Khi những câu chuyện cổ Bahnar được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác dần biến mất thì tại Thong Bahnar Weaving Culture, chúng lại có một đời sống mới đầy khác biệt: được dệt trên tấm thổ cẩm.
Vốn được sinh ra và lớn lên tại vùng đất Kon Tum bạt ngàn, với anh Thong Bahnar (tên thật là Huỳnh Nguyên Thông), người sáng lập Thong Bahnar Weaving Culture, văn hóa Bahnar như một phần trong huyết mạch của mình.
Từ những ngày rong ruổi đạp xe vào làng chơi, không biết tự bao giờ, hình ảnh những người bà, người chị ngồi cặm cụi bên khung dệt đã hằn sâu trong ký ức của anh. Để rồi dù sau này theo học thiết kế ô tô, anh lại chọn bỏ hết để quay về làng, về dệt vải. Cũng chính nhờ mối nhân duyên này mà anh tìm gặp Già Yin và cùng bà gìn giữ văn hoá Bahnar theo một cách độc đáo: kể chuyện cổ trên tấm dệt.
Già Yin xưa kia cũng như bao cô gái Bahnar khác, đều thành thạo kỹ thuật dệt thổ cẩm của dân tộc, tuy nhiên Già Yin sớm bộc lộ sự sáng tạo đặc biệt của mình. Bà thường vẽ xuống đất những gì quan sát được xung quanh như con trâu, con bò, nhà rông, cây lúa… Dần dần, bà bắt đầu kết hợp khả năng vẽ của mình với việc dệt, từ đây những tấm thổ cẩm do Già Yin làm ra không chỉ mang hoa văn truyền thống của dân tộc mình mà còn là những hình ảnh miêu tả đời sống lao động của người dân làng Kon K'tu, nơi bà sinh sống.
Nhận thấy khả năng đặc biệt của Già Yin, cộng với kho tàng truyện cổ Bahnar mà bà được kể từ thuở bé, anh Thông đã quyết định cùng Già Yin mang lại đời sống mới cho những câu chuyện ấy bằng việc dệt chúng lên các tấm thổ cẩm. Giờ đây, tấm thổ cẩm đóng vai trò như một trang sách lưu trữ di sản của dân tộc Bahnar, và Già Yin hơn cả một thợ dệt thông thường, trở thành một “người kể chuyện” ở tuổi thất tuần.
Tại những buổi kể chuyện tại Thong Bahnar Weaving Culture, người tham dự không chỉ đơn thuần là người nghe mà còn được xem và trực tiếp học cách dệt. Mọi người sẽ cùng ngồi quây quần bên Già Yin, nghe bà kể chuyện bằng tiếng Bahnar trước và được dịch lại tiếng Kinh bởi anh Thông. Anh cũng sẽ là người phân tích các hoa văn, chi tiết và diễn biến câu chuyện.
Cả Già Yin và anh Thông đều đồng điệu ở sự khao khát gìn giữ văn hóa Bahnar vì lo sợ những câu chuyện truyền miệng này sẽ bị mai một khi không còn người kể, người nghe nữa. Vì lý do đó mà dù tuổi cao nhưng bà vẫn luôn miệt mài sáng tác, tìm tòi các cách thể hiện hình ảnh thú vị để câu chuyện thêm phần sinh động.
Mỗi buổi nghe chuyện cổ trên tấm thổ cẩm tại Thong Bahnar Weaving Culture, Già Yin thành một người kể chuyện thực thụ. Đến những đoạn cao trào, giọng bà lúc thì rền vang, lúc thì trầm bổng theo nhân vật như dắt người nghe lạc vào xứ sở thần thoại của vùng đất Tây Nguyên. Vì vậy, dù khác biệt ngôn ngữ nhưng những buổi kể chuyện cổ luôn thu hút không chỉ những người Bahnar mà còn những bạn trẻ người Kinh đến tìm hiểu văn hoá thú vị này.
Mỗi tấm vải là một thước phim
Kỹ thuật dệt của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Bahnar nói riêng vốn đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ trong từng đường chỉ. Và để dệt nên một câu chuyện với hình ảnh cụ thể như con người, động vật, các hoạt động đời sống lại càng kỳ công và phức tạp hơn bội phần.
Độ khó của loại hình dệt này không chỉ nằm ở sự khéo léo mà còn ở trí sáng tạo riêng biệt của người thợ dệt, theo anh giải thích. Khác với các hình thức sáng tác khác (như hội hoạ) cho phép người nghệ sĩ phác thảo trên giấy trước khi đặt bút, việc dệt vải đòi hỏi người thợ phải vừa dệt vừa hình dung hình ảnh, căn chỉnh bố cục để vừa với tấm vải. Phải dệt từ dưới lên trên nên để cho ra một tác phẩm cần ít nhất 2 tháng hoạt động liên tục, vừa dệt vừa áng chừng hình ảnh, nội dung, kích thước, v.v.
“Tôi gần như không tác động vào quá trình sáng tác của bà trừ màu sắc của chỉ, tất cả mọi công đoạn còn lại từ chọn câu chuyện, hình ảnh là đều do bà quyết định dựa vào trí nhớ của bà thuở bé được nghe ba mẹ kể,” anh Thông chia sẻ.
Câu chuyện sẽ bắt đầu từ dưới lên trên với mỗi “khung hình” dài tầm 20cm với các hình ảnh đời sống quen thuộc ở Tây Nguyên như cây nêu, nhà rông, phụ nữ giã gạo… Khác với các hoạ tiết lặp lại thường thấy ở thổ cẩm, hình thức dệt truyện cổ mang đậm tính thẩm mỹ, quan sát và năng khiếu cá nhân của người dệt. Có lần Già Yin còn dệt lại cảnh những người lính nhảy dù khi hồi tưởng về một thời chiến đã qua.
Mỗi đường chỉ đều đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt dụng ý của người thợ. Chẳng hạn như mái nhà ở khung này được dệt thưa chỉ để thể hiện sự nghèo khó trong khi ở khung kia lại được dệt dày với nhiều lớp chỉ đan xen ngang dọc như ẩn dụ cho sự giàu có, sung túc của nhân vật.
Trăn trở chuyện bảo tồn văn hoá
Một tác phẩm ra đời là sự tổng hòa giữa kỹ thuật dệt truyền thống, thiên nhiên và môi trường nơi việc dệt được thực hiện. Từng sợi bông được trồng hoàn toàn theo phương thức của người dân bản địa và được nhuộm bằng chất liệu tự nhiên cộng hưởng với mùi ám khói vì được dệt trong gian bếp, thi thoảng lại đan xen cọng tóc của người dệt lẫn trong vài đường chỉ. Vì vậy, hiện tại anh Thông vẫn chưa nghĩ đến việc bán các tấm dệt chuyện cổ.
“Đầu tiên, mỗi tấm vải dệt này là độc nhất vô nhị, từng câu chuyện kể cho đến các hoa văn trên cùng tấm dệt đều không hoàn toàn giống nhau. Lý do thứ hai là tôi không thể nào định giá được vì sự kỳ công và giá trị văn hoá nó mang lại quá lớn. Cuối cùng, tôi tin văn hoá nên được sống và được chia sẻ, tôi không muốn ai đó sở hữu mà không lan toả nó,” anh lý giải.
Những nỗ lực của anh Thông đều hướng về làng, về những người Bahnar bởi anh tin rằng chỉ khi họ phải nhận ra vẻ đẹp của họ, văn hoá sẽ tiếp tục được sống. Còn anh chỉ dám nhận mình là “người ngoại tộc” say mê cái đẹp của vải dệt và những tích xưa Bahnar.
“Tôi muốn chính những đứa trẻ Bahnar lắng nghe các câu chuyện cổ của người Bahnar trước", anh nhớ lại buổi kể chuyện cổ đầu tiên, được tổ chức bên bếp lửa tại làng khi lũ trẻ trong làng tụ họp ngồi co ro quấn chăn trong nhà sàn để chăm chú nghe Già Yin ôn tồn kể. Với anh và cả Già Yin, những khoảnh khắc này chính là tín hiệu đáng mừng cho thấy một thế hệ trẻ đang dành sự quan tâm đến dệt vải và chuyện cổ của cha ông.
[Ảnh trong bài được cung cấp bởi Thong Bahnar Weaving Culture.]