Những trang sử trường tồn với thời gian cũng cần một bìa sách tương xứng.
Nguyễn Ngọc Diệu Linh là thợ làm đồ da thủ công trong một nhà xưởng nhỏ ở Hà Nội. Ngót nghét gần tám năm trong nghề, Diệu Linh đã cho ra các tác phẩm từ da nhờ những kỹ thuật tạo hình độc đáo. Ấn tượng hơn cả, phải kể đến nghệ thuật chạm khắc trên da mộc.
Từ niềm yêu thích với chất liệu da, Diệu Linh bắt đầu theo đuổi niềm đam mê của mình với các sản phẩm đầu tay là túi và ví. Trong quá trình làm việc, Linh vô tình bắt gặp những hoạ tiết và tác phẩm chạm khắc trên bề mặt da. Ấn tượng đầu tiên được cô nàng miêu tả rằng “những chi tiết có thể nổi khối, bề mặt da có thể nhuộm màu, nhìn tổng thể giống như một bức tranh.”
Chính những ấn tượng đó đã khơi lên trong Linh một niềm tò mò và mong muốn được khám phá kỹ thuật chạm khắc trên da. Và dường như vũ trụ đã đáp lại khao khát trong thâm tâm của cô, khi các món đồ nghề đầu tiên đều đến theo cách hết sức tự nhiên. Với vốn liếng là một tấm da có thể tạo hình được bạn tặng và bộ dụng cụ từ người chị, Linh đã bắt tay vào thực hiện những tác phẩm đầu tiên.
Do ở Việt Nam vẫn chưa có một trường lớp đào tạo bài bản nên Linh phải tự mình nghiên cứu và thử nghiệm để rèn luyện tay nghề. Và từ những sai sót, Linh tự rút ra những kinh nghiệm làm nghề cho riêng mình. Với Linh, sự thành công của một tác phẩm được quyết định bởi thái độ làm việc của người thợ. Cô chia sẻ: “Chỉ cần mất tập trung ở bất kỳ công đoạn nào thì toàn bộ sản phẩm của mình sẽ 'trật đường ray.'" Vì thế, tính tỉ mỉ và độ tập trung luôn được duy trì trong suốt quá trình sáng tạo.
Từ công đoạn đầu tiên là phác thảo trên giấy hay đến bước đi nét bằng dao và búa trên da, người thợ đều phải tỉ mỉ và tập trung. Đường dao phải liền mạch, dứt khoát, lực búa phải đều tay thì nét mới rõ, chi tiết mới đẹp và nhất quán.
Quan trọng hơn cả là công đoạn modeling — sử dụng lực tay ấn và vuốt theo đường nét để tạo chiều sâu cho tác phẩm. Đây là công đoạn mà Diệu Linh thích nhất, vì lúc này, cô có dịp để mân mê, tạo hình sao cho các chi tiết có sắc thái cảm xúc. Nếu công đoạn đi nét tạo phần hình cho sản phẩm, thì modeling sẽ thổi phần hồn, làm sống động những chi tiết trên mặt da vô tri.
Khó có thể nói rằng công đoạn nào là quan trọng nhất, vì giá trị của một tác phẩm là "đứa con" của toàn bộ mọi công đoạn. Diệu Linh chia sẻ: “Tổng thể của một tác phẩm là cảm nhận mang lại cho người xem, nằm ở sự chăm chút của mình tạo nên sản phẩm. Đó có thể là những chi tiết rất nhỏ, hay tương quan màu sắc phù hợp, tạo ra một chất cảm rất đặc biệt.”
Điều đặc biệt ở kỹ thuật chạm khắc là phải được làm trên bề mặt da mộc, loại da được thuộc bằng nguyên liệu thảo mộc, hạn chế hoặc không dùng hóa chất. Điều này giúp khử đi độ đàn hồi của bề mặt da, giúp giữ nguyên đường nét trong khâu tạo hình. Bên cạnh đó, da mộc còn dễ dàng nhuộm màu, xử lý bề mặt da theo óc sáng tạo của người thợ.
