệ sĩ, tác phẩm và người xem. Concept, câu chuyện, và vật liệu kết hợp uyển chuyển trong sự tự do, phá cách và đầy tính gợi.

Tác phẩm ‘Lặp.’

Trong một lần đến bản Du Già, Hà Giang, Dương ngộ ra nhiều hơn những gì bản thân từng nghĩ về nghề dệt. Người H'Mông ở đây không còn mặc trên mình áo yếm, chân váy, xà cạp quấn chân… mà thay vào đó là trang phục được làm từ sợi nylon với gam màu chói sáng.

Truyền thống dệt, nhuộm vải lanh chẳng còn ai tiếp nối, bởi nó đòi hỏi quá nhiều sự tỉ mỉ và cầu kỳ. Mảy may, chỉ còn thế hệ lớn tuổi vẫn làm, nhưng không dệt để may quần áo, cũng không nhuộm mà để lanh thô trắng ngà — để quấn quanh các em bé mới sinh, hoặc đệm lót quan tài người đã khuất.

Các chi tiết trên ‘Thoi đưa.’

Lấy cảm hứng từ sự đứt gãy văn hóa này, ‘Thoi đưa’ đã ra đời. Tác phẩm tái hiện lại một Du Già rất đẹp, nơi con thoi vẫn đưa những sợi vải, nhưng đã khuyết đi một phần là bản sắc của dân tộc H'Mông trên hai chất liệu chính là khắc gỗ và vải phơi cyanotype (nhuộm chàm bằng cách phơi sáng). Ngoài vải dệt, tác phẩm còn có một tấm gương to và những viên sỏi để biểu thị cảnh quan vùng núi.

Dương đã tái tưởng tượng những gì mình trải nghiệm, được thấy được nghe thành những phác thảo rồi tiếp tục bước khắc gỗ, in rồi sắp xếp. Khi làm việc với những thớ vải, cô nhận ra được sự khác biệt rất lớn so với trên giấy. Vải có độ dày, co giãn, đòi hỏi kỹ thuật in tay tỉ mỉ và không đảm bảo mực như ý muốn hay giữ được lâu.

Vải phơi cyanotype.

“Phải gọi là cứ ‘đánh liều’ mà in, lắm khi đẹp và bền màu hơn mong đợi. Với lối đi này, thay vì chỉ phải rửa bút, rửa cọ như làm tranh, thì phải rửa nhiều thứ hơn vậy nhiều: lô, bản kẽm, palette… Chưa kể, in càng nhiều màu thì bản in càng phức tạp.”

“Thật khó để gìn giữ văn hóa…”

Từ ‘Lặp’ với giải thưởng Đồ họa tại Festival Mỹ Thuật Trẻ 2022, ‘Sợi Vàng” tại “Chúng ta đang nghịch gì?” hay ‘Thao,’ ‘Suốt,’ v.v., mỗi tác phẩm của Tử Mộc Trà kể một câu chuyện rất riêng. Đó là cảnh làm vải của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Sủng Là (Hà Giang), là dòng chảy buôn bán của thị trường vải vóc, đồ thủ công ở chợ Bắc Hà (Lào Cai), hay giản đơn là hoa lá, cỏ cây, con suối.

‘Thoi đưa’ gột tả quang cảnh của một xã miền cao.

Theo thời gian, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, những yếu tố truyền thống của các dân tộc đã có một số thay đổi để phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Thậm chí đáng lo ngại khi xuất hiện nguy cơ bị mai một, mất đi nét đặc trưng. Thông qua những tác phẩm sắp đặt, Dương muốn giới thiệu đến mọi người vẻ đẹp và giá trị vốn có của chúng: “Để gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào thiểu số thật khó, vì chính họ, những người đã sống và gắn bó với nó thì mới quyết định được là làm hay không. Còn mình chỉ có thể truyền tải câu chuyện, lưu giữ những gì đã trải nghiệm, được thấy, được kể một cách nghệ thuật hơn.”

Tác phẩm ‘Dệt.’

Phải chăng vậy, nên khi được hỏi có lo lắng vì khám phá địa hạt thú vị nhưng rủi ro này không, Dương lại vô cùng tự tin: “Mình cứ làm thôi, chẳng nghĩ gì nhiều! Cái không nghĩ nhiều này đôi khi lại là cái rất hay. Mình không đi quá sâu vào chúng, không đặt nặng vấn đề phải tìm hiểu đủ, thật chi tiết mà chỉ đơn giản là thấy đẹp, thấy hay và mình muốn tái hiện lại điều đó!”

Những chuyến đi ngược xuôi để làm mới mình, để gặp gỡ nhiều nền văn hóa và va chạm với các chất liệu khác nhau… thế giới nghệ thuật của cô nghệ sĩ trẻ cũng dần dần định hình. Trong những hành trình ấy, cô trở thành một người kể chuyện thực thụ, ký hoạ, ghi chép, rồi sắp xếp, để ngôn ngữ của cái đẹp trở nên gần gũi và chạm đến bất kể tâm hồn duy mỹ nào.

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Cùng nhau tập thể (dục) qua tuần lễ nghệ thuật du hành Nổ Cái Bùm 2024

Diễn ra tại Đà Nẵng và Hội An vào tháng 8/2024, tuần lễ du hành nghệ thuật Nổ Cái Bùm 2024 trở thành nơi nhiều nghệ sĩ trưng bày tác phẩm của mình, thu hút được nhiều sự chú ý của đông đảo người tham ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Cùng Van Gogh đi dạo ở Sài Gòn qua bộ sưu tập pop art của Trần Trung Lĩnh

Những đường cọ xoắn ốc và gam màu tươi sáng trong các tác phẩm của Van Gogh có lẽ là một trong những phong cách nghệ thuật dễ nhận biết nhất của giới hội họa. Vậy sẽ thế nào nếu những kỹ thuật lừng da...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Triển lãm điêu khắc mới của Vy Trịnh đưa ta phiêu lưu cùng 'ON DA DREAM'

Những thanh ruy băng kim loại vừa cứng rắn vừa mềm mại như tia sáng, tràn lan, di chuyển và chiếm mọi ngõ ngách của khoảng không gian trống: lên xuống, trái phải, và vô vàn phương hướng. Qua một chuỗi...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Chuyến du hành ngược thời gian qua triển lãm cá nhân của họa sĩ Lưu Công Nhân

Buổi triển lãm cá nhân đưa người xem vào chuyến du hành thời gian đến thế giới của cố họa sĩ Lưu Công Nhân. Từ những bức vẽ màu nước đến những bức tranh khổ lớn, xấp tài liệu cũ, và cả chiếc máy đánh ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nhìn thế giới đầy hỗn loạn qua triển lãm 'Hồn và Thể của Huyền Thoại' của Mahdi Abdullah

Bằng cách nào một người nghệ sĩ có thể chuyển hóa nỗi ám ảnh thành những tác phẩm nghệ thuật mạnh mẽ để kể câu chuyện của chính mình và bao nhiêu con người khác? Những tác phẩm của Mahdi Abdullah chín...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'Vietnam Retropunk': Dự án minh họa mang vũ trụ máy móc vào giữa lòng phố cổ

Những chú robot và cỗ máy tinh vi xuất hiện giữa khung cảnh phố phường cổ kính — quá khứ và tương lai đã bắt tay nhau như thế qua thế giới của “Vietnam Retropunk."