Khi bàn đến các công trình kiến trúc nổi bật ở Sài Gòn, vòng đi vòng lại cuộc nói chuyện cũng sẽ xoay quanh một vài tòa nhà nhất định mà thôi.
Nếu hỏi một người làm marketing trong ngành du lịch về các công trình đẹp nhất thành phố, thì một hai thế nào họ cũng sẽ giới thiệu những tòa nhà thời Pháp thuộc mà quá nhiều người đã biết như: Trụ sở UBND thành phố, Bưu điện trung tâm, hay những căn biệt thự cổ ở Quận 3.
Trong khi đó, nếu gặp một người dân Sài Gòn am hiểu thành phố, thì có thể ta sẽ được dẫn đến những công trình độc đáo mang phong cách kiến trúc hiện đại chỉ có ở nước ta như Thư viện Khoa học Tổng hợp, Dinh Độc Lập hoặc chung cư 42 Nguyễn Huệ.
Phần còn lại thì cảm giác như công trình nào cũng như nhau cả: những dãy nhà ống mọc đầy quanh phố; các tòa cao ốc bê tông cốt thép với lớp vỏ kính ốp ngoài, kết cấu không mấy đặc biệt mới xây dựng trong khoảng chục năm trở lại đây; và những tòa nhà chung cư với hình dáng na ná nhau.
Thế nhưng, nếu quan sát kỹ hơn, thì ta sẽ thấy một màu sắc mới lạ đang dần dần xuất hiện trên bức tranh kiến trúc đô thị: đó chính là những công trình theo lối kiến trúc đương đại Việt Nam, với thiết kế tập trung đặc biệt vào ánh sáng tự nhiên và vật liệu thân thiện với môi trường, đi cùng là một không gian xanh mướt từ những cành lá sum suê.
Xu hướng thiết kế mới
Võ Trọng Nghĩa Architects có thể nói là studio nổi tiếng nhất hoạt động trong lĩnh vực này, với nhiều giải thưởng quốc tế qua các năm.
Một công ty khác cũng đang dẫn đầu phong trào thiết kế này là a21 do kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp sáng lập. Có thể bạn đọc đã thấy hai thiết kế nổi tiếng của công ty là khách sạn The Myst trên đường Hồ Huấn Nghiệp và Trung tâm hội nghị Gem Center trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cả hai đều tọa lạc tại Quận 1.
Tác giả đã có cơ hội gặp kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp tại văn phòng của a21 nằm trên một con hẻm ở Quận Bình Thạnh. Được làm chủ yếu từ các vật liệu tái sử dụng, nơi đây quả thật là một trong những không gian độc đáo nhất cả nước mà người viết đã từng đặt chân đến. Có thể thấy không gian văn phòng phản ánh rất rõ triết lý thiết kế của công ty.
“Chúng tôi nghĩ rằng tính bền vững không chỉ đơn thuần là một yếu tố thiết kế, nó còn là cách chúng ta đưa ra lựa chọn trong cuộc sống hằng ngày, thông qua các sản phẩm ta tiêu thụ, các vật liệu ta dùng để xây nhà và những biện pháp để giữ cho ngôi nhà luôn ở trong điều kiện tốt,” anh Hiệp chia sẻ. “Khi thiết kế những không gian sống này, thì chúng tôi luôn đi theo tiêu chí là làm một nơi mà bản thân mình cũng muốn ở.”
The Myst là thiết kế khách sạn đầu tiên của a21, và cũng là dự án lớn nhất của công ty từ trước tới giờ. “Lúc đó chúng tôi không biết gì về thiết kế khách sạn cả, nên nhóm đã nghĩ đến việc mình muốn sống ở đâu, trong một không gian như thế nào,” anh Hiệp giải thích. “Trong quá trình thiết kế, nhóm đã không nghĩ đến việc tạo dựng một thương hiệu, một hình ảnh hay một lời tuyên bố hùng hồn gì qua những thiết kế này, mà chỉ đơn thuần là muốn tạo ra một nơi mà ai cũng muốn đến ở, một công trình bám càng sát theo phong cách của công ty càng tốt.”
Ở bên phải là tòa nhà Hilton Hotel đang trong quá trình thi công. Ảnh: Alberto Prieto.
Thiết kế của khách sạn nổi bật với những vườn ban công xanh mát, cùng với một hành lang được trang trí bằng các kỷ vật lấy từ nhà máy đóng tàu Ba Son sau khi công trình này bị dỡ bỏ. (Chỉ tiếc là hiện tại toàn thể khách sạn đã bị tòa nhà Hilton đồ sộ kế bên che mất.)
