Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Phan Thị Thanh Nhã, nhà thực vật học kể chuyện thiên nhiên Việt Nam bằng hội họa

Khi khoa học và nghệ thuật giao thoa trong những bức tranh minh họa thực vật, một thế giới riêng biệt hiện ra. Ở nơi đó, sắc màu, đường nét, và ánh sáng hòa quyện, không chỉ tái hiện dáng hình mà còn truyền tải sức sống mãnh liệt của những thực thể tự nhiên.

Phan Thị Thanh Nhã vốn xuất thân là một nhà thực vật học, công tác ở vai trò trợ giảng phòng thí nghiệm Thực vật, Bộ môn Sinh thái-Sinh học tiến hóa, Khoa Sinh học-Công nghệ Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên, tại Đại học Quốc Gia TP. HCM. Điều thú vị rằng, Nhã cũng là người tự tay vẽ minh họa cho các nghiên cứu thực vật của mình.

Phan Thị Thanh Nhã tại triển lãm “Những Trường Thị Giác | Chương I: Sinh Cảnh.”

Được truyền cảm hứng từ những trang sách Cây cỏ Việt NamHiển hoa bí tử của GS Phạm Hoàng Hộ, Nhã dần bước vào con đường thực vật họa — một lĩnh vực còn mới mẻ và đầy thử thách ở Việt Nam. Dưới sự dìu dắt của thầy cô, đồng nghiệp và những cơ duyên gặp gỡ trong các triển lãm, cuộc thi học thuật, cô đã đạt được một thành tích đáng tự hào: trở thành nhà thực vật họa đầu tiên của Việt Nam có tác phẩm vươn ra thế giới, được trưng bày trong triển lãm Flora of Southeast Asia vào tháng 9/2022 — một sự kiện danh giá với quy trình tuyển chọn khắt khe. Thành công này giúp cô nhận ra rằng thực vật họa có “đất diễn” cho những người trẻ tuổi, miễn là họ nghiêm túc nghiên cứu và không ngừng học hỏi. 

Rhynchospora corymbosa (L.) Britton | Chủy tử tản phòng | Triển lãm “Flora of Southeast Asia.”

Hành trình khám phá tường tận từng loài thực vật

Phan Thị Thanh Nhã thực hành nhiều nhánh của minh họa khoa học (scientific illustration), với trọng tâm hiện nay là minh họa khoa học cho thực vật (botanical illustration) và thực vật họa (botanical art).

Minh họa khoa học cho thực vật (botanical illustration) là bản mô tả loài bằng hình vẽ, thường được sử dụng trong các tài liệu khoa học, sách chuyên ngành hay công bố nghiên cứu. Các tác phẩm thuộc thể loại này yêu cầu tái hiện chuẩn xác từng đặc điểm thực vật. Bản mô tả bằng hình vẽ kết hợp cùng bản mô tả bằng văn bản sẽ đưa thông tin về loài thưc vật đến với độc giả.

‎Garcinia phuongmaiensis V.S.Dang, H.Toyama & D.L.A.Tuan | Bứa Phương Mai | Triển lãm “Margaret Flockton Award 2023.”

Thực vật họa (botanical art) là sự kết hợp hài hòa giữa sự chính xác của thực vật học (botany) với tính nghệ thuật của hội họa. Vẫn dựa trên nền tảng khoa học, nhưng thay vì thể hiện tất cả các bộ phận và vòng đời của cây, họa sĩ chỉ cần thể hiện một cách thật đúng và nghệ thuật một chiếc lá hay nụ hoa là đủ. Lúc này, khi thỏa mãn sự chính xác về mặt khoa học thực vật, các yếu tố của một tác phẩm nghệ thuật, từ bố cục, ánh sáng, hay cảm xúc gửi gắm trong tác phẩm, sẽ được họa sĩ tự do thể nghiệm để làm nổi bật vẻ đẹp của từng loài thực vật.

Camellia honbaensis Luu, Q.D.Nguyen & G.Tran | Trà mi Hòn Bà.

