Khi bàn về quá trình phát triển của thời trang Việt Nam, ta không thể không nhắc tới tà áo dài hiện đại và hàng loạt những thiết kế áo dài khác xuyên suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót lớn nếu bỏ qua bộ sưu tập vòng tay, băng đô, kính mát xúng xính, bờm tóc xù bông, và các chị em tín đồ thời trang góp phần giúp chúng “tạo trend” ngày ấy.
Đây chính là chủ đề chính của “Saigon Women 1960s–1970s” (Phụ nữ Sài Gòn những năm 60, 70), bộ tranh minh họa đáng yêu từ họa sĩ Lê Hiền Tâm. Tâm đang là sinh viên năm 4 ngành Thiết kế Đồ Họa của Đại học Kiến Trúc Hà Nội. Cô gái có niềm đam mê lớn với vẽ minh họa và cũng dự định sẽ chọn nghệ thuật vẽ làm hướng phát triển nghề nghiệp tương lai.
Lấy cảm hứng hình họa từ các xu hướng thời trang từng thịnh hành, cô bạn đã sáng tạo ra bộ chân dung “chuẩn lên tem” trình bày những phong cách phục sức được các chị em Sài Gòn ưa chuộng trong thập niên 60, 70 — từ áo dài chít eo nền nã cho đến áo cộc tay năng động, mới mẻ. Qua các thập kỉ, mốt đeo bông tai to lủng lẳng, nhiều màu sắc có vẻ chưa bao giờ hạ nhiệt. Bên cạnh đó, khăn bandana hay băng đô họa tiết sặc sỡ cũng cho thấy ảnh hưởng của phong trào hippie từ Mỹ lên văn hóa đại chúng khi ấy.
Dù là một "con dân" Hà thành chính hiệu, Tâm cực kỳ yêu thích những "mốt" thời trang Sài Gòn xưa sau khi xem Cô Ba Sài Gòn (2017). Thiết kế áo dài chít eo và mốt tóc bới cao được bộ phim lăng xê đã khiến Tâm quyết tâm tìm thêm các hình ảnh, phim tài liệu ngắn về thời trang phụ nữ Sài Gòn có sự Âu hóa, bên cạnh những chiếc áo dài truyền thống.
“Thời trang của phụ nữ Việt ngày nay theo mình đã có sự hiện đại hóa hơn rất nhiều, nhưng những sự thay đổi ấy đều dựa trên những gì sẵn có và phát triển cho đến bây giờ,” Tâm chia sẻ qua email. “Thế hệ 10x như chúng mình chắc chắn khó để có thể tận mắt nhìn thấy tất cả sự phát triển, đổi mới trong cách ăn mặc của người phụ nữ Việt Nam.”
Sử dụng bảng màu nhạt nhưng khá bắt mắt, Tâm chọn ra một vài phong cách nổi bật qua các thời kì để cho lên chân dung, với "dàn mẫu" là các hình mẫu phụ nữ Sài Gòn ở những độ tuổi khác nhau. Họ mặc kiểu áo dài xanh biếc cổ tim rộng lấy cảm hứng từ bà Trần Lệ Xuân, hay bộ đôi mũ beret và áo thun cổ thuyền sọc đỏ trắng, v.v.
Cũng như nhiều bạn trẻ ngành sáng tạo khác ở Việt Nam, Tâm yêu thích những đề tài mang tính truyền thống, như văn hóa, con người địa phương, với chất liệu tự nhiên như sơn mài hay tranh lụa. Dù gia đình không có truyền thống nghệ thuật, thiên hướng thích sáng tạo của Tâm đã phát huy ngay từ những bức tường vôi xanh đầy nét vẽ nguệch ngoạc, dù sau đó bị mẹ quát vì vẽ bậy. Khi đi học, cô bé Tâm cũng từng làm chủ một “startup” rất con nít.
“Hồi đó có trò chơi hình dán. Một bộ hình dán có hình công chúa và nhiều bộ váy áo, kiểu tóc để dán sưu tập sổ, thấy các bạn trong lớp mua nhiều, mình quyết định tự vẽ và ‘bán’ cho các bạn bằng cách đổi bộ hình dán lấy giấy ô ly hoặc giấy A4 trắng,” Tâm hồi tưởng. “Chắc là thiên hướng nghệ thuật cũng có xuất hiện một chút trong mình hồi đó.”
Từ đó, niềm đam mê nghệ thuật lớn dần theo thời gian, và giấy bút vẽ đã trở thành người bạn thường trực của Tâm trong những năm tháng học phổ thông. Khi vào đại học, được tiếp xúc với kiến thức chuyên ngành và có cơ hội được cọ xát trong công việc sáng tạo, Tâm nhận ra vẽ minh họa là một phân nhánh mình có thể phát triển và đi theo lâu dài trong tương lai.