Chị Trần Thị Ngụ Ngôn, nhà đồng sáng lập của Tropical Space, cũng tin vào tầm quan trọng của vật liệu tự nhiên trong thiết kế: “Chúng tôi muốn tạo ra một đường lối riêng cho công ty, nơi mà ta có thể triển khai những suy nghĩ về môi trường và xã hội hiện nay, đồng thời đưa ra những ý tưởng để cải thiện nó trong tương lai. Đó cũng là nguồn gốc của tên công ty.”
Chị Ngôn đã cùng với người đồng sáng lập của công ty là anh Nguyễn Hải Long mở một văn phòng tại Quận Tân Phú. Cùng nhau, cả hai đã tạo ra được nhiều công trình kiến trúc ở Việt Nam đạt được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có Nhà Tổ Mối nổi tiếng ở Đà Nẵng, lấy cảm hứng từ cách làm tổ đặc biệt của loài mối để tạo ra một không gian thoáng mát cho những ngày hè nóng nực.
“Chúng tôi muốn tạo ra những công trình kiến trúc phù hợp với khí hậu nhiệt đới, cũng như với văn hóa và cách sinh hoạt hằng ngày của những con người ở đây,” chị Ngôn cho hay. “Và cũng vì những lý do đó, mà chúng tôi đã quyết định sử dụng những vật liệu đơn giản như gạch và tre.”
Hành trình khẳng định giá trị
Chỉ cần một cái nhìn thoáng qua quang cảnh kiến trúc của Sài Gòn sẽ cho ta thấy rằng triết lý thiết kế này không thực sự phổ biến. Đa số các dự án của a21 và Tropical Space đều chỉ gói gọn trong các tòa nhà dân cư, thậm chí những thiết kế nổi tiếng nhất của KTS Võ Trọng Nghĩa vẫn chỉ tập trung ở các vùng ngoại thành và nông thôn.
Thế nhưng, những ý tưởng này đang dần dần thu hút được nhiều sự chú ý hơn.
“Chỉ mới năm năm về trước, nhu cầu xây nhà mới vẫn chưa cao như bây giờ,” chị Ngôn nói. “Vậy là trong khoảng thời gian từ hồi giải phóng đến khoảng gần năm năm trước, người dân Sài Gòn vẫn chưa biết mình muốn gì, và ta có thể thấy được điều đó qua những tòa nhà với thiết kế “thập cẩm,” lấy cảm hứng từ những phong cách kiến trúc khác nhau của nhiều nơi trên thế giới. Thế rồi vài năm gần đây, có một vài kiến trúc sư dám nghĩ dám làm đã tự xây nhà theo phong cách của riêng mình, điều đó đã thu hút được sự chú ý của tất cả mọi người, rồi ai cũng nghĩ: “Đúng rồi! Mình muốn một ngôi nhà như vậy.”
Thế hệ kiến trúc sư mới hiện đã có nhiều điều kiện trau dồi và thử nghiệm hơn trước, cùng với nguồn kiến thức và cảm hứng dồi dào, họ sẽ góp phần đưa nền kiến trúc đương đại của nước ta lên đến một đỉnh cao mới.
KTS Nguyễn Thanh Tân, CEO của D1 Architects, rất mong chờ điều này xảy ra. Triết lý thiết kế của công ty anh Tân đi sâu vào các điều kiện tự nhiên và giá trị văn hóa-đời sống của mỗi địa phương, thậm chí họ còn thuê thêm các nghệ nhân làm nghề thủ công truyền thống sinh sống gần công trình để tham gia vào dự án.
“Trước khi nhảy vào khâu thiết kế, thì nhóm sẽ nghiên cứu môi trường xung quanh công trình, đồng thời học hỏi thêm về khí hậu và thời tiết ở khu vực đó, rồi tìm hiểu về các loại vật liệu địa phương và những nghề thủ công còn tồn tại trong khu vực lân cận,” anh Tân trả lời Saigoneer qua cuộc gọi điện thoại. “Trong suốt cả quá trình xây dựng, chúng tôi sẽ liên tục suy nghĩ, cân nhắc về các vấn đề như độ bền và độ 'xanh' của vật liệu. Nhóm cũng cố gắng sử dụng những vật liệu có sẵn ở khu vực để tạo tính bền vững cho thiết kế.”