“Mỗi loài thực vật đều có cho mình một cái tên khoa học riêng theo tiếng Latin,” cô chia sẻ. Vì thế, trước khi vẽ, Nhã phải xác định tên khoa học của cây, tìm hiểu các tài liệu khoa học liên quan. Chẳng hạn, khi tiếp cận loài trà mi Hòn Bà, cô phải đọc phân loại của họ, của chi này trước, xác định nó nằm trong họ trà, chi trà mi, tên khoa học sẽ là Camellia honbaensis Luu, Q.D.Nguyen & G.Tran. Sau đó, dựa vào tên khoa học này, cô tìm hiểu tất cả thông tin của trà mi Hòn Bà, từ dược tính, phân bố, giá trị sử dụng ra sao. Quá trình tra cứu và tổng hợp lại thông tin giúp Thanh Nhã có bức tranh toàn cảnh nhất để bắt đầu phác thảo.

Tác phẩm cuối cùng là tác phẩm của hai hay nhiều người làm nên

Sau khi hoàn thiện bản phác thảo, Nhã sẽ gửi bản phác thảo đến các chuyên gia hàng đầu của mỗi họ hoặc chi để cùng thảo luận, nhận xét và hoàn thiện bản thảo.

Camellia yokdonensis Dung bis & Hakoda | Trà mi Yok Đôn.

“Ví dụ, khi bắt tay vẽ trà mi Bù Yok Đôn, các nhà nghiên cứu sẽ chỉnh cho mình rằng hoa hướng lên trên, và màu hoa sẽ có hai biến thể cam rực rỡ và hồng nhẹ nhàng. Sau khi thảo luận, các chuyên gia khuyến khích dùng màu hồng nhẹ nhàng nhằm gây ấn tượng đối với mắt thẩm mỹ của người xem, để họ cảm thấy yêu thích, từ đó, tìm cách tìm nó, mang nó về trồng làm cảnh.” Tuy vậy, tính chính xác của bức tranh vẫn là yếu tố tiên quyết — từng nếp gấp của lá, từng đường gân đều phải được thể hiện đúng. Các chuyên gia không chỉ giúp đánh giá độ chuẩn xác mà còn cung cấp thêm tư liệu về hình ảnh, dược tính hay đặc điểm sinh học của loài, để Nhã có thể điều chỉnh tác phẩm sao cho hoàn thiện nhất.

Calophyllum inophyllum L. | Mù u.

Chất liệu thể hiện cũng là điều đáng quan tâm. Mỗi loài thực vật là một cơ thể sống, có sự mỏng manh, uyển chuyển hoặc cứng cáp riêng biệt. Vì vậy, chất liệu vẽ cũng phải phù hợp với đặc tính của loài. Bút chì màu và màu nước thường được sử dụng phổ biến nhất cho hoa. Với loài có kết cấu rắn chắc như họ Gừng, Nhã thường dùng màu acrylic để tái hiện. Ngoài ra, thực vật họa còn có thể được thực hiện trên tranh lụa.

Một tác phẩm thực vật họa thường có giá trị cao, không chỉ bởi chi phí vật liệu mà còn vì thời gian và công sức bỏ ra. Việc đặt bút xuống vẽ đã đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhưng điều khó khăn nhất lại nằm ở quá trình chờ đợi phản hồi từ các chuyên gia, chỉnh sửa theo nhận xét và hoàn thiện từng chi tiết nhỏ. Có những tác phẩm mất đến nhiều năm mới có thể hoàn thành.

Mình chỉ yêu khi đủ hiểu chúng

Nhã mong muốn biến những điều tưởng chừng phức tạp trở nên gần gũi với mọi người, để ai cũng có thể hiểu được phần nào về một loài hoa, một cành lá hay một loại quả. Cô tin rằng chỉ khi thực sự hiểu, ta mới có thể yêu thương; và khi đã yêu, ta sẽ tìm cách gìn giữ, bảo tồn, đưa loài cây ấy về trồng, tiếp nối vòng đời của nó. Một trong những phương pháp bảo tồn mà cô cố gắng khuyến khích chính là nhân giống ex situ — bảo tồn loài thực vật ngoài môi trường sống tự nhiên của chúng.

Buổi trải nghiệm “Mở xưởng II - Trạm Khứu giác.”

