Triển lãm đưa người xem đến với cuộc đời nghệ thuật của cựu hoàng Hàm Nghi, một vị vua lưu vong dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật, với từng nét cọ và phong cảnh thể hiện nỗi nhớ sâu đậm với quê hương mà ông không bao giờ có thể trở về.

Không gian triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama.” Nguồn: Luxuo.
Từ ngày 26 tháng 3 năm 2025, Điện Kiến Trung tại Kinh Thành Huế đã mở cửa đón hàng ngàn lượt tham quan đến triển lãm đặc biệt “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama” — giới thiệu hơn 20 tác phẩm nghệ thuật của cựu hoàng Hàm Nghi đến từ 10 bộ sưu tập khác nhau. Art Republik Vietnam, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Pháp tại Việt Nam, đã tổ chức triển lãm này như một cuộc hồi hương mang tính biểu tượng cho các tác phẩm của vị hoàng đế từng sống lưu vong, nay trở về với hoàng cung xưa. Được giám tuyển bởi nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê và Tiến sĩ Amandine Dabat — hậu duệ đời thứ năm của vua — triển lãm mở cửa cho công chúng chỉ trong vòng hai tuần, mang đến cơ hội hiếm hoi để chiêm ngưỡng di sản nghệ thuật của vị hoàng đế. Đây cũng là một cột mốc quan trọng trong công cuộc phục hồi di sản văn hóa Việt Nam.

Phong cảnh với cây bách (Menthon-Saint-Bernard), 1906. 27 x 40,5 cm. Sơn dầu trên toan. Nguồn: Kâ-Mondo.
Trong mắt người Việt, Hàm Nghi được biết đến rộng rãi như một vị vua yêu nước và đóng vai trò chủ chốt trong phong trào Cần Vương (1885-1896) chống lại ách thống trị của thực dân Pháp với mục tiêu giành lại độc lập. Lên ngôi khi mới 13 tuổi dưới sự phụ chính của các đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, ông đã bộc lộ tinh thần yêu nước khi còn nhỏ tuổi. Dù mang dòng dõi hoàng tộc, Hàm Nghi lớn lên và sống cùng mẹ ở ngoài hoàng cung, điều này khiến ông không bị mờ mắt bởi quyền lực và giàu sang. Thời gian trị vì của ông tuy rất ngắn, nhưng lại diễn ra trong một giai đoạn đầy biến động khi đất nước đang trải qua giai đoạn khủng hoảng kép: chia rẽ phe phái và mâu thuẫn trong nội bộ triều đình, và cơn sóng gió bên ngoài thành trước sự lấn áp xâm lược của thực dân Pháp.

Chân dung cựu Hàm Nghi, 1896.
Nguồn: Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại, Phông Capek.
Triển lãm được chia ra làm nhiều khu vực khác nhau trong Điện Kiến Trung, và bắt đầu với phòng thư pháp. Bộ sưu tập thư pháp tái hiện lại thời điểm trước khi vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt giữ và lưu đày, nơi mà ông đã sống tha hương suốt 55 năm cho đến cuối đời. Nằm ở tầng trên của khu vực tiếp đón — nơi trưng bày các hiện vật từng thuộc về gia đình hoàng gia — không gian này giới thiệu bộ sưu tập thư pháp ghi chép các tác phẩm thơ được sáng tác để ủng hộ phong trào Cần Vương.

Không gian triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama.”
Nguồn: Luxuo, Bảo Nguyễn/Annam Production.

Không gian triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama.”
Nguồn: Luxuo, Bảo Nguyễn/Annam Production.
Ít người biết về cuộc sống của vua Hàm Nghi sau năm 1888 khi ông bị lưu đày đến Algeria, một thuộc địa khác của Pháp lúc bấy giờ, khi ông chỉ mới 18 tuổi. Tại đây, ông bị kiểm soát nghiêm ngặt vì bị xem là một tù nhân chính trị. Để đối diện với nỗi cô đơn, sự cô lập và sự kiểm soát từ chính quyền thuộc địa, Hàm Nghi quyết định dành cuộc đời mình cho nghệ thuật. Ông theo học Marius Reynaud (1860–1935) và sau đó tiếp thu ảnh hưởng từ trường phái Ấn tượng và Hậu Ấn tượng trong thời gian ở Paris. Ngoài hội họa, ông còn học điêu khắc với bậc thầy Auguste Rodin (1840–1917); tuy nhiên, triển lãm lần này chỉ tập trung vào các tác phẩm sơn dầu của ông. Hàm Nghi ký tên trên tranh bằng bút danh Tử Xuân 子春 (con trai của mùa xuân), một tên gọi thời niên thiếu do gia đình và những người thân cận đặt cho ông.
Khi bước vào không gian triển lãm chính, người xem lập tức bắt gặp những tông màu rực rỡ nhưng mơ màng trong tác phẩm tranh của vua Hàm Nghi. Những tác phẩm trong triển lãm lần này được sáng tác trong những năm 1910 đến những năm 1920. Lấy cảm hứng từ phong cảnh thiên nhiên, các tác phẩm của ông cho thấy ảnh hưởng rõ rệt từ trường phái Ấn tượng, và điều này hoàn toàn phù hợp với tựa triển lãm “Trời, Non, Nước.”
Theo văn bản giám tuyển, vua Hàm Nghi được xem là họa sĩ hiện đại Việt Nam đầu tiên được đào tạo chính quy theo kỹ thuật hội họa hàn lâm phương Tây, ngay cả trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập vào năm 1924. Dù không tập trung mô tả những hình ảnh truyền thống Việt Nam, những chi tiết tinh tế trong các bức họa của ông vẫn gợi lên cảm giác thân thuộc và hoài niệm về quê hương, phản ánh qua quá trình hình thành bản sắc cá nhân và nghệ thuật của ông. Một điểm đáng chú ý là con người hầu như vắng bóng trong tranh của vua Hàm Nghi, càng nhấn mạnh được nỗi cô đơn của một con người xa xứ bất đắc dĩ.

Một phần triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama.”
Nguồn: Bảo Nguyễn/Annam Production.
Về khía cạnh kỹ thuật, điểm nhấn trong các tác phẩm của vua Hàm Nghi nằm ở khả năng vẽ ánh sáng và hiệu ứng không gian. Sự nghiên cứu kỹ lưỡng về bầu trời, bình minh và hoàng hôn, cùng với đường chân trời được bố cục tỉ mỉ, tạo nên độ sâu cho tác phẩm. Sự hài hòa giữa ánh sáng và bóng tối được thể hiện rõ nét nhất qua hình ảnh phản chiếu của thiên nhiên trên mặt nước – truyền tải được độ trong suốt của nước vừa làm nổi bật sự tương phản tinh tế giữa ánh sáng và bóng tối. Hàm Nghi tiếp nhận tinh thần của trường phái Ấn tượng với phương pháp vẽ en plein air (vẽ ngoài trời), ưu tiên ghi lại những cảm xúc nhất thời và khoảnh khắc thoáng qua ngay trước mắt ông.

Cánh đồng lúa mì, 1913. 31 x 39 cm. Sơn dầu trên toan. Nguồn: Lynda Trouvé.

Phong cảnh Algeria, 1902. 24,1 x 35,4 cm. Sơn dầu trên toan. Nguồn: Kâ-Mondo.
Vượt ra khỏi hình ảnh của một vị vua, nghệ thuật của vua Hàm Nghi còn hé lộ thêm một khía cạnh riêng tư khác — một con người với nhiều cảm xúc được giải tỏa qua sự bao la của thiên nhiên, nhưng lại bị cuốn vào sóng gió chính trị định đoạt số phận của ông. Chủ đề trong tranh phản ánh thế giới nội tâm với những ẩn dụ tinh tế về nỗi khát khao và sự lưu lạc: hình ảnh cây cổ thụ đơn độc đứng yên lặng, một con đường vắng bóng người — phản chiếu chính con đường ông đi với danh xưng một vị hoàng đế, nhưng lại chưa bao giờ thực sự có quyền quyết định số phận của mình. Những yếu tố trong tranh của ông, kết hợp cùng góc nhìn giám tuyển, khắc họa ba hình tượng cốt lõi: trời — biểu tượng của tầm nhìn bao quát và khát vọng vươn xa; non — núi vẫn đứng sừng sững và kiên định dù lẻ loi; và nước — biến chuyển không ngừng, phản chiếu vạn vật, cũng như chính dòng chảy của cuộc đời. Làm một vị hoàng đế là mang trong mình một tầm nhìn bao quát, dõi theo và ôm trọn cảnh sắc quê hương.
Trong một diễn biến khác tại quê nhà, phong trào Cần Vương, dù đã suy yếu dần theo thời gian, vẫn tiếp tục kéo dài đến năm 1896 — gần một thập kỷ sau khi vua Hàm Nghi bị lưu đày. Dù cuối cùng thất bại do thiếu chiến lược, sự lãnh đạo thống nhất và hạn chế về quân sự, phong trào vẫn là một minh chứng cho tinh thần quật cường và lòng yêu nước của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống ách đô hộ thực dân, ngay cả khi những lãnh đạo của họ hy sinh và dần biến mất khỏi quyền lực.

Không gian triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama.”
Nguồn: Luxuo.
Tầm quan trọng của triển lãm này, thành quả từ nhiều năm nghiên cứu và sự cống hiến của nhiều cá nhân và tổ chức khác nhau, đã vượt xa câu chuyện về Hàm Nghi như một vị hoàng đế lưu đày: người dù bị buộc rời khỏi quê hương và tước đi quyền lực chính trị, vẫn chưa bao giờ đánh mất sợi dây gắn kết với Việt Nam. Di sản của ông tiếp tục tồn tại qua nghệ thuật — một tấm gương phản chiếu sự kiên trì, bản sắc và tinh thần của một dân tộc.
Bằng vũ lực, một vị hoàng đế có thể bị đưa ra khỏi quê hương — nhưng quê hương sẽ không bao giờ có thể bị lấy đi khỏi trái tim và tâm hồn của ông.
Triển lãm ‘‘Trời, Non, Nước | Allusive Panorama” hiện đang được trưng bày tại Điện Kiến Trung trong Kinh Thành Huế, và kéo dài đến ngày 06/04/2025. Thông tin triển lãm có thể được tìm thêm trên website và Facebook.