Tản Mạn Kiến Trúc là một dự án truyền thông quy mô nhỏ, được thành lập bởi một nhóm bạn trẻ với mong muốn cũng thật nhỏ: kể chuyện kiến trúc của nước mình cho những người trẻ như mình nghe. Từng bước một, nhóm đã xây dựng nên kho thư viện số về di sản kiến trúc Việt Nam với sức lan tỏa đáng ngưỡng mộ.
Với các thành viên có độ tuổi trải dài từ 18 đến 28, tập thể Tản Mạn Kiến Trúc (TMKT) đã mang đến hàng trăm bài viết song ngữ Anh-Việt về văn hóa, kiến trúc của nước nhà. Nhóm là một trong ít các dự án truyền thông độc lập về di sản đô thị Việt Nam, đặc biệt là miền Nam Việt Nam, được cộng đồng mạng yêu mến và đánh giá cao.
Thành lập vào năm 2019, trang facebook của Tản Mạn Kiến Trúc đến nay đã có hơn 30.000 lượt theo dõi. Mỗi bài viết của trang đều thu hút hàng trăm lượt tương tác. Các lát cắt kiến trúc được trình bày đa dạng, bao gồm “Lý thuyết di sản,” “Chi tiết kiến trúc,” “Từ điển tản mạn”, v.v. Với những đóng góp của mình, TMKT từng được Queen’s University Canada mời viết bài cho dự án nghiên cứu kiến trúc thuộc địa, qua đó thể hiện góc nhìn về hoạt động bảo tồn di sản trong bối cảnh hiện đại. Nhóm cũng từng được vinh danh trên tạp chí Heritage nhờ thực hiện dự án văn hóa tiên phong dành cho độc giả trẻ.
Tuy tuổi đời còn khá khiêm tốn, nhưng mỗi thành viên có TMKT đều có chuyên môn xuất sắc ở các lĩnh vực khác nhau như kiến trúc, nhân học, du lịch, lịch sử. Chính sự tương phản này đã giúp các bài viết của nhóm trở nên đa chiều và gần gũi với người trẻ hơn. “Đều là người trẻ nên chúng mình hiểu người trẻ muốn nội dung gì. Đặc biệt là người trẻ đô thị có tình yêu sâu sắc với các vấn đề văn hoá, nghệ thuật, muốn đi tìm căn tính của dân tộc và chính bản thân mỗi người,” đại diện nhóm chia sẻ.
Ban đầu, Tản Mạn Kiến Trúc đơn giản được các thành viên tạo ra với mong muốn có một nơi để chia sẻ lại những hình ảnh đẹp, câu chuyện thú vị về kiến trúc ở chính thành phố mà các bạn đang sinh sống. Từ chuyến thăm Nhà hát Thành phố, phố người Hoa, tới các đền miếu, v.v. những bài viết cứ thế lần lượt ra đời và dần được nhiều bạn trẻ biết đến, yêu mến, đồng hành và đóng góp.
Dự án cũng dần dần mở rộng các chủ đề khai thác, không chỉ là các công trình kiến trúc cụ thể, mà còn khai thác cách con người đón nhận và tương tác di sản vật thể và phi vật thể. Hành trình lớn lên này giúp TMKT nhận ra không một cá nhân hay nhóm riêng lẻ nào có thể tự mình tạo ra sự thay đổi. Thứ tổ chức nào cũng cần là sự liên kết và hợp tác. Từ đó, dự án cũng bắt đầu tổ chức các buổi nói chuyện, các chuyến đi trải nghiệm, những sự kiện để kiến tạo một cộng đồng quan tâm đến việc bảo tồn di sản kiến trúc Việt Nam.
Công thức truyền thông cho di sản kiến trúc
“Trọng tâm hoạt động của Tản Mạn Kiến Trúc là nghiên cứu thực địa, vì vậy nhóm luôn cố gắng tham quan trực tiếp công trình và gặp gỡ người dân sinh sống tại đó trước khi thực hiện một bài viết,” thành viên Trung Hiếu cho biết. Chính những cái “chạm” thực tế và trải nghiệm cá nhân đã giúp một chủ đề vốn được cho là khô khan trở nên dễ hiểu và dễ cảm.
Hình ảnh là một trong "vũ khí bí mật" giúp Tản Mạn Kiến Trúc tiếp cận và nhận được nhiều sự ủng hộ của các bạn trẻ. Bên cạnh những hình ảnh xưa được thu thập từ thư viện dữ liệu, đa phần hình ảnh đăng tải đều được chính nhóm thu thập tại địa điểm trong những chuyến đi điền dã. Với những chủ đề phức tạp, nhóm ưu tiên sử dụng infographic để việc truyền tải thông tin trực quan và ngắn gọn. “Chúng mình cải thiện trải nghiệm thị giác để các sản phẩm dễ tiếp cận hơn với độc giả trẻ."
Trung Hiếu cho biết quy trình thực hiện bài viết của TMKT công phu không thua bất kỳ một đơn vị xuất bản chuyên nghiệp nào: thực nghiệm công trình, thực hiện bản vẽ và ghi chú, xử lý các thông tin, tra cứu thêm tài liệu, thiết kế hình ảnh, và cuối cùng là biên tập chỉnh sửa trước khi chia sẻ với cộng đồng.
Trong kho nội dung đã thực hiện, “Lý thuyết di sản” là một trong những series mà nhóm tự hào nhất. Khai thác sâu các khuynh hướng nghiên cứu di sản ở Việt Nam và trên thế giới, series này đã có bốn phần được ra mắt, bao gồm: Các khuynh hướng bảo tồn di sản, Nghiên cứu di sản theo góc nhìn ký ức, Giới thiệu về UNESCO và Hậu thuộc địa. Khai thác chủ đề mang tính học thuật cao, nhóm tác giả đã chọn cách truyền tải cô đọng, diễn giải ngắn gọn, kết hợp sử dụng đa dạng hình ảnh. Nhờ đó series đã giúp người đọc có thể tiếp cận lý thuyết di sản trực quan và dễ hiểu hơn rất nhiều.
Mục tiêu xây dựng cộng đồng yêu di sản
Như nhiều dự án truyền thông độc lập khác, nhóm tác giả thực hiện Tản Mạn Kiến Trúc gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện: “Như một điều hiển nhiên, dự án nào cũng ra đời trong một trạng thái cô độc, và những người thực hiện cũng có những giai đoạn mất cảm hứng và muốn bỏ cuộc. Tuy vậy, sự động viên không ngừng từ cộng đồng luôn giúp các thành viên tiếp tục công việc.”
Trong tương lai, Tản Mạn Kiến Trúc mong muốn thiết kế những chương trình thực địa dành cho cộng đồng, để mang cộng đồng đến với các không gian kiến trúc, vừa để cảm nhận vẻ đẹp của nó, vừa trò chuyện với những người sống trong công trình di sản. Đặc biệt, sự liên kết cộng đồng luôn là mục tiêu hàng đầu mà nhóm tác giả đề cao vì “chỉ có thể thực sự tạo ra những thay đổi tích cực khi suy nghĩ từ góc độ cộng đồng.”
Chúng tôi kết thúc buổi trò chuyện bằng một câu hỏi: "Mục tiêu cuối cùng các bạn đặt ra cho dự án là gì?" Trung Hiếu chia sẻ: “Sứ mệnh của Tản Mạn Kiến Trúc là lan tỏa tình yêu di sản và không có gì hạnh phúc hơn khi thấy thông điệp của chúng mình đã chạm được đến một ai đó.”
[Hình ảnh sử dụng trong bài do Tản Mạn Kiến Trúc cung cấp.]