Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Từ chuyển động đến tĩnh lặng, Huỳnh Công Nhớ khám phá ký ức và niềm tin qua triển lãm ‘Mắt Nhớ’

Lấy cảm hứng từ ký ức tuổi thơ, niềm tin và tâm linh, nhà làm phim kiêm họa sĩ Huỳnh Công Nhớ chuyển mình giữa hai thế giới điện ảnh và hội họa, mời gọi người xem bước vào hành trình tìm kiếm vẻ đẹp tĩnh lặng trong những khoảnh khắc đời thường bình dị.

“Mắt Nhớ” đánh dấu triển lãm cá nhân đầu tiên tại Việt Nam của nhà làm phim kiêm họa sĩ Huỳnh Công Nhớ — một dự án hợp tác đặc biệt giữa Gallery Medium (TP. HCM) và Galerie BAO (Paris). Triển lãm giới thiệu các tác phẩm được sáng tác từ năm 2022, nơi nghệ sĩ khám phá giao điểm giữa cảm quan điện ảnh và sự tĩnh lặng của hội họa. Với bảng màu sáng và và những nét cọ nhẹ nhàng uyển chuyển, tranh của anh gợi lên cảm giác chuyển động lặng lẽ và đầy cảm xúc, như những khung hình được tạm dừng lại từ một bộ phim chậm, và chuyển dịch ngôn ngữ điện ảnh lên tấm toan, vừa tinh nghịch mà cũng vừa trầm lắng.

Không gian triển lãm “Mắt Nhớ” tại Gallery Medium.

Huỳnh Công Nhớ bước chân vào thế giới nghệ thuật qua điện ảnh, và từng được đào tạo dưới sự cố vấn của đạo diễn Trần Anh Hùng qua chương trình Autumn Meeting — một workshop dành cho các nhà làm phim trẻ quốc tế triển vọng. Năm 2022, anh bắt đầu mở rộng hành trình kể chuyện thị giác cùa mình sang hội họa. Được biết đến với phong cách làm phim mộc mạc nhưng giàu chiều sâu cảm xúc, các tác phẩm của anh tập trung diễn giải những trải nghiệm cá nhân của con người trong các bối cảnh xã hội–chính trị ở Việt Nam, gợi nhắc về ý nghĩa của sự kết nối giữa con người, đồng thời mở ra những khả năng mới cho việc kể chuyện bằng nhiều chất liệu khác nhau.

Khi được hỏi về bước chuyển sang hội họa, Huỳnh Công Nhớ chia sẻ với Gallery Medium rằng anh bắt đầu từ những bản phác thảo đơn giản trong quá trình làm phim. Dần dần, anh chuyển sang dùng màu acrylic để phác họa ý tưởng cho những dự án phim lớn hơn, như một cách để lan tỏa nguồn năng lượng sáng tạo không ngừng nghỉ. Qua thời gian, việc vẽ tranh không chỉ là một cách thể hiện nghệ thuật, mà còn là con đường trở về với sự hồn nhiên của tuổi thơ.

Không gian triển lãm “Mắt Nhớ” tại Gallery Medium.

Ấn tượng đầu tiên khi nhìn vào tranh của Huỳnh Công Nhớ có lẽ là mối liên kết giữa con người, niềm tin và yếu tố tâm linh. Những nhân vật vô danh không gương mặt hiện lên và luôn trong trạng thái chuyển động giữa các khung cảnh rộng lớn — mỗi người đều có một vầng hào quang trên đầu, tượng trưng cho niềm tin, hy vọng và tiềm năng. Dù không phải người Công giáo, anh lớn lên trong sự cưu mang của các xơ trong nhà thờ. Điều này để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời cũng như nghệ thuật của anh. Dòng chảy tâm linh, khi kết hợp với nền tảng làm phim, hiện rõ trong cách anh “dựng khung” cho không gian và nhân vật, nơi ngôn ngữ điện ảnh vang vọng qua tranh.

Nguyện Cầu #07 (2023), acrylic trên canvas, 60 x 90 cm. Ảnh cung cấp bởi nghệ sĩ.

Thông qua tranh tĩnh vật, góc nhìn của nghệ sĩ giúp anh nắm bắt được vẻ đẹp và sự bình dị của những vật thể đời thường như bằng những nét cọ đầy màu sắc, vừa tinh nghịch vừa gợi nên cảm giác bình yên. Các tác phẩm của anh tái hiện những cảnh vật có thật — cây bonsai, thú đồ chơi, trái cây được bổ đôi, hay thức ăn trên bàn — nơi ranh giới giữa thực tại và trí tưởng tượng dường như bị xóa nhòa. Những khung cảnh này xuất phát từ quan sát hằng ngày và ký ức tuổi thơ, được dẫn dắt bởi một niềm tin lặng lẽ vào sức sống vô hình ẩn hiện trong cái thường nhật. Tranh của anh mời gọi người xem dừng lại, chiêm nghiệm về thứ phép màu thầm lặng trong cuộc sống mỗi ngày.

Tĩnh Vật (2022), acrylic trên canvas, 60 x 80 cm. Ảnh cung cấp bởi nghệ sĩ.

