"Đầu những năm 2000, người theo nghề phải chuyển sang làm kỹ thuật số theo xu hướng thị trường, nếu không thì khó lòng có khách. Anh không muốn nghề bị quên lãng, vậy là anh làm lại từ đầu."
Đó là những gì anh Nguyễn Hoài Bảo (sinh năm 1986) tâm sự với tôi. Anh Bảo là một trong số ít những họa sĩ vẽ biển hiệu truyền thống còn hoạt động tích cực ở Sài Gòn.
“Ngày xưa cha của anh có một cái nhà xưởng chuyên vẽ biển hiệu bằng tay ở Đồng Tháp. Anh theo cha học nghề từ 13 tuổi, cứ sáng đi học chiều về phụ. Làm hoài nên thạo nghề từ sớm rồi, cha cũng nhận ra có khiếu nên mình đi theo nghề của cha.”
Hầu như các cửa hàng thuở ấy đều sử dụng biển hiệu vẽ tay, cộng việc lúc này ở giai đoạn hưng thịnh nên xưởng của cha con anh đơn đi rất đều. Biển hiệu quảng cáo vẽ tay ngày ấy sử dụng những gam màu như đỏ, xanh dương, xanh lục và vàng, đơn giản nhưng thu hút được rất nhiều ánh nhìn.
Song thời cuộc thay đổi, công nghệ cắt dán decal, đèn led, tấm mica… dần xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường. Nhiều nghệ nhân phải bỏ nghề vì thu nhập suy giảm. Khi lượng khách hàng đến hỏi biển hiệu vẽ tay càng ít dần, gia đình anh Bảo đành buộc chuyển sang in ấn công nghệ mới để có thể tiếp tục kinh doanh. “Khó như vậy đó, anh buồn chứ, anh thiết nghĩ cái nghề của mình sẽ bị lãng quên.”
Năm 2017, nhận thấy xu hướng ưa chuộng những gì hoài cổ trở lại, anh Bảo một mình khởi nghiệp ở Sài Gòn. “Anh chọn Sài Gòn là nơi khởi sự lại vì mình nhận thấy ở đây là tiềm năng nhất, khi xu hướng hoài cổ quay trở lại, Sài Gòn là một trong những nơi tiên phong,” anh nói. “Bắt đầu lại từ số không, khách hàng chưa biết mình là ai, vẽ được hay không để mà gửi gắm. Để đi được tới hiện nay, anh nghĩ mình phải yêu thích môn vẽ và đam mê với các bảng hiệu xưa lắm mới có thể trở lại pha màu, tô cọ.”
Dần dà anh Bảo có được một lượng khách nhất định, đủ để mỗi ngày đều có đơn hàng. Nhiều người nước ngoài nhìn thấy mẫu biển hiệu của anh đã đến đặt mua và mang về nước, thậm chí chấp nhận trả tiền vận chuyển cao để có được biển hiệu do chính tay anh Bảo vẽ. “Anh nhớ có một vị giáo sư người Nhật vì quá yêu thích Sài Gòn, ông ấy đã ghé chỗ mình anh và tiện đặt luôn một biển hiệu vẽ logo bia 333 để gắn vô trang trí văn phòng ở bên Nhật," anh Bảo chia sẻ.
Theo anh Bảo, một biển hiệu vẽ tay có giá dao động từ 800.000 đến vài triệu đồng tùy kích cỡ. Hạn chế của biển vẽ là không thể cho khách hàng nhiều lựa chọn như gắn đèn led hay làm chữ nổi. Bù lại, biển hiệu vẽ tay mang đậm dấu ấn thương hiệu doanh nghiệp của khách hàng, có độ bền rất cao, càng để lâu lại càng trở về với đúng thời điểm mà nó tái hiện.
Anh Bảo chia sẻ: “Sau khi nhận được yêu cầu từ khách hàng, mình sẽ thiết kế mẫu cho khách xem. Nếu khách đồng ý thì mình tiến hành đo đạc, hàn khung sắt, cắt tôn và lắp tôn vào khung. Tiếp theo là sơn nền hai lớp, mỗi lớp cách nhau cỡ 4 tiếng, đến khi sơn nền khô hẳn thì mình phác thảo, vẽ chì và sơn tô màu lên.”
Anh Bảo vẫn sử dụng sơn Bạch Tuyết từ thời làm cùng cha đến nay, vì loại sơn này có độ bền cao, giá thành hợp lý và đa dạng mẫu mã. Tất tần tật mọi công đoạn từ chuẩn bị nguyên vật liệu đến hoàn thiện bảng hiệu đều do anh Bảo tự tay làm, đây cũng là lý do anh đặt tên cho tiệm của mình là Một Mình Làm Hết.
Vì mọi thứ đều tự làm, nên mỗi biển hiệu được anh Bảo dành rất nhiều tâm tư, công sức như chính “đứa con” của mình. Anh nói với tôi: “Khi đi ngoài đường nhìn thoáng qua thì mình cũng biết được đâu là biển của mình làm rồi. Mình nhớ hết chứ. Mấy lúc đó mình thấy tự hào lắm, vì ít nhất mình biết được mình đã cống hiến được cái gì đó. Mà không chỉ riêng tác phẩm của bản thân mình mới cảm thấy vậy, bất kì biển hiệu vẽ tay nào mình vô tình bắt gặp, mình đều thấy vui.”
Xuyên suốt cuộc trò chuyện, anh Bảo cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ với nghệ nhân Hoài Minh Phương, người đã dành cả cuộc đời mình để duy trì nghề vẽ tay quảng cáo dẫu cuộc sống có nhiều vất vả. Bác Phương qua đời cách đây không lâu, và đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời, bác vẫn gắn bó với nghề cầm cọ.
“Làm đến bây giờ, có đơn hàng ổn định nhưng mình cứ trăn trở liệu sau này công việc có bị mai một thêm đi hay không? Vậy nên mình không định giấu nghề, bất cứ ai muốn học mình cũng sẵn sàng chia sẻ, để cùng nhau gìn giữ những gì còn lại của nét văn hóa ấy.”