Cô hiểu rằng hành trình này sẽ không thiếu những khó khăn, nhưng vẫn luôn tin rằng chỉ khi đi cùng nhau, sự lan tỏa mới bền vững. Chính vì vậy, cô không ngừng kết nối và mở rộng cộng đồng yêu thực vật bằng nhiều cách — từ việc tổ chức các buổi workshop đến những chương trình trải nghiệm, giúp mọi người từng bước khám phá thế giới thực vật phong phú của Việt Nam.

Bắt đầu từ tháng 10/2023, Thanh Nhã bắt đầu thực hiện chuỗi trải nghiệm đa giác quan với thực vật họa. Từ thị giác với “Lăng kính thực vật họa,” khứu giác với “Trạm Khứu giác,” vị giác với “From Palette to Palate,” và xúc giác thông qua các dự án kết hợp với lĩnh vực thời trang tại TP. Hồ Chí Minh.

Gia vị bếp nhà Việt Nam | Buổi trải nghiệm “Mở xưởng II - Trạm Khứu giác.”

Tại buổi “Mở xưởng II - Trạm Khứu giác (Open Studio II - Scent Station),” Nhã đã giới thiệu các loại tinh dầu đơn hương, các phương pháp chiết xuất tinh dầu và các lưu ý khi sử dụng tinh dầu. Những kiến thức hàn lâm về tinh dầu, về hóa hữu cơ, về hình thái giải phẫu thực vật được cô lồng ghép một cách sinh động và trực quan trong buổi mở xưởng này. Khách tham dự được tìm hiểu về dầu, tinh dầu và thực vật họa bằng cả bốn giác quan: quan sát trạng thái của dầu, tinh dầu và các tác phẩm thực vật họa vẽ các loài cây dùng để chiết xuất dầu và tinh dầu; nghe về các kiến thức; trải nghiệm cảm giác khi xoa các loại dầu mù u, dầu chanh dây và dầu sachi lên da tay và tự mình ngửi các loại tinh dầu.

Từ đầu năm 2024, Thanh Nhã thực hiện nhiều buổi ký họa và tìm hiểu về thực vật và thực vật họa cùng các bạn nhỏ, sinh viên và các cô chú lớn tuổi ở nhiều không gian khác nhau ở Việt Nam. Với tinh thần cởi mở, cô tin rằng không nhất thiết phải có sẵn chuyên môn về hội họa hay nhà thực vật học mới vẽ thực vật họa tốt được, mà “chỉ cần cầm chắc cây bút và vẽ” là đã đến được với thế giới thực vật họa đầy sắc màu.

Mỗi tác phẩm như chính tấm gương phản chiếu tâm hồn

Nhã quan niệm, mỗi tác phẩm như tấm gương phản chiếu tâm hồn chính người cầm cọ. Quá trình sáng tạo, được gần gũi, làm việc với cây cỏ, cũng là lúc cô thấy mình được kết nối với tự nhiên một cách lành nhất. Đó không chỉ là việc tái hiện hình dáng của một chiếc lá hay một cánh hoa, mà là sự thấu hiểu và mang bản thể chân thực nhất của chúng vào tác phẩm.

Neptunia oleracea Lour. | Rau nhút.

Quá trình ấy cũng là một hành trình tự khám phá. Người cầm bút không chỉ rèn luyện đôi tay khéo léo, con mắt quan sát tinh tế, mà còn học cách lắng nghe bản thân. Giữa những nét vẽ, họ có thể buông bỏ phiền muộn, thả mình vào nhịp thở, thiền định và ngắm nhìn cảnh vật — nơi thiên nhiên vẫn không ngừng sinh sôi, nảy mầm.

Phan Thị Thanh Nhã nhấn mạnh, rằng bản thân cô không muốn mọi người nghĩ rằng bản thân vẽ xấu. Hãy cứ cầm cây bút lên, vẽ bức đầu tiên sẽ khác bức thứ mười. Việc cho chính mình cơ hội để tiến bộ hơn từng ngày cũng cần sự dũng cảm trong mỗi con người.

Thế giới thực vật rộng lớn, từng chiếc lá, từng tế bào đều đang vận động không ngừng. Thanh Nhã vừa dõi theo dòng chảy ấy từ những vùng đất xa xôi, vừa miệt mài tìm kiếm những giá trị phong phú vẫn còn tiềm ẩn trên chính quê hương mình.