Mặc dù các kiến trúc sư nói trên đều mong rằng cách suy nghĩ này có thể trở nên phổ biến hơn, nhưng ai cũng biết rằng công việc xây dựng cần đến các khoản đầu tư. Vậy nên ai có vốn thì sẽ có khả năng quyết định diện mạo của Sài Gòn trong tương lai.
“Cách suy nghĩ đó sẽ lan rộng, nhưng mà nó cũng còn phụ thuộc vào các nhà đầu tư,” chị Ngôn chia sẻ. “Hiện tại những nhà đầu tư đang có suy nghĩ rằng khách hàng muốn những gì mà họ đang thiết kế, đang xây, và họ tìm đến thiết kế của những nước đang phát triển khác để tìm cảm hứng. Nhưng bây giờ càng ngày càng có nhiều công trình đề cao tính địa phương trong thiết kế, nên họ sẽ thấy và nhận ra rằng đây thực sự là thứ mà ai ở đây cũng sẽ muốn. Cuối cùng, những nhà đầu tư này sẽ phải thay đổi hướng nhìn một khi họ nhận ra rằng những gì mình đang làm không thực sự tốt cho xã hội hay môi trường.”
Anh Hiệp từ công ty a21 cũng có lời nhận xét về những thiết kế thông dụng bây giờ: “Từ những gì mà ta đang thấy, thì có vẻ như đa số người thiết kế dựa theo các trào lưu, đúng hơn là chỉ xây một tòa nhà nhìn từ bên ngoài rất đẹp, nhưng mà không thể nào gọi là đáng sống được. Mình không nghĩ là đã chính thức có một phong cách kiến trúc riêng của Sài Gòn hay của Việt Nam.”
Cảm hứng đến từ quá khứ
Nếu muốn tìm một phong cách thiết kế đậm chất Sài Gòn nhất từ trước tới giờ, thì chắc đó chỉ có thể là kiến trúc hiện đại được đề cập ở đầu bài viết, với những ví dụ điển hình trải dài từ các tỉnh thành ở miền Nam và lên đến tận Huế.
Bà Melissa Merryweather, giám đốc của công ty Green Consult-Asia và thành viên của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, mong rằng thế hệ kiến trúc sư trẻ có thể trau dồi cảm hứng từ văn hóa bản địa.
Bà Melissa trả lời qua email rằng: “Kiến trúc hiện đại giữa thế kỷ 20 (mid-century modernism) của Việt Nam không những vẫn rất thu hút sau nhiều thập kỷ, mà còn có thể chống chọi với điều kiện thời tiết ở đây nhờ những cấu trúc giúp chống nắng, chắn mưa, tản nhiệt và tạo tính thông gió cho công trình.”
Ngược lại, rất nhiều công trình mới xây dựng trong thời gian gần đây có mặt ngoài được làm hoàn toàn bằng kính, cho nên không thể chống chọi với cái nắng khắc nghiệt của Sài Gòn.
Tuy vậy, Melissa đã vui mừng khi thấy những thiết kế nhà ở của các studio trên.
“Các kiến trúc sư Việt Nam đằng sau những công trình này rất sáng tạo, họ luôn có những ý tưởng mới nhưng vẫn không quên các yếu tố giúp tản nhiệt và thông gió trong kiến trúc truyền thống,” Melissa chia sẻ. “Võ Trọng Nghĩa là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam thúc đẩy ý tưởng sử dụng tre trong các thiết kế hiện đại, và anh đã phát triển rất nhiều biện pháp để tăng tính bền bỉ của vật liệu này, từ đó tạo ra rất nhiều công trình đầy bất ngờ. Tre quả là một loại vật liệu tuyệt vời mà chúng ta nên dùng nhiều hơn.”
Dĩ nhiên là với tình hình hiện tại, khi mà Sài Gòn không còn bao nhiêu đất trống cho việc xây dựng, rất khó để nói những kiến trúc sư như Nguyễn Hòa Hiệp, Trần Thị Ngụ Ngôn và Nguyễn Thanh Tân có thể thay đổi diện mạo kiến trúc thành phố. Thế nhưng, một điều chắc chắn là vấn đề đó sẽ không cản trở những nỗ lực của họ.
“Nhiệm vụ của chúng mình là đảm bảo rằng mỗi dự án đều góp phần tạo nên bản sắc mới cho thành phố,” anh Tân chia sẻ. “Chúng mình muốn xây dựng một thành phố có hồn, có sức sống, vì đó là điều mà nước ta đang thiếu.”