Với nhiều năm trong nghề, Linh luôn tự hào các tác phẩm của mình luôn mang đậm dấu ấn cá nhân. Dấu ấn đó được thể hiện rõ nhất ở phần màu sắc. Yêu cầu của cô là bề mặt da vẫn giữ được sự tự nhiên đồng thời tạo được hiệu ứng như màu nước trên giấy với sắc thái đậm nhạt đan xen lẫn nhau. Từ đó, Linh cho ra một công thức nhuộm màu của riêng mình.
Về nguyên liệu, cô luôn chọn loại màu gốc nước có nguồn gốc từ Nhật Bản. Quá trình nhuộm được tuân theo quy tắc từ loãng tới đặc. Lớp đầu tiên là nhạt nhất, rồi đậm dần cho đến khi đạt được tone màu ưng ý. Cuối cùng là lớp chốt màu, phủ một lớp bảo vệ để đường nét được giữ nguyên và tăng độ bền của màu.
Mới đây, Diệu Linh đã hoàn thành hai tác phẩm được chạm khắc trên da là bìa sách Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện và cuốn sổ "Lưỡng Long Tranh Châu." Nếu dự án bìa sách ghi dấu ấn trong mắt khán giả bởi màu sắc cổ phong, nhuốm màu thời gian, thì cuốn sổ lại tạo ấn tượng mạnh bởi các chi tiết nhỏ, đan xen vào nhau.
Phần bìa sách Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện được chạm khắc trên da là phiên bản đặc biệt của cuốn sách cùng tên do NXB Kim Đồng và họa sĩ minh họa Tạ Huy Long đặt hàng. Phần bìa sách nổi bật nhất là nhân vật trạng Nguyễn Hiền. Tuy không quá nhiều chi tiết nhưng gương mặt nhân vật cũng chính là một thử thách với Diệu Linh. Cô chia sẻ: “Làm chân dung rất quan trọng, chỉ thay đổi nhỏ thôi là đã thành người khác rồi”. Ở bìa sách này, độc giả sẽ thấy được rõ nét cách nữ nghệ sĩ trổ tài kỹ thuật modeling, tạo độ sâu cho đường nét gương mặt đồng thời tăng sắc độ cảm xúc cho nhân vật.
Còn với "Lưỡng Long Tranh Châu," Linh lấy cảm hứng từ một bức chạm khắc trong đền thờ vua Lê ở Ninh Bình. Tác phẩm gồm hai phần chính là phần bìa da được chạm khắc và phần ruột sổ được làm bằng giấy dó. Phần bìa sách được chạm khắc với bố cục được chia làm hai phần. Phần viền ngoài được chạm khắc như những con sóng đùn đùn nhô lên. Hoạ tiết bên trong là bức chạm khắc đúng như tinh thần trong cái tên, bìa sổ khắc họa hai con rồng đang tranh nhau viên ngọc châu. Không chỉ nổi bật ở những chi tiết nhỏ, đan xen nhau, tác phẩm còn được ứng dụng nhiều kỹ thuật nổi khối, khiến cho đường nét uyển chuyển, nông sâu kết hợp, làm bật lên tính sống động của chủ thể tác phẩm.
Dù đã đạt được nhiều dấu ấn đáng nể trong sự nghiệp của mình, nhưng với Diệu Linh chạm khắc trên da vẫn là một quyển sách chưa viết đoạn kết. Khi mỗi ý tưởng được Linh bắt tay thực hiện, cô luôn nhủ mình phải theo đuổi đến cùng. Kết quả là sản phẩm này hoàn thành lại là động lực thôi thúc sự ra đời của một tác phẩm tiếp theo. Và cứ thế, Diệu Linh sắp bước qua năm thứ tám trong hành trình theo đuổi đam mê của mình.