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Chuyến du hành ngược thời gian qua triển lãm cá nhân của họa sĩ Lưu Công Nhân

Buổi triển lãm cá nhân đưa người xem vào chuyến du hành thời gian đến thế giới của cố họa sĩ Lưu Công Nhân. Từ những bức vẽ màu nước đến những bức tranh khổ lớn, xấp tài liệu cũ, và cả chiếc máy đánh ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Cùng Van Gogh đi dạo ở Sài Gòn qua bộ sưu tập pop art của Trần Trung Lĩnh

Những đường cọ xoắn ốc và gam màu tươi sáng trong các tác phẩm của Van Gogh có lẽ là một trong những phong cách nghệ thuật dễ nhận biết nhất của giới hội họa. Vậy sẽ thế nào nếu những kỹ thuật lừng da...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Tử Mộc Trà, nghệ sĩ sắp đặt kể chuyện văn hóa bằng lớp lang chất liệu

Tử Mộc Trà, tên thật là Phạm Thùy Dương, là một nữ nghệ sĩ 9x sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hành trình theo đuổi nghệ thuật của cô được nuôi dưỡng bởi thiên cảm cá nhân, truyền thống gia đình và trải n...

in In Plain Sight

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, điểm đến mê hoặc cho những tâm hồn thích tìm tòi

Nếu có dịp đi sâu vào khuôn viên của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, khách thập phương sẽ bất ngờ khi bất thình lình bắt gặp một mô hình khủng long khổng lồ. Chú khủng long T-Rex ấy đang ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Cùng nhau tập thể (dục) qua tuần lễ nghệ thuật du hành Nổ Cái Bùm 2024

Diễn ra tại Đà Nẵng và Hội An vào tháng 8/2024, tuần lễ du hành nghệ thuật Nổ Cái Bùm 2024 trở thành nơi nhiều nghệ sĩ trưng bày tác phẩm của mình, thu hút được nhiều sự chú ý của đông đảo người tham ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Di sản và nghệ thuật đương đại giao thoa qua triển lãm 'Thẩm / Thấu, Thưởng'

Ngay trước Tết Nguyên đán, “Thẩm / Thấu, Thưởng” đưa người xem vào hành trình khám phá vẻ đẹp của các chất liệu dân gian được tái hiện trong hình thức đương đại. Triển lãm khắc họa nghệ thuật đương đạ...

Đồng Sáng Tạo

in Ăn & Uống

Những Người Thử Lửa: H Cookware và tinh hoa ẩm thực đường phố

Một thương hiệu dụng cụ nhà bếp sẽ làm gì để chứng minh độ bền sản phẩm? H Cookware đã lựa chọn cách tiếp cận độc đáo: tôn vinh câu chuyện của những nghệ nhân ẩm thực đường phố.

in Giáo Dục

Trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội khai mở tiềm năng ở học sinh qua các môn nghệ thuật biểu diễn

Trong một lớp học nhảy, không phải học sinh nào cũng muốn theo đuổi sự nghiệp làm vũ công chuyên nghiệp, nhưng đây là một cơ hội cho các em rèn luyện những kỹ năng phát triển bản thân để sẵn sàng cho ...

in Giáo Dục

Phương pháp giúp trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc và kỹ năng xã hội tại Trường Quốc tế Saigon Pearl

Vai trò của trường học là gì? Đầu tiên đó là truyền đạt cho trẻ em kiến thức và những kỹ năng cần thiết để khi trưởng thành, các em có thể tự lập, tự nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng giáo dục khô...

in Giáo Dục

Những ưu tiên quan trọng trong chương trình giáo dục bậc tiểu học tại trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội

Có thể nói hai mối quan tâm hàng đầu của đa số phụ huynh đối với việc học của con em là điểm số các kỳ thi và khả năng đậu đại học. Thành tích học tập quả thật rất quan trọng, nhưng không phải là tất ...

in Giáo Dục

Khám phá ngành nhà hàng-khách sạn qua khóa học Junior Academy tại trường EHL, Thụy Sĩ

“Em từng là một người rụt rè... nhưng nhờ EHL, em đã có cơ hội gặp bạn bè đến từ nhiều nơi trên thế giới và có được kinh nghiệm làm việc qua kỳ thực tập. EHL giúp em vươn ra khỏi vùng an toàn và tự ti...