Nằm trên dải đất duyên hải Nam Trung Bộ nắng gió, Phú Yên là một trong những địa bàn trên cả nước có ngành ngư nghiệp phát triển lâu đời.
Để phục vụ việc đi lại và đánh bắt hải sản, người dân nơi đây đã sáng chế ra một phương tiện đặc biệt là chiếc thuyền thúng. Loại thuyền này còn được gọi là "thúng chai,” đặt theo tên của dầu chai, loại dầu dùng để làm lớp chống thấm cho thuyền.
Một trong những làng nghề nổi tiếng với sản phẩm thuyền thúng là làng Phú Mỹ ở xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Qua nhiều thế kỉ, phần lớn các cư dân trẻ của làng Phú Mỹ đã rời đi nơi khác để tìm kiếm công việc, nhưng ngôi làng vẫn gìn giữ được nghề làm thuyền thủ công nhờ tâm huyết của các nghệ nhân tận tụy.
Để làm ra chiếc thúng chai, một người thợ phải đi qua nhiều công đoạn, cụ thể là chẻ, vót tre, đan mê, lận, nức và quét dầu. Thợ làm thuyền cần chọn những cây tre có độ tuổi từ một năm đến một năm rưỡi, không được quá non cũng như không quá già, vì như vậy thân thuyền mới có độ bền. Khi được hoàn thiện, chiếc thúng chai sẽ được ngư dân Phú Yên sử dụng mỗi khi cần ra khơi, khi đi câu mực ban đêm, hay khi tham dự lễ hội cầu ngư của tỉnh hàng năm.
Trương Hoài Vũ là một nhiếp ảnh gia hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Độc giả có thể xem thêm các tác phẩm của Hoài Vụ tại hai tài khoản Instagram của anh.