 Không gian triển lãm “Mắt Nhớ” tại Gallery Medium.

Như một bộ phim chậm tạo nên từ nhiều khung phim khác nhau, các tác phẩm như những khoảnh khắc nhỏ dần hiện ra trên màn ảnh rộng, và được chuyển hóa lên tấm canvas. Tranh tĩnh vật của anh truyền tải được cảm giác sống động về mặt cảm xúc, đưa người xem đến với từng tầng cảm xúc được gói gọn trong từng tác phẩm. Ký ức tuổi thơ, dù có vui hay buồn, đều ảnh hưởng sâu sắc đến cách con người nhìn nhận cuộc sống, đưa ra lựa chọn và quyết định sẽ giữ lại điều gì trong tâm trí của mình. Điều thú vị là cả nghệ sĩ lẫn tác phẩm đều không gắn với bất kỳ niềm tin tôn giáo nào, và các tác phẩm thể hiện được điều lớn hơn mà phần lớn con người luôn luôn tìm kiếm: một điều gì đó để tin vào, và cảm giác được chữa lành. Đây là nơi mà ký ức tuổi thơ đan xen cùng niềm tin, và được định hình qua góc nhìn rất hồn nhiên.

Giao Thông #01 (2022), acrylic trên canvas, 50 x 75 cm. Ảnh cung cấp bởi nghệ sĩ.

Không gian triển lãm “Mắt Nhớ” tại Gallery Medium.

Hành trình nghệ thuật của Huỳnh Công Nhớ, cùng sự khám phá đa chất liệu, đã góp phần định hình chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm của anh: khơi gợi lên được sự đồng cảm từ người xem, bất kể niềm tin tôn giáo, mang đến được trải nghiệm chung của con người. “Mắt Nhớ” dẫn dắt người xem đi từ những thước phim đến những bức tranh mang tính gần gũi, mở rộng khả năng kể chuyện và phản ánh hành trình tìm kiếm sự bình yên, hạnh phúc và đức tin chân thành. Vẻ đẹp và niềm vui trong cuộc sống đời thường hiện hữu song song với sự hỗn loạn của thế giới bên ngoài, hé lộ nhiều lớp lang phức tạp trong trải nghiệm sống. Với nghệ sĩ, hội họa đã trở thành phương thức ghi lại ý tưởng và cảm xúc của mình trong quá trình làm phim đầy những bước phức tạp — một cách lựa chọn điều gì cần nhớ, và nhớ như thế nào.

Không gian triển lãm “Mắt Nhớ” tại Gallery Medium.

“Mắt Nhớ” hiện đang diễn ra tại Gallery Medium và kéo dài đến ngày 15/06/2025. Thông tin về triển lãm có thể được tìm trên trang Facebook tại đây.

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Khám phá thế giới tranh sơn mài truyền thống qua triển lãm cá nhân của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt

Làm thế nào để một họa sĩ gìn giữ và tiếp nối di sản của sơn mài truyền thống qua nhiều thế hệ? Qua triển lãm cá nhân lần này, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt thể hiện sự thành thạo và hiểu biết rộng lớn, cũn...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Severine Phương Trần đưa người xem vào thế giới 'Sắc màu' qua triển lãm cá nhân đầu tiên

Bước vào triển lãm đầu tiên tại Sài Gòn của Severine Phương Trần, người xem được khám phá thế giới tràn ngập màu sắc và cảm xúc của họa sĩ. Để tận hưởng tác phẩm, cách hay nhất là để đứa trẻ bên trong...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Chuyến du hành ngược thời gian qua triển lãm cá nhân của họa sĩ Lưu Công Nhân

Buổi triển lãm cá nhân đưa người xem vào chuyến du hành thời gian đến thế giới của cố họa sĩ Lưu Công Nhân. Từ những bức vẽ màu nước đến những bức tranh khổ lớn, xấp tài liệu cũ, và cả chiếc máy đánh ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nỗi hoài niệm vang vọng qua các tác phẩm của vua Hàm Nghi trong triển lãm ‘Trời, Non, Nước’

Triển lãm đưa người xem đến với cuộc đời nghệ thuật của cựu hoàng Hàm Nghi, một vị vua lưu vong dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật, với từng nét cọ và phong cảnh thể hiện nỗi nhớ sâu đậm với quê hương ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Đánh thức trải nghiệm đa giác quan qua triển lãm 'Trong hư vô, cái hiện hữu'

Ta ngước lên, nhìn xuống, sang trái rồi phải, đi theo một dòng năng lượng vô hình nhưng mãnh liệt trong bóng tối, rồi soi kĩ từng tác phẩm như thể chúng là những vật thể sống. Để cảm nhận được trải ng...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Cùng Van Gogh đi dạo ở Sài Gòn qua bộ sưu tập pop art của Trần Trung Lĩnh

Những đường cọ xoắn ốc và gam màu tươi sáng trong các tác phẩm của Van Gogh có lẽ là một trong những phong cách nghệ thuật dễ nhận biết nhất của giới hội họa. Vậy sẽ thế nào nếu những kỹ thuật lừng da...