Vậy là Việt Nam vừa có thêm hai khu dự trữ sinh quyển của thế giới nằm ở Ninh Thuận và Gia Lai.
Gần đây, UNESCO vừa chính thức công nhận Vườn quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận và Cao nguyên Kon Hà Nừng ở Gia Lai là hai khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Trong khuôn khổ cuộc họp của Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển (CIC-MAB) diễn ra từ ngày 13-17/9 tại Nigeria, 20 địa điểm mới đã được xem xét để công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Năm nay, các địa danh mới nằm ở Canada, Pháp, Ý, Kazakhstan, Malaysia, Peru, Nga, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thái Lan và Uzbekistan.
Các khu dự trữ sinh quyển mới được xem xét và công bố thường niên nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học. Với hai địa danh mới được công nhận, Việt Nam có tổng số 11 khu dự trữ sinh quyển của thế giới, là nước có số lượng khu dự trữ lớn thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia với 19 khu.
Theo trang tin của Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thuộc Tổng cục Môi trường, Vườn quốc gia Núi Chúa có diện tích lên tới 20.000ha, hội tụ các địa hình rừng, biển và bán sa mạc.
Đây là môi trường sống của trên 1.500 loài thực vật, 330 loài động vật có xương sống trên cạn, 84 loài động vật có vú, 163 loài chim và 83 loài lưỡng cư và bò sát. Đặc biệt, vườn quốc gia hiện đang bảo tồn loài chà vá chân đen đặc hữu của Việt Nam. Ngoài ra, khu vực sát bờ biển Ninh Thuận còn là nơi chào đón các loài rùa biển về sinh sản hằng năm, trong đó có đồi mồi dứa, đồi mồi, vích và rùa da.
Cao nguyên Kon Hà Nừng với diện tích lên tới 65.000ha bao gồm các vùng trọng điểm của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và diện tích rừng trải dài các huyện, thị Đak Đoa, Kbang, Mang Yang, An Khê... Hệ sinh thái này là nơi sinh sống của hàng trăm loài động thực vật, trong đó có loài chà vá chân xám quý hiếm.
[Ảnh bìa: Vườn quốc gia Núi Chúa/Hoileonui]