Saigoneer đặt chân đến công xưởng của PLASTICPeople vào một chiều thứ Sáu giờ tan tầm. Khắp hai bên đường đi là những bụi cây, xen lẫn với đá vụn, và tất nhiên, rất nhiều rác, như thể vũ trụ đang chuẩn bị chúng tôi cho những gì sắp thấy.
Câu chuyện về nhựa ở Việt Nam tồn tại những con số đáng buồn, ví dụ như: chúng ta đau đầu vì liên tục lọt top các quốc gia xả thải nhiều nhựa nhất, nhưng không có nhiều động thái và nỗ lực ở diện rộng để xử lý ngọn nguồn của vấn đề này. Theo một báo cáo của IFC, người Việt đã tiêu thụ gần 3,9 triệu tấn nhựa trong năm 2020, với hơn 2,62 triệu tấn bị vứt bỏ. Các loại nhựa không được thu gom hoặc không đủ tiêu chuẩn thu gom buộc phải chấp nhận số phận trở thành “nhựa mồ côi,” không được tiếp nhận bởi các nhà máy tái chế, bị chôn lấp ở bãi rác tới cả trăm năm, hoặc tệ hơn là trôi dạt ra môi trường và gây nguy hiểm cho cả hệ sinh thái.
PLASTICPeople — một doanh nghiệp và tổ chức xã hội — đã được thành lập như một lời đáp trả cho vấn đề khẩn thiết này. Cách đây ba năm, nhà sáng lập của PLASTICPeople, Nestor Catalan, đã từ bỏ công việc trong ngành quảng cáo để chu du thế giới, mang theo hi vọng sẽ làm nên điều khác biệt với khả năng và đam mê của mình. Ngày anh đặt chân đến Việt Nam, tâm niệm ấy của anh đã được đánh thức khi anh nhận thấy tình hình rác nhựa tồn đọng tại đây.
Mong muốn mang đến một giải pháp thiết thực hơn những nhà máy phế liệu vốn đã hoạt động quá công sức, Nestor bắt đầu nhen nhóm một dự án của chính bản thân để xử lý rác thải nhựa hiệu quả hơn. Như một mối duyên tình cờ, anh đã gặp được người đồng đội Nano Morante qua một nhóm bạn chung. Nano là một người có kinh nghiệm sống đa dạng, cũng đã từng sinh sống tại nhiều quốc gia, và quan trọng là có một mối quan tâm đặc biệt đến môi trường.
Cùng nhau, họ đã bắt tay vào nghiên cứu một quy trình tái chế nhựa từ những tài nguyên hạn hẹp mà mình có được. Từ hai chiếc máy nung và ép nhựa để nhờ trong khuôn viên của một trường quốc tế, Nestor và Nano đã tạo ra những tấm nhựa ép đầu tiên. Từ các túi ni lông và hộp giấy đủ màu, hai người cầm trên tay thành quả là tấm ván sẫm màu, nổi vân đẹp mắt hệt như đá tảng, khiến họ vui mừng đến mức chạy khắp nơi để “khoe” với tất thể bạn bè và người quen.
Dần dần, thấy được tiềm năng của dự án, hai người đã nâng cấp “phòng thí nghiệm” của mình thành một nhà máy và công ty thực thụ — lấy tên là PLASTICPeople để thể hiện tầm nhìn: Cách con người dùng nhựa đã tạo nên vấn đề, nhưng cách con người xử lý nhựa cũng là giải pháp.
Nguồn nguyên liệu mà PLASTICPeople sử dụng đến hoàn toàn từ các nguồn rác thải sinh hoạt và sản xuất thường ngày, được nhặt nhạnh về nhà máy bởi hệ thống thu gom ve chai đắc lực, hoặc được gửi bởi các tổ chức, trường học, công ty và bất kỳ ai muốn đóng góp nhựa.
Thay vì chỉ xử lý những chất liệu thông dụng như PET và HDPE, đội ngũ tiếp nhận tất cả những loại nhựa “mồ côi” như vỏ bánh kẹo, hộp xốp, ống hút, đến bao bì dư thừa từ các nhà máy. Bên cạnh đó, điểm khác biệt lớn nhất của PLASTICPeople so với những dự án khác là khả năng tạo ra những thành phẩm hoàn thiện, có tính thẩm mỹ, kinh tế và ứng dụng cao cho các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp.
Các sản phẩm thường bước ra từ công xưởng của PLASTICPeople có thể là bất cứ gì, từ nội thất tối giản mang cảm hứng đương đại hay vật liệu xây dựng như mái tôn và trụ, cột; sản phẩm gia dụng như chiếc lót cốc; hay cả chất liệu thô để các khách hàng có thể tự quyết định. Danh mục dự án của PLASTICPeople ghi tên những đơn vị nổi bật, trong đó phải kể đến những lần kết hợp với Wink Hotels, Chocolate Marou, Rice Creative, v.v.
Dự án khiến đội ngũ phải đau đầu nhất cũng chính là dự án làm họ tự hào nhất là lần hợp tác sản xuất nội thất cho Pizza 4P's Đà Nẵng. Nano nhớ lại: “Đây là chi nhánh mới, nên khách hàng đã đặt nhiều kỳ vọng vào chất lượng cũng như vẻ ngoài của sản phẩm. Chúng tôi phải xử lý những cấu trúc nặng đến 340kg, và lắp ráp đến hàng trăm mảnh ghép khác nhau. Không may là một số tính toán của chúng tôi chưa chuẩn xác, khiến độ dài của các mảnh bị chênh lệch và cần chỉnh sửa nhiều. Có những ngày chúng tôi phải làm đến 3 giờ sáng, và khi công ty vận tải đã đến nhà máy để lấy hàng, chúng tôi trễ nải đến mức tận 8 tiếng sau họ mới rời đi được.”
Cũng nhờ những thiết kế tối sáng tạo và thể hiện thông điệp tốt bù lại những chậm trễ trong sản xuất, đội ngũ cũng đã làm hài lòng được khách hàng khó tính. Sự hợp tác thành công với thương hiệu lớn này cũng mở đường cho PLASTICPeople tiếp cận với những đối tác tầm cỡ.
Có ý kiến cho rằng, công nghệ tái chế nhựa hiện đại sẽ khiến một số người bị ỷ y, sử dụng nhựa một cách bừa bãi với tâm thế “dù sao cũng có thể tái chế được.” Phản hồi lại quan điểm này, Nestor và Nano đều nhận định rằng việc sử dụng nhựa là điều khó tránh khỏi trong nền kinh tế tuyến tính như hiện nay, và dù có PLASTICPeople hay không thì mức tiêu thụ nhựa cũng không thể giảm thành 0.
“Vì thế chúng tôi phải làm việc ở ‘nhiều mặt trận’ khác nhau. Một mặt là tiếp tục tái chế rác thải thành sản phẩm hữu dụng, mặt khác là tổ chức các workshop với cộng đồng và trường học để giúp mọi người tự nhận thức và giảm thiểu hành vi tiêu dùng nhựa của mình.”
Nhìn từ ngoài, công xưởng rộng lớn của PLASTICPeople trông có vẻ không có gì khác biệt, thậm chí có phần nhàm chán so với những sản phẩm mà họ tạo ra. Nhưng bên trong, có một quá trình độc đáo đang diễn ra tất bật. Nếu có dịp đến thăm nơi này, bạn sẽ thấy ở ngay cổng chào là một kho rác đúng nghĩa, hệt như những gì chúng ta có bắt gặp trên đường đi. Nhưng qua bàn tay sáng tạo và tử tế, chúng được sắp xếp, làm sạch và phân loại gọn gàng, sẵn sàng cho hành trình tái sinh thành những sản phẩm thẩm mỹ, đa công năng và mang theo những thông điệp giàu cảm hứng về môi trường.