WildAct, một tổ chức phi chính phủ về môi trường ở Việt Nam, vừa được trao giải thưởng Future Conservationist từ Chương trình Conservation Leadership, cho dự án bảo tồn bốn loài chim di cư có nguy cơ tuyệt chủng ở đồng bằng sông Hồng.
Giải thưởng này trị giá 15.000USD (340 triệu VND), nhằm vinh danh "các nhà bảo tồn mới hoạt động và đang tiến hành các dự án có độ ưu tiên cao, tập trung vào các loài được liệt kê là Thiếu dữ liệu, Sắp nguy cấp, Nguy cấp hoặc Cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN)."
Dự án có sự tham gia trực tiếp của nhiều cộng đồng cư dân ở vùng đồng bằng sông Hồng; cụ thể là ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, và Ninh Bình. Các loài chim ở khu vực này phải đối mặt với nhiều mối đe dọa bao gồm môi trường sống bị phá hủy, săn bắt, ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Là một phần của Đường bay Đông Á- Úc Châu, Việt Nam là điểm dừng chân và nơi cư trú quan trọng của nhiều loài chim di cư, trong đó WildAct chọn ra bốn loài làm đối tượng cho dự án là cò trắng, mòng biển, cò mỏ thìa, và dẽ mỏ thìa. Mỗi loài đều có sự sụt giảm số lượng đáng kể trong những năm gần đây.
Tổ chức sẽ trang bị kiến thức và đồng hành cùng cộng đồng địa phương tham gia vào việc quản lý hệ sinh thái thông qua các hoạt động: xác định các điểm săn bắt, khảo sát thợ săn trong vùng để tìm hiểu suy nghĩ và cách đi săn của họ, tổ chức các cuộc hội thảo với cư dân và thành lập Ủy ban Bảo tồn Địa phương và Đội Bảo tồn Cộng đồng.
Đội Bảo tồn đặt mục tiêu loại bỏ ít nhất 150 bẫy chim trong khu vực trong vòng hai tháng.
Trao đổi qua email với Saigoneer, chị Nguyễn Thị Thu Trang, người sáng lập WildAct, cho biết chị và cả nhóm rất vinh dự khi biết về giải thưởng: "Không giống như các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn khác ở Việt Nam, WildAct hiện là tổ chức duy nhất do phụ nữ điều hành. Các thành viên trong nhóm đều còn rất trẻ, người lớn tuổi nhất chỉ mới 33 tuổi. Việc nhận được một giải thưởng nổi tiếng như giải thưởng của Conservation Leadership khiến chúng tôi vô cùng vui mừng."
Trang cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn các loài chim vì chim thường không được chú ý nhiều bằng các loài nổi tiếng hơn, cả ở Việt Nam lẫn trên toàn cầu.
Trang cho biết: “Tôi nghĩ rằng mọi người quan tâm nhiều hơn đến các loài động vật có vú, đặc biệt là những loài được xem là 'dễ thương.' Con người cũng cảm thấy gần gũi với động vật có vú hơn là chim và động vật biển. Điều này thật đáng buồn vì các loài chim thật sự rất tuyệt vời. Chúng là loài khủng long còn sống đến tận bây giờ, chúng xuất hiện ở mọi môi trường trên Trái đất, có vô số hình dáng, màu lông và kích cỡ. Và cũng giống như nhiều loài khác, chim di cư đang bị đẩy tới nguy cơ tuyệt chủng.”
Với cách thức hoạt động đặc biệt của WildAct, người dân địa phương được trực tiếp tham gia công tác bảo tồn và được hướng dẫn những thông tin và phương pháp cần thiết.
“Đội Bảo tồn Cộng đồng sẽ toàn là người dân địa phương, họ trực tiếp hỗ trợ kiểm lâm tuần tra và gỡ bẫy chim, đồng thời tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức trong cộng đồng để khuyến khích người dân ngừng săn bắt chim,” Trang giải thích.
Độc giả có thể tìm hiểu thêm về cách hoạt động của tổ chức qua video dưới đây:
Thêm một tin vui cho Trang là cuốn sách Saving Sorya: Chang and the Sun Bear của cô phát hành đầu năm nay đã được xướng tên là một trong hai tác phẩm đoạt Giải A Sách Quốc gia năm 2021 vào ngày 12/11 vừa qua.
[Ảnh bìa: Dẽ mỏ thìa. Ảnh chụp bởi Gerrit Vyn/Audubon.]