"Không ai có thể hát thay chúng ta," nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara từng viết.
“Cẩm Nang Kể Chuyện Di Sản” là dự án do Hội đồng Anh cùng nhóm tác giả Giang Phạm, Bạch Tùng và Lê Dũng thực hiện với mục đích cung cấp những kiến thức về di sản và phương pháp kể chuyện trong thời đại số. Khi ứng dụng thông tin từ ấn phẩm này, người làng, nghệ nhân hoặc bất kỳ ai cũng có thể tạo nên các sản phẩm truyền thông giúp lưu giữ, truyền bá di sản, văn hóa mà của bản thân và cộng đồng.
"Không có gì tốt hơn là để người làng tự kể về các hoạt động văn hóa mà họ gắn bó cùng, bởi đó sẽ là những câu chuyện chân thật, gần gũi nhất," Giang Phạm, thành viên phụ trách hình ảnh và nội dung, chia sẻ.
Bộ ba tác giả đã cho ra mắt năm cuốn cẩm nang hướng dẫn chi tiết phương thức kể chuyện bằng ngôn ngữ viết, hình ảnh và thiết kế đồ họa để quảng bá nhiều loại hình di sản khác nhau, tập trung khai thác các loại hình âm nhạc, nghi lễ của người Chăm tại làng Bỉnh Nghĩa và Bàu Trúc ở Ninh Thuận; văn hóa cồng chiêng của dân tộc Tây Nguyên tại làng Kon Rẫy, Kon Tum và làng K’Bang, Gia Lai; và nghệ thuật diễn xướng Nam Bộ tại Sài Gòn.
Các cuốn cẩm nang đều bao gồm hai phần chính. Phần đầu tập trung vào các hướng dẫn sáng tạo nội dung ở dạng chữ viết, hình ảnh hay thiết kế đồ hoạ, ứng với từng loại hình di sản cụ thể. Phần thứ hai giới thiệu và phân tích sản phẩm mẫu được nhóm tác giả thực hiện cùng dân làng hoặc nghệ nhân. Trong đó, có thể kể đến bộ bưu thiếp lấy chủ đề nghi lễ đầu năm tại làng Chăm Bỉnh Nghĩa; hay Sổ tuồng cộng đồng giới thiệu thông tin nổi bật về các vở diễn tuồng phát tặng cho khán giả trước khi buổi diễn bắt đầu.
Nhóm tác giả đã bắt đầu lên kế hoạch và lên đường thực hiện các chuyến đi thực tế đầu tiên vào tháng 12/2020. Trên hành trình này, cả ba đã cùng tham gia vào các hoạt động sinh hoạt, văn hóa, lễ hội đặc trưng của cộng đồng nơi đây. Sau đó, nhóm tiến hành xây dựng bộ cẩm nang cũng như các ấn phẩm đi kèm, và tiếp tục quay trở lại địa phương để kiểm nghiệm lại trước khi hoàn thiện.
Tác giả Bạch Tùng, tham gia vào cả phần sáng tạo nội dung và hình ảnh, kể lại: "Để hoàn thiện cả năm bộ công cụ cùng một lúc thực sự vô cùng áp lực. Nhóm mình phải vô cùng linh động để có thể vừa giữ được sự đồng bộ trong cấu trúc nhưng vẫn tạo nên nét đặc sắc riêng cho mỗi bộ."
Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều buổi workshop phải chuyển sang hình thức online và gặp nhiều trở ngại do không phải địa phương nào cũng được trang bị đầy đủ các thiết bị công nghệ. Hơn nữa, kỹ năng kể chuyện là kiến thức mới lạ mà một số cộng đồng địa phương không quen thuộc.
Bạch Tùng kể về lần đầu tiên cô ngồi trước một màn hình máy tính để trò chuyện, hướng dẫn cho gần 20 người ngồi ở bên kia màn hình về cách viết, vẽ lại câu chuyện của làng: "Tuy gặp khó khăn nhưng đây vẫn là một trải nghiệm thú vị, phù hợp và cần có trong thời đại mới mà có lẽ mình sẽ khó mà quên được."
Khi được hỏi về phản ứng của cộng đồng địa phương, Giang Phạm cho biết bộ ba rất bất ngờ khi toàn thể dân làng, đặc biệt là các cô chú lớn tuổi rất hăng hái tham gia. "Các kiến thức, kỹ năng truyền đạt rất mới mẻ với mọi người. Nhưng họ hiểu rằng bộ công cụ này không chỉ giúp lưu giữ, truyền bá lại di sản đến với thế hệ nối tiếp, mà còn trực tiếp mang lại lợi ý về kinh tế, du lịch," Giang Phạm cho biết.
Hiện tại, nhóm tác giả và Hội đồng Anh đang tiến hành xây dựng một website để quản lý, phát triển và quảng bá bộ công cụ kể chuyện số tới nhiều nhiều đối tượng hơn. Độc giả có thể tìm đọc bộ cẩm nang tại đây.
[Hình ảnh sử dụng trong bài do nhóm tác giả cung